Hôm nay mới nhận ra…

Chúa Nhật. Một buổi sáng tràn đầy niềm hân hoan và háo hức. Nhà mình lại cùng nhau sinh hoạt. Cái nắng Thủ Đức dường như cũng chẳng thể lấy đi năng lượng của những thành viên dưới mái nhà sinh viên Công giáo Nhân văn. Nhà mình lại có thêm thành viên mới đấy! Niềm vui nhân lên gấp bội. Cảm giác thân thiết gần gũi như một gia đình vẫn luôn làm người ta cảm thấy thoải mái, vui vẻ, đầy năng lượng cho một ngày Chúa nhật ý nghĩa và lắng đọng.

Bao lâu rồi?

Đã bao lâu rồi không để ý đến sợi dây gắn kết giữa ta và Thiên Chúa? Nó có còn lớn mạnh và thường trực như mọi khi không? Lời Chúa về tiệc cưới của Nước Thiên Chúa mà chúng tôi cầu nguyện và chia sẻ hôm Chúa Nhật vừa rồi đã thức tỉnh tôi. Lời Chúa tỉnh đời sống đức tin hiện tại của tôi và thắp lên ngọn lửa sốt mến tin yêu nơi tâm hồn đang dần nguội lạnh của tôi. Lòng thương xót Chúa mãi luôn là bến đỗ bình an và nguồn an ủi vô tận.

Sau khi cùng nhau đọc lời Chúa, tôi và mọi người thinh lặng tiến đến nhà nguyện. Trong những giây phút linh thiêng lắng đọng, tôi dâng lên Chúa lòng mình, ước mong Chúa thấu rõ, và để cho Chúa chạm vào nơi sâu thẳm tâm hồn. Ấy cũng là khi tôi nhận ra những thiếu sót, những lỗi lầm, sự vô tâm bỏ quên Chúa đằng sau những thứ phù phiếm. Tôi, một sinh viên năm nhất, bận rộn với toàn là thứ mới: môi trường học tập mới, thầy cô mới, bạn mới… Tôi như bị xoáy theo những điều mới mẻ ở bên ngoài ấy mà quên đi điều cũ nhưng lại luôn luôn mới: tiếng mời gọi của Chúa. Đúng là trong đời này có rất nhiều tiếng gọi, nhưng tôi đang để cho tiếng gọi nào thu hút tôi? Thật sự, tôi thấy mình chẳng xứng đáng với tình yêu bao la Chúa dành cho mình. Chúa đã luôn dang tay bảo vệ, chở che, giữ gìn để tôi còn được ở đây cùng sám hối và cầu nguyện với mọi người. Lòng thương xót Chúa mãi luôn là bến đỗ bình an và nguồn an ủi vô tận.

Sau những giây phút cầu nguyện riêng tư, tôi mở ra với những chia sẻ của mọi người trong gia đình mới này. Mỗi người có những trang sách cuộc đời của riêng mình. Chúng tôi đã cùng nhau chia sẻ những trang sách đầy sự mệt mỏi, bế tắc, áp lực và cả những nỗi buồn phiền hay những giọt nước mắt thống hối. Công việc, học tập, gia đình, những mối tương quan,… thật có quá nhiều thứ choán lấy 24 giờ mỗi ngày của mỗi chúng tôi. Mệt mọi vì mớ hỗn độn ấy, mọi thứ cứ rối tung lên, giải quyết chuyện trước mắt còn chưa xong, thời gian đâu mà bồi bổ cho tinh thần cơ chứ?

Ồ, không! Có chứ! Không lẽ tôi chỉ dành cho Chúa những khoảng thời gian nhất định trong ngày, một chút trước khi đi ngủ, hay một giờ đồng hồ lễ vào mỗi Chúa Nhật hay sao? Sống trong Chúa, hướng đến Chúa mọi lúc bằng những lời nguyện tắt, dâng lên Chúa từng việc mình làm, để đền bù tội lỗi cũng như gắn kết với Chúa nhiều hơn. Điều đơn giản vậy, mà đến hôm ấy mới nhận ra. Tự thấy xấu hổ vì mình có lỗi với Chúa quá, nhưng cũng tự thấy may mắn vì Chúa vẫn soi sáng để mình hiểu ra. Chúa vẫn đang cùng đồng hành, mời gọi trở về bên lòng thương xót Chúa. Vì là một quyển sách, nên mỗi ngày những trang mới lại được viết tiếp, sầu khổ buồn đau được vỗ về ngủ yên phía sau, tiến về phía trước là đức tin ngày một vững vàng, là cuộc sống đầy tình người ấm áp và yêu thương. Lòng thương xót Chúa mãi luôn là bến đỗ bình an và nguồn an ủi vô tận.

Lạy Chúa! Xin cho con cùng mọi người được trở về cùng Chúa, được gắn kết và sống trong tình yêu Người luôn mãi. Nhưng Chúa ơi, con xin Người tha thứ những lỗi lầm con đã vấp phạm làm mất lòng Chúa. Xin Người thêm sức mạnh và đức tin, để con luôn thức tỉnh và nhận ra mỗi khi Chúa gõ cửa nhà con, mời gọi con sống theo thánh ý Chúa, để con đều có thể khoác lên mình y phục trong sạch và tươm tất, sẵn sàng và xứng đáng đến sự tiệc cưới Chúa mời.

Lạy mẹ Maria, xin Mẹ cầu cùng Giêsu cho chúng con, để trái tim và tâm hồn chúng con thêm trong sạch, xứng đáng đón nhận ơn Chúa để mong ngày sau được cùng Mẹ hưởng vinh phúc trên nước quê trời. Amen!

 

(Bạn đọc gửi về dongten.net)

Kiểm tra tương tự

Lời cầu nguyện đầu năm học mới

Bạn muốn bắt đầu năm học mới đúng nghĩa? Lời cầu nguyện sau đây có …

Đức Mẹ và kinh nghiệm của ta về Thập Giá

  Chúng ta có thể nói về sự cứu độ dưới hai góc độ: khách …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *