Hợp rồi tan

 

 

Câu chuyện “hợp rồi tan” nơi nhân tình thế thái, ai trong chúng ta cũng biết, nhưng ít bao giờ chúng ta muốn đón nhận. Ta được Tạo Hóa đặt để trong thời gian, rồi bị dòng đời thay phiên nhau xô đẩy, đến với người này, đụng chạm với người kia, gắn kết với người nọ. Cơ duyên nào cho ta những giây phút ấm áp bên nhau! Số phận nào nỡ cướp mất đi những mật ngọt êm ái. Tiếng còi sân ga, nghĩa trang lạnh ngắt… chẳng bao giờ là điều khiến ta thích thú khi nghĩ về. Chia ly nào cũng để lại trong chúng ta giọt nước mắt. Cắt đứt nào cũng mang đến cho ta những nỗi buồn man mác chẳng có tên. Kiếp sống dương gian này là nơi gặp gỡ, nhưng lại là những cuộc gặp gỡ ngắn ngủi và mau qua. Nó cho ta hòa quyện với nhiều người, nhưng dường như cũng chỉ có mình ta độc hành với nỗi cô đơn thầm kín. Chẳng ai bước đi cùng ta mãi mãi, chẳng ai có thể thực hiện chuyến lộ trình của riêng ta. 

 

Có lẽ mỗi người trong chúng ta đều đã từng phải trải qua nhiều sự chia tay, một sự cắt đứt nào đó, dù chúng ta có ý thức về nó hay không. Để rồi ta chợt nhận ra rằng, cả một cuộc đời với biết bao biến cố trôi qua, ta lớn lên được, vươn tới tương lai cũng là nhờ phải cắt đứt với quá khứ. Đứa bé ra đời cũng là một sự cắt đứt với thời gian ấm áp khi còn trong bụng mẹ. Ngày đến trường là một sự chấm dứt cho tuổi bé bỏng tự tại tự do. Ngày tốt nghiệp ra trường chính là một sự giã từ một thời học sinh đầy màu sắc. Khi lập gia đình, cũng là lúc ta nói lời từ biệt với cuộc sống độc thân… Trong các mối tương quan, cũng chẳng phải ta quen biết ai là sẽ cùng người ấy chung chia cuộc sống mãi mãi. Cứ sau một cuộc chia xa, ta thấy lòng quặn đau, nhưng vẫn phải chấp nhận. Rốt cuộc, ta chẳng hiểu được, dòng đời đang lôi kéo ta về đâu, ta còn phải gặp bao nhiêu con người nữa, đối diện với bao nhiêu cuộc chia xa nữa.

 

Những cuộc chia xa cho chúng ta biết rằng mình là một cá thể độc lập với tất cả những loài khác. Ta có một thế giới của riêng mình mà chẳng ai có thể vào được. Bất cứ ai, dù có thân thiết với ta đến mấy, thậm chí là người cùng máu thịt với ta, cùng chung chia chăn gối với ta bao nhiêu năm, cũng không trở thành ta được. Có một nỗi cô đơn trống trãi nào đó rất hiện sinh ngự trị trong cõi thâm sâu tâm hồn mình. Sống giữa thế giới rộng lớn là thế, nhưng mỗi người đều có một cái riêng của bản thân, chẳng ai thay thế ai được, chẳng ai có thể hoàn thành phận vụ của người khác.

 

Khi tôi sinh ra, là tôi được sinh ra; khi tôi chết đi, ấy là tôi chết đi. Liệu có ai đó có thể “được sinh ra” và “chết đi” dùm tôi được không? Liệu có ai đó có thể “trở thành tôi”, mang lấy thân xác tôi, sống cuộc sống của tôi, làm những việc của tôi… để tôi được nghỉ ngơi một chút không? Không, chẳng ai cả!

 

Khi được cho hiện hữu trên trời, tôi mặc lấy chính tôi, thực hiện một cuộc hành trình với chính tôi. Trên hành trình ấy, có thể có một vài người cùng chung chia với tôi một đoạn ngắn; nhưng rồi hai ngã hai hướng xa xôi.

 

Tôi hiện hữu như đang thực hiện một lộ trình, vì cuộc đời không bao giờ là một chốn dừng chân. Chẳng ai có thể giữ nguyên một tình trạng mãi. Chẳng ai cứ luôn mãi là em bé, hay một cậu học sinh, hay một người trẻ trung. Thời gian qua đi, người ta cũng trở nên đổi khác ở một phương diện nào đó. Phong sương cuộc đời làm cho người ta lớn lên, rồi từ từ lấy đi tất cả nguồn sống của họ. Dù có muốn hay không, người ta vẫn phải trải qua một hành trình từ bé đến lớn, từ trẻ đến già, từ cõi sinh đến cõi chết. Cuộc đời mấy mươi năm dù chẳng là gì so với dòng chảy của lịch sử, nhưng cũng đủ để người ta thấm thía thế nào là hiện diện, là tồn tại, là sống, là có mặt trên đời. Người ta chẳng phải tự nhiên mà sống được mấy mươi năm đó. Phải vất vả học hành, làm lụng, kiếm cơm. Phải trải qua không biết bao nhiêu đớn đau, gập ghềnh, thành công, thất bại, niềm vui, bao nỗi vinh nhục mà cuộc đời tặng ban. Cũng bấy nhiêu sự ấy, nhưng mỗi người lại có những trải nghiệm khác nhau, cách thức lãnh hội và tiêu hoá khác nhau. Cứ thế, con người đi và đi mãi; dừng chân lại cũng là lúc họ từ giã cõi đời.

 

Con người được ban cho một gói hành trang, giúp họ cất bước ra đi, nhưng là đi đâu? Trên lộ trình tự độc hành ấy, con người đang tìm kiếm điều gì vậy? Người ta phải nỗ lực nhiều lắm, để khoả lấp cho những chỗ trống trong chính mình, để đáp ứng những nhu cầu của bản thân, nhưng đến bao giờ thì con người mới hoàn toàn được thoả mãn? Có những lúc, ta thấy đơn côi quá đỗi, thấy những gì ta đang tìm kiếm bấy lâu nay dường như chẳng thể đong đầy con tim ra. Cuộc sống của ta đầy đủ là thế, nhưng canh cánh trong lòng vẫn luôn có những bận tâm, những nỗi niềm gì đó thật khó diễn tả thành lời, hệt như một nỗi khắc khoải chưa bao giờ nguôi. Sở dĩ có “tan” là vì cái “hợp” kia không đủ cho ta.

 

Ta cứ ngỡ cái “hợp” đó là tất cả, là trọn vẹn, nhưng hoàn cảnh và dòng đời lại tiếp tục đẩy ta cất bước ra đi. Cái “tan” xuất hiện như báo hiệu cho cái chưa đủ nơi cái “hợp” trước. Ta buồn khi phải chia xa một cái gì đó, nhưng cũng cảm thấy lưu luyến và bồi hồi trước viễn cảnh tương lai: ta đi đâu để tìm một cái hợp chẳng bao giờ tan nữa?

 

Mỗi cái “tan” là mỗi đoạn ruột đứt ra, liệu có một cái “hợp” nào đó đủ sức chữa lành tất cả không, đủ sức cho ta thấy rằng sự hiện hữu của mình là đáng giá và mọi cái “tan” kia là điều kiện tất yếu, là cái giá phải trả cho sự viên mãn này không? 

 

Hợp rồi tan, tan để rồi HỢP. Ta từ đâu đến thì sẽ tự tìm đường về đó thôi. Lộ trình của ta là lộ trình tìm về chính mình, tại nơi ta đã bắt đầu. Ta chỉ có thể tìm thấy mình một cách trọn vẹn nơi Cội Nguồn và cũng là Cùng Đích của chúng ta. Chỉ nơi Ngài, ta mới được hạnh phúc thật sự, mới được đi vào trong cái hợp miên viễn muôn đời.

Lm. Pr. Lê Hoàng Nam, S.J.

Kiểm tra tương tự

Lắng nghe Thiên Chúa qua trí tưởng tượng

Tôi chưa bao giờ ngừng ngạc nhiên về vô số cách mà Thiên Chúa nói …

Đức Thánh Cha Phanxicô: Hy vọng là biết vui cười

“Hy vọng” – Cuốn tự truyện dày 400 trang của Đức Thánh Cha Phanxicô, được …