Chút cảm nghiệm về đau khổ (4A): Cầu nguyện – tâm tình con tim hay lời lẽ lý trí?

love and the cross metaphor

Thánh Augustinô nói: «Cầu nguyện là món quà lớn nhất mà Thiên Chúa tặng ban cho loài người». Như vậy, quà tặng từ Thiên Chúa luôn có sẵn, việc còn lại là con người nên cầu nguyện thế nào? Trong một con người hoàn chỉnh, LÝ TRÍCON TIM điều có vai trò, vị trí và lý lẽ riêng của nó. Vậy, cầu nguyện là tâm tình con tim hay lời lẽ của lý trí? Nếu nói cầu nguyện là tâm tình của trái tim thì tại sao ta lại thường bị «chia trí»? Còn nếu nói cầu nguyện là thao tác của lý trí thì cớ sao quả tim trong lồng ngực của ta lại rung cảm? Những câu hỏi này xem ra quá đơn giản, nhưng nó cũng đáng để chúng ta cảm nghiệm về đời sống thiêng liêng; và tìm câu giải đáp cho chính bản thân mình. Điều quan trọng, chính là hiệu quả mà lời cầu nguyện mang lại cho chúng ta trong mọi hoàn cảnh đời mình.

Như trẻ thơ tập nói, người Kitô hữu sống cầu nguyện bằng cách tập nói chuyện với Chúa trong suốt tuổi đời, từ chập chững bước đi cho đến lúc chia tay cõi đời. Chắc hẵn cả quãng đời dù ngắn hay dài, con người gặp phải không ít vui – buồn, sướng – khổ… những nỗi niềm ấy theo người tín hữu đi vào đời sống cầu nguyện; và tất nhiên, cũng có lúc trong con người có sự xung đột giữa con tim và lý trí, một cuộc xung đột như để tìm câu trả lời đúng đắn nhất cho đời sống cầu nguyện.

Để chứng minh vai trò quan trọng của mình trong việc cầu nguyện, lý trí dõng dạc nói:

–          Chỉ có lý trí mới đủ sáng suốt để dẫn dắt đời sống cầu nguyện. Này nhé, lý trí vực người đau khổ đứng lên để đến với Thiên Chúa, lý trí biết dùng lời lẽ khôn ngoan; lời hay ý đẹp để cầu nguyện, lý trí làm cho người ta nỗ lực vượt qua những yếu kém, ươn lười, để đến với Chúa. Nói chung, lý trí quyết định sự sống còn của thân xác và dẫn dắt cho đời sống cầu nguyện. Lý trí có điểm tựa lớn lao là Chúa Thánh Thần – Đấng được xưng tụng là Thần Trí.

Nghe lý trí nói như vậy, trái tim nhẹ nhàng đáp lại:

–          Ở bất cứ nơi đâu người ta cũng khuyến khích sống bằng con tim, chứ đừng chỉ sống bằng lý trí. Cầu nguyện cũng vậy, hầu hết các Thánh Nhân đều khuyên con người cầu nguyện bằng con tim. Chỉ khi cầu nguyện bằng tiếng nói con tim, con người mới chạm đến Trái Tim Thiên Chúa – mà cụ thể nhất là Thánh Tâm Chúa Giêssu.

Lý trí vừa cười đắc chí vừa nói:

–          Hãy nhìn đi! Lý trí đã cho ra đời nhiều vô kể những phương pháp cầu nguyện, đã đặt nên vô vàn chữ nghĩa cao quý cho việc cầu nguyện, đã đưa ra nhiều công thức quý giá cho việc tổ chức cầu nguyện… Nói chung, lý trí biết quyết đoán và phán đoán, chứ không bi lụy và cảm tính như trái tim.

Trái tim từ tốn nói lại:

–          Từ ngữ cao đẹp không phải là yếu tố quyết định cho việc cầu nguyện. Bởi Thiên Chúa là Đấng sống động, tuyệt đối và siêu phàm, từ ngữ thật bất lực để diễn tả tình yêu của con người dành cho Ngài. Nếu chúng ta cứ quanh quẩn trong lớp vỏ ngôn từ mà không cầu nguyện bằng con tim, là chúng ta đang trốn tránh hoặc che dấu sự nghèo nàn của tâm hồn – một tâm hồn trống rỗng tựa bóng đêm mênh mông mà không gì có thể xuyên qua.

Nghe những lời trái tim nói, lý trí chợt nhận ra rằng, nếu dùng lý lẽ mà tranh luận chắc sẽ không có kết cuộc, vì quả tim và lý trí đều có lý do riêng của nó, điều cần thiết là biết sử dụng đúng lúc, đúng hoàn cảnh – vai trò của «tâm» và «trí». Riêng về việc cầu nguyện, lý trí và con tim cùng nhau bổ khuyết và soi dẫn cho nhau.

Ngày nay khi nói về cầu nguyện, không ít bạn trẻ Kitô hữu tỏ ra xa lạ – dửng dưng. Tại sao thế? Một trong những lý do có thể kể đến, là xã hội hiện đại và thực dụng làm cho con người dễ trở nên chai lỳ đến mức vô cảm trước những cái xấu, thậm chí đánh mất cảm thức về tội lỗi. Nhìn vào thực tế, cuộc sống khó khăn dễ đẩy con người đến tình trạng sống lơ là với tôn giáo; hơn nữa, chủ nghĩa cá nhân khiến con người sống đơn độc trong một thế giới tiểu thuyết tưởng tượng, và sự lừa lọc của cái ác làm cho người ta khép lại cõi lòng. Trong bối cảnh như vậy, nếu người Kitô hữu để con tim mình đóng băng – tức không mở tim ra để cầu nguyện, thì đời sống người Kitô hữu cũng chỉ sống lẩn quẩn thu vén cho bản thân; và tệ hại hơn hết là sự vắng bóng Thiên Chúa, khiến linh hồn chúng ta trở nên vô vị – buồn tẻ trong suốt chuỗi đời mệt mỏi muộn màng.

Điều đáng mừng là vẫn còn nhiều người tin có Thiên Chúa, nhưng trong số đó có không ít người mặc cảm mình tội lỗi và không dám cầu nguyện. Chúng ta phải xác tín điều này, đành rằng con người bất toàn, nhưng Thiên Chúa không vì sự bất toàn ấy mà bỏ rơi con người – một thụ tạo ưu phẩm của Ngài. Ngày nào chúng ta chưa nhận thức được ơn tha thứ của Thiên Chúa, thì ngày ấy chúng ta sẽ chẳng bao giờ tha thứ cho chính mình trong những lúc yếu đuối vấp ngã. Một điều không thể chối cãi, đó là vũ khí lợi hại của ma quỷ luôn làm cho chúng ta mặc cảm tội lỗi, để ta sợ hãi – trốn tránh việc cầu nguyện. Khi chúng ta không cầu nguyện và mãi mãi nhốt mình trong não trạng tội lỗi, ma quỷ sẽ thừa cơ nhấn ta xuống sâu dưới bùn đen – sự chết lúc nào ta không biết. có điều, tuy tội lỗi có mãnh lực ghê gớm làm cho con người gục ngã, nhưng Thiên Chúa ban cho con người có quyền, có khả năng và có ý thức để đứng dậy hay buông xuôi. Và tất nhiên để đứng dậy được, con người cần phải có sức mạnh nội lực xuất phát từ sự kết hợp với Thiên Chúa trong đời sống cầu nguyện.

Con người nhiều khi khó nhận diện thế lực của sự dữ, vì nó tiềm ẩn tinh vi với ý đồ tàn phá hạ thấp giá trị nhân phẩm; khiến người ta lao vào dòng xoáy tìm kiếm lạc thú và chỉ cậy dựa vào sức mạnh khôn khéo của thế gian. Mưu chước của thế lực sự dữ là lôi kéo con người xa rời ánh sáng của Thiên Chúa; đẩy con người mò mẫm trong bóng tối đam mê bằng lớp vỏ hào nhoáng giả tạo; thúc dục con người dành hết thời gian để săn tìm những giấc mơ hoang tưởng; và làm con người mờ mắt để không nhận ra được mình đang bị lạc loài bên vực thẳm hỏa ngục – nơi vắng bóng Thiên Chúa. Một khi đã sụp bẫy ma quỷ, liệu người Kitô hữu có còn nhớ đến việc cầu nguyện nữa hay không?

Tuy nhiên, dẫu cho mãnh lực của sự dữ rất khủng khiếp, nhưng Thiên Chúa ban cho con người có sự sống, ý thức, tự do và lời cầu nguyện; để khi con người rơi vào tình trạng bất lực, đau khổ và cô đơn đến nghẹt thở, lúc ấy bản năng sinh tồn – tức khát vọng sống và sức mạnh huyền bí của lời cầu nguyện nơi con người sẽ thức dậy. Đây chính là niềm hy vọng của con người để chống lại những nỗi tuyệt vọng mà sự dữ gieo rắc. Cần hiểu rằng, tuyệt vọng là điều đáng sợ nhất, vì nó khiến người ta dễ mặc cảm bản thân bị bỏ rơi trong cõi hoang vắng của một góc vũ trụ nào đó, nơi không có sự sống. Thật ra, Thiên Chúa là Nguồn Hy Vọng và là Đấng trung tín, Ngài luôn sẵn sàng lắng nghe con người cầu nguyện. Nhờ cảm nghiệm được điều này mà Thánh Têrêsa Avila thốt lên: «Tất cả vạn vật ở trần gian này đều có thể lỡ hẹn – thất hứa, nhưng Thiên Chúa thì không thất hứa – lỡ hẹn bao giờ». Dù vậy, ít hay nhiều chúng ta vẫn tự hỏi:
Thiên Chúa là Đấng trung tín và thấu suốt mọi sự, thế tại sao ta phải cầu nguyện? Cầu nguyện khi nào? Nếu bảo con người cần cầu nguyện khi gặp thử thách đau khổ, thì tại sao Thiên Chúa cứ mặc cho sự dữ xảy ra để rồi con người phải chạy đến với Thiên Chúa bằng lời cầu nguyện?

Ai cũng biết, việc cầu nguyện không bị giới hạn trong không gian, thời gian và tình trạng con người, nghĩa là cầu nguyện được thực hiện mọi lúc, mọi nơi và trong mọi tình huống đời người. Riêng về sự thử thách và đau khổ, chính là cơ hội tốt để con người sống cầu nguyện. Dù rơi vào hoàn cảnh tưởng chừng thất vọng – tăm tối mịt mù, ta đừng nghĩ Thiên Chúa làm ngơ trước những lời chúng ta cầu nguyện, chẳng lẽ Thiên Chúa lại thua lòng quảng đại của con người hay sao? Sở dĩ Thiên Chúa để sự dữ xảy ra, là vì Thiên Chúa đã ban cho con người có ý chí, biết chấp nhận để lựa chọn nên Thánh. Với người Kitô hữu, nên thánh là mục tiêu vô cùng quan trọng. Có điều, mục tiêu ấy dễ trở thành hão huyền nếu ta chỉ dựa vào sức mình, nhưng mục đích nên thánh sẽ trở thành hiện thực và có giá trị khi ta biết cậy dựa vào ơn Thiên Chúa bằng chính sự nỗ lực cầu nguyện của mình.

Khi đã thật sự sống đời sống cầu nguyện, ta nhận ra Thiên Chúa tạo dựng con người không phải để con người thường xuyên chịu thử thách và nếm mùi đau khổ đến tận cái chết, nhưng Thiên Chúa tác tạo chúng ta để chúng ta được sống và sống dồi dào. Tuy nhiên đã là con người thì ít hay nhiều hoặc cách này hay cách khác ai cũng phải gặp thử thách – đau khổ. Thực tế cho thấy, có biết bao số phận phải chịu đựng những nỗi bi thương phẫn uất đè nặng trong lòng đến nỗi không thể cất thành lời. Giả sử bản thân chúng ta bị sự dữ ném xuống vực thẳm chơi vơi, hoặc bị sự đời áp chế đến cùng cực, thì ta sẽ như thế nào? Bởi vì, chỉ khi thật sự rơi vào nghịch cảnh, người ta mới hiểu được thế nào là bị đau khổ hút cạn sức lực – vắt kiệt cuộc sống. Nhưng nơi người Kitô hữu, những điều này là cơ hội để cầu nguyện, hầu nhận ra tình yêu của Thiên Chúa. Thiết nghĩ câu nói của QAY đáng để chúng ta tâm niệm: «Cần phải thấy bàn tay Thiên Chúa trong mọi biến cố đau khổ; nhưng đừng bao giờ quên rằng, chính trái tim Thiên Chúa hướng dẫn bàn tay của Người».

Cầu nguyện tựa dòng sông cuốn trôi chúng ta vào lòng Thiên Chúa. Chúng ta đừng nghĩ hoặc cố tình dùng cầu nguyện để đặt dấu chấm hết cho những hoàn cảnh gây cho mình đau khổ, vì đau khổ luôn có mặt trong cuộc đời. Hơn nữa, quy luật thường tình của cuộc đời là điều gì con người không thể tránh khỏi, thì ắt sẽ phải xảy ra. Vì vậy, chúng ta cần cầu nguyện bằng tinh thần lạc quan để niềm tin vào Thiên Chúa không bị tắt ngấm trong thế giới này. Nếu chẳng may ta bị sự ác «chiếu cố», bị kẻ ác vu oan, bị mọi người hiểu lầm… ta cứ hãy tập sống thanh thản. bởi vì Thiên Chúa thấu suốt mọi sự, nếu chúng ta thật sự không làm điều gì sai trái, thì chúng ta vẫn là người vô tội trước mặt Thiên Chúa. Thế nên, tội tình gì khiến ta phải đặt dấu chấm hết cho đời mình bằng những suy nghĩ bi quan; dại dột gì khi ta phải sống kiểu đóng kịch giả tạo, nghĩa là mặc một vẻ bề ngoài thanh thản nhưng tâm hồn lại bị vò xé mất bình an.

Cầu nguyện là hướng đến và tập trung vào Thiên Chúa. Con người có nguy cơ nhìn vào bản thân hơn là chiêm ngắm Thiên Chúa. Điều này một phần cũng ảnh hưởng bởi tình trạng sùng bái khoa học và tôn thờ cá nhân. Đến một lúc nào đó, người ta phát hiện những giới hạn, thất bại của khoa học, và nhận thấy bản thân không là thành tố quan trọng nhất trong cuộc đời, người ta đâm ra chán nản, hoài nghi và sống thái độ thù nghịch với bản thân lẫn tha nhân. Chính vì vậy, cầu nguyện qui hướng vào Thiên Chúa là làm cho bất cứ nơi nào ta sống cũng là nơi Thiên Chúa hiện diện, để xua tan nỗi chán nản, thất vọng và nghi ngờ. (còn tiếp)

P.X. Trần Văn Hòa.

 

 

Chút cảm nghiệm về đau khổ (4B)

Sống cầu nguyện

Có những câu hỏi được đặt ra: phải cầu nguyện thế nào khi mà con tim đang đau đớn do sự dữ gây nên. Làm sao để không còn bị phân tâm – chia trí khi cầu nguyện? Và quan trọng hơn hết là phải «SỐNG» cầu nguyện bằng cách nào đây?

Sống trên đời làm sao tránh khỏi những thất bại đau buồn. trong những lúc chúng ta phải đi trên con đường chông gai, bị sự dữ chà đạp đến héo hắt con tim bị cái ác cô lập đến trơ trọi cùng cực… cũng chính là lúc Thiên Chúa hiện diện bên chúng ta. Khi chúng ta nhận thức mình bất toàn và tín thác vào tình yêu của Thiên Chúa, chắc chắn Thiên Chúa sẽ không để sự dữ xâm hại con cái của Ngài; và Ngài cũng không để chúng ta vĩnh viễn lang thang trong những sai lầm hỗn tạp đầy lo lắng.

Điều cần thiết, là chúng ta can đảm tống khứ đi những sợ hãi lẫn những ý nghĩ không dễ chịu, bằng cách sống chân thật và cậy trông vào Thiên Chúa. Như cảm nghiệm được giá trị của sự trông cậy, J.F.Ranquet cầu nguyện rằng: «Dù bị lạc lõng, bất lực, mệt lả… con vẫn không ngừng cậy dựa vào Chúa. Lạy Chúa, con chỉ nương tựa vào Chúa thôi, bởi con biết: Chúa luôn bên con, không ngừng thúc đẩy con tiến về Nước Trời. Trong đêm đen trống rỗng, con chờ đợi tất cả ở Chúa và bám chắc vào Chúa!».

Cầu nguyện là mở rộng con tim ra để tìm kiếm Thiên Chúa, chứ không phải là cắt vụn những dòng suy nghĩ hoặc chấp vá những lời lẽ rời rạc như món quà làm vui tai Thiên Chúa. Do đó, con tim đau khổ sẽ trở nên có ý nghĩa khi mà con tim ấy biết mở ra để cho Thiên Chúa chữa lành. Một khi chúng ta đã thực sự gặp được Thiên Chúa, trái tim sẽ rạo rực chực chờ phá tan lồng ngực chảy tràn tình yêu, để được tan biến vào trái tim của Thiên Chúa. Như thế, cầu nguyện là bày tỏ với Thiên Chúa tình cảm của trái tim chan chứa vui – buồn, sướng – khổ, để niềm dâng hiến của đời mình đạt đến đỉnh cao trong Chúa. Khi đã ở trong Chúa, chúng ta sẽ cảm nghiệm ra rằng, Thiên Chúa làm nhiều điều cho ta hơn cả khi ta mong đợi. Chính vì cảm nghiệm được việc Thiên Chúa hành động, mà Đức Hồng Y Wyszinski đã quả quyết: «Cho dù chiếc áo cuối cùng của tôi có bị cướp đoạt, tôi vẫn còn lại lòng tin tưởng vào Thiên Chúa». Điều này mang ý nghĩa, có hồng ân đức tin mà Thiên Chúa ban là có tất cả.

Quà tặng đức tin từ Thiên Chúa sẽ giúp chúng ta biết cầu nguyện bằng đức tin. Thật ra, không ít lần chúng ta nhầm tưởng cầu nguyện là làm vui lòng Chúa bằng cách nói những điều đẹp ý Chúa. Điều ấy cũng tốt, nhưng chắc chắn Chúa muốn chúng ta có đức tin và dùng đức tin để tâm tình với Chúa – một người Cha nhân từ và sống động. Do đó, việc cầu nguyện không thể dừng lại trong nguyện đường, không đặt nặng ở cách thức; không chỉ cao rao bằng môi miệng… mà quan trọng là dành toàn bộ thời gian đời mình để SỐNG ĐỨC TIN của người con đối với Thiên Chúa là Cha.

Cầu nguyện bằng đức tin không cho phép chúng ta tránh né trước những thách đố của Tin Mừng đòi hỏi, không cho phép chúng ta dùng những lý luận hoàn toàn nhân loại để đòi hỏi Thiên Chúa phục vụ theo sở thích của chúng ta, không cho phép chúng ta lấy ý riêng để giải thích những chương trình của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Nhưng cầu nguyện bằng đức tin giúp chúng ta tìm ra sự khôn ngoan lành thánh nơi Thiên Chúa, giúp ta sống trách nhiệm đón nhận Lời Thiên Chúa mời gọi, giúp chúng ta biết trân trọng và cảnh giác trước những mưu mô của sự dữ muốn kéo con người xa lìa sự thánh thiện, giúp ta quyết tâm xa lánh tội lỗi và tìm được sức mạnh cho cuộc hành trình tiến về Quê Trời. nói Chung, ai cũng ý thức được giá trị của đức tin, nhưng tại sao chúng ta cứ bị phân tâm – chia trí khi cầu nguyện?

Chúng ta có thể bỏ hàng giờ ngồi xem tivi cũng chẳng sao, nhưng khi dành chút ít thời gian để cầu nguyện thì chúng ta lại bị chia trí. Chia trí có thể là những tưởng tượng mơ hồ pha lẫn những dòng suy nghĩ tản mạn bất định; chia trí do ngủ quên trong mớ hỗn độn của dự tính cá nhân. Cũng có khi chia trí là do mình thích đánh lừa bản thân bằng những hình ảnh ảo; hoặc chúng ta biến đổi thời gian cầu nguyện thành thời điểm trình chiếu những thước phim quay ngược về quá khứ lẫn những đoạn phim dự phóng đến tương lai. Và cứ thế, ngày lại ngày, chia trí trở thành «trò chơi» ráp lại những mảnh vụn vô vị.

Sự thật mà nói, không ai trong đời dám khẳng định mình không bao giờ chia trí khi cầu nguyện. Điều này có nghĩa, ai cũng có thể bị chia trí, chỉ khác nhau ở chỗ là nhiều hay ít mà thôi. Khi ý thức phận người yếu đuối và nhận ra mình chia trí, cũng có nghĩa là ta đang cầu nguyện. chúng ta khiêm tốn đặt mình trước thánh nhan Chúa và trao phó mọi sự trong tay Chúa. Ngay cả việc chia trí của ta cũng dâng lên cho Chúa. Tuy nhiên, sau những lúc nhận thấy mình chia trí trong giờ cầu nguyện, chúng ta xin ơn Chúa giúp và nỗ lực tập trung vào Chúa được ngần nào tốt ngần ấy. Cần sáng suốt không để việc chia trí làm chúng ta bối rối và cản trở ta trên con đường đến với Chúa. Có một lời cầu nguyện của Cherrier rất đáng để chúng ta học hỏi: «Lạy Chúa Giêsu, con biết con hay phân tâm chia trí, nhưng con ước ao không có gì làm con bối rối, không có gì cản trở được bước đường con đến với Chúa. Chúa là mục đích duy nhất của đời con, miễn sao con yêu mến Chúa và ở lại trong Chúa, còn những thứ khác chỉ là hư vô, không có gì quan trọng cả». Sau khi chúng ta đã bàn về việc cầu nguyện bằng đức tin và tình trạng phân tâm – chia trí, thiết tưởng chúng ta cũng nên chia sẻ với nhau về thực trạng «SỐNG CẦU NGUYỆN».

Cầu nguyện không chỉ dừng lại ở lý thuyết tri thức ta có. Dù sự hiểu biết của bản thân rất cần thiết, nhưng nó không thể thay thế cho đời sống đức tin qua việc cầu nguyện. Sống cầu nguyện trước hết và quan trọng nhất, là chúng ta phải trở nên giống Chúa Giêsu Kitô; bởi giống Chúa là ta đã trở nên hoàn thiện. Chỉ nơi Chúa Giêsu mới có dấu chân xuyên suốt vĩnh hằng để chúng ta bước theo. Người là Chân Lý là Đường, theo Người là chúng ta đi trên con đường tuyệt đối – một con đường mà chúng ta không được bước lệch ra. Điều này có nghĩa, chúng ta can đảm vác thập giá mình đi qua cửa hẹp; và sẵn sàng đánh đổi mọi hào nhoáng thế gian để chọn lấy thực tại Nước Trời.

Từ mục đích chính yếu là trở nên giống Chúa, chúng ta cảm nghiệm thêm để thấy: sống cầu nguyện là sống theo thánh ý Thiên Chúa. Chắc chắn rằng khi chúng ta cầu nguyện, Thiên Chúa dùng lời cầu nguyện ấy để biến đổi và giúp chúng ta kiên vững. Cầu nguyện không làm ta khỏi bị thử thách, nhưng giúp ta can đảm bước đi trong thử thách. Có thể nói, thánh ý Thiên Chúa tỏ hiện nơi ai, thì dù người ấy có bị thử thách – đau khổ đến mức nào chăng nữa, thì sâu thẳm nơi người ấy luôn có một niềm bình an bao la, và có một sức mạnh đi kèm theo để chấp nhận vâng theo ý Chúa. Điều cần thiết, là ta khiêm tốn cầu nguyện, nhận ra ý Chúa để tuân phục, chứ đừng thay Chúa để lý giải ý Chúa.

Sống cầu nguyện là sống theo ý Chúa, không có nghĩa Chúa làm cho mọi đau khổ bị ruồng bỏ của con người được tan biến, nhưng Chúa trợ lực – ban ơn thánh để chúng ta có được sức mạnh, lòng kiên trì và tâm hồn đổi mới. Nếu chúng ta không nhận ra điều này, chúng ta dễ hạch hỏi Chúa rằng: tại sao Chúa lại để tôi chịu thử thách? Phải chăng Chúa quên lãng con cái của Ngài, để mặc chúng ngụp lặn trong đau khổ? Phải chăng Chúa không nghe tôi cầu nguyện? V.v… Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót, Ngài yêu thương và thấu suốt mọi nỗi đau con cái Ngài. Tuy nhiên, Thiên Chúa luôn có lý do của Ngài. Chúa biết tại sao phải thử thách người này nhiều hơn người khác. Chúng ta cần xác tín, Thiên Chúa chữa trị chúng ta vào lúc Ngài chọn, tức Ngài sắp xếp đời ta vào trật tự bằng chính những cảnh huống rất thiết thực đã và đang xảy ra trong đời ta.

Sống cầu nguyện là luôn đặt mình vào lòng Chúa xót thương, để rồi chúng ta biết thương xót tha nhân. Dù Thiên Chúa giàu lòng thương xót nhưng Ngài cũng rất nghiêm khắc. Do vậy, Thiên Chúa cho phép thử thách xảy ra như dấu hiệu Thiên Chúa quan tâm đến con người. Có khi Ngài để gian nan xảy ra như phương tiện tôi luyện chúng ta, ngõ hầu một ngày nào đó Thiên Chúa sai chúng ta đi làm công việc của Ngài. Điều này có nghĩa, những thử thách mà ta phải chịu ở hiện tại chỉ là sự chuẩn bị cho sứ mạng ta sắp được lãnh nhận. Nói gãy gọn là, vâng theo ý Chúa trong cầu nguyện sẽ giúp chúng ta nên giống Chúa; dù đau khổ có tấn công từ muôn phía, chúng ta vẫn có một niềm vui bình an thấu nhập tâm hồn và nhận ra đau khổ giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa giá trị của Thánh Giá. Nên chăng, chúng ta tự đặt cho mình những câu hỏi: lâu nay tôi có cầu nguyện không? Tôi đang sống cầu nguyện như thế nào?

Boursade đã cầu nguyện rằng: «Lạy Thiên Chúa của con, con không muốn ai ngoài Chúa làm «người dẫn đường cho con». Chúa muốn dẫn con đi tới mặt trời hay giông bão, băng qua mây đen, mưa gió hoặc băng tuyết… nói chung, Chúa muốn dẫn con đi đâu tùy ý Chúa. Ôi lạy Chúa Giêsu Đấng giàu lòng thương xót». Đại ý của lời cầu nguyện này là chúng ta hãy đặt đời mình trong bàn tay Thiên Chúa cách tuyệt đối, bởi Thiên Chúa không bao giờ sai lầm.

Tin tưởng – phó thác mọi sự trong tay Chúa, chúng ta sẽ có Chúa, mà có Chúa là chúng ta có tất cả. Thế nên, dù khi ta bị loại trừ, ta cứ hãy bình tĩnh; cố gắng chu toàn phận vụ của mình từng phút giây, để dẫu cho ta bị sự ác đè bẹp, ta cũng không ân hận, vì ta đã cố gắng hết khả năng của mình. Chúng ta cần nhớ, thân xác có thể chết nhưng lý tưởng không bao giờ chết. Điều này ngụ ý, chúng ta chỉ đạt được thành công, khi mà chúng ta xứng đáng được nhận nó. «Xứng đáng» ở đây không chỉ có nghĩa là tài năng, mà còn là thái độ kiên trì, nhẫn nại và sống cầu nguyện trong mọi thách đố.

Thánh Phaolô nói: «Quả vậy, nỗi ưu phiền theo ý Thiên Chúa làm cho chúng ta hối cải để được cứu độ, đó là điều không bao giờ phải hối tiếc, còn nỗi ưu phiền theo kiểu thế gian thì gây ra sự chết. Hãy xem nỗi ưu phiền theo ý Thiên Chúa đã đem lại cho anh em những gì, bao nồng nhiệt và hơn thế nữa, bao lời xin lỗi, bao ân hận, bao sợ hãi, bao ước vọng, bao nhiệt tình, bao hình phạt…» (2Cr 7, 9-11). Câu nói của Thánh Phaolô giúp ta hiểu rằng, khi ưu phiền theo ý Thiên Chúa chúng ta sẽ được cứu độ. Vì thế khi gặp ưu phiền chúng ta không được mặc cảm mình bị Thiên Chúa bỏ rơi. Vì như thế, chính chúng ta đang tự đẩy mình ra xa Thiên Chúa và tự nhấn chìm bản thân trong tình trạng u buồn triền miên bất tận của con tim bị sự dữ xuyên nhói, nghiền nát.

Hiệu quả trước tiên của cầu nguyện là bình an và lạc quan. Chúng ta lướt qua những dòng cảm nghiệm của Christiane như sau:

«Khi cầu nguyện:

Bạn ơi, hãy tin rằng mùa xuân sẽ trở lại,

Bạn phải tin rằng mùa đông sẽ qua đi.

Bạn phải tin cuộc đời rồi sẽ đẹp, trong sự nỗ lực của bạn.

Bạn ơi, phải tin rằng khi hiến dâng niềm vui cho kẻ đói khát và lạnh run, bạn sẽ giảm được cái xấu và khốn khổ.

Bạn ơi, phải tin rằng khi cầu nguyện, sức mạnh của bạn sẽ bắn tung tóe thế lực sự dữ trong đêm đen, để trao cho mọi người niềm hy vọng…»

Những dòng cảm nghiệm trên như nhắc chúng ta nhớ, cầu nguyện phải đi đôi với lòng tin và sống lạc quan. Trong một bài Thánh ca có tựa đề «Hiến tế cuộc đời», nhạc sĩ Văn Chi đã viết:

«Đời con một chuỗi đắng cay

Đời con một kiếp tù đày.

Niềm vui xem ra không mấy, nhưng buồn phủ kín tâm tư.

Đời con chỉ thấy xót xa,

Đời con chỉ thấy nhạt nhòa,

Hy sinh con vui chấp nhận và dâng Chúa lễ dâng đời con.

Vì yêu, hy sinh nên bông hồng,

Vì yêu, đau thương nên niềm vui;

Thánh Giá hóa nên như triều thiên,

Đắng cay là dấu bình yên”.

Phải chăng tác giả của bài thánh ca này đã thấm thía những nỗi đau thế gian, nên ông cảm nghiệm đời người có giá trị hiến tế, nếu biết sống cầu nguyện và vui chấp nhận Thánh Giá là triều thiên? Theo qui luật, thời gian cứ trôi và nhiều thế hệ con người qua đi nhưng Thiên Chúa không quên lãng bất cứ một thụ tạo nào của Ngài. Ngài mong mỏi con người luôn biết đáp trả Thiên Chúa bằng lời cầu nguyện. Có một nhạc sĩ (không nhớ tên) đã viết:

“Dù khi gặp bao nguy khó

Hãy nhớ giữ vững tâm hồn

Này đây Người luôn ở bên, từ nay lòng thôi xao xuyến.

Dù bao Thánh Giá bủa vây,

Hãy nhớ Chúa vẫn cầm tay

Dù khi không nghe, không thấy, Chúa Trời Người vẫn còn đây.

 

Dù khi buồn đau giăng lối,

Hãy cố vững bước trong đời

Tình Cha ngày đêm mến thương, dìu đi ngàn muôn phương hướng.

Dù bao sóng gió bùng lên,

Hãy nhớ Chúa vẫn ở bên. Người luôn giang tay nâng đỡ

Chúa Trời nào nỡ làm ngơ.

 

Dù khi thành công không thấy,

Ngày tháng sức sống dâng đầy.

Trần gian ngày đêm bủa vây, lòng luôn bền tâm đi tới

Dù khi yếu đuối toàn thân,

Hãy nhớ Chúa vẫn từ nhân, Người thương ban muôn ơn Thánh

Hãy về và sống bình an.

 

Chúa vẫn thánh hóa con người

Bằng những biến cố cuộc đời, này người ơi an tâm vững tin.

Chúa vẫn thánh hóa con người,

Bằng những biến cố cuộc đời,

Này người ơi sống vui bình an.

Nếu có ai đề nghị tóm tắt bài chia sẻ này, thiết nghĩ chỉ cần nói một câu: “SỐNG CẦU NGUYỆN LÀ NGÀY CÀNG TRỞ NÊN GIỐNG THIÊN CHÚA”. Từ đó suy ra, cầu nguyện là cách thức đưa chúng ta đến gần Chúa, để ta không bị lạc lối trong bóng tối thế gian. Nếu chúng ta không biết nói gì, thì chúng ta chỉ cần thường xuyên ngồi bên Chúa trong thinh lặng, lắng nghe Chúa nói và thẩm thấu lời Chúa dạy. Đến với Chúa bằng tâm tình biết ơn như một em bé, vì Chúa sẽ ban niềm vui lớn lao cho những ai khiêm nhu bé mọn. Như vậy, chúng ta cần luôn là trẻ thơ đối với Chúa, để đời sống nội tâm được phát triển; đồng thời, chúng ta mau mắn lắng nghe và chạm vào trái tim vĩ đại của Thiên Chúa bằng những hành vi sống cầu nguyện là: Tìm được sự thăng bằng, mạnh mẽ, bình an, tĩnh tại, thanh sạch tâm hồn, trái tim đổi mới… có một điều chúng ta đừng quên khi cầu nguyện: “THIÊN CHÚA BIẾT ĐIỀU GÌ TỐT NHẤT CHO CHÚNG TA”.

P.X. Trần Văn Hòa.

* Bài viết phản ánh quan điểm và văn phong riêng của tác giả P.X. Trần Văn Hòa, một độc giả của dongten.net. Bài viết do tác giả gửi trực tiếp cho truyền thông Dòng Tên Việt Nam.

 

Kiểm tra tương tự

Xuân phúc ân

    XUÂN Đứng trước thềm Xuân. Cảm nhận hạnh phúc trong tâm hồn, cảm …

Tiếng “ồn”

  Âm thanh là điều kỳ diệu mà cuộc sống đã ban tặng cho chúng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *