Hộ giáo-Các Luận Chứng về Sự Hiện Hữu của Thiên Chúa

Nhiều người, cả người tín hữu lẫn người vô tín, nghi ngờ về việc sự hiện hữu của Thiên Chúa có thể được chứng minh hoặc ngay cả bàn luận đến. Nhưng không ai có thể nghi ngờ một cách hữu lý việc lưu tâm đến các luận chứng này có một vị trí nhất định trong bất kỳ cuốn sách về hộ giáo nào. Đó là bởi rất nhiều người tin rằng những luận chứng như thế là điều có thể, và một số trong các luận chứng đó thực sự hữu hiệu.

Họ cũng tin rằng một luận chứng hợp lý và hiệu quả về sự hiện hữu của Thiên Chúa là bước quan trọng đầu tiên trong việc mở ra cho tâm trí khả thể đi đến niềm tin.

Bạn có thể không cảm thấy rằng các luận chứng này có giá trị thực sự đối với bạn. Bạn có thể may mắn có được một cảm thức sống động về sự hiện diện của Thiên Chúa – bạn phải biết ơn sâu xa về điều này. Nhưng đó không có nghĩa là bạn không có nghĩa vụ phải suy nghĩ về những luận chứng. Vì nhiều người không được may mắn như thế. Những luận chứng này được dành cho họ – hay ít nhất một số người trong nhóm họ – để họ có được một loại trợ giúp mà họ thực sự cần đến. Thậm chí bạn cũng có thể được yêu cầu cung cấp cho họ trợ giúp đó.

Luận chứng về Nguyên nhân tác thành

Chúng ta nhận thấy rằng một số sự vật làm cho những sự vật khác hiện hữu (bắt đầu hiện hữu, tiếp tục hiện hữu, hoặc cả hai). Ví dụ, một người chơi đàn piano là nguyên nhân gây ra âm thanh mà chúng ta nghe thấy. Nếu anh ta dừng lại, thì âm thanh cũng dừng.

Bây giờ câu hỏi được đặt ra là: Phải chăng mọi vật hiện hữu hiện tại là do tác động của những sự vật khác? Giả sử điều này đúng, nghĩa là, giả sử rằng không có Hữu thể không có nguyên nhân, tức là không có Thiên Chúa thì không có gì tồn tại cả. Theo thuyết không có Thiên Chúa, tất cả mọi sự vật cần phải có một nguyên nhân hiện tại nằm bên ngoài bản thân chúng để tồn tại. Vì thế, ngay lúc này đây, tất cả mọi sự vật, bao gồm tất cả những sự vật mà chúng làm cho những sự vật khác hiện hữu, cần phải có một nguyên nhân. Chúng chỉ có thể cho sự hiện hữu bao lâu chúng nhận sự hiện hữu. Do đó, dựa trên giả thuyết này, mọi sự vật hiện hữu cần được làm cho hiện hữu.

Nhưng điều gì là nguyên nhân cho mọi sự vật hiện hữu? Vượt khỏi mọi sự vật hiện hữu thì chỉ có thể là hư không. Nhưng điều đó là vô lý: vì tất cả mọi thực tại là phụ thuộc – nhưng lại không phụ thuộc vào cái gì sao? Như thế, giả thuyết mọi hữu thể đều có nguyên nhân, rằng không có Hữu thể Không có nguyên nhân, là vô lý. Vì vậy, phải có một cái gì đó không có nguyên nhân, một cái gì đó mà tất cả mọi sự vật cần có một nguyên nhân tác thành hiện hữu tùy thuộc vào nó.

Sự hiện hữu giống như một món quà được trao ban từ nguyên nhân đến kết quả. Nếu không ai quà tặng thì món quà không thể truyền đến một chuỗi những người nhận, dù chuỗi đó dài hay ngắn. Nếu mọi người phải mượn một cuốn sách nào đó, nhưng không ai thực sự nó, thì không ai sẽ nhận được nó bao giờ cả. Nếu không có Thiên Chúa, Đấng có sự hiện hữu bởi tự bản chất đời đời riêng của Ngài, món quà hiện hữu không thể được truyền xuống chuỗi các thụ tạo và chúng ta không bao giờ có thể nhận được nó. Nhưng chúng ta lại nhận được nó; chúng ta hiện hữu. Như vậy phải có một Thiên Chúa: một Hữu thể Không nguyên nhân, Đấng không phải nhận sự hiện hữu như chúng ta – và như mọi mắc xích khác trong chuỗi những người nhận.

