Hồi hương hay trò chơi?

Trò chơi đâu phải trời cho mà vì dòng đời đắng cay…

 

 

Suốt thời gian khủng hoảng qua, Sài Gòn đã chứng kiến biết làn sóng hồi hương đầy xót thương. Những đoàn người nối đuôi nhau rời bỏ mảnh đất Sài Thành để trở về cố hương sau bao năm gắn bó. Chẳng hiểu từ bao giờ, Sài gòn đã trở thành quê hương thứ hai của họ. Đã có nhiều người phải dứt lòng ra đi. Đã có không ít người đau quặn trở về. Nhưng trước cuộc hồi hương “bất đắc dĩ” ấy, ai ai cũng không khỏi xót thương đau đớn. Trên con đường bấp bênh, buồn tênh, dường như họ đang bước vào một trò chơi vô hình nào đó chứ không thực sự là một cuộc hồi hương đơn thuần. Dáng dấp của “Trò chơi con mực” (Squid game) trong thế giới điện ảnh như đang tái diễn trên từng cây số. Có lẽ họ đã lao vào trò chơi ấy chỉ vì hai chữ ‘sinh tồn.’

Sài gòn vốn vẫn được mệnh danh là thành phố “hoa lệ” bao lâu nay. Sài gòn thu hút người dân tứ xứ kéo về để học hành, lập nghiệp. Nhất là những người dân lao động khắp nơi. Người ta vẫn ôm “cái mộng” đổi đời khi bước chân đến nơi này. Có những đời đã đổi thật sự, nhưng cũng có những đời đâu dễ đổi thay. Sài gòn ít ra cũng thỏa lòng mong ước của họ theo một cách nào đó. Thế rồi trận đại dịch vừa qua đã đánh bay tất cả. Sài gòn bị bệnh và lệnh đã ra. Những căn phòng tá túc “vài tiếng” mỗi ngày trở thành “căn cứ địa” ngày đêm. Cạn kiệt. Họ không thể làm gì hơn nữa để trang trải cho cuộc sống của mình. Đã có những lời hứa. Đã có những hy vọng nhỏ nhoi. Nhưng mọi sự tiêu tan và dường như Sài gòn trở thành nơi chôn vùi mọi sự đổi đời trở thành nơi dập tắt mọi mong chờ xưa nay. Không thể trang trải cho cuộc sống, họ đã chống lại ước vọng lâu nay và quyết chí ra đi. Khi hết trang trải thì phải ra đi là chuyện bình thường. Mang tiếng là “tự phát,” có những người đã phải quay đầu trở lại trong uất ức, bực mình, có những người đã “vượt ải” thành công nhưng không được đón tiếp. Vì “đói”, họ phải cuốn gói ra đi, nhưng lại vô tình bước vào trò chơi vô hình nào đó.

Có lẽ chỉ vì sinh tồn, họ phải buộc mình bước vào thứ trò chơi hơn thua được mất. Trong trò chơi này, người chơi đều là những người dân lao động thập phương, những người nghèo khổ, khốn cùng. Phần thưởng họ nhận được là miếng ăn manh áo, thành quả họ nhận được là chốn yên thân, là nơi an toàn. Họ sẽ nhận được những điều mà Sài gòn hiện tại không thể mang lại cho họ dù chỉ là chút hy vọng mỏng manh. Trong trò chơi này, điều họ có thể cảm nhận được là sự công bằng. Tất cả người chơi đều bình đẳng. Ở nơi kia, họ đã phải chịu đựng sự bất bình đẳng và phân biệt. Thế nên, hồi hương cho họ cơ hội để thi đấu công bằng và giành lấy chiến thắng. Ở Sài gòn, họ không có tiền để trả. Trong trò chơi này, nếu không có tiền, họ phải tạm trả bằng “cơ thể” với sự liều lĩnh của mình thôi. Họ liều mình đấu tranh cho sự bất công vẫn tiềm tàng đâu đó lâu nay. Họ đã quỳ. Đã lạy. Đã lao mình. Đã sống sót. Vô tình, cuộc hồi hương trở thành một “game show truyền hình thực tế” cho người xem buông lời đủ thứ. Phải chăng trò chơi này đang “mua vui” cho thế lực vô hình nào đó? Con người, nhất là người lao động nghèo, hóa ra lại trở thành công cụ “làm giàu” cho một nhóm người có quyền có thế mà đơn độc lẻ loi. Con người là con người chứ không phải thứ gì khác.

Dường như ở trong hay ngoài trò chơi này, con người vẫn đang phải chịu đựng thứ bất công không thể chấm dứt. Chỉ là người ta vô tình bước vào trò chơi mà không hay sau những tiếng kêu cứu thất thanh chẳng đành. Người ta có lẽ đang cảm thấy “buồn nôn” với cuộc sống hiện tại. Dường như hai chữ “bình đẳng” cũng chỉ tồn tại trên những trang giấy trong những mơ tưởng hão huyền. Không còn lối thoát nào chăng? Kẻ vẫn đói người vẫn nghèo. Ai sẽ nghe nổi tiếng lầm than của kiếp nhân sinh? Ai sẽ cho họ một lối thoát ngoài trò chơi kia? Là ai? Thiên Chúa ở đâu trong trò chơi đó? Có lẽ sẽ có người làm ngơ trước lời cầu khẩn của người khác. Đó là nỗ lực của người này người kia mà! Làm chi có Chúa nào! Chỉ là thần thánh hóa những yếu nhược của con người thôi. Nhưng niềm tin tưởng đã và đang giữ vững rất nhiều người giữa chốn bất công ở nơi chẳng hề bình đẳng. Đó là niềm tin vào Đức Kitô, Đấng đã trở nên nghèo khó. Người luôn luôn gần gũi với những người nghèo và những kẻ bị loại trừ. Đức Giêsu cũng trở thành nạn nhân cho một thứ trò chơi bất công thời của Người. Cái chết là giá quá đắt của trò chơi đó, nhưng phần thưởng lớn lao hơn nhiều.

Trên đường hồi hương, họ đã dạy cho ta nhiều điều. Họ chia sẻ cho ta một cảm thức đức tin mãnh liệt giữa chốn chênh vênh. Dường như họ cũng biết Đức Kitô chịu đau khổ qua những khổ đau của chính họ. Nhờ trò chơi này, ta được mời gọi để trở nên những người bạn của họ, lắng nghe họ, hiểu họ và đón nhận sự khôn ngoan nhiệm mầu mà Thiên Chúa muốn thông truyền cho ta qua họ. (X. Giáo Hội giàu lòng thương xót, Đức Thánh Cha Phanxicô)

Lyeur Nguyễn

 

Kiểm tra tương tự

Hãy tìm hiểu nhau như một vị thánh

Phần lớn các bạn trẻ Công giáo cảm thấy được mời gọi bước vào đời …

Bố ơi, ai vậy?

Ông đang nằm nghiêng mình trên chiếc ghế sofa, vừa xem ti-vi vừa thưởng thức …

Một bình luận

  1. Đọc bài viết, sao con không cảm thấy bình an. Cái mà cần thiết tìm ở Đức Ki Tô lại ko thấy trong bài viết này??

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *