Hoa trái của đau khổ

 

Nhắc đến đau khổ, ắt hẳn trong tâm thức mỗi người đều gợn lên những khung cảnh u sầu và đau thương. Bởi con người, ai cũng có kinh nghiệm riêng về đau khổ. Không ai sinh ra mà không có đau khổ. Người già người trẻ, người ốm đau người khỏe mạnh, người giàu có người nghèo khổ…, tất cả đều có những đau khổ riêng của mình. Vì thế, đau khổ trở thành một quy luật tất yếu không thể thiếu trong đời sống của con người.

 

Cuộc sống muôn hình muôn vẻ như thế nào thì đau khổ cũng mang muôn hình muôn dạng như vậy. Đau khổ mang nhiều hình dạng và sắc thái khác nhau: có người thì đau khổ về thể lý như bệnh tật, đói nghèo, thiên tai, dịch bệnh…; người đau khổ về tinh thần như vắng bóng tình yêu, tình thương trong các mối tương quan liên vị; người thì đau khổ về luân lý khi chìm sâu trong những giá trị thế tục trần gian; và cũng có người đau khổ vì yêu khi động lòng trắc ẩn, thổn thức trước những nỗi đau của thực tại.

 

Đứng trước những đau khổ đó, con người không ngừng đi tìm cho mình những lối sống mới để làm sao loại trừ hay né tránh đau khổ ra khỏi cuộc sống. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dù xã hội có phát triển vượt bậc thế nào, khoa học công nghệ có thành tựu bao nhiêu, đau khổ vẫn luôn hiện hình ngang qua đời sống của con người. Vậy đứng trước đau khổ con người phải làm gì để tìm kiếm được nguồn hạnh phúc đích thực?

 

Nguồn ca dao, tục ngữ Việt Nam có câu: “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Điều đó muốn nhấn mạnh ý chí và nghị lực của con người trước muôn hình thức của gian nan khốn khổ. Giống như một cái cây muốn được con người lựa chọn thì việc đầu tiên nó phải chịu đó là chịu sự cắt tỉa đau đớn và uốn nắn của người thợ để trở nên hoàn thiện hơn. Cũng vậy, con người muốn tìm được nguồn hạnh phúc và bình an đích thực phải biết đón nhận và biến đau khổ đó thành nguồn sống và niềm vui. Vì thế, đau khổ cũng được xem như phương thế để tinh luyện ý chí, nghị lực của con người trước sóng gió của cuộc đời.

 

Quả vậy, nếu con người nhìn ở khía cạnh tích cực, đau khổ nó không phải là đường cùng ngõ cụt nhưng đó là cánh cửa để con người bước vào viễn cảnh tốt đẹp hơn. Nhà văn Nguyễn Khải trong tác phẩm Mùa Lạc cũng đã nhấn mạnh rằng: “Sự sống nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc hiện hình từ những hy sinh, đau khổ. Sống ở đời không có đường cùng, chỉ có những ranh giới. Điều cốt yếu là phải có sức mạnh để vượt qua nó”. Điều đó, nhà văn muốn nhấn mạnh ý chí và nghị lực của con người cao hơn muôn hình thức đau khổ, cốt yếu và hệ tại đó là sự can đảm để đón nhận và vượt qua nó.

 

Không có sự việc này xảy ra với con người mà không có ý nghĩa của nó, tất cả đều nằm trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa được khắc ghi nơi tâm hồn mỗi người. Thiên Chúa không bao giờ trao thánh giá cho con người mà không có nguồn ân sủng của Ngài. Lời của thánh Phaolô đã quả quyết rằng: “Không một thử thách nào đã xảy ra cho anh em mà lại vượt quá sức loài người. Thiên Chúa là Đấng trung tín: Người sẽ không để anh em bị thử thách quá sức; nhưng khi để anh em bị thử thách, Người sẽ cho kết thúc tốt đẹp, để anh em có sức chịu đựng” (1Cr 10, 13). Vì thế, mỗi người phải biết đón nhận và khám phá ý nghĩa trong đau khổ nhờ sức mạnh của Thiên Chúa. Khi con người biết đón nhận đau khổ như một thực tại sống và đón nhận nó, thì đau khổ trở thành niềm vui, niềm tin và niềm hy vọng cho toàn thể mọi người.

 

Hoa trái của đau khổ chính là tình yêu. Có ai đó đã nói rằng: “Thế giới này sẽ trở nên sa mạc cằn cỗi nếu như vắng bóng tình yêu”. Với lời khẳng định đó, phải chăng tình yêu là linh hồn, hơi thở và là thứ quyết định đến sự tồn tại của con người? Đúng vậy, tình yêu là chất liệu đan dệt nên cuộc sống. Không có tình yêu cuộc sống sẽ trở nên đau khổ nhiều hơn hạnh phúc, chiến tranh nhiều hơn hòa bình, ích kỷ chia rẽ nhiều hơn là sự hiệp nhất và loại trừ nhau hơn là đón nhận nhau như những chi thể của nhau. Như vậy, chúng ta có thể nhìn nhận tình yêu là thần dược chữa lành mọi hình thức đau khổ ở trần gian.