Luận chứng về Thiết Kế

Các luận chứng về Thiết Kế có sức lôi cuốn lớn lao và lâu dài. Hầu hết mọi người thừa nhận rằng việc suy tư phản tỉnh về trật tự và vẻ đẹp của thiên nhiên đụng chạm đến phần rất sâu thẳm bên trong chúng ta. Nhưng liệu rằng trật tự và vẻ đẹp đó có là sản phẩm của một thiết kế thông minh và có chủ đích? Đối với những người theo thuyết hữu thần thì câu trả lời là đúng như thế. Các luận chứng cho sự thiết kế là những nỗ lực biện hộ cho câu trả lời này; cho thấy tại sao nó là câu trả lời hợp lý nhất được đưa ra. Các lập luận này được xây dựng trong những cách thức cũng đa dạng phong phú như kinh nghiệm mà ở đó chúng được bắt rễ. Điều sau đây cho thấy điểm cốt lõi hay cái nhìn trọng tâm.

1. Vũ trụ này tỏ lộ một lượng tính khả tri và khôn ngoan lớn lao đến kinh ngạc, cả bên trong những sự vật chúng ta quan sát và trong cách thức những sự vật này liên quan đến những sự vật khác ngoài chúng. Nghĩa là: cách mà chúng hiện hữu hay đồng hiện hữu cho thấy một trật tự phức tạp đẹp đẽ và đều đặn ngay cả những người quan sát tầm thường nhất cũng phải ngất ngây. Chính quy luật trong tự nhiên đối với nhiều hữu thể khác nhau làm việc cùng nhau đưa đến cùng một mục đích có giá trị – ví dụ – các cơ quan trong cơ thể làm việc cho sự sống và sức khỏe của chúng ta.

2. Hoặc trật tự khả tri này là sản phẩm của sự ngẫu nhiên hoặc là của một thiết kế thông minh.

3. Không phải ngẫu nhiên. Vì cái kém hơn (không trật tự) không thể làm nên cái tốt hơn (trật tự)

4. Do đó vũ trụ là sản phẩm của một thiết kế thông minh.

5. Thiết kế này chỉ đến từ một thượng trí, một nhà thiết kế.

6. Do đó vũ trụ là sản phẩm của một Nhà thiết kế thông minh.

Câu hỏi: Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu cái trật tự chúng ta kinh nghiệm được chỉ là một sản phẩm của trí óc chúng ta? Cho dù chúng ta không thể nghĩ được, hay nhìn được trong tâm trí mình tình trạng hỗn mang và mất trật tự cao độ nơi thực tại,  thì thực tại vẫn có thể là rất hỗn mang và mất trật tự thì sao?

Trả lời: Trí óc của chúng ta là phương tiện duy nhất ngang qua nó chúng ta có thể hiểu biết về thực tại. Chúng ta không có cách nào khác. Nếu chúng ta đồng ý với nhau rằng có những cái không thể tồn tại trong tư tưởng chúng ta, thì không thể đi tiếp và nói rằng nó có thể tồn tại trong thực tế. Khi đó chúng ta sẽ nghĩ về điều mà chúng ta khăng khăng là không thể được nghĩ đến.

Luận chứng Kalam

Từ Kalam trong tiếng Ả Rập nghĩa đen là “diễn thuyết,” nhưng nó biểu thị một loại thần học thuộc lãnh vực triết học nào đó – chứa đựng những chứng minh cho rằng thế giới này không thể có từ muôn thuở, vì thế nó phải được Thiên Chúa tạo nên. Kiểu chứng minh này có sức lôi cuốn lớn lao và lâu đời cho người Kitô hữu lẫn người Hồi giáo. Hình thức của nó thì đơn giản và dễ hiểu.

1. Bất cứ cái gì bắt đầu tồn tại đều có một nguyên nhân để nó đi vào hiện hữu.

2. Vũ trụ đã bắt đầu tồn tại.

3. Vì vậy, vũ trụ có một nguyên nhân để nó đi vào hiện hữu.

Chúng ta thừa nhận tiền đề đầu tiên. (Hầu hết mọi người (ngoại trừ những người trong nhà thương điên), thậm chí cả người vô học, xem nó không chỉ đúng nhưng chắc chắn và hiển nhiên đúng.)

Tiền đề thứ hai có đúng không? Phải chăng vũ trụ – tập hợp mọi sự vật bị giới hạn bởi không gian và thời gian – đã bắt đầu tồn tại? Tiền đề này gần đây đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ khoa học tự nhiên – từ cái gọi là vũ trụ luận Big Bang. Nhưng cũng có những tranh luận triết học ngay trong chính sự ủng hộ đó. Liệu rằng một nhiệm vụ vô hạn có bao giờ có thể được thực hiện hoặc hoàn tất hay không? Để đạt được một mục đích nhất định, nếu có nhiều vô cùng những bước phải đứng trước đó, thì có thể đến bao giờ mới đạt được mục đích? Tất nhiên câu trả lời là không, không ngay cả với một thời gian vô hạn. Vì một thời gian vô hạn sẽ không có kết thúc, tương tự như các bước. Nói cách khác, không bao giờ đạt được mục đích. Nhiệm vụ sẽ không bao giờ hoặc có thể bao giờ được hoàn tất.

Nếu vũ trụ luôn luôn đã là như thế, thì nó có từ muôn thuở. Nếu nó có từ muôn thuở, thì một lượng vô hạn về thời gian sẽ phải đã trôi qua trước ngày hôm nay. Và vì vậy một lượng vô hạn ngày đã phải được hoàn tất – ngày này tiếp nối ngày kia, một chút thời gian được thêm vào những gì đã đi trước, để cho ngày hiện tại đến. Nhưng điều này hoàn toàn tương ứng với vấn đề nhiệm vụ vô hạn.

Luận chứng bản thể học

Luận chứng bản thể học được đưa ra bởi thánh Anselmô thành Canterbury (1033-1109). Hầu hết những người đầu tiên nghe đến nó thì bị cám dỗ bỏ ngay lập tức như là một điều khó hiểu thú vị, nhưng các nhà tư tưởng nổi tiếng của mọi thời đại, trong đó có chúng tôi, đứng lên bảo vệ nó. Đây là bằng chứng mạnh mẽ nhất thuộc lãnh vực triết học về sự hiện hữu của Thiên Chúa; vị trí danh giá của nó không phải là ở lòng mộ đạo bình dân nhưng đúng hơn là ở sách giáo khoa và tạp chí chuyên nghiệp. Chúng tôi gồm tóm nó với sự thảo luận tối thiểu, không phải vì chúng tôi nghĩ nó đáng thuyết phục hay không thể bác bỏ được nhưng vì muốn cho đầy đủ.

1. Một sự vật hiện hữu cả trong tâm trí và thực tế thì lớn hơn khi nó chỉ ở trong tâm trí.

2. Thiên Chúa là “một hữu thể mà người ta không thể nghĩ được có một cái gì lớn hơn.”

3. Giả sử rằng Thiên Chúa hiện hữu trong tâm trí nhưng không có trong thực tế.

4. Lúc đó, một cái lớn hơn Thiên Chúa có thể được nghĩ đến (cụ thể là, một hữu thể có tất cả những phẩm chất mà tư tưởng về Thiên Chúa của chúng ta thêm vào sự hiện hữu thực sự).

5. Nhưng điều này là không thể, vì Thiên Chúa là “một hữu thể mà người ta không thể nghĩ được có một cái gì lớn hơn.”

6. Do đó Thiên Chúa hiện hữu trong tâm trí và trong thực tế.

Nguyên tác: Pocket Handbook of Christian Apologetics 

Tác giả: Peter Kreeft, Ronald K. Tacelli

Còn tiếp

Kiểm tra tương tự

Bố ơi, ai vậy?

Ông đang nằm nghiêng mình trên chiếc ghế sofa, vừa xem ti-vi vừa thưởng thức …

Có Chúa luôn bên ta – Lời nhắc nhở mỗi ngày

  Có cám dỗ cho rằng Thiên Chúa không ở gần ta, hoặc làm ta …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *