HỌC HỎI PHÚC ÂM CHÚA NHẬT 31 THƯỜNG NIÊN NĂM C
Lc 19,1-10
- Tìm những điểm giống nhau và khác nhau giữa ông thu thuế Da-kêu (Lc 19,1-10) với ông thủ lãnh ở Lc 18,18-30. Tìm những điểm giống nhau giữa ông thu thuế Da-kêu trong bài Tin Mừng này với ông thu thuế trong dụ ngôn ở Lc 18,10-14?
- Truyện ông Da-kêu và truyện Chúa gọi ông Lê-vi (Lc 5,27-32) có gì giống nhau?
- Đọc Lc 19,5. Tại sao Đức Giêsu nói mình phải ở lại nhà ông Da-kêu? Tìm câu trả lời trong Lc 19,10.
- Có bao nhiêu từ hôm nay trong Tin Mừng Luca? Đọc Lc 2,11; 4,21; 5,26; 13,32-33; 19,5.9; 23,43. Khi dùng nhiều lần từ này, Luca muốn nói lên điều gì?
- Đọc Lc 19,1-4. Da-kêu là người giàu hay nghèo? Tại sao ông mong gặp thấy Đức Giêsu? Đọc Lc 5,27-32; 15,1-2.
- Điều gì cản trở ông gặp thấy Đức Giêsu? Ông đã làm gì để vượt qua những cản trở ấy?
- Đọc Lc 19,8. Bạn nghĩ gì về quyết định của Da-kêu? Làm sao Da-kêu dám quyết định như vậy?
- Theo bạn, Đức Giêsu đã làm gì khiến Da-kêu hoán cải?
- Đọc Lc 19,9-10. Đức Giêsu đã tặng cho Da-kêu những gì?
CÂU HỎI SUY NIỆM: Bạn học được gì từ cách cư xử của Đức Giêsu với Da-kêu? Làm sao để nhẹ nhàng giúp một người ăn năn hối cải?
PHẦN TRẢ LỜI
- Ông thu thuế Da-kêu ở Lc 19,1-10, và ông thủ lãnh ở Lc 18,18-30 có những điểm giống nhau: cả hai đều giàu (Lc 19,2; 18,23) và có chức tước (Lc 19,2; 18,18); cả hai đều có thiện cảm với Đức Giêsu, và đã được gặp mặt Ngài (Lc 19,3; 18,18). Tuy nhiên, họ cũng có những điểm khác nhau: ông thủ lãnh là người đạo đức, nhưng trước lời mời của Đức Giêsu, ông đã buồn rầu từ chối (Lc 18,23); còn ông thu thuế bị người đời coi là tội lỗi thì lại niềm nở đón tiếp Đức Giêsu, và dù Ngài không yêu cầu, ông cũng vui vẻ chia sẻ những gì ông có (Lc 19,6.8).
Ông thu thuế trong dụ ngôn ở Lc 18,10-14 giống ông thu thuế ở Lc 19,1-10 ở chỗ cả hai, dù tội lỗi nhưng vì có tấm lòng thành nên được Thiên Chúa thương xót (Lc 18,13-14), và ban ơn cứu độ (Lc 19,9).
- Truyện ông Da-kêu và truyện Chúa gọi ông Lêvi (Lc 5,27-32)có những điểm giống nhau: cả hai đều làm nghề thu thuế, cả hai đều được Đức Giêsu thấy và ngỏ lời trước (Lc 5,27; 19,5), cả hai đều đáp lại một cách nhanh chóng, vui vẻ (Lc 5,28;19,6), cả hai đều vui lòng từ bỏ một phần hay tất cả tài sản của mình (Lc 5,28;19,8), cả hai đều được Đức Giêsu đến nhà (Lc 5,29; 19,5). Trong cả hai truyện ta đều thấy Đức Giêsu khẳng định mục đích của đời mình: “Tôi không đến để…nhưng để…” (Lc 5,32); “Con Người đến để tìm kiếm và cứu cái gì đã mất” (Lc 19,10).
- Đức Giêsu ngỏ lời với Da-kêu đang ở trên cây sung. Ông sung sướng được thấy mặt Ngài, được biết Ngài. Nhưng Đức Giêsu lại cho thấy Ngài biết ông trước khi ông biết Ngài. Ngài gọi tên ông và muốn ông dẫn Ngài về nhà mình: Hôm nay tôi phải ở lại trong nhà của ông (Lc 19,5). Đọc Lc 19,10 ta thấy Ngài phải đến thăm nhà Da-kêu vì điều đó thuộc về chính sứ mạng của Ngài, sứ mạng tìm kiếm và cứu những gì hư mất.
- Tin Mừng Luca dùng nhiều lần từ hôm nay (Lc 2,11; 4,21; 5,26; 13,32-33; 19,5.9; 23,43). Luca thích dùng trạng từ này để cho thấy ơn cứu độ Thiên Chúa hứa không phải là điều viển vông xa vời, nhưng là một thực tại đã có mặt ở đây và bây giờ rồi. Ơn cứu độ đã đến với sự xuất hiện của Đức Giêsu. Trong các đoạn văn trên, ta luôn thấy có mặt Đức Giêsu. Ngài là Trung gian của ơn cứu độ.
- Da-kêu là người giàu của cải, nhưng ông lại là người nghèo tinh thần, vì ông không được mọi người kính trọng. Ông là người tìm Đức Giêsu và có một ước mơ là gặp mặt Ngài. Ước mơ này hầu chắc đến từ những gì ông nghe được nơi các đồng nghiệp của ông. Qua họ, ông biết Đức Giêsu là người khác thường, vì Ngài không khinh khi và xa tránh những người thu thuế như ông. Ngài đã kêu gọi một ông thu thuế vào nhóm của Ngài (Lc 5,27-32). Ngài đã vui vẻ ăn uống với những người thu thuế không một chút kỳ thị xa cách (Lc 15,1-2). Chính vì thế Da-kêu mong có dịp gặp mặt Đức Giêsu, người mà ông có nhiều thiện cảm.
- Khi có cơ hội gặp được Đức Giêsu ở Giêricô, Da-kêu lại bị những cản trở. Có cản trở đến từ đám đông chen chúc nhau quanh Đức Giêsu khiến ông không lại gần Ngài được. Có cản trở đến từ chính vóc dáng thấp bé của ông khiến ông không thấy mặt Ngài (Lc 19,3). Da-kêu đã không chịu bó tay. Lòng ao ước gặp mặt Đức Giêsu cho ông sáng kiến và can đảm để vượt qua những trở ngại. Ông đã vượt qua đám đông bằng cách chạy lên phía trước. Ông đã leo lên một cây sung để vượt qua sự thấp bé của mình (Lc 19,4). Da-kêu chẳng những có sáng kiến mà còn có can đám để thực hiện điều ông nghĩ.
- Bất chấp mọi người xầm xì về chuyện Đức Giêsu đến nhà ông (Lc 19,7), Da-kêu đã đưa ra những quyết định làm xoay chuyển đời ông. Ông quyết định chia nửa tài sản cho người nghèo, và đền gấp bốn những gì mình đã chiếm đoạt (Lc 19,8). Quyết định quảng đại này đến từ sự hoán cải sâu xa nơi ông. Ông hoán cải bằng hành động cụ thể và cho thấy của cải tiền bạc không còn làm chủ đời ông nữa. Đời ông đã giở sang một trang mới.
- Đức Giêsu đã không hề mời gọi ông hoán cải cách minh nhiên, nhưng Ngài làm ông hoán cải bằng cách cư xử của Ngài đối với ông: bằng việc dừng lại ở cây sung, bằng ánh mắt ngước lên, bằng gọi tên, bằng đề nghị đến thăm ông tại nhà, bằng việc hối ông xuống mau, bằng việc đi theo ông về nhà, bằng việc đến nhà ông, nhà mà mọi người coi là ô uế, và có lẽ bằng việc dùng bữa với ông như một người bình thường. Toàn bộ cách đối xử ấy làm lòng ông tan chảy, vì chưa ai đối xử với ông như thế.
- Theo Lc 19,9-10, Đức Giêsu đã tặng ban cho Dakêu và gia đình ông ơn cứu độ. Ngài trả lại danh dự cho ông: ông không phải là hạng người ô uế tội lỗi, mà là con của cụ tổ Ápraham như những người Do-thái khác.