Hồn Thánh Thể hoà quyện vào cuộc sống thường ngày

Với Bạn, Bí Tích Thánh Thể nên được sống động như thế nào trong cuộc sống thường ngày của Bạn, để nhờ đó Thánh Thể không là một ‘mảnh rời’ chẳng liên hệ gì đến cuộc sống, mà ngược lại Thánh Thể được hoà quyện vào với cuộc sống, nghĩa là Thánh Thể là nguồn ân sủng (với các yếu tố Thánh hoá, Hiệp thông, hiệp nhất, ẩn mình tĩnh lặng, hiến dâng, trong trắng, trao ban, đơn hèn nhỏ bé, an bình…) được sống động trong tâm hồn, trong cảm xúc, trong suy tưởng, lời nói, hành vi, hành động cũng như công việc của Bạn?

 

Để viết đề tài này, tôi phải lục lọi trong tâm hồn mình, gom góp lại những kinh nghiệm cùng sống với Chúa Giêsu Thánh Thể trong cuộc đời của tôi từ trước đến nay. Thật hay! Tôi có dịp có thêm những quãng lặng với Chúa và tâm tình, xin Ngài soi sáng cho tôi nhớ lại hết những ngày sống của tôi trong từng giai đoạn cuộc đời. Chúng như những thước phim quay chậm lại, để từ trong đó, tôi chọn, rút ra những tâm tình, những nhận thức về sự hiện diện của Chúa bên tôi, trong tôi và cùng tôi sống mỗi ngày như thế nào.

Đã bao lần tôi rước Chúa vào lòng, nhưng khi ra khỏi nhà thờ là tôi lại để Ngài ở lại; có khi mang Ngài về nhà theo tôi nhưng lại để quên Ngài cô đơn trong một nơi thật kín mà chính mình không còn biết Ngài ở đâu nữa. Tôi rước Chúa nhưng chưa ý thức được sự quan trọng và ý nghĩa sâu sắc của việc được rước Chúa. Tôi tham dự thánh lễ như người đến bữa ăn thì ngồi vào bàn ăn thế thôi, như một cái máy theo thói quen: hoặc đến nhà thờ vì những mục đích gặp bạn bè, diện đẹp….Nhưng dường như Chúa mời gọi tôi đến với Ngài từ những hấp dẫn trần tục ấy, rồi dần dà Ngài mới „ra tay“ tóm lấy tôi về với Ngài.

Qua những lần rước lễ cách vô tư, máy móc, Chúa Thánh Thần vẫn ở trong tôi cho dù tôi không nhận biết. Ngài mở lòng trí cho tôi, thi thoảng nhận ra niềm vui, sự an bình khi tham dự thánh lễ. Rồi Chúa Thánh Thần trong tôi dẫn dắt tôi đến gần Chúa hơn qua các khoá Magis, đọc sách thiêng liêng, các bài giảng, suy niệm hằng ngày. Tôi dần dà thấy mình có nhu cầu gặp gỡ Chúa qua cầu nguyện, dâng ngày sống cho Chúa; được Chúa mở trí cho biết thế nào là sống kết hiệp với Chúa trong từng giây phút trong ngày sống: lúc thức dậy, trên đường đi làm, trong lúc làm việc, những vui buồn trong ngày, rồi những quyết định, những suy nghĩ cùng Chúa…

Chúa Giêsu làm cho  CHẤT NHỰA  của ân sủng Người nảy nở trong tôi, đặc biệt qua việc rước lễ; làm cho đời sống thiêng liêng của tôi trở nên dồi dào hơn. Được thúc đẩy siêng năng cầu nguyện, suy niệm với Thánh Kinh; tham dự những khoá học hiểu về Chúa: Như vòng tuần hoàn từ những hiểu biết về Thần học, giáo lý, sách thiêng liêng; tôi càng thấy thấm thía những lời kinh khi đọc, những bài phúc âm khi suy gẫm.

Mỗi lần rước lễ, ý thức Chúa đang ngự trong lòng và cầu nguyện xin Chúa cùng sống với tôi trong ngày sống, cùng suy nghĩ và lèo lái hành động, suy nghĩ, lời nói của tôi theo ý Chúa. Đặt ngày sống của tôi dưới ánh nhìn của Chúa.

 

Sống Thánh Thể, cùng Chúa sống, để Chúa hướng dẫn những suy nghĩ, hành động, chọn lựa làm những điều đẹp lòng Chúa, không để bản thân chây lười nhưng bắt nó theo gương sống của Chúa: hy sinh, phục vụ; nắm bắt bao nhiêu như có thể cơ hội phục vụ tha nhân, đem niềm vui, hạnh phúc đến cho họ và qua đó cảm nhận được hạnh phúc nơi chính mình. Biết phân định việc tốt để làm, việc xấu để tránh, bỏ dần ý riêng; quan tâm và nghĩ cho người khác hơn là cho bản thân; hy sinh chịu thiệt thòi, nhường nhịn người khác bao nhiêu có thể. Tập suy nghĩ theo cách của Chúa. Có một lần, tôi cùng làm việc với một đồng nghiệp nổi tiếng là khó chịu, và chính tôi đã nhiều lần đụng độ „toé lửa“ với bà ấy. Hôm đó, bà ấy không khoẻ trong người; vì lòng thương, tôi quan tâm chăm sóc cho bà. Từ đó trở đi chúng tôi gần gủi tâm sự và hiểu nhau hơn, quý mến và nhường nhịn nhau trong công việc. Bây giờ không những bà tốt với tôi, nhưng cũng bớt khó chịu với người khác khi tôi nói đỡ cho họ. Tôi chợt nhận ra, Chúa tạo cơ hội cho tôi thấy điều tốt lành khi người ta biết quên giận hờn mà đi bước trước trong các mối tương quan. Từ sự việc này, lòng tôi dâng lên một niềm hạnh phúc và cảm nhận Chúa đang bên tôi, hướng dẫn hành động của tôi. Tôi thì thầm nói với Chúa lời cảm tạ. Trong thâm tâm, tôi được thúc bách muốn sống yêu thương, cảm thông và muốn làm những việc có thể đem niềm vui, hạnh phúc đến cho mọi người cho dù tôi phải chịu phần thiệt thòi.

 

Cảm nếm được bàn tay Chúa ân cần nâng đỡ tôi, cảm giác thật hạnh phúc. Có những lúc cảm thấy người nóng bừng, hăng hái muốn và vui vẻ làm những việc có ích lợi cho đời sống tâm linh của mình và sinh ích cho người khác. Có những lúc cảm nhận được Chúa đang ngay cạnh bên, cảm giác thật gần gủi, chỉ cần đưa tay ra là có thể chạm vào Ngài. Có khi cảm nhận được những việc xảy ra cho tôi thật rõ là do bàn tay Chúa sắp đặt, tự hỏi mình vô danh, nhỏ bé, tội lỗi , thế mà Chúa cũng quan tâm chăm sóc thật chu đáo như chỉ có mỗi mình tôi ở trước mặt Ngài thôi, chẳng có ai khác cả. Lòng cảm mến và biết ơn dâng trào trong tôi, hướng tôi về phía Ngài; muốn làm những việc đẹp lòng Ngài: thực hành những giáo huấn của Ngài trong Kinh Thánh, và cũng từ những giáo huấn trong Kinh Thánh sửa đổi thái độ sống, cách cư xử với tha nhân….của tôi.

 

Có những cơn thử thách không nhỏ đến với tôi, nhưng với kinh nghiệm cùng sống với Chúa mỗi ngày, tôi bình thản đón nhận trong niềm tin tưởng Chúa yêu tôi, đã ban cho tôi nhiều món quà thật tuyệt mà tôi không ngờ được, thì chắc chắn rằng những vấn nạn tôi gặp phải đều nằm trong tầm kiểm soát của Ngài, trong chương trình của Ngài hướng cho tôi. Có gì tôi còn phải lo nữa! Tôi chỉ cần dâng trao hết cho Ngài với ước nguyện: xin cho ý Cha được thể hiện nơi con, và lòng thật an bình trong tin tưởng và phó thác. Có khi ngay trong đau khổ, tôi cảm thấy dâng lên niềm hạnh phúc đang cùng được chia sẻ nỗi đau với Chúa, đang cùng vác thánh giá với Ngài là lòng lại thấy an bình. Có lần tôi ngồi buồn than thở với Chúa, thì từ trong lòng, âm vang tiếng Chúa nói: con nói yêu ta, mà có chút đau khổ, tủi thân đó con không vượt qua được sao? Ta còn bị chính những bạn hữu chối bỏ, quay lưng khi ta lâm nạn như con biết đó. Vậy đây là lúc con đang chia sẻ thập giá với ta đó. Con nỡ để ta vác một mình sao? Đừng buồn nữa Ta và con cùng vác. Tự nhiên tôi khóc như trẻ nhỏ bị ăn hiếp, nhưng với cảm xúc ăn năn, hối lỗi, thấy tất cả phần lỗi thuộc về mình. Sau đó lòng tôi cảm thấy nhẹ nhõm, trào dâng cảm giác muốn đứng phắt dậy và đi làm hoà với người trước đó tôi thấy là hoàn toàn có lỗi đối với tôi.

Gần gủi Chúa để tâm hồn được Ngài tẩy sạch bụi bẩn, những vẩn đục của trần gian, như một chiếc áo cần phải được giặt cho sạch, thơm mới có thể mặc tiếp. Đến với bí tích Thánh Thể, tôi được ơn tha tội, được kết hiệp nên một với Chúa Giêsu và được sống đời đời, còn gì ở đời này quý giá cho bằng!

Từ những ơn phúc Chúa ban mà tôi nhận ra trong từng giây phút của ngày sống, từ những điều rất đơn giản, tự nhiên, có những điều thật nhỏ xíu có thể bị bỏ qua, tôi càng yêu mến Chúa, được thôi thúc muốn dâng hy lễ đời mình mỗi ngày cùng với Chúa Kitô trong thánh lễ; trong từng suy nghĩ, lời nói, hành động nhờ Ngài dâng lên Chúa Cha hiến lễ tạ ơn thay cho tôi và cho mọi người, cùng để kín múc nguồn lương thực Thần Linh nuôi dưỡng và tăng sức mạnh cho tâm hồn luôn mãi. Như vậy, đời sống thiêng liêng của tôi như là một vòng tròn tuần hoàn với Chúa và trong Chúa, như lời thánh Edith Stein OCD: “Trong cuộc sống hằng ngày chúng ta chuẩn bị cho Bí Tích Thánh Thể. Trong Bí Tích Thánh Thể chúng ta chuẩn bị cho cuộc sống thường ngày. Qua đó Thánh Thể và cuộc sống hằng ngày của chúng ta hoà quyện lại và trở nên lời tạ ơn Thiên Chúa luôn mãi”.

Lạy chúa, xin cho hồn Thánh Thể trong con luôn dồi dào đến độ có thể hoà quyện vào cuộc sống thường nhật của con, cho con cảm nếm được hạnh phúc Thiên Đàng ngay khi còn ở trần gian này, và được cùng chung chia sẻ niềm hạnh phúc này với tha nhân, những người con gặp gỡ, những người sống quanh con.

 

Cecilia Lê Thị Thu Thuỷ

Kiểm tra tương tự

Món Quà Giáng Sinh – Suy tư Tin Mừng CN 4 Mùa Vọng năm C

  Giáng sinh là khoảng thời gian tuyệt vời nhất trong năm đối với phần …

Sinh Nhật Chúa Giêsu và câu chuyện Giáng Sinh

  Tại sao Sinh Nhật của Chúa Giêsu được gọi là Giáng Sinh?   Thuật …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *