Học hỏi Tin Mừng Chúa Nhật I Mùa Chay năm C

HỌC HỎI PHÚC ÂM CHÚA NHẬT 1 MÙA CHAY NĂM C

Lc 4,1-13

  1. Đọc các trình thuật về việc Đức Giêsu chịu cám dỗ trong Phúc âm Mátthêu và Luca (Mt 4,1-11; Lc 4,1-13). Cho biết vài điểm giống nhau và khác nhau.
  2. Thành phố Giêrusalem và Đền thờ Giêrusalem có đóng một vai trò quan trọng trong Phúc âm Luca không? Hãy đọc các đoạn sau : Lc 2,38.41; 4,9; 9,31.51.53; 13,22.33-35; 17,11; 18,31; 19,11.28.41; 24,33.47.52.
  3. Đức Giêsu đầy Thánh Thần (Lc 4,1; 3,22). Đức Maria, ông Gioan Tẩy giả, cụ ngôn sứ Simêon, bà Êlisabét, và ông Dacaria có được đầy Thánh Thần không? Xin trích dẫn.
  4. Khi cám dỗ Đức Giêsu, quỷ đã nói hai lần: Nếu ông là Con Thiên Chúa (các câu 3 và 9). Đức Giêsu có biết mình là Con Thiên Chúa không?
  5. Có 3 cơn cám dỗ đến với Đức Giêsu? Cơn cám dỗ thứ nhất chủ yếu là gì?
  6. 6. Cơn cám dỗ thứ hai chủ yếu là gì?
  7. 7. Cơn cám dỗ thứ ba chủ yếu là gì?
  8. 8. Để thắng được những cơn cám dỗ của quỷ, Đức Giêsu đã dùng những vũ khí nào?
  9. Đọc Lc 4,13. Sau khi quỷ bị thua và bỏ đi, nó vẫn “chờ đợi thời cơ” tấn công trong tương lai. Bạn hãy kể đôi lần Đức Giêsu bị cám dỗ sau này.

CÂU HỎI SUY NIỆM.

Bạn có gặp những cơn cám dỗ tương tự như những cơn cám dỗ của Đức Giêsu không? Theo kinh nghiệm của bạn, để thắng các cơn cám dỗ thì cần vũ khí nào hơn cả?

PHẦN TRẢ LỜI

  1. Cả hai trình thuật (Mt 4,1-11; Lc 4,1-13) cho thấy nhiều điểm giống nhau: Đức Giêsu đã bị quỷ dữ cám dỗ trong hoang địa, sau khi Ngài chịu phép rửa của Gioan Tẩy giả, và trước khi Ngài đi rao giảng. Ngài bị cám dỗ sau khi đã ăn chay 40 ngày, chính vì thế cơn cám dỗ đầu tiên ở cả hai trình thuật đều là cơn cám dỗ biến đá thành bánh để ăn cho đỡ đói. Ít nhất có một điểm khác biệt về vị trí của hai cơn cám dỗ sau: cơn cám dỗ thứ hai trong Mátthêu là cơn cám dỗ thứ ba trong Luca.
  2. Thành phố và Đền thờ Giêrusalem đóng một vai trò quan trọng trong Tin Mừng Luca. Tin Mừng này khởi đầu bằng việc ông Dacaria dâng hương trong Đền thờ Giêrusalem (Lc 1,9-10), và kết thúc bằng việc các môn đệ ở lại luôn trong Đền thờ (Lc 24,52-53). Đặc biệt Luca còn kể một cuộc hành trình dài lên Giêrusalem của Đức Giêsu (Lc 9,51 – 19,27). Đây là nơi Ngài chịu chết, hiện ra sau Phục sinh (Lc 24,33), và là khởi điểm cho sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho muôn dân (Lc 24,47).
  3. Trong Tin Mừng Luca, Thánh Thần ngự xuống trên Đức Giêsu lúc Ngài chịu phép rửa (Lc 3,22). Ngài đầy Thánh Thần (Lc 4,1). Đức Maria (Lc 1,35), ông Gioan Tẩy giả (Lc 1,15), cụ ngôn sứ Simêon (Lc 2,25), bà Êlisabét (Lc 1,41), và ông Dacaria (Lc 1,67) cũng được đầy Thánh Thần.
  4. Đức Giêsu có biết mình là Con Thiên Chúa vì trước đó, khi chịu phép rửa ở sông Gio-đan (Lc 4,1), Ngài đã nghe tiếng của Chúa Cha từ trời phán với Ngài: “Con là Con yêu dấu của Cha; Cha hài lòng về Con” (Lc 3,22).
  5. Cơn cám dỗ thứ nhất là cơn cám dỗ tấn công vào điểm yếu của Đức Giêsu trong thời điểm hiện tại: Ngài đang đói sau thời gian dài ăn chay (Lc 4,2b-4). Cơn cám dỗ nầy thoạt nhìn có vẻ không nguy hiểm như hai cơn cám dỗ sau: chỉ là biến một hòn đá trước mặt thành cái bánh để ăn cho khỏi đói. Đức Giêsu, vì thật là Con Thiên Chúa, có thể làm phép lạ này, nhưng Ngài đã không muốn dùng quyền năng Cha ban cho mình để lo cho nhu cầu bản thân, dù đây là nhu cầu chính đáng. Cơm bánh cho thân xác là cần, nhưng con người còn có những nhu cầu khác quan trọng hơn. Đức Giêsu là Con, nên để Cha lo cho mình.
  6. Cơn cám dỗ thứ hai là một cơn cám dỗ thô bạo: quỷ dám mời Đức Giêsu “bái lạy” nó, để nó cho Ngài mọi quyền hành và vinh hoa trên trần gian này. Nó dám bảo tất cả những thứ đó là của nó, và nó có quyền cho ai tùy ý (Lc 4,6-7). Đức Giêsu đã thắng cơn cám dỗ này khi nhắc lại lệnh truyền quan trọng ở sách Xuất hành 20,5. Ngài từ chối bái lạy quỷ và khẳng định chỉ thờ phượng một mình Thiên Chúa.
  7. Trong cơn cám dỗ thứ ba, quỷ thách Đức Giêsu nhảy xuống từ trên nóc Đền Thờ Giêrusalem (Lc 4,9). Nó bảo: nếu ông thật là Con Thiên Chúa thì Thiên Chúa sẽ bảo vệ ông, sợ gì mà không nhảy. Quỷ còn trích dẫn Kinh Thánh để lôi kéo Ngài (Thánh vịnh 91,1-2). Đức Giêsu đáp lại cơn cám dỗ này bằng cách trích dẫn một đoạn Kinh Thánh khác trong sách Đệ nhị luật 6,16. Ngài coi hành vi nhảy xuống là hành vi “thách thức” Thiên Chúa, ép buộc Thiên Chúa phải cứu. Đó không phải là thái độ của người Con thảo, vì ai đã tin thì không cần thử thách Thiên Chúa.
  8. Để thắng được những cám dỗ của quỷ, Đức Giêsu đã dùng những vũ khí sau: cầu nguyện, chay tịnh, sự trợ giúp của Thánh Thần, nhất là việc sử dụng Kinh Thánh để bẻ gẫy những âm mưu của quỷ. Khi quỷ bóp méo Thánh vịnh 91 để phục vụ cho mưu đồ của nó, thì Đức Giêsu đã dùng một đoạn Kinh Thánh khác để bẻ lại nó.
  9. Sau này Đức Giêsu còn gặp những cơn cám dỗ khác. Có cơn cám dỗ đến từ Phêrô (Mt 16,21-23).  Có cơn cám dỗ đến từ chính bản thân mình khi Ngài phải đón nhận làm theo ý Cha (Lc 22, 29-44).

Kiểm tra tương tự

Sinh Nhật Chúa Giêsu và câu chuyện Giáng Sinh

  Tại sao Sinh Nhật của Chúa Giêsu được gọi là Giáng Sinh?   Thuật …

Hiện tượng luận về việc chọn lựa: Gieo hành động – gặt nhân cách

Tính nghịch lý của sự phức tạp Mặc dù chúng ta ngày càng có nhiều …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *