MM Tân, SJ
Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, cha ông chúng ta được Trời Cao phú bẩm, và qua kinh nghiệm cuộc sống, đã nhận biết “ Ông Trời có mắt”, có đi đến đâu và làm gì cũng không thoát khỏi “lưới trời lồng lộng”, từ đó dân ta luôn được thức tỉnh để sống kỷ cương, không làm điều gì trái lương tâm qua mọi thời và trong mọi hoàn cảnh luôn ngước mắt nhìn trời khấn nguyện: “lạy Trời… Tin rằng giữa dòng đơì ngược xuôi, dù có trôi tới đâu chăng nữa thì vẫn như “lá rụng về cội”, “sống gửi thác về”, về với Đấng tác sinh muôn vật. Nhìn bé thơ chào đời trong vòng tay của mẹ cha, Tin rằng “Trời sinh Trời dưỡng”, “trời sinh voi, trời sinh cỏ” . Vì thế, dân ta từ ngàn đời đã biết buông mình trong vòng tay của Thiên Chúa trời đất. Và cũng từ đó hình thành một cung cách Việt : chan hòa, bao dung, thanh thoát, thủy chung, trong sáng, sống thương yêu đùm bọc. Khai mở con đường làm người chủ yếu dựa trên chữ hiếu, gọi là Đạo Hiếu: Hiếu với Trời (qua bàn thời Thiên); với dân nước, với tổ tiên, ông bà cha mẹ… Có thể nói, không chỉ riêng tổ tiên chúng ta, mà là mỗi người châu Á, đều dự phần và đồng hành trong cuộc hành trình tiến về quê Trời, và tin rằng những vùng đất của tổ tiên là những thửa đất có sự hiện diện và hoạt động lạ lùng của Thần Linh Thiên Chúa. Trời, ông Trời, Chúa trời, Thiên Chúa, Koran Brah, Khoa Yang Adei… những tên khác nhau tùy theo mỗi dân tộc và tôn giáo để gọi Đấng chủ tể tác sinh muôn loài.
Thiên Chúa, Ngài là ai
“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, Nhưng được sống muôn đời”, (Ga, 3,16).
“Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại : hôm nay một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em” (Lc 2, 10).
Thiên Chúa trời đất của cha ông chúng ta, Thiên Chúa của lòng thương xót,
“Thiên Chúa yêu thương nhân thế đến nỗi trao ban Con Một, để ai tin vào con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16) . Lời hứa ban Đấng Cứu thế cho nhân loại là lòng thương yêu và trung tín của Thiên Chúa, lời hứa ấy đã được thực hiện trong đêm Con Thiên Chúa giáng sinh làm người. Chúng ta hãy cùng nhau chiêm ngắm và lằng nghe.
Hòa mình vào khung cảnh diễn ra cách đây khoảng 2019 năm, trên những nẻo đường Palestina, chúng ta sẽ gặp thấy từng đoàn, từng đoàn ngừơi thuộc dòng họ Davit từ khắp nơi đổ về Be-lem để khai hộ khẩu, một dòng họ trải dài suốt 1.000 năm thì đông vô kể. Lẫn trong dòng người di cư có một cặp vợ chồng trẻ, Giuse và Maria, mà Maria thì đã tới ngày sinh… Người đông như kiến thế kia thì làm sao kiếm được chỗ trong nhà trọ, và chuyện gì phải đến đã đến, như thể đương nhiên : “ …hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ”.
Thế nhưng, từ ngày trinh nữ Maria cất tiếng thưa xin vâng : “xin cứ xảy ra cho tôi như lời sứ thần truyền”, thì người con gái làng Nagiaret ấy đã quen buông mình trên đôi tay quyền năng của Thiên Chúa, và việc phải đến, đã đến theo đúng trình tự Thiên Chúa đã xếp đặt :
từ thời điểm
“Bà Elisabeth có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần đến…gặp một trinh nữ…tên là Maria”. Một thời điểm trùng khớp với biến cố kiểm tra dân số diễn ra khoảng 9 tháng sau đó : “Ai nấy phải về nguyên quán mà khai tên tuổi. Bởi thế ông Giuse từ thành Na-gia-ret…lên thành Bê-lem…cùng với bà Maria…” Để Con Thiên Chúa sinh ra ở Belem đúng như lời thánh kinh ở đó “Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ”. Và cũng ở đó “những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật” nhận được quà tặng của tình yêu Thiên Chúa : “hôm nay, một Đấng cứu độ đã sinh ra cho anh em”. Giả như Giuse và Maria may mắn tìm được chỗ trong nhà trọ thì sao nhỉ? Sứ điệp sẽ phải sửa lại là “Một Đấng cứu độ đã sinh ra trong một mái nhà…mà nếu vậy thì không có phần cho những người trong cảnh đời cơ cực lang thang giữa bao cánh đồng.
Chiêm ngắm Ngôi Hai Thiên Chúa làm người
Con Thiên Chúa cất tiếng khóc đầu đời, trong tiếng khóc ngàn đời của phận người. Tuy nhiên, theo nhịp đập của trái tim nhân loại, là tiếng reo vui của tấm lòng con thảo cám mến và vâng phục : “Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa, lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như sách thánh đã chép về Con” (Dt 10,5-7). Và cả triều thần thánh cũng reo vui và chúc tụng trong tiếng reo vui của Ngôi Con: “vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” .
Cuộc gặp gỡ giữa ConThiên Chúa làm người và những con người cùng khổ.
Những người chăn chiên sống ngoài đồng, sau khi được sứ thần loan báo, họ bảo nhau: “nào chúng ta sang Belem, để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ cho ta biết”. Họ liền hối hả ra đi… Không biết có phải vì hối hả hay vì quá nghèo, mà chẳng ai mang theo lễ vật. Đến nơi họ gặp thấy “…Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ” . Không biết có phải tại vui mừng quá, tíu ta tíu tít kể lại điều đã được nói với họ về hài Nhi này…mà quên bái lạy. “Hôm nay một đấng cứu độ đã sinh ra cho anh em, mang hình hài một trẻ sơ sinh bọc tã đặt nằm trong máng cỏ. Họ đã không bái lạy, nhưng đã chiêm ngắm và đã lắng nghe :
Họ đã gặp và đã thấy: “…Đấng Cứu Thế sinh ra trong một máng cỏ, giữa đàn súc vật, giống như bao trẻ em của các gia đình nghèo; Ngài được dâng trong Đền Thờ với một cặp bồ câu non, là loại lễ vật của những người không có khả năng mua một con chiên con (xem Lc 2:24; Lv 5:7).
Rồi họ sẽ còn thấy: Ngài được nuôi dạy trong một gia đình lao động bình thường kiếm sống bằng bàn tay lao động của mình. Khi Ngài bắt đầu rao giảng Nước Thiên Chúa, đám đông dân chúng nghèo hèn đi theo Ngài, minh hoạ cho lời tuyên bố của Ngài: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn” (Lc 4:18). Ngài quả quyết với những người trĩu nặng buồn phiền và bị đè nặng bởi cảnh nghèo khó rằng Thiên Chúa có một chỗ đặc biệt cho họ trong trái tim Người: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em” (Lc 6:20) (x.EG 197). Hối hả đến Belem, không lễ vật, cũng chẳng thấy bái lạy, đến khi rời máng cỏ, xem ra họ cũng chẳng đem gì đi. Nhưng kìa, còn có chi khác lạ diễn ra trong cuộc gặp gỡ mà Tin Mừng không kể lại chăng. Để khi “những nguời chăn chiên ra về, họ vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa”, không có gì hết ngoài “những điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như lời đã được nói với họ”. Dễ hiểu thôi, các bạn nghèo reo vui vì biết rằng từ nay Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho mình, có nghĩa là kể từ nay họ có Đấng Cứu độ cùng đi với mình, nói với mình, thở với mình, làm việc với mình. Họ tôn vinh ca tụng Thiên Chúa. Họ cảm nhận được Giêsu sống với mình. Họ nhìn thấy Ngài hiện diện tại tâm điểm cuộc sống, và từ lòng họ tuôn trào lời ca khen chúc tụng, để từng bước đi trong đời là rao truyền Danh Thánh.
Khuôn mặt Giê-su nơi người môn đệ giữa lòng nhân thế hôm nay.
Đức giáo hoàng Phanxicô trong tông huấn Niềm Vui của Tin Mừng đã trải lòng trước người nghèo như sau : “…Đa số người nghèo có một sự mở lòng đặc biệt với đức tin; họ cần Thiên Chúa và chúng ta không thể không cống hiến cho họ tình bạn, sự chúc lành, lời nói, việc cử hành các bí tích và một hành trình lớn lên và trưởng thành trong đức tin. Chọn lựa ưu tiên của chúng ta vì người nghèo phải chủ yếu trở thành một sự chăm sóc tôn giáo đặc biệt và ưu tiên cho họ. (EG 200) …vì giữa những khó khăn họ biết Đức Kitô chịu đau khổ. Chúng ta cần phải để mình được phúc âm hoá bởi họ. Tân phúc âm hoá là một lời mời gọi nhìn nhận quyền năng cứu độ đang hoạt động trong đời sống của họ và đặt nó vào tâm điểm cuộc lữ hành của Hội Thánh. Chúng ta được kêu gọi tìm thấy Đức Kitô nơi họ, lên tiếng bênh vực mục đích của họ, nhưng đồng thời cũng là bạn của họ, nghe họ, nói với họ và ôm ấp sự khôn ngoan mầu nhiệm mà Thiên Chúa muốn chia sẻ với chúng ta thông qua họ (EG 198) . Tóm lại, “Sự hoán cải thiêng liêng, tình yêu sâu đậm với Thiên Chúa và tha nhân, nhiệt tình đối với công lý và hoà bình, ý nghĩa Tin Mừng của người nghèo và cảnh nghèo, là những điều đòi hỏi mọi người” (EG 201). Trong vòng tay và nơi trái tim bé nhỏ của hài nhi Giê-su : nhân thế tội tình được Thiên Chúa chữa lành, ấp ủ thương yêu; những con người lang thang vô định không chỉ có được điểm dừng, mà còn được Con Thiên Chúa làm người chung bước.
Giáng sinh lại về, hôm qua cũng như hôm nay, cũng như hai ngàn năm trước,
Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta
Người đã đến nhà mình (Ga,1,11),
các người chăn chiên đã nhận biết “đúng như đã được nói với họ” qua miệng sứ thần;
bạn nghèo hôm nay cũng dễ dàng nhận biết khi thấy “đúng như lời Chúa đã phán dạy trong Thánh Kinh”.
Thế là giữa đất trời tràn ngập tiềng reo vui “vì mọi điều đã được mắt thấy tai nghe”,
Trong khi cặp mằt tròn xoe ngỡ ngàng : như thấy đấng vô hình”,
Vì đường nẻo Chúa thật diệu kỳ, đường của tình yêu và sự sống.