Bản Chất Và Vai Trò Của Lương Tâm (phần 2/2)

20100329160959-1_0

Dẫn nhập

Bản chất của Lương tâm

Vai trò của lương tâm trong vấn đề nhận biết và phán đoán của luân lý

Kết luận

III. Vai trò của lương tâm trong vấn đề nhận biết và phán đoán của luân lý

Lương tâm giữ vai trò rất quan trọng trong đời sống của con người. Lương tâm hướng dẫn mọi hoạt dộng và phán đoán của con người. Vì thế, để có thể hành động và đưa ra những phán đoán đúng đắn, vai trò của lý tính và cảm tính trong việc phân định và chọn lựa của lương tâm có ý nghĩa rất quan trọng.

1. Vai trò của lý tính và cảm tính trong việc phân định và chọn lựa của lương tâm

Về khả thể “lý tính”, ý niệm “lương tâm” mà tiếng Latinh gọi là “conscientia” gồm hai từ “con”, mà nguyên ngữ của nó là “cum” và có nghĩa “cùng với”; còn từ “scientia” xuất phát từ động từ “scire” và có nghĩa là biết hay ý thức. Như vậy, “conscientia” có nghĩa là cùng biết, cùng ý thức, tức một sự hiểu biết hay ý thức toàn diện của chủ thể tri thức.[1] Mặt khác, cảm thức chung cũng công nhận lương tâm có thể phân thành đúng và sai; mà đặc tính đúng và sai lại là các đặc trưng của sự hiểu biết nên lương tâm có khả năng biết. Do đó, lý do con người có thể phân định và chon lựa theo lương tâm là vì ý chí của họ luôn hướng về một sự thiện tối hảo nào đó mà lý trí đã trình bày và phô diễn ra cho họ. Ý chí tự nó không hiểu gì về sự thiện đó, vì nó không là khả năng nhận biết. Chính vì nơi con người có được tác dụng hỗ tương giữa lý trí và ý chí mà con người là một hữu thể có tự do, một tự do đúng nghĩa để phân định và chọn lựa theo lương tâm.

Đối lại, khả thể ‘cảm tính’ cũng có các luận chứng hỗ trợ. Nếu lương tâm thuộc về phần lý tính như đã xét ở trên thì hệ quả nó sẽ là một trạng thái ổn định (vừa có phần bẩm sinh, vừa có phần thao luyện). Điều này tất nhiên sẽ sinh ra các mâu thuẫn nội tại. Bonaventure lý luận rằng: Lương tâm không thể là một trạng thái ổn định vì đôi lúc lương tâm tinh tuyền và lúc khác nó lại nhơ bẩn. Lương tâm cũng không thể là năng lực nhận thức, vì nếu như thế thì phạm vi của nó sẽ trải rộng không chỉ ở hành động mà còn cả việc chiêm niệm, tức là nó sẽ thâu tóm cả những vấn đề đạo đức cũng như các vấn đề nơi các lĩnh vực khác; và đây là điều không thể chấp nhận được.[2] Thêm nữa, lý tính thì hướng tới chân lý còn cảm tính thì hướng tới sự thiện hảo, mà lương tâm thì lại liên hệ với sự thiện hảo (1Tm 1,5;18-19) khi nó biểu lộ sự thương xót hay sự ăn năn.

Vì vậy, sự thiện hảo hay xấu xa không chỉ gắn liền với cảm tính mà còn với lý tính; Bởi lẽ như một thẩm phán, lương tâm thôi thúc con người hướng tới điều tốt và tránh điều xấu. Để có thể thể làm được điều này, lương tâm cần phải được thao luyện thường xuyên.

2. Lương tâm cần phải được thao luyện

Ngày nay, nhiều người có một khái niệm quá đơn giản về lương tâm. Họ tưởng rằng để có một hành vi do lương tâm, mỗi người chỉ cần dừng lại xem xét kỹ lưỡng vấn đề và từ đó tìm giải đáp. Họ nghĩ rằng ai cũng có khả năng bẩm sinh tự nhiên để hiểu cái gì là tốt và cái gì là xấu, và cũng có sức mạnh để chuyển hóa sự lượng giá đó thành hành động thích ứng. Thực tế kinh nghiệm cho thấy con người khi hành động gặp hai nỗi khó khăn lớn:

– Về sự hiểu biết: không dễ dàng xác định cái gì là tốt trong hoàn cảnh cụ thể, ngay cả khi người đó đã rõ các nguyên tắc.

– Về hành động: không phải lúc nào ta cũng có thể bắt tay hành động điều ta đã phán đoán là tốt.

Hành động theo lương tâm là kết quả cuối cùng của một loạt các hoạt động có liên hệ đến mọi tài năng (suy nghĩ, phán đoán, ý chí,…) và giả thiết phải có một sự giáo dục chung về nhân vị. Do đó, lương tâm: Phải được huấn luyện, trong liên hệ với khả năng định giá và hành động về mặt luân lý mà con người được nhắm tới; điều đó có nghĩa là ý thức mình sai lầm khi xét đoán sai giá trị một sự vật. Phải chắc chắn, khi phán đoán một chọn lựa là thực sự tốt. Phải đúng đắn, liên quan đến những đòi hỏi đích thật của nhân phẩm con người.

Nhưng để rèn luyện cho lương tâm trở nên ngay chính và đúng đắn, hầu lương tâm có thể đưa ra những phán quyết phù hợp với lý trí và luật Giáo Hội, thì sự rèn luyện hay giáo dục lương tâm nhất thiết cần phải được soi sáng và hướng dẫn bởi Thần Khí và giáo huấn của Giáo Hội. Đây có thể đuợc xem là con đường duy nhất giúp con người có được một lương tâm tốt và ngay lành hầu có thể hướng dẫn mọi tư tưởng, lời nói và hành vị của mình, ngoài ra không có sự lựa chọn nào khác.

IV. Kết luận

Tóm lại, lương tâm là một trạng thái nhận thức “ổn định” của lý tính thực hành nhưng đó không thuần là cái lý của đúng và sai, mà là cái lý của cảm và nghiệm. Lương tâm vừa là bẩm sinh vừa là đạt được, vì nó không phải là chuyển động một chiều cứng ngắt mà là chuyển động xoay vòng uyển chuyển trong từng bối cảnh. Nó ràng buộc con người, nhưng không phải để siết chặt và bóp nghẹt, mà để con người được bén rễ vào sự thật. Lẽ thế, chúng ta có quyền hy vọng, có quyền tin tưởng. Lương tâm sẽ không bao giờ bị tuyệt gốc, thậm chí khi chủ nhân của nó sa đọa tột cùng. Nói khác đi, dẫu con người có bị tha hóa thế nào chăng nữa, thì vẫn luôn có đó lương tâm, một sứ giả, một vị linh hướng trung thành.

 

Hoàng Trọng An, S.J.

Học Viên Triết I

Học Viện Thánh Giuse – Dòng Tên Việt Nam

 

SÁCH THAM KHẢO

  1. Aquinas, St. Thomas. Summa Theologiae. part 1, question 93, article 4. 1947.

http://www.sacred-texts.com/chr/aquinas/summa/sum103.htm

  1. Công đồng Vaticanô II. Hiến chế về mục vụ trong Giáo Hội ngày nay. NXB Tôn Giáo. 2012.
  2. Gula, Richard M.. Reason Inform By Faith: Foundations of Catholic Morality. Paulist Press. 1989.
  3. Hội đồng Giám Mục Việt Nam. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo. NXB Tôn Giáo. 2010.
  4. Langston, Douglas C.. Conscience and Other Virtue. The Pennsylvania State University Press. 2001.

[1] Richard M. Gula, Reason Inform By Faith, Foundations of Catholic Morality, Paulist Press, 1989, tr 115.

[2] Douglas C. Langston, Conscience and Other Virtues, The Pennsylvania State University Press, the United States of America, 2001, tr 1-43.

Kiểm tra tương tự

Đạo làm người

Tác giả: Hoàng Sỹ Quý, SJ.   Ý thức luân lý Con vật chỉ phản …

[Giới thiệu sách] Nhân Thần Hội Ngộ- Lm. Giuse Vũ Kim Chính, SJ

 Cha Karl Rahner, SJ (1904-1984) được xem là một trong những thần học gia vĩ …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *