Hướng dẫn sống Linh Thao 8/5/2020
VẤN ĐỀ BỐI RỐI TRONG ĐỜI SỐNG THIÊNG LIÊNG
Anh chị em thân mến,
Chúng ta cần phác thảo qua bộ ghi chú về bối rối ở dịp tập luyện Linh Thao này, vì bộ ghi chú này có liên hệ mật thiết với hai bộ qui tắc nhận định thần loại. Nhìn qua tựa đề của bộ ghi chú này, chúng ta có thể thấy rõ sự liên hệ này. Tựa đề viết như sau: “Những ghi chú sau đây giúp cảm thấy và hiểu biết những bối rối cùng những xúi bẩy của kẻ thù chúng ta” (345). Tựa đề cho thấy hai yếu tố vừa giống, vừa khác với việc nhận định thần loại: thứ nhất, hai động từ “cảm thấy và hiểu biết” được sử dụng ở đây cũng là hai động từ ở tựa đề về việc nhận định thần loại (313). Như vậy cả hai đều đòi phải nhận định; thứ hai, có sự khác biệt giữa hai đề tài: trong khi sự mờ tối của việc NĐTL hệ ở đối tượng và rồi kẻ thù can thiệp vào thì ngược lại, sự mờ tối của bối rối lại hệ tại ở chính chủ thể mà kẻ thù lợi dụng mà xúi bẩy.
Vì thời giờ eo hẹp, nên tôi xin trích việc phân tích về bối rối trong sách tôi viết: “Theo Ta trong đau khổ” để chia sẻ cho anh chị em. Nhờ đó, khi gặp những mờ tối và khó khăn trong đời sống thiêng liêng, chúng ta phải lưu ý rằng có khi chúng xảy ra do đối tượng của sự việc, lúc đó phải sử dụng những qui tắc nhận định thần loại, nhưng có khi không do đối tượng mà do chủ thể, lúc đó chúng ta phải sử dụng những ghi chú về bối rối.
I. Phân biệt và định nghĩa vấn đề bối rối (LT 346-348)
Để xác định ý nghĩa của bối rối, thánh I-nhã nêu lên hai thí dụ cho thấy có trường hợp không phải là bối rối (LT 346), rồi có trường hợp chính là sự bối rối (LT 347) và sau đó xác định ý nghĩa để người ta có thể đem ra áp dụng (LT 348). Như thế phần đầu này của bộ ghi chú có hai tiểu đề: không phải là bối rối (LT 346; 3481a), và chính là bối rối (LT 347; 3481b-2).
Thánh I-nhã không trực tiếp đem ra định nghĩa bối rối là gì, nhưng giúp người ta hiểu bối rối là gì cách gián tiếp, khi nói điều gì không phải là bối rối. Đặc biệt khi người ta lầm lẫn giữa ý niệm về bối rối và ý niệm về phán đoán sai lầm.
Ngài nêu lên một trường hợp cụ thể:
“Ghi chú I: Ta thường gọi là bối rối điều gì xảy đến từ sự phán đoán và tự do của ta, nghĩa là khi ta tự ý cho là có tội một điều không phải là tội. Chẳng hạn một người tình cờ giẫm lên một cây thánh giá do những cọng rơm làm thành, rồi do phán đoán riêng cho rằng mình đã phạm tội. Nhưng đúng ra đó chỉ là một phán đoán sai lầm chứ không phải là sự bối rối” (LT 347).
Trong trường hợp này, thánh I-nhã kết luận như sau: “Loại bối rối thứ nhất của ghi chú thứ nhất đáng khinh chê hẳn, vì nó là sự sai lầm hoàn toàn” (LT 3481a). Kết luận này cho thấy thí dụ nói trên không phải là sự bối rối mà là một phán đoán sai lầm. Sai lầm ở đây hệ ở chỗ chủ thể phán đoán và qui gán một điều không phải là tội thành tội.
Quả vậy, khi nói đến hành vi cấu thành nên tội phạm, để chủ thể phải chịu qui trách là khi người ấy vi phạm đến lề luật của Thiên Chúa, vốn được coi là chất thể có tính luân lý và có tính khách quan với một sự hiểu biết đầy đủ và với sự tự quyết của riêng mình. Trong thí dụ vừa nêu, cọng rơm kết thành hình thánh giá không phải là chất thể cấu thành tội, sự tự quyết của chủ thể cố ý phạm tội không hề có. Như thế thánh I-nhã kết luận đó là sai lầm hoàn toàn và phải đáng được khinh bỉ.
Như vậy, vấn đề về sai lầm trong phán đoán liên quan đến vấn đề huấn luyện lương tâm, nghĩa là chủ thể phải được học hỏi để hiểu thấu đáo ý nghĩa về tội phạm bị qui trách để tránh rơi vào những sai lầm của những tình huống tương tự.
Hiện tượng bung xung của chủ thể khi giẫm lên cọng rơm có hình thánh giá cho thấy đích thực đó là tình trạng bối rối: một tác động đến từ bên ngoài cho rằng mình phạm tội, trong khi chủ thể lại thấy mình không phạm tội, nhưng rồi lại xảy đến sự nghi nan, do dự và phân vân, cứ thế có lúc hoài nghi có lúc không. Đó chính là tình trạng bối rối và là cơ hội kẻ thù len lỏi và xâm nhập vào mà biến thành và gia tăng chước cám dỗ.
Chính thánh I-nhã đã mô tả về sự bối rối thực sự như sau:
“Ghi Chú II: Khi tôi đã giẫm lên thánh giá, hoặc sau khi tôi đã suy nghĩ hay đã nói hay đã làm một điều gì khác, một ý tưởng cho rằng tôi đã phạm tội từ bên ngoài đến với tôi, và đàng khác, tôi lại thấy hình như tôi đã không phạm tội; Tuy nhiên, tôi vẫn cảm thấy phân vân về điều đó, nghĩa là có khi tôi nghi ngờ và có khi tôi lại không nghi ngờ về điều ấy. Chính đó mới là bối rối và là chước cám dỗ mà kẻ thù bày ra” (LT 347).
Có lẽ thánh I-nhã đã khai triển đề tài bối rối này, vì nó khởi đi từ chính kinh nghiệm của ngài, khi mới bắt đầu cuộc thao luyện thiêng liêng ở Manresa. Sự bối rối đã hành hạ ngài trong một thời gian lâu dài: nó bắt đầu với sự thách thức về cuộc sống kham khổ mà ngài sẽ không thể chịu đựng được, nhưng ngài đã lấy sức mình cùng với đời sống cầu nguyện và bí tích mà xua đuổi nó (TT 201-4). Tiếp theo, nó xuất hiện dưới dạng thức của một sự thay đổi luân phiên giữa an ủi và sầu khổ; có lúc tràn đầy niềm vui sướng, nhưng rồi lại mất hứng thú cầu nguyện, tham dự bí tích … lúc này ngoài những công việc trên, ông còn chạy đến với những người thuần thiêng (TT 211-10). Sau nữa là chính cơn bối rối hành hạ: khi cảm thấy chưa xưng một số tội nào đó, rồi khi xưng thú lại không thấy mình được tha thứ và phải đi xưng tội lại. Tình trạng kéo dài khiến cho cha giải tội buộc ngài không được xưng thú, nhưng vô ích, vì đối với ngài mọi sự đều quá rõ ràng.
Tất cả những phương thế trên đối với ngài đều không có hiệu quả khiến ngài phải thốt lên với Thiên Chúa: “Xin chỉ cho con, lạy Chúa, nơi nào con tìm được giải pháp; cho dù cần phải đi theo một con chó con để nó chỉ cho con phương thuốc chữa trị, con cũng đi theo” (TT 22-23). Sau cùng cơn bối rối đã trở thành cơn khủng hoảng nơi mà ngài gặp phải sự tuyệt vọng và muốn lao đầu xuống đất tự tử. Ngoài những gì đã làm, ngài còn học theo lối sống khổ hạnh bằng cách nhịn ăn để Chúa đến cứu giúp. Cả cha giải tội cũng phải ra tay can thiệp… Cho đến khi ngài không còn tìm ra bất cứ sự nương tựa nào nữa, Thiên Chúa mới đến giải thoát và nhờ đó ngài được thoát khỏi cơn ác mộng (TT 24-25).
Và ngài đưa ra kết luận về chính sự bối rối đó như sau; “Loại thứ hai của ghi chú thứ hai, trong một khoảng thời gian nào đó, lại giúp ích không ít cho linh hồn vốn chuyên chăm vào những việc thao luyện thiêng liêng, vì điều ấy thanh tẩy và rửa sạch linh hồn đó rất nhiều, bằng cách giúp nó xa lánh biết bao tất cả những gì có vẻ là tội, theo như lời thánh Grêgôrio: Đặc điểm của linh hồn lành thánh là xem thấy lỗi nơi không có lỗi gì cả” (LT 3481b-2).
Chắc chắn rằng bối rối là một tình trạng sầu khổ thiêng liêng, vốn gây nên sự bất an cho chủ thể và gây ra nhiều thiệt hại thiêng liêng nặng nề. Thế nhưng thánh I-nhã cũng đã nhìn thấy ích lợi của nó ở vào một thời gian nào đó. Ích lợi đó là: chính “bối rối lại thanh tẩy và rửa sạch linh hồn rất nhiều”. Chính cụm từ này cũng gây cho người ta dể hiểu chủ thể thuộc về chặng đường thanh luyện.[1] Thực ra thánh nhân nói đến những ích lợi cho những người chuyên chăm vào việc thao luyện và những người lành thánh. Lý do họ được lợi ích là bối rối giúp họ tránh xa những gì có vẻ là tội. Vì lý do này thánh nhân trích lời của thánh Grêgôrio: “Đặc điểm của các linh hồn lành thánh là xem thấy lỗi nơi không có lỗi gì cả”.[2]
II.Chiến thuật của kẻ thù và cách hành xử (LT 349-351)
Sau khi đưa ra sự phân biệt để xác định bối rối là gì và có nghĩa gì, thánh I-nhã nêu lên chiến thuật của kẻ thù trong khi chủ thể gặp bối rối đồng thời chỉ cho chúng ta cách thế đối đầu. Cách chung, chiến thuật của kẻ thù là chiến thuật của nó đối với chủ thể đang gặp an ủi và cách đối phó của chủ thể đối với kẻ thù là cách đối phó của chủ thể khi gặp sầu khổ.
Đây là chiến thuật của kẻ thù đối xử với chủ thể khi đang gặp an ủi: chiến thuật nhập thể hay nói cách khác, chiến thuật “vào cửa người ta ra cửa mình”. Chiến thuật này được mô tả trong qui tắc thứ bốn của bộ nhận định thần loại thứ hai (LT 332). Nguyên tắc nhập thể của nó là nếu gặp linh hồn thô thiển, nó làm cho ra thô thiển hơn (LT 3494-5) – ngược lại, nếu gặp linh hồn tế nhị nó làm cho nên tế nhị hơn (LT 3492-3).
Thánh I-nhã viết về chiến thuật của kẻ thù như sau: “Ghi chú IV: kẻ thù thường nhìn ngắm kỹ coi linh hồn thô thiển hay tế nhị. Nếu tế nhị, nó cố gắng làm cho tế nhị hơn nữa, tới mức thái quá, để làm cho linh hồn ấy bối rối và rối loạn hơn nữa. Thí dụ nếu trước kia nó thấy một linh hồn không chịu chiều theo một tội trọng cũng như tội nhẹ, và cả đến những gì có dáng vẻ của một tội cố tình; lúc ấy, vì kẻ thù không thể làm cho linh hồn sa ngã vào điều gì có vẻ là tội, cố xúi linh hồn tưởng là có tội khi không phải là tội, như trong lời nói hay tư tưởng rất nhỏ nhặt. Nếu linh hồn thô thiển, kẻ thù cố gắng làm cho ra thô thiển hơn, thí dụ nếu trước kia không coi các tội nhẹ là gì, nó cố xui cho coi thường cả tội trọng, và nếu trước kia linh hồn coi tội nhẹ có một chút gì đó, thì nó cố xui cho giảm khinh đi nhiều hoặc coi chẳng còn gì cả” (LT 349).
Nguyên tắc hành xử chống lại kẻ thù trong khi gặp bối rối chính là nguyên tắc “làm ngược lại” (agere contra) của bộ nhận định thần loại thứ nhất. Bản A này nói: “phải xử sự theo cách ngược lại với cách thức kẻ thù xử sự”. Chính vì thế khi kẻ thù đẩy đến chỗ tinh tế thái quá, chủ thể phải cố gắng giữ mức trung dung, ngược lại nếu kẻ thù đẩy linh hồn thô thiển đến chỗ thô thiển hơn, chủ thể phải cố gắng trở nên tế nhị hơn. Chính trong cách hành xử này mà bản V viết: “Thật vậy, để tránh nguy hiểm về hai thái cực xảy ra, linh hồn luôn ở trong mức trung dung của sự bình an” (LT V.3503b).
Bản A viết về cách hành xử như sau: “Ghi chú V: Linh hồn muốn tiến tới trong đàng thiêng liêng bao giờ cũng phải xử sự theo cách ngược lại với cách thức kẻ thù xử sự, nghĩa là nếu kẻ thù muốn làm cho linh hồn ra thô thiển hơn, thì phải cố gắng trở nên tế nhị hơn. Cũng vậy, nếu kẻ thù muốn làm cho linh hồn ra tinh tế để dẫn nó tới thái quá, thì linh hồn phải gắng giữ vững trong mức trung dung để được an tĩnh hoàn toàn” (LT 350).
Chủ thể có thể bị cám dỗ không được làm hay nói điều gì làm sáng danh Chúa bằng những lý lẽ giả tạo, lúc đó họ không chỉ hành động ngược lại để chống lại cám dỗ mà thôi mà còn phải xác định bằng cả xác quyết mạnh mẽ của mình, nhằm xua đuổi kẻ thù đang tấn công mình. Lời tuyên bố khẳng khái của thánh Bênađô đối với kẻ thù là cách hành động mẫu mực giúp chúng ta chiến đấu và chiến thắng kẻ thù: “không phải vì mày mà tao bắt đầu, cũng chẳng phải vì mày mà tao kết thúc”.
Trong những trường hợp cụ thể, thánh I-nhã viết cách đối phó với kẻ thù như sau: “Ghi chú VI: Đôi khi linh hồn ngay lành muốn nói hay làm điều gì am hợp với Giáo Hội, với sự hiểu biết của các Bề Trên chúng ta, mà là điều làm sáng danh Thiên Chúa, Chúa chúng ta, và từ bên ngoài đưa tới ý tưởng hay cám dỗ xui đừng nói hoặc làm điều ấy, nại vào những lý do giả tạo như hư danh hay sự gì khác. Khi ấy phải nâng trí khôn lên Đấng Tạo Hóa và Chúa mình, và nếu thấy đó là việc phụng sự phải dành cho Ngài, hay ít là điều ấy không trái với Ngài, thì phải hành động ngược lại hẳn với chước cám dỗ đó, như thánh Bênađô trả lời nó: không phải vì mày mà tao bắt đầu, cũng chẳng phải vì mày mà tao kết thúc” (LT 351).
Kết Luận: Quả thật, bộ ghi chú về bối rối có giá trị bổ túc thật tuyệt vời dành cho hai bộ nhận định thần loại. Vì lẽ trong rất nhiều trường hợp, vấn đề người ta không nhận biết sự mờ tối nằm về phía chủ thể mà loay hoay đi tìm ở đối tượng – và rồi bộ ghi chú này cũng có giá trị bổ túc thật quí giá cho những bộ qui tắc khác. Bởi lẽ rất nhiều khi, chủ thể vẫn rơi vào tình trạng bối rối, nghi hoặc ngay cả khi đối tượng xuất hiện cách tỏ tường cho họ. Vì ý nghĩa này mà thánh I-nhã đã không đặt bộ ghi chú này ở kề cận hay ở giữa những bộ nhận định thần loại, mà ở chính giữa hai bộ qui tắc về bố thí (337-344) và về cùng cảm nghĩ với Giáo Hội (352-370).
Lm. Giuse Lê Quang Chủng, SJ.
[1]H.Coathalem, Commentaire du livre des Exercices Spirituels, Col. Christus 18, Desclée de Brouwer, Paris, 1965, tr 323.
[2]Grêgôrio, Epistolarum Libri, XI. 64/PL 77, tr 1195.