Chúa Giáng Sinh mở ra những nẻo đường về

Ngày 25.12 năm nay là một ngày đặc biệt của bà con các sóc vùng Thanh An.  Bà con tìm về bên máng cỏ để cùng nhau hát vang bái ca Giáng sinh, hòa chung tiếng hát của các thiên thần và muôn dân nước.

Ngôi giáo đường Thanh An, một thời đã trở thành thân thương lắm. Cứ mỗi mùa Giáng Sinh, ngắm nhìn Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ, mọi người thấy lòng mình bừng sáng, không phải ánh sáng của những ngọn đèn chớp xanh đỏ, mà là ánh sáng của Ngôi Lời Thiên Chúa, mang hình hài một hài nhi, đã bước vào trong cảnh đời của họ: Người đã đến nhà mình, làm cho mái nhà họ đang sống trở thành mài nhà của Thiên Chúa ở cùng chúng ta.

Thế nhưng rồi những năm tháng tiếp theo, con đường về nhà thờ mọc đầy cỏ dại, làm cho họ ngại ngùng, và những người có nhiệm vụ chăm sóc dẫn dắt  lâu dần không nhận ra lối vào. Nhiều người cứ nghĩ rằng  dịch bệnh COVID cũng đã góp phần gây ra nông nỗi này.

Một ít người trong số bà con đã lãnh nhận bí tích rửa tội, nhưng một khi cỏ dại bít lối thì biết đi đâu bây giờ.  Những ngôi nhà trong làng đêm đêm tập trung đọc kinh cầu nguyện thì cứ thưa dần, các trẻ em không người dạy giáo lý… cho đến một ngày, ngôi giáo đường thân thương cũng trở nên xa lạ với hầu hết bà con.

Mùa Giáng Sinh năm nay khác hẳn, anh chị em trong giáo xứ Thanh An đã bảo nhau theo chân sứ thần Thiên Chúa,  đi vào tất cả các làng chung quanh, mời gọi bà con về lại ngôi giáo đường thân thương thuở nọ, họp mừng Con Thiên Chúa Giáng Sinh: từ sóc Dầm, tới Bù Dinh, qua sóc Lồ Ô rồi sóc Mới, những con người cùng với những con đường xa lạ và có hơi xa xôi, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn ngủi, đã trờ thành thân quen,

Câu chuyên Con Thiên Chúa giáng sinh lại được mọi người kể cho nhau nghe :

Chuyện một đêm đông “…Khi hai Ông Bà đang ở đó, thì bà Ma-ri-a đã tới ngày sinh, Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ.”

Tại sao lại là chuồng bò chứ không phải một mái nhà êm ấm?

Câu hỏi tại sao tiếp nối một chuỗi những câu hỏi tại sao: theo như lời Thánh Kinh thì Đấng Cứu Thế phải sinh ra ở Belem, nhưng tại sao Thiên Chúa lại tuyển chọn một trinh nữ ở Nagiaret, rồi phải chọn trúng thời điểm không mấy thuận lợi để đưa nàng về Belem. Giữa dòng người đổ về theo lệnh kiểm tra dân số của hoàng đế thì tìm đâu ra chỗ trong nhà trọ để người mẹ trẻ sinh con, và cuối cùng chỉ còn cách đưa nhau tới một chuồng bò giữa cánh đồng hoang vắng,

Một loạt những câu hỏi tại sao được giải đáp ngay trong lời kinh của Con Thiên Chúa khi cất tiếng khóc chào đời phận người  :

“Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể.6 Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội.7 Bấy giờ, con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con” (Dt 10,5-7).

Thì ra, chính Thiên Chúa Cha đã muốn con mình sinh ra ngay giữa chốn tận cùng của phận người:

Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật…

“Bỗng sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu tỏa chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng. Nhưng sứ thần bảo họ: “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một Tin mừng trọng đại, cũng là Tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em.

Họ liền hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ. Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này. Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên.”

Chuyện đã gây ngạc nhiên cho nhân loại suốt hai ngàn năm qua…

Và hộm nay, trong khuôn viên  nhà thờ Thanh An, ngày mừng Con Thiên Chúa giáng sinh, mọi người ngạc nhiên khi thấy bà con Stiêng từ các làng chung quanh cứ lần lượt đổ về, bắt đầu từ 6.00 giờ chiều, giờ học sinh tan trường kịp đến nhà thờ cùng với gia đình, có tới gần 300 người lớn bé già trẻ, vui lắm! Đặc biệt các nhóm thiếu nhi phụ trách phần ca múa và hoạt cảnh, lần đầu tiên lên sân khấu, e lệ và ngỡ ngàng.

Vì đây là buổi tối dành riêng cho bà con Stiêng, vì thế mở đầu phần văn nghệ là đội đồng chiêng khách mời với giai điệu Mừng Giáng Sinh, tiếp theo là các vũ điệu cao nguyên đại diện của từng sóc góp mặt đêm nay.

Trong phần hoạt cảnh,

Đơn giản là cùng ngồi kể chuyện cho nhau nghe, và nghe kể chuyện.

Những câu chuyện về cuộc sống hằng ngày, về ông bà tổ tiên của đồng bào ta từ xa xưa, cho tới cùng là tổ tiên loài người qua hoạt cảnh Adam Evà, từ đó đưa nhau về lại cuộc sống hằng ngày là gặp gỡ, ăn uống, làm việc :

Từ nhà ra tới đường là trẻ em, trai gái, những mái nhà, nương rẫy, sông suối, rừng xanh,

Ông bà xưa đâu đâu cũng bắt gặp khuôn mặt vô hình là Thiên Chúa – Brah Ưn- suối nguồn tình yêu – luôn nâng đỡ, dẫn dắt, chở che, giúp sức để nhà nhà vui sống và làm việc.

Những câu chuyện kể chiều nay là việc Thiên Chúa luôn tìm đến với con người và ở với con người, cũng vì Thiên Chúa vô hình mà người có mặt khắp nơi, người luôn đi trước và ở với từng người mọi nơi mọi lúc. Cha ông xưa thì luôn nhớ Thiên Chúa ở kề bên: vì thế làm mọi việc với tình yêu mến, sống chia sẻ, chan hòa, chứ không ích kỷ, nóng nảy, kiêu căng, vô độ.

Hoạt cảnh tiếp theo là những bước đi sai lầm của con người :

Từ dòng lịch sử của con người bao gồm những bước đi khởi đầu là nép mình trong vòng tay Thiên Chúa, với lòng biết ơn và cảm mến. Tiếc thay, con người tiếp đó đã tự viết lại lịch sử đời mình, dửng dưng và vô tình, gây cho nhau bao thảm họa.

Tuy nhiên, Thiên Chúa của lòng thương xót không đành bỏ mặc cho sự chết thống trị. Từ đó, lịch sử con người qua mọi thế hệ cho đến hôm nay là chuyện của lòng thương xót Thiên Chúa :

“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã trao ban Con Một, Đức Giêsu Kitô, để ai tin vào Con của Người thì được sống. Từ đây, lịch sử nhân loại mang một khuôn mặt mới: Khuôn mặt của Con Thiên Chúa làm người và ở cùng chúng ta.”

Thế là giữa cảnh đời của bà con vùng sâu vùng xa đêm nay, Con Thiên Chúa đã mở ra cho mọi người một nẻo đường về: bà con họp nhau múa hát, sau đó rước kiệu Chúa Hài Đồng từ hang đá vào nhà thờ và cùng nhau vây quanh bàn tiệc thánh, đón nhận Con Thiên Chúa đã trở thành tấm bánh bẻ ra cho nhân trần.

Cuộc họp mặt kết thúc bằng bữa cơm chung, có món thịt heo cuốn bánh tráng, cùng với  bún măng, do giáo xứ thiết đã do giáo xứ thiết đãi. Đặc biệt có thêm món xôi vò với chén chè bà ba do một nhóm chị em từ thành phố nấu đem tới. Ăn xong, mọi người đã có xe chờ sẵn đưa về làng, hẹn gặp nhau vào đêm Lễ Phục Sinh, bên dòng suối thanh tẩy.

Cũng như đoàn mục đồng năm xứa, hối hả đến rồi vội vã về lại nhà. Thế nhưng, những mái nhà hôm nay sao trông khác lạ: vì đã trờ thành nhà của Thiên Chúa ở cùng chúng ta.

Tuy nhiên, ngay tại vùng này, vẫn có những ngôi làng đang còn lạc lõng bơ vơ…

Ngay tại các thành phố lớn thì sao?

Còn đó những con người cô đơn trong những căn nhà heo hút; những con ngưới lang thang cơ nhỡ ngủ ngoài đường; những người phải thức đêm lượm ve chai, dọn vệ sinh; những  trẻ em ung thư, những người yếu đau phải nằm lại  bệnh viện…

Chúa Giáng Sinh đang giang tay đợi họ.

Thế nhưng, có bao nhiêu người đã gặp được sứ giả của Thiên Chúa đến bên họ, ôm ấp họ trong vòng tay nồng ấm. Có nhiều cách để loan báo Tin Mừng Giáng Sinh, chẳng hạn như đêm 24.12 vừa qua, trong một góc phố, có 2 chị em nhà kia, cùng với các con nhỏ, sắp sẵn 100 phần quà trên 2 xe máy, đi trao tận tay từng người cơ nhỡ trên hè phố, nhắn gửi từng người :

“Hôm nay Con Thiên Chúa đã sinh ra cho ÔNG, cho BÀ, cho ANH, cho CHỊ, cho chúng ta”

Các sứ giả của Chúa Giàng Sinh hôm nay là ai, nhiều lắm, là tất cả những người đã lãnh nhận bí tích rửa tội và được sai đi… Những người đêm nay lên đường và mãi mãi lên đường, hát vang bài ca của muôn cơ binh thiên thần, hát cho từng phận người, để mọi người cùng hòa chung câu hát :

“Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho lòai người Chúa Thuong”.

Đa Minh Trần Văn Tân, SJ.

Kiểm tra tương tự

Lời cầu nguyện đầu năm học mới

Bạn muốn bắt đầu năm học mới đúng nghĩa? Lời cầu nguyện sau đây có …

10 Ý tưởng giúp các mẹ nạp lại năng lượng

Làm mẹ không bao giờ dễ dàng. Dưới đây là những ý tưởng từ những …