 

Thánh Augustinô đã nói rằng: “Đã yêu thì không còn đau khổ. Nếu có đau khổ thì yêu luôn cả đau khổ đó”. Điều đó, thánh nhân muốn diễn tả vai trò của tình yêu trước mọi hình thức đau khổ. Khi mang trong mình tình yêu, con người luôn nhìn nhận đau khổ cách tích cực, lạc quan và tràn đầy niềm hy vọng. Đau khổ không còn mang hình dáng cồng kềnh, sợ hãi và lo lắng nhưng mang diện mạo vui vẻ, hạnh phúc và bình an.

 

Tuy nhiên, tình yêu đó phải hướng đến với tha nhân. Bởi tình yêu lớn lên nhờ sự trao ban. Nếu tình yêu chỉ co cụm nơi và quy hướng về bản thân mình thì đó là một thứ tình yêu giả dối, tình yêu lý thuyết và một tình yêu không có niềm vui. Nhưng khi mỗi người biết mở cánh cửa của tình yêu để chia sẻ và nâng đỡ nhau thì tình yêu đó là một tình yêu nguyên tuyền, vị tha và đầy tình bác ái. Tình yêu đó phải là đôi chân biết đến với người nghèo, đôi mắt để thấy sự túng thiếu của anh chị em và đôi tai để lắng nghe những đau khổ của tha nhân.

 

Thực tế cho thấy, trong xã hội ngày hôm nay, tình yêu dường như là thứ ngôn ngữ ít được con người sử dụng. Đại dịch Covid 19 đã phần nào phơi bày tình yêu trong lớp màn giả tạo của không ít người. Đại dịch mang đến cho con người nỗi sợ hãi, đau khổ, khó khăn và cái chết. Nhưng giữa sự đau khổ đó, không ít người lại lợi dụng nhiều hình thức khác nhau để trục lợi, thu lời và vun vét những đồng tiền trên xương máu và mạng sống của nhau. Ngoài ra, cuộc chiến tranh giữa Nga và  Ukraine phần nào cũng nói lên được ngôn ngữ của tình yêu đang dần lu mờ trong tâm thức của các nhà lãnh đạo và một số con người.

 

Thế nhưng, giữa muôn hình thức đau khổ đó, chúng ta vẫn thấy được những tia sáng, mầm non và hoa trái đang “nhú” lên và trở thành niềm hy vọng cho nhân loại. Đại dịch mang đến nỗi sợ hãi, sự chia rẽ và cảnh tang tóc, nhưng đại dịch cũng cho thấy con người cần đến nhau để chia sẻ, nâng đỡ và chữa lành vết thương cho nhau. Mỗi ngày, chúng ta vẫn thấy những thiên thần áo trắng ngày đêm túc trực trong các bệnh viện dã chiến; một số nhà lãnh đạo, các nhà nghiên cứu vẫn không ngừng miệt mài tìm ra phương thuốc chữa trị; và cũng không ít người bằng những cách thức khác nhau để chia sẻ và mang gánh nặng cho nhau trong cơn đại dịch…. Tất cả những hành động đó dù đơn sơ, nhỏ bé nhưng là những hoa trái thánh thiêng được sinh ra nơi trái tim biết chia sẻ và chạnh lòng thương với tha nhân. Bên cạnh đó, nơi chiến trường Ukraine, chúng ta vẫn thấy được tình yêu đang len lỏi và mọc lên nơi “đống tro tàn”. Con người không vô cảm trước nỗi đau của thực tại nhưng lên án những hành vi độc ác đe dọa đến bình an chung của nhân loại.

 

Cuộc sống con người gắn liền với những vết thương sâu. Mỗi vết thương làm cho con người đau đớn, chán nản và thất vọng. Tuy nhiên, con người là một hữu thể sống luôn quy hướng đời mình về nguồn chân, thiện, mỹ đích thực. Vì thế, đứng trước đau khổ của bản thân, tha nhân và nhân loại, mỗi người không thể làm ngơ, phớt lờ và cổ võ cho sự đau khổ đó. Nhưng phải không ngừng thao thức, dấn thân và tìm mọi phương cách để xây dựng và khôi phục nền hòa bình đích thực trong đời sống thực tại.

 

Xin được mượn lời của cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận để diễn tả hoa trái ngọt ngào của đau khổ: “Đau khổ quả là gánh nặng nếu chúng ta sợ nó và cố gắng để tránh né. Nhưng, đau khổ sẽ là một kinh nghiệm ngọt ngào nếu ta chấp nhận nó với lòng can đảm.”

Gioan

(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)

 

Kiểm tra tương tự

Năm mới, tâm hồn mới: Cảm hứng từ Giáo lý Hội thánh Công giáo

Ký ức là một phần không thể thiếu đối với bản sắc con người. Sách …

Giáo hội và Thuyết Tiến hóa: Câu chuyện về cuốn sách bị lên án

  Trong loạt bài về Giáo hội và Khoa học, chúng ta sẽ xem xét …