Hiệp nhất qua khoảng cách – Yêu thương trong khác biệt

HIỆP NHẤT QUA KHOẢNG CÁCH, YÊU THƯƠNG TRONG KHÁC BIỆT:

Phác thảo nền tảng thần học cho khái niệm hoà giải, dựa trên suy tư của H.U. Balthasar

Hans Urs von Balthasar - Wikipedia
Hans Urs von Balthasar (1905-1988)

Tác giả: Lm Fx. Nguyễn Hai Tính, S.J.

Kính thưa quý độc giả,
Một trong những dấu chỉ của thời đại m chúng ta
đang sống l ảnh hưởng trầm trọng của đại dịch Covid-19 trên ton thể mọi quốc gia và cuộc chiến tranh giữa Nga và Ucraina. Thêm vo đ, thời sự quốc tế cho thấy những căng thẳng giữa các cường quốc đang dâng cao cùng với những xung đột giữa họ trong cách thức giải quyết các vấn đề liên quan đến môi trường, kinh tế, chính trị, quân sự v sắc tộc. Trong một thế giới với đầy những xung đột vcăng thẳng như thế thì hoà giải l một nhu cầu cấp bách cần được thực hiện.

Chắc chắn ho giải chỉ l một cách ni tổng hợp trong một tiến trình di của đức tin, vốn được xây dựng từ nhiều hnh vi v hoạt động khác nhau, nhưng đồng thời ho giải mở ra một cách thức hiện hữu Ki-tô giáo mới, như lời đáp trả của Thiên Chúa trên những mối tương quan m con người được đặt vo.

Chúng tôi hân hạnh giới thiệu một số bài viết trong Hợp Tuyển Thần Học 53 đến quý vị v cầu chúc quý vị nhận được nhiều soi sáng bổ ích từ những nghiên cứu ny.

————————————————————-

1.   Đôi nét về lịch sử của thần học hoà giải

Các tổng hội gần đây của Dòng Tên đã xác định hoà giải là sứ vụ quan trọng của Dòng trong thời đại này. Điều này có lẽ dễ hiểu khi chúng ta ý thức tình trạng phân cực thái quá, nhiều khi trong thế đối kháng và loại trừ khốc liệt, giữa các thế lực khác nhau, cả về chính trị, ví dụ giữa Mỹ và Nga, Iran, Trung Quốc, về văn hoá, ví dụ giữa văn hoá Tây phương vốn đang khẳng định vị thế toàn cầu và các văn hoá bản địa, về địa lý như là giữa Đông và Tây hoặc giữa thế giới Tây Âu và thế giới Ảrập, và cả về chủng tộc, tôn giáo và vô tôn giáo lẫn những căng thẳng về lịch sử.

Như vậy, khi nói về hoà giải ngày nay, ta thường nghĩ ngay đến tương quan giữa người với người. Tuy nhiên, trong phần lớn lịch sử của mình, thần học Ki-tô giáo đã bàn về hoà giải trong mối tương quan của con người với Thiên Chúa, qua trung gian Đức Ki-tô, mà cụ thể là tìm hiểu xem cái chết và sự Phục sinh của Đức Ki-tô đã hoà giải con người với Thiên Chúa như thế nào. Chính vì thế mà thần học về hoà giải thường hay bàn về các khái niệm như đền tội, đền bù thoả đáng, xá tội, v.v. Các khái niệm trên nói lên chiều kích thiêng liêng, cá vị của cứu độ học. Nói cách khác, thần học về hoà giải từ trước đến giờ nhấn mạnh đến “chiều dọc” hơn là “chiều ngang” của sự hoà giải.

Mãi tới thế kỷ XIX, một số thần học gia, nổi bật là Albert Ritschl (1822-1889) và Walter Rauschenbusch (1861-1918), mới gợi ý mở rộng thần học hoà giải theo hướng luân lý và tác động xã hội[1]. Họ cho rằng thần học cần phải quan tâm đến các vấn đề xã hội, cũng như cho rằng tín điều và luân lý phải đi đôi với nhau. Theo đó, thần học về hoà giải cần vượt qua việc chỉ nhấn mạnh đến chiều kích thiêng liêng và cá vị mà cần bao hàm cả chiều kích luân lý và xã hội của ơn cứu độ nữa. Từ sau công đồng Vatican II, “chiều ngang,” tức chiều kích xã hội và luân lý của hoà giải càng được nhiều người bàn luận rộng rãi hơn.[2]  Cho tới nay, nhiều tác giả cũng đã bàn về điều này, và một thần học hoà giải mang tính xã hội đã dần được định hình với những nét chấm phá căn bản. Ở đây chúng tôi xin trình bày sơ lược một số nét căn bản đó trước khi đi vào phần chính của bài viết liên quan đến việc khảo sát nền tảng thần học của một đặc tính của khái niệm hoà giải.

Các nhà thần học gần đây đã ít nhiều thống nhất với nhau về một số nét chính yếu của thần học về hoà giải; theo đó, hoà giải nhất thiết phải có chiều kích thần linh và chiều kích xã hội.[3]   Theo họ, hoà giải trước hết phải là công trình của Thiên Chúa, Đấng đi bước trước, hoà giải con người với chính Ngài và qua đó, hoà giải họ với nhau, qua trung gian Đức Ki-tô. Chính mầu nhiệm Thập giá và phục sinh của Đức Ki-tô thánh hoá và cung cấp ý nghĩa cho những đau khổ của những con người cần hoà giải. Mọi nỗ lực hoà giải giữa người và người đều phải phát xuất từ và được thúc đẩy bởi xác tín thần học này. Kế đến, cũng nhất thiết không kém, hoà giải với Thiên Chúa bao hàm và dẫn đến hoà giải với anh chị em đồng loại.

Sau đó, các nhà thần học tìm cách xác định nội hàm của khái niệm hoà giải bằng các câu hỏi thế nào là hoà giải giữa người với người; một mối tương quan cần có những đặc tính gì thì được coi là đạt được tình trạng hoà giải, v.v. Một cách tương đối, họ đã thống nhất được là hoà giải bao hàm các khái niệm như chân lý, công bình, tha thứ, hoán cải.[4] Điều này có nghĩa là để có hoà giải, nhất thiết những người liên quan phải thao thức đi tìm chân lý và thừa nhận chân lý về chính mình cũng như về người khác. Ví dụ, họ cần nhận ra những đau khổ họ đã gây ra cho người khác, đồng thời họ ý thức cũng như chấp nhận sai lỗi của mình. Thứ đến, sự hoà giải giả thiết phải có sự công bình, tức là những ai làm lỗi thì phải bị phạt hoặc đền, người bị hại cần được bù đắp. Tiếp đến, trước khi có hoà giải giả thiết phải có sự tha thứ lẫn nhau, giữa người gây hại và người bị hại. Cuối cùng, những người liên quan phải hoán cải, thay đổi cách nhìn, cách nghĩ, cách cảm nghiệm thì mới có được kinh nghiệm mới của sự hoà giải.

Một số tác giả muốn thay hai khái niệm cuối bằng những khái niệm lòng thương xót và hoà bình. Nhưng tựu trung, họ đều nhất trí rằng những giá trị làm nên hoà giải có thể được chia thành hai phạm trù: giải phóng và chữa lành. Hai giá trị đầu (chân lý và công bình) diễn tả chiều kích giải phóng của hoà giải, giải thoát con người khỏi đau khổ do bất công gây ra; hai giá trị sau, – tha thứ và hoán cải, hoặc lòng thương xót và hoà bình-, diễn tả chiều kích chữa lành của hoà giải, hàn gắn những vết thương của những người liên quan. Các thần học gia cho rằng, cần phải có giải phóng thì mới có chữa lành, và ngược lại, dù với mức độ nặng nhẹ khác nhau tuỳ bối cảnh.

Cuối cùng, thần học hoà giải mang chiều kích cánh chung, tức là hoà giải chỉ thực sự thành tựu khi Thiên Chúa trở nên mọi sự ở trong mọi người và mọi loài (1Cr 15,28).[5] Điều này có nghĩa rằng chúng ta cần nỗ lực không ngừng trong việc hoà giải mà không thất vọng vì những thất bại hay dang dở trong kết quả đạt được. Dấn thân vào các hoạt động hoà giải với niềm hy vọng, Ki-tô hữu xác tín thành quả viên mãn cuối cùng của hoà giải chỉ có thể do Thiên Chúa mang lại, vào lúc Ngài muốn.

Tóm lại, thần học hoà giải ngày nay, ở chiều kích xã hội và luân lý, mang một số nét căn bản như những điểm chúng tôi đã nhấn mạnh bằng in đậm ở trên: hoà giải có đặc tính thần học, tức đến từ Thiên Chúa, ngang qua cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Đức Ki-tô; hoà giải bao hàm các giá trị của giải phóng và chữa lành như chân lý, công bình, tha thứ và hoán cải; hoà giải có đặc tính cánh chung, và vì thế khơi gợi hy vọng cũng như là kết quả của hy vọng.

2.  Vấn nạn

Sau khi đã tìm hiểu sơ lược lịch sử của các bàn luận thần học về sự hoà giải, cũng như những nét chính yếu của một bàn luận như thế ngày nay, chúng ta cùng đi vào phần chính của bài viết này. Trong những bài viết ở các số gần đây của Hợp Tuyển Thần Học từ số 49 đến số 52, chúng tôi bận tâm đến việc đặt nền cho những bàn luận thần học về các chủ đề khác nhau,[6]   và như chúng tôi đã có dịp đề cập ở bài viết về lòng thương xót, rất cần thiết phải xác định khái niệm khi bắt đầu một bàn luận thần học về khái niệm đó.[7]  Trong cùng một hướng đi như thế, ở bài viết này, chúng tôi cũng cố gắng phác thảo sơ lược nền tảng thần học cho chính khái niệm hoà giải, dựa vào các suy tư thần học của Hans Urs von Balthasar.

Như trên đã nói, Dòng Tên chọn hoà giải như sứ mạng quan trọng để hàn gắn những xung đột và chia rẽ trong thế giới ngày nay. Vấn nạn đặt ra là tại sao chúng ta lại nói về hoà giải, chứ không phải các khái niệm tích cực khác như yêu thương, hiệp nhất, đoàn kết, tha thứ, v.v., như là liều thuốc chữa tình trạng tiêu cực của chia rẽ, đối kháng và loại trừ? Phải chăng chỉ có hoà giải mới làm được điều mà yêu thương, hay hiệp nhất, hay đoàn kết, hay những đức tính khác không thể làm? Chắc hẳn, hoà giải không phải là khái niệm mang tính loại trừ, nhất là loại trừ các khái niệm khác liệt kê ở trên, nhưng đặt câu hỏi như thế sẽ giúp ta nhận ra tính đặc thù của khái niệm hoà giải.

3.  Nét đặc thù của khái niệm hoà giải

Từ nguyên trong ngôn ngữ Latinh re-conciliare của từ hoà giải[8]   bao gồm tiếp đầu ngữ re có nghĩa “tái”, “lại” và động từ conciliare có nghĩa “đến với nhau”, “tụ họp nhau”. Như vậy, reconciliare nói lên việc tái thiết lập sự hiệp nhất của các đối tượng đang tách rời nhau. Mà tái thiết lập hàm ý rằng trước khi tách rời nhau, các đối tượng đó đã từng hiệp nhất với nhau. Nói cách khác, ngay trong từ nguyên của mình, hoà giải đã nói lên sự căng thẳng giữa hiệp nhất và khoảng cách; hoà giải hàm ý rằng các đối tượng của nó, vốn hiện đang xa cách nhau, nhưng về cơ bản, hay tự thâm sâu, là thuộc về nhau. Hoà giải chỉ xảy ra giữa các đối tượng đang xa cách nhau, nhưng đã từng hiệp nhất với nhau; hoặc nói cách cường điệu hơn, ta chỉ nói về hoà giải khi nói về các đối tượng mà về mặt nguyên tắc (de iure) hoặc do bản chất là hiệp nhất với nhau, nhưng thực tế (de facto) lại đang xa cách nhau.

Trong ngôn ngữ thường ngày cũng vậy, ta chỉ áp dụng hoà giải cho những đối tượng đã từng hay tự bản chất là thân thiết với nhau nhưng tương quan hiện đang đổ vỡ; chứ trong trường hợp nối kết hay tụ họp các đối tượng tự bản chất hoàn toàn xa lạ với nhau, thì ta sẽ dùng khái niệm kết hợp, đoàn kết, hay các khái niệm tương tự. Điều này rất quan trọng đối với luận đề của bài viết này: hoà giải là năng động bao hàm mối tương quan và sự căng thẳng giữa hiệp nhất và khoảng cách, giữa yêu thương và tôn trọng sự khác biệt; năng động này hiện diện ngay ở nền tảng thần học của hoà giải, tức nơi chính bản chất nội tại của Thiên Chúa Ba Ngôi và cần phải hiện diện trong mọi hoạt động mục vụ đặt hoà giải làm trọng tâm.

4.   Nền tảng của hoà giải nơi Ba Ngôi Thiên Chúa

Như trên đã nói, nét chính yếu đầu tiên của thần học về hoà giải là xác định sự hoà giải có chiều kích thần linh. Điều này có nghĩa là hoà giải bắt nguồn từ hành động đi bước trước của Thiên Chúa. Ngài hoà giải con người với Ngài qua Đức Ki-tô. Đọc thần học của tác giả Balthasar về bản chất tự huỷ của Ba Ngôi Thiên Chúa, chúng ta thấy còn có thể đẩy xa hơn chiều kích thần linh này: thực tại gốc của hoà giải nằm ngay trong bản chất của Thiên Chúa, là nguồn cho hành động đi bước trước của Ngài, hoà giải con người với chính Ngài. Chính nơi bản chất Thiên Chúa ta thấy chứa đựng sự nghịch lý của hoà giải; điều này giải thích cho lựa chọn và cách thức mà Thiên Chúa hoà giải con người với Ngài qua cái chết của Đức Ki-tô trên Thập giá. Bây giờ chúng ta thử tìm hiểu quan niệm của Balthasar về bản chất nội tại của Thiên Chúa như là sự tự huỷ, để thấy rằng nét đặc thù của khái niệm hoà giải như vừa được đề cập ở trên sẽ được tìm thấy ngay trong bản chất nội tại ấy.

Khi suy tư về mối tương quan giữa Ba Ngôi, Balthasar cho rằng Cha sinh ra Con có nghĩa là Cha trút tất cả những gì Mình là cho Con, để Con là tất cả những gì Cha là. Giáo lý truyền thống diễn tả ý tưởng này qua sự ngang bằng, Con cùng một tính một phép như Cha, và công đồng Nicea gọi là đồng bản thể với Cha. Như thế, trong hành vi sinh ra Con, vốn là bản chất của Ngôi Cha, Cha yêu Con đến độ trao hết tất cả cho Con và như thế, tự làm cho Mình ra “trống rỗng” (kenosis), không còn sở hữu chính Mình nữa, mà bây giờ hoàn toàn và chỉ hiện hữu nơi Con. Đây chính là nguồn gốc của mọi biến cố tự huỷ của Thiên Chúa nơi nhiệm cục cứu độ.[9]

Một cách tương tự, Ngôi Con, với tình yêu khôn tả, đón nhận tình yêu của Cha và tất cả những gì Cha là qua việc tạo “khoảng trống” để tình yêu của Cha được đổ đầy.[10] Trong quá trình được nhiệm sinh này, vốn là bản chất của Ngôi Con, Con cũng hoá ra không (kenosis) để đón nhận tất cả những gì Cha trao ban (là chính Cha) bằng lời tạ ơn eucharistia-, đến nỗi Con hoàn toàn lệ thuộc vào Cha, không bao giờ hiện hữu cho riêng mình, nhưng chỉ hiện hữu như là hình ảnh hoàn hảo của Cha mà thôi. Con luôn thể hiện “lời nói Vâng vĩnh cửu đối với sự trao ban thần tính đồng bản thể (…) Đây là một lời nói Vâng đối với sự tự huỷ nguyên khởi của Cha; ở đây có sự kết hợp giữa quyền năng và sự bất lực.”[11] Quả thế, trong khi trao ban tất cả chính Mình cho Con, Cha thể hiện quyền năng tối thượng vô biên của mình (chỉ có Thiên Chúa mới có thể làm điều đó) bằng cách hoá ra “bất lực” và “lệ thuộc,” vì từ “bây giờ” thần tính của Cha chỉ có thể được thể hiện qua Con; cũng như từ bây giờ “định mệnh” của Cha hoàn toàn lệ thuộc vào Con. Tương tự, khi đón nhận tất cả từ Cha, cách không dè xẻn hay tính toán, Con thể hiện sự “bất lực” thụ động để rồi sở hữu quyền năng tối thượng như Cha. Từ “bây giờ,” Con chỉ có thể là Thiên Chúa quyền năng trong tư cách Đấng được sinh ra và trao ban, không là và không có điều gì tự Mình hay cho riêng Mình.

Như vậy, hoạt động Cha nhiệm sinh ra Con vừa thể hiện quyền năng vô biên của Cha qua sự trao ban và sinh ra Con vừa thể hiện sự “bất lực” tự huỷ qua việc chối từ giữ thần tính cho riêng mình. Điều này vừa cho thấy sự hiệp nhất mật thiết (đồng bản thể) vừa cho thấy khoảng cách vô tận (kenosis). Con thực sự là Đấng tuyệt đối khác Cha, như vậy mới có   sự trao ban và tạ ơn giữa Cha và Con. Thần Khí chính là sự trao ban và đón nhận trọn vẹn trong sự hiệp nhất và tự huỷ này giữa Cha và Con, là cái “Chúng Ta” của Hai Ngôi vị kia. Thần Khí chính là sự tự huỷ, là khoảng trống giữa Cha và Con, khoảng trống có khả năng phát sinh và trao ban nơi Cha, khoảng trống có khả năng đón nhận trọn vẹn trong sự vâng phục và tạ ơn nơi Con. Đồng thời, vì là Tinh Thần chung của Cha và Con, Thần Khí cũng là sự bắc cầu, nối kết giữa hai bờ khoảng trống đó.[12]

Như vậy, tự trong bản chất nội tại, trước khi trao ban chính Mình cho thế giới thụ tạo, Ba Ngôi đã là vừa là sự Hiệp Nhất trọn hảo vừa là sự Tự Huỷ tận căn, là việc tạo khoảng trống để trao ban và đón nhận lẫn nhau giữa các Ngôi Vị thần linh. Bản chất nội tại này chính là điều kiện khả thể của nhiệm cục cứu độ và được thể hiện kéo dài trong nhiệm cục đó, đặc biệt nơi biến cố Thập giá của Đức Ki-tô.[13] “Điều kiện khả thể” có nghĩa là chính vì bản chất nội tại nơi Thiên Chúa là tự huỷ mà Thập giá mới có thể xảy ra và chỉ có thể xảy ra chính yếu là vì lý do đó. “Thể hiện kéo dài” tức là tất cả những gì diễn ra nơi Thập giá đều là một cách thức thể hiện và sự kéo dài ra trong lịch sử của điều vẫn diễn ra bên trong Thiên Chúa từ vĩnh cửu, giữa các Ngôi vị thần linh, khi mối tương quan trao ban và đón nhận đó gặp phải sự chống đối của tội lỗi con người.[14] Nói cách khác, Thiên Chúa là tác nhân chính của biến cố Thập giá.[15] Chính vì Cha là Đấng tạo khoảng trống khi sinh ra Con, mà Cha có thể trao ban Con của mình cho thế giới và nhân loại tội lỗi, vốn có khả năng huỷ diệt Con Thiên Chúa làm người. Cái chết của Chúa Giê-su trên Thập giá chỉ có thể xảy ra là vì từ vĩnh cửu Cha đã luôn trao ban chính Mình nơi Con và nay trong lịch sử, qua Con, trao ban chính Mình cho thế gian; Thập giá có thể xảy ra cũng là vì từ vĩnh cửu Con luôn đón nhận tất cả từ Cha và nay, trong lịch sử, đón nhận sự trao ban của Cha cho thế gian qua Thập giá; sự nhiệm sinh trong vĩnh cửu được “phiên dịch” thành sự vâng phục trong tư cách làm người trong lịch sử.[16]

Điều này cũng có nghĩa là sự hiệp nhất trọn hảo và khoảng cách vô tận trong bản chất nội tại của Thiên Chúa được thể hiện cách rõ nét nhất nơi biến cố Thập giá, hẳn nhiên bao hàm mầu nhiệm Phục sinh, của Đức Ki-tô. Khoảng cách của sự tự huỷ nội tại được thể hiện rõ nét khi Cha “bỏ rơi” con trong Giờ của Thập giá (x. Mc 15,34).

Các điều kiện khả dĩ để Chúa Giê-su có thể bị Cha bỏ rơi đã nằm ngay trong nội tại Ba Ngôi, trong khoảng cách/sự phân biệt tuyệt đối giữa các Ngôi Vị, Đấng trao ban Thần Tính và Đấng đón nhận Thần Tính ấy. Và trong khi khoảng cách hay sự phân biệt giữa hai Ngôi Vị đó được khẳng định cách vĩnh cửu và được duy trì (“để mở ngỏ”) bởi Ngôi Vị thứ ba phát xuất từ họ, khoảng cách đó được vượt qua trong Thần Tính vốn là quà tặng tuyệt đối mà họ có chung với nhau.[17]

Hơn nữa, vì tự do của con người đặt nền trên và thông phần vào tự do tự huỷ của Thiên Chúa, mà con người thực thi tự do này cả trong lời nói Vâng lẫn trong lời nói Không với Thiên Chúa, thế nên tội lỗi, hay lời nói Không của nhân loại chỉ có thể xảy ra là vì nó được đặt nền trên và bắt nguồn từ sự phân biệt này giữa các Ngôi Vị thần linh. Vì lẽ đó, tội lỗi và hậu quả của nó chỉ có thể được giải quyết bên trong Thiên Chúa.[18]  Con có thể mang lấy tội lỗi nhân loại là do vị thế của Ngài bên trong Thiên Chúa, như là Đấng khác biệt tuyệt đối với Cha; và Ngài có thể tẩy trừ tội lỗi đó cũng như hậu quả của nó qua sự kết hợp mật thiết với Cha trong vâng phục là nhờ sự nối kết của Thần Khí chung giữa Ngài với Cha.

Trên đây là một số điểm trong suy tư thần học của tác giả Balthasar mà chúng tôi nhận thấy có thể làm nền tảng cho luận đề bài viết là hoà giải thực chất là năng động bao hàm sự tương tác giữa hiệp nhất và khoảng cách, giữa yêu thương và tôn trọng sự khác biệt. Rõ ràng, theo như Balthasar mô tả, bản chất của Thiên Chúa là như thế, là sự hiệp nhất mật thiết đồng thời là khoảng cách vô tận giữa các Ngôi Vị thần linh, là Tình Yêu giữa các Ngôi Vị khác biệt nhau cách tuyệt đối. Vì thế, Thiên Chúa có thể được mô tả như là sự Hoà Giải vĩnh cửu. Đây chính là nền tảng cho một bàn luận thần học về hoà giải theo chiều ngang. Từ nền tảng đó, trong phần tiếp theo, chúng ta cùng tìm hiểu hàm ý của những suy tư này đối với sứ mạng hoà giải mà chúng ta ao ước dấn thân ngày nay.

5.   Hoạt động mục vụ hoà giải

Với suy tư thần học này về bản chất của Ba Ngôi như là nền tảng và điều kiện khả dĩ cho mầu nhiệm Thập giá, chúng ta hiểu rõ hơn tại sao các nhà thần học ngày nay khẳng định hoà giải trước hết phải có đặc tính thần linh, tức là hành vi đi bước trước của Thiên Chúa, hoà giải con người với chính Ngài, qua mầu nhiệm Thập giá của Đức Ki-tô. Thế nhưng, theo Balthasar, việc Thiên Chúa hoà giải con người với Ngài lại chỉ có thể xảy ra là vì tự bên trong bản chất nội tại của Thiên Chúa, năng động của hoà giải đã hiện hữu và xảy ra từ vĩnh cửu. Đó là năng động của sự hiệp nhất trọn vẹn tuyệt đối (đồng bản thể) và khoảng cách vô tận (kenosis), của sự toàn năng tuyệt đối và sự bất lực vốn mạnh mẽ hơn mọi thế lực trần gian, của sự tràn đầy Thần tính và sự “phi thần” vốn là hệ quả của sự trao đi cách trọn vẹn Thần Tính.

Như vậy, ta có thể nói, theo Balthasar, tình trạng xung khắc giữa người với người vốn mang tính tội lỗi và là nguyên cớ làm cho Giáo hội nghe rõ hơn lời mời gọi dấn thân cho sứ mạng hoà giải ngày nay thực ra chỉ có thể xảy ra là vì bên trong Thiên Chúa đã có khoảng cách và sự “phi thần” vốn không mâu thuẫn với Tình Yêu thần linh và Thần Tính. Mặt khác, nhờ có sự “bắc cầu” của Thần Khí ngang qua khoảng cách giữa các Ngôi Vị thần linh, nhờ bản chất Thiên Chúa được thể hiện rõ hơn ngang qua sự trao ban đến nỗi trở nên “phi thần” mà tình trạng tội lỗi của thù hận, xung khắc của con người (chính là sự vô thần, đi ngược lại với bản chất Thiên Chúa vậy) được vượt qua và chữa lành. Nói cách khác, hoà giải chỉ có thể xảy ra nhờ vào quyền năng Thiên Chúa, Đấng luôn là sự Hoà Giải vĩnh cửu và vì thế luôn hoà giải mọi vật với chính Mình và qua đó làm cho họ hoà giải với nhau.

Những kinh nghiệm cay đắng của các tác nhân hoà giải xã hội về giới hạn và sự bất lực của các nỗ lực thuần tuý mang tính tâm lý, xã hội, kinh tế, chính trị là bằng chứng hùng hồn cho đặc tính thần linh này của sứ mạng hoà giải.[19]  Điều này có nghĩa là trong bất kỳ sứ vụ hoà giải nào, bằng bất cứ phương pháp nào, Ki-tô hữu cũng cần bắt đầu, xuyên suốt và kết thúc tiến trình hoà giải bằng thái độ và phương thế của đức tin và cầu nguyện. Các bên chủ thể hay đối tượng của hoà giải cần phải đi vào năng động của Ba Ngôi Thiên Chúa và của Thập giá Đức Ki-tô, tức năng động của sự trao ban và đón nhận trọn vẹn, của sự hiệp nhất giữa các khoảng cách và ngay khi có các khoảng cách, của sự yêu thương giữa các khác biệt và bất chấp các khác biệt.

Một cách cụ thể, trước hết, các thành viên của tiến trình hoà giải cần ý thức rằng sự hoà giải giữa họ với nhau đã được Thiên Chúa thực hiện rồi, nơi chính Ngài, ngang qua cái chết và sự phục sinh của Đức Ki-tô; đồng thời họ cần dấn thân đi vào thực tại đó. Thiên Chúa đã muốn và đã đi bước trước, khởi động tiến trình hoà giải họ với nhau bằng cách hoà giải họ với chính Ngài rồi. Họ có thể cảm nếm phần nào ý muốn và hoạt động thần linh đó qua những khao khát, dù là mỏng manh và thoáng qua, được hoà giải với nhau, hay chí ít là những khao khát thoát khỏi nỗi khổ đau của xung đột bất hoà. Năng động hoà giải đã được Thiên Chúa khởi động rồi, việc họ cần làm là bước ra khỏi sự giam hãm của thù hận, khỏi năng động cũ của xung đột và gieo mình vào trong năng động mới của lời Thiên Chúa mời gọi họ hãy tha thứ và hoà giải.

Nếu như bản chất Thiên Chúa là sự Hoà Giải vĩnh cửu, tức đồng thời vừa là sự hiệp nhất vừa bao hàm khoảng cách vô tận giữa các Ngôi Vị, thì bản chất của con người cũng vậy, vì họ vốn là kết quả của năng động Hoà Giải nơi Thiên Chúa được diễn tả ra trong sáng tạo. Như thế, làm hoà với Thiên Chúa đồng nghĩa với việc con người trở về với cội nguồn, nền tảng của hoà giải và của chính hiện hữu mình, hay nói cách khác, là làm hoà với chính mình. Làm hoà với Thiên Chúa qua việc sám hối, hoán cải, cử hành bí tích giao hoà,v.v. thực chất là đưa con người về với nền tảng gốc của chính mình, nền tảng mà họ có chung với mọi thực tại, điều mà họ thực chất là, trước khi bị tha hoá hay bị tách rời khỏi thực tại do những thù hận, xung đột hay những biểu hiện khác của tội lỗi. Xung khắc với người khác thực ra chỉ là biểu hiện của sự tha hoá hay xung khắc nền tảng hơn với thực tại toàn thể, mà ngôn ngữ Ki-tô giáo gọi là tách lìa khỏi Thiên Chúa. Vì thế, làm hoà với Thiên Chúa, Đấng tỏ mình là sự Hoà Giải vĩnh cửu nơi Thập giá Đức Ki-tô, là bước đầu tiên và then chốt của mọi tiến trình hoà giải mang đặc tính Ki-tô giáo. Chỉ khi để Thiên Chúa giải thoát họ khỏi thế lực của tội và sự dữ, con người mới có thể bứt mình thoát khỏi những xung năng mù quáng giam hãm họ trong sự thù hận và ngăn cản họ đi những bước đi cụ thể để làm hoà với nhau.

Thứ đến, các bên của tiến trình hoà giải cần ý thức và cổ võ sự hiệp nhất nền tảng nối kết họ với nhau, vốn căn bản hơn bất kỳ những dị biệt hay xung đột nào đang hiện hữu giữa họ. Khi xung đột xảy ra, ta thường hay nghĩ ngay đến những dị biệt, những bất bình đẳng giữa các bên liên quan. Tuy nhiên, thần học về Thiên Chúa Ba Ngôi như là sự Hoà Giải vĩnh cửu gợi ý rằng, ta nên nghĩ về các bên xung đột, tự bản chất, là có cùng nguồn gốc và thuộc về nhau. Họ không phải là những kẻ thù đang cần được hoặc phải xích lại gần nhau vì những lý do thứ yếu ngoại tại (hoàn cảnh, luật pháp, mong đợi của những người khác, v.v.), mà thực ra đã là và luôn là “anh chị em” với nhau. Họ luôn tồn tại vì nhau, nhờ nhau và cho nhau; hiện hữu của họ luôn có một nền tảng chung; việc họ cần phải xích lại gần nhau là một nhu cầu nội tại, gần như thuộc về bản chất của sự hiện hữu của họ.

Thực tế cho thấy các xung đột khốc liệt nhất thường xảy ra giữa những người hay nhóm người có chung một nguồn gốc hay chia sẻ cùng một môi trường sống (gia đình, hàng xóm, các công ty chia sẻ chung một thị phần, các quốc gia láng giềng hay cùng một ý thức hệ, v.v.). Nhưng ngay cả khi không tìm được nguồn gốc chung cụ thể đi nữa, thì tất cả chúng ta đều cần ý thức về nền tảng nhân chủng học và nhân tính của mình. Chúng ta đều là người, đều phát xuất từ những nguồn gốc nhân chủng học như nhau, đều chia sẻ chung một môi trường sống trên quả địa cầu này và trong vũ trụ này, đều có lý trí và ý chí, đều có những quyền lợi và nghĩa vụ chung với tư cách là người và cuối cùng, đều là con cái Thiên Chúa.

Ý thức về và sống nền tảng chung này không nhất thiết phải là kết quả của một nỗ lực gượng ép; tự trong thâm tâm mỗi người, các thành viên của tiến trình hoà giải ít nhiều đã ý thức về nền tảng chung này giữa họ với nhau, cũng như đang thực tế hiện hữu dựa trên nền tảng chung này. Có thể nói, chính trong khi xung đột với nhau mà họ đã, ít nhất là cách mặc nhiên, ý thức về nền tảng chung giữa họ với nhau. Nhiều khi đó chính là căn nguyên hay lý do của xung đột: chính vì biết mình chia sẻ chung một nguồn gốc hay môi trường sống mà họ mới nảy ra xung đột, mâu thuẫn và thù hận lẫn nhau. Tuy nhiên, một khi đã sám hối và làm hoà với Thiên Chúa, họ có thể được tự do khỏi xung năng thù hận phi lý và tự mâu thuẫn này; lúc đó, sự nhắc nhớ về và một lối sống cổ võ nền tảng chung giữa họ sẽ đóng vai trò tích cực trong việc cổ võ tình thương và sự tha thứ giữa họ với nhau.

Hệ luận mục vụ cuối cùng của suy tư thần học về bản chất Thiên Chúa như là sự Hoà Giải vĩnh cửu là: các bên thành viên của tiến trình hoà giải cần ý thức và cổ võ duy trì sự khác biệt giữa họ. Trong nhiều trường hợp, xung đột xảy ra là do, ngay từ đầu, các bên đã không chấp nhận hoặc tôn trọng sự khác biệt của nhau. Mặt khác, một tiến trình hoà giải mà kết quả là sự “cào bằng” mọi khác biệt, làm cho các bên liên quan trở nên đồng nhất với nhau về mọi mặt, trong mọi quyền lợi và nghĩa vụ, thì sự hoà giải nếu đạt được cũng sẽ không chân thực và không thể tồn tại lâu dài được. Lý tưởng hoá tiến trình hoà giải cách trừu tượng, cho rằng hoà giải phải dựa trên sự san bằng quyền lợi cho mọi thành viên dễ đưa tới thất bại và thất vọng. Vì thế, như Ba Ngôi Thiên Chúa hiệp nhất giữa các khác biệt và hoà giải con người với Ngài qua năng động đó nơi Thập giá, sự hiệp nhất chân thực giữa các thành viên không xoá bỏ mà trái lại còn giả định và đòi hỏi cần phải có sự khác biệt giữa họ. Tôn trọng và cổ võ duy trì sự khác biệt chính đáng giữa các bên là bước then chốt tiếp theo trong tiến trình hoà giải.

Kết luận

Dường như có một nghịch lý thường xảy ra trong kinh nghiệm cuộc sống của chúng ta: ai cũng mong muốn sự hoà giải nhưng không phải lúc nào cũng có thể biến ước mong đó thành hiện thực. Rất nhiều khi sự hoà giải, vốn là đối tượng đương nhiên của khát vọng con người, lại trở nên một thứ “xa xỉ phẩm” trong thực tế cuộc sống của họ. Phải chăng nghịch lý đó tồn tại là vì tự bản chất của hoà giải là một sự căng thẳng, hay nói đúng hơn, nghịch lý đó là một phần của thực tại mà bản chất là một sự căng thẳng được diễn tả bằng khái niệm hoà giải? Ta có thể nói rằng toàn bộ thực tại luôn ở trong một mối căng thẳng giữa hiệp nhất và khoảng cách, rằng toàn bộ thực tại là một tiến trình hoà giải tự thân, luôn luôn tiếp diễn? Suy tư thần học của Balthasar về bản chất nội tại của Thiên Chúa Ba Ngôi dường như trả lời cách xác định cho các câu hỏi đó và gợi lên cho chúng ta những suy nghĩ nhức nhối về sự giới hạn cũng như tính liên lỉ, thường hằng của sứ vụ hoà giải mà ta chọn thực thi ngày nay.

[1] Leah Elizabeth Robinson, The Influence of Social Context on a Theology of Reconciliation: Cases Studies in Northern Ireland, PhD. Thesis (Edinburgh: University of Edinburgh, 2011), 31-32.

[2] Có thể kể tên một số tác giả, phần lớn không phải Công giáo, viết về hoà giải theo hướng này: Joseph Liechty, Miroslav Volf, Colin Gunton, John Webster, Alan Torrance, Robert Schreiter, Cecelia Clegg, John W. De Gruchy, John Paul Lederach, Gregrory Baum, Leah E. Robinson, v.v.

[3] Leah E. Robinson, The Influence of Social Context on a Theology of Reconciliation, 42ff. Robert J. Schreiter, “Peacemaking: Five Principles  of a Practical Theology of Reconciliation,” https://thevalueofsparrows. com/2014/09/15/peacemaking-five-principles-of-a-practical-theology-of- reconciliation-by-robert-j-schreiter/ (truy cập ngày 18.09.2019).

[4] Leah E. Robinson, The Influence of Social Context on a Theology of Reconciliation, 47ff.

[5] Robert J. Schreiter, “Peacemaking: Five Principles of a Practical Theology of Reconciliation,” (truy cập ngày 18.09.2019).

[6] Chúng tôi nhận thấy một khó khăn của những bàn luận thần học về các chủ đề mới (như thần học di dân, thần học môi sinh, thần học về lòng thương xót, thần học về dấn thân xã hội, thần học về công bình, thần học về hoà giải, thần học về sự đột quỵ, v.v.), là thoạt đầu những bàn luận đó có thể rất sôi nổi nhưng sau đó không thể được tiếp tục khai triển và đào sâu. Vấn đề chính yếu nằm ở phương pháp luận, mà quan trọng nhất là vấn đề đặt nền để các bàn luận về các chủ đề ấy có thể tiến xa, sâu rộng hơn, hầu có thể hình thành một “mảng” hay “lãnh vực” thần học. Trong các số HTTH 49, 50, 51, chúng tôi đã thể hiện hướng đi đó, một cách rất nhỏ bé và khiêm tốn, bằng cách cố gắng định hướng, xác định những nét căn bản của một bàn luận thần học về Thập giá, về lòng thương xót và về công bình; ở số HTTH 52, chúng tôi đã thể hiện cùng một hướng đi, cũng một cách rất nhỏ bé, nhưng bằng hình thức khác: cố gắng xây dựng nền tảng thần học, dựa trên một tác giả nổi tiếng là Hans Urs von Balthasar, cho những luận đề của thần học về sự dấn thân xã hội. Việc xây dựng nền tảng thần học này được tiến hành bằng cách vận dụng các phạm trù độc đáo của Balthasar (vốn không dùng các phạm trù triết học, nhưng khởi đi từ các hình ảnh của Thánh Kinh) để đặt nền và củng cố cho các luận đề thần học (trong trường hợp bàn về việc dấn thân xã hội thì không có gì mới, nhưng được soi sáng cách rõ ràng và chắc chắn hơn). Việc làm này có hiệu ứng kép: vừa góp phần xây dựng nền tảng thần học cho những luận đề thần học về các chủ đề khác nhau, vừa góp phần khai triển, áp dụng các tư tưởng của Balthasar, vốn có tiềm năng khai phá dường như vô tận. Đây không chỉ là một cách giới thiệu tác giả Balthasar cho độc giả Việt Nam, mà còn từng bước “mở khoá” các suy tư của Balthasar qua việc áp dụng các suy tư ấy vào các chủ đề khác nhau. Những phạm trù và tư tưởng được vận dụng từ Balthasar không liên hệ trực tiếp tới các chủ đề đang bàn, tuy nhiên, khi được áp dụng, chúng đã cho thấy có mối liên hệ kỳ diệu thế nào tới những chủ đề đó. Bài viết này cũng thể hiện một hướng đi tương tự: vận dụng các phạm trù, tư tưởng của Balthasar vào việc đặt nền thần học cho khái niệm hoà giải.

[7] Có thể nói, đây là một phần rất quan trọng và thiết yếu cho bất kỳ bàn luận thần học nào, đó là xác định và làm rõ khái niệm. Để có một bàn luận thần học về đề tài hoà giải (và các đề tài tương tự, như lòng thương xót, công bình, mà HTTH từng bàn ở các số trước), vấn đề đầu tiên được đặt ra là ta hiểu thế nào là hoà giải. Như chúng tôi đã nói liên quan đến khái niệm lòng thương xót (x. HTTH 50, tr. 95), nếu không xác định rõ khái niệm, sẽ có nguy cơ mỗi người, mỗi bài viết sẽ bàn về một nội hàm khác nhau (tình trạng “ông nói gà bà nói vịt”) chứ không cùng nhau bàn luận để hiểu sâu hơn một đề tài nhất quán. Đều mang danh là bàn về hoà giải, nhưng có thể một tác giả lại bàn về tha thứ, tác giả khác bàn về yêu thương, người khác lại bàn về hiệp nhất, v.v.

[8] Từ nguyên Hán Việt của từ này bao gồm hoà ( 和 , có nghĩa “cùng nhau”, “trộn lẫn với nhau”) và giải (解, có nghĩa “cởi gỡ”, “thông suốt”, “giải toả”). Có thể nói, từ nguyên của hoà giải trong gốc Hán Việt có nghĩa là cởi gỡ, giải

toả những vướng mắc để làm cho các đối tượng liên quan có thể kết hợp, vận hành nhịp nhàng với nhau. Dịch reconciliare là hoà giải cũng khá chính xác, tuy nhiên, nghĩa này mới lột tả được phần conciliare mà chưa lột tả được tiếp đầu ngữ re trong gốc Latinh.

[9] Hans Urs von Balthasar, Theo-drama: Theological Dramatic Theory, Vol IV: The Action, trans. Graham Harrison (San Francisco: Ignatius Press, 1994), 323, 331. Từ đây trở đi, cuốn sách này sẽ được tham chiếu như là Theo-drama IV.

[10] Theo-drama IV, 324.

[11] Theo-drama IV, 326.

[12] Theo-drama IV, 324, 333.

[13] Hans Urs von Balthasar, The Glory of the Lord: A Theological Aesthetics, Vol. VII: Theology: The New Covenant, trans. Brian McNeil C.R.V., ed. John Riches (Edinburgh: T&T Clark, 1989), 213-214. Từ đây trở đi, cuốn sách này sẽ được tham chiếu như là The Glory of the Lord VII.

[14] Theo-drama IV, 328.

[15] Theo-drama IV, 334.

[16] The Glory of the Lord VII, 213-214.

[17] Nguyên văn Theo-drama IV, 333: “if Jesus can be forsaken by the Father, the conditions for this “forsaking” must lie within the Trinity, in the absolute distance/distinction between the Hypostasis who surrenders the Godhead and the Hypostasis who receives it. And while the distance/distinction between these two is eternally confirmed and maintained (“kept open”) by the Hypostasis who proceeds from them, it is transcended in the Godhead that is the absolute gift they have in common.”

[18] Theo-drama IV, 333: “Since the world cannot have any other locus but within the distinction between the Hypostases (there is nothing outside God: Theo-drama II, 260ff), the problems associated with it – its sinful alienation from God – can only be solved at this locus.

[19] Robert J. Schreiter, “Peacemaking: Five Principles of a Practical Theology of Reconciliation,” (truy cập ngày 18.09.2019).

Kiểm tra tương tự

Đức khó nghèo đem chúng ta đến gần Thiên Chúa

Một trong những danh hiệu truyền thống dành cho thánh Giuse là “Người yêu mến …

Giáo dục Kitô giáo theo Đức Giáo Hoàng Phanxicô

  Tôi đang làm việc trong trường Dòng Tên. Trong những ưu tư về giới …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *