Thành Phố Cần Thơ, đêm Giao Thừa Canh Tý – Tân Sửu
Trời đất linh thiêng xoay vần chuyển vận có bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông, âm thầm nhưng làm nên nhịp điệu hài hòa cho cuộc sống con người nương tựa. Khắc giao thời, Đông qua đi và Xuân ló rạng, cây cối đâm chồi, hoa đua nở, con dân đất Việt lòng phấn khởi hân hoan. Khắc linh thiêng, con cái sum vầy bên cha mẹ, cùng nhau thắp nén hương thơm bái tạ Đất Trời, nhớ về Tiên Tổ. Khắc linh thiêng, mâm cơm gia đình làm nên hơi ấm để con cháu không bao giờ cảm thảm thấy cái lạnh của cảm giác bơ vơ lạc lõng, để mẹ cha ông bà trở thành gốc tổ cho cháu con hóa thành những nhành cây phát lộc dâng trào sức sống.
“Xuân đoàn tụ”, “Tết sum vầy”, những kinh nghiệm ấy đã trở nên quá đỗi thân quen với những kẻ xưng danh con cháu Tiên Rồng. Ngày đầu xuân, nếu không phải là trường hợp bất khả kháng, dù xa đến đâu, dù khó khăn thế nào, người ta cũng ráng gác lại mọi công việc, thoát khỏi vòng xoay bận rộn của cuộc mưu sinh, để về với tổ ấm gia đình, về với chốn được cắt rốn, chôn nhau. Những điều tưởng chừng đã ăn sâu vào tâm khảm con dân Việt Nam dường như lại bị “trốc rễ” nơi một số mảnh đời chưa may mắn. Khắc linh thiêng, khắc người người đoàn viên, vẫn là khắc những con người bé nhỏ ấy phải miệt mài cho cuộc sống gia đình.
“Còn 30 phút nữa là đến giao thừa rồi, sao cô chưa về?” “Tui có tiền đâu mà đón giao thừa. Tranh thủ lúc này, lượm được nhiều hơn.” [Tôi hiểu là đêm Ba Mươi tết, người ta có nhiều bàn tiệc bên lề đường, trước hiên nhà họ]. “Quê chú ở đâu? Chú cũng không về ăn tết hả?” “Tui ở với mẹ. Nhưng mẹ tui bị tai biến, vậy nên tranh thủ đi lượm mấy cái này, kiếm đồng thuốc thang.” “Mấy ngày này đi lượm, người ta đi từ thiện nhiều nên cũng đỡ lắm. Có mấy cô cậu trẻ lắm, dễ thương lắm, đi qua, cho tui gạo, dầu ăn, nước mắm. Thế là chẳng phải sắm tết.” “Có mấy cô kia còn hỏi địa chỉ nhà tui, thế là ngày 26 tết, đem quà đến tận nhà.”
Vui vẻ, huyên thuyên nói cười, tôi ngồi bệt bên lề đường để cùng chia sẻ “chiến lợi phẩm” của mấy cô. “Chú có biết hút thuốc không?” “Dạ con cám ơn cô! Con không hút ạ!” “Vậy ăn quýt đi. Quýt người ta cho để ăn tết đó.” Nhờ tấm lòng cởi mở của các cô, tôi may mắn trở thành người đầu tiên “xông nhà” và chúc tết các cô [nhà chính là ven đường chúng tôi đang ngồi đó]. Tôi cũng là người may mắn đầu tiên được nhận quà lì xi của các cô, những trái quýt đường của tình người luôn khao khát được sẻ chia, được cho đi một phần mình có.
Đêm qua, tôi không băn khoăn nhiều về phận người phải xuôi ngược kiếm sống. Tôi không nghĩ ngợi nhiều về kiếp nhân sinh. Tôi chỉ thấy những gì được trình diện nơi thế giới đang mạc khải cho tôi về Niềm Hy Vọng mà Tin Mừng đem lại. Tan lễ Giao Thừa, tôi bắt đầu đi tìm và bước vào những cuộc gặp gỡ. Lời Chúa trong Thánh Lễ vẫn vang vọng trong tôi, “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5, 3).
Tôi bắt đầu cảm thấy hơn cái phúc Chúa ban cho những con người bé mọn của Chúa. Tôi nhìn thấy vẻ đẹp của lòng biết ơn nơi những tâm hồn biết quý trọng những gì họ có và những gì họ được trao cho. Tôi nhìn thấy vẻ đẹp công chính nơi những tâm hồn bé nhỏ này. Họ lao động bằng đôi tay, sức lực của họ, đôi bàn tay lấm đen nhưng thanh sạch, đôi bàn tay lao tác không nhuốm màu tham nhũng. Tôi nhìn thấy vẻ đẹp của tình yêu và trách nhiệm nơi những con người không chỉ biết sống cho riêng mình, sống cả cho người thân yêu nữa. Tựu chung lại, tôi đã thấy Chúa Giêsu nơi các nẻo đường phố thị khắc giao thừa đêm qua! Xin tạ ơn Chúa đã cho con gặp Ngài! Amen!
Đaminh Phan Quỳnh, SJ