Hướng Dẫn Sống Linh Thao

Hướng dẫn sống Linh Thao ngày 27/4/2020

 

VIỆC ĐÀO LUYỆN CỦA TUẦN HAI

THEO NHỮNG BÀI CHIÊM NIỆM MẶC KHẢI

 

Thưa anh chị em,

 

Như tôi đã trình bày, Nguyên Lý và Nền Tảng Siêu nhiên ở bài chiêm niệm “Lời Gọi Vua Hằng Sống” có nội dung: “Theo Ta trong đau khổ, ở với Ta trong vinh quang” (LT 955). Tất cả việc thao luyện mặc khải, tức là các bài chiêm niệm về đời sống Chúa Giêsu đều được khai triển dưới ánh sáng này. Và tôi cũng đã nói, mục đích của Tuần Hai là đào luyện thao viên ở vế thứ nhất của nội dung Nguyên Lý và Nền Tảng này để họ được chuẩn nhận vào đời sống soi sáng. Bởi lẽ, sau khi được lãnh nhận hồng ân cứu độ nơi cuộc hiến tế của Chúa Giêsu ở Tuần Một, thì bước vào Tuần Hai, chính lối sống hiến tế ấy lại trở nên ánh sáng và con đường đào luyện thao viên nên môn đệ với Chúa Giêsu và được thông chia phẩm chức là con Thiên Chúa với Ngài. Tuy nhiên, việc chiêm niệm về đời sống Chúa Giêsu trong Tuần Hai gồm hai bước: thời thơ ấu và thời công khai của Ngài. Chúng ta cùng tìm hiểu cách Chúa soi sáng ở hai bước mặc khải này với sự trưởng thành của các môn đệ.

 

1/ Sự soi sáng trong thời thơ ấu của Chúa Giêsu

 

Những bài chiêm niệm về thời thơ ấu của Chúa Giêsu nhằm giúp cho thao viên xác tín rằng, Ngài là Đấng Thiên Chúa sai đến cứu độ loài người, vừa là Thiên Chúa thật, vừa là người thật. Và dưới ánh sáng của bài Lời Gọi Vua Hằng Sống, đó chính là hành trình lao khổ  của Con Thiên Chúa: từ Thiên Chúa đến làm người.

 

Trong danh sách 51 mầu nhiệm về cuộc đời Chúa Giêsu, thời thơ ấu đã chiếm đến 11 mầu nhiệm (262-272), nhưng thánh I-nhã chỉ vận dụng 6 mầu nhiệm để đào luyện đức tin thao viên trong ba ngày thao luyện, mỗi ngày hai mầu nhiệm: ngày thứ nhất, mầu nhiệm Nhập Thể và Giáng Sinh (101 và 110); ngày thứ hai, mầu nhiệm Dâng Chúa vào Đền thờ và Trốn sang Ai Cập (132) và ngày thứ ba, mầu nhiệm Ẩn Dật và Ở lại Đền Thờ (134).

 

Phân tích 6 mầu nhiệm này, chúng ta thấy có bốn mầu nhiệm đề cao hơn về bản tính thần linh của Chúa Giêsu trong hành trình hủy mình của việc cứu độ: Nhập Thể, Giáng sinh, Dâng vào Đền Thờ và Ở lại Đền thờ; hai mầu nhiệm còn lại nhấn mạnh hơn đến bản tính nhân loại của Ngài: trốn sang Ai cập và đời sống ẩn dật. Nhiều mầu nhiệm cho thấy Đức Giêsu là người thật: tuân phục Cêsar và được sinh ra (2642-3), chịu cắt bì (2662), vâng lời cha mẹ (2712)…

 

Như vậy Đức Giêsu mà thao viên đang gặp gỡ không chỉ là Thiên Chúa đến làm người mà còn liên hệ với họ và nên mẫu sống cho họ. Vì thế, ơn xin được nêu lên : “xin được lòng hiểu biết thâm sâu về Chúa, Đấng đã làm người vì tôi, để được yêu mến Ngài hơn và theo Ngài hơn” (104).

 

2/ Sự soi sáng trong thời công khai của Chúa Giêsu:

 

Sự soi sáng của Chúa Giêsu trong đời sống công khai nhằm đào luyện thao viên sống phẩm giá làm con Thiên Chúa với Ngài. Ta khẳng định như thế bởi hai nét chính sau đây:

 

– Thứ nhất, trong danh sách 51 mầu nhiệm về cuộc đời Đức Giêsu, những bài chiêm niệm thuộc đời sống công khai của Chúa chiếm đến 15 mầu nhiệm: tức là từ mầu nhiệm Chúa chịu Phép Rửa đến hết ngày Lễ Lá (273-287). Tuy nhiên, thánh I-nhã dành 8 ngày cho các thao viên chiêm niệm với 8 mầu nhiệm mà thôi, tức là từ ngày thứ năm đến ngày thứ mười hai (158; 161) và ngài cũng tập trung vào những mầu nhiệm ở đầu và cuối sứ vụ vốn làm nổi bật tình yêu hiến tế của Đức Giêsu: Phép Rửa, chịu cám dỗ, vào trong Đền Thờ, Lễ Lá. Các mầu nhiệm khác có mục đích đào luyện thao viên đi theo Chúa và sống phẩm giá mới: gọi các môn đệ, bài giảng trên núi, hiện ra trên sóng biển, cho Lazarô sống lại.

 

– Thứ hai, dù mục đích các mầu nhiệm của Tuần Hai đều tập trung vào Đức Giêsu như là mẫu gương cho thao viên, nhưng vẫn có sự khác biệt giữa hai bước của thời thơ ấu và công khai. Sự khác biệt này được tìm ra ở chính việc sắp xếp trật tự hai mầu nhiệm chiêm niệm của ngày thứ ba: Chúa vâng lời cha mẹ ở Nazaret từ mười hai đến ba mươi tuổi (134a/271) và Chúa ở lại trong Đền Thờ khi mười hai tuổi (134b/272).

 

Xét về lịch sử tính, thánh nhân đã sắp xếp lẫn lộn hai mầu nhiệm với nhau, nhưng ngài lại cố ý sắp xếp như thế nhằm cho thấy việc đào luyện ở những mầu nhiệm thời thơ ấu và thời công khai khác nhau: ở thời thơ ấu, việc đào luyện đi theo Chúa Giêsu với tư cách là Thiên Chúa thật và là người thật thì ở thời công khai, việc đào luyện nhằm đi theo Ngài với tư cách là Con Thiên Chúa để nên nghĩa tử của Thiên Chúa. Bởi lẽ khi ở lại trong Đền Thờ, Ngài không chỉ mặc khải cho hàng tiến sĩ Do Thái về Giao Ước mới mà còn mặc khải cho cha mẹ Ngài về một gia đình mới của con cái Thiên Chúa (Lc 2,49).

 

3/ Sự hội nhất đời sống của thao viên trong việc đào luyện ở Tuần Hai

 

Để nói về sự hội nhất của thao viên trong Tuần Hai, chúng ta cần đối chiếu với tính phân rẽ của thao viên trong Tuần Một. Điều này có thể đọc ra nhờ vào cách sắp xếp các mầu nhiệm trong việc thao luyện vừa ở tổng thể, vừa ở chi tiết:

 

Về tổng thể:

 

Để bước vào hành trình đào luyện cấp độ nhân bản của Tuần Một, từ Nguyên Lý và Nền Tảng tự nhiên (LT 23) đến bài suy gẫm đầu tiên về tội (LT 45) có một khoảng cách 22 số Linh Thao.

 

Để bước vào hành trình đào luyện ở cấp độ siêu nhiên từ Tuần Hai trở đi, từ Nguyên Lý và Nền Tảng siêu nhiên ở bài Lời gọi (LT 91) đến bài chiêm niệm đầu tiên về mầu nhiệm Nhập Thể (LT 101), khoảng cách chỉ còn lại 10 số Linh Thao.

 

Cách bài trí như vậy cho thấy có sự khác biệt giữa hai loại người: một tội nhân và một người được ơn tha thứ đối với Thiên Chúa: kẻ được tha thứ có tương quan gần gũi với Thiên Chúa hơn một tội nhân.

 

Về chi tiết: chương trình mỗi ngày có 5 lần suy gẫm hay chiêm niệm.

 

Riêng Tuần Một liên quan đến việc cứu độ, ta thấy có 3 bài suy gẫm mẫu về: Tội thứ nhất (LT 45-53), tội thứ hai (LT 55-61) và về hỏa ngục (LT 65-71).

 

Tuần hai liên quan đến việc đi theo Đức Giêsu gồm hai bước: thời thơ ấu chiếm ba ngày, việc chiêm niệm chỉ còn lại 2 bài mẫu mỗi ngày, ngày thứ nhất là bài Nhập thể và Giáng sinh (Lt 101 và 110); ngày thứ hai là Việc Dâng Chúa vào Đền Thánh và Trốn sang Ai Cập (LT 132); ngày thứ ba là đời sống ẩn dật và Chúa ở lại Đền Thờ (LT 134).

 

Thời công khai chiếm 8 ngày, bắt từ ngày thứ năm với 8 mầu nhiệm:

 

Ngày thứ năm có một mầu nhiệm từ Nazaret đến sông Giođan chịu phép rửa (LT 158);

 

Ngày thứ sáu có một mầu nhiệm từ sông Giođan ở lại đó (LT 1611);

 

Ngày thứ bảy có một mầu nhiệm về thánh Anrê các thánh khác theo Chúa Giêsu (LT 1612);

 

Ngày thứ tám có một mầu nhiệm về bài giảng trên núi (LT 1613);

 

Ngày thứ chín có một mầu nhiệm về việc chúa đi trên biển đến với môn đệ (LT 1614);

 

Ngày thứ mười có một mầu nhiệm về việc Chúa giảng trong Đền Thờ (LT 1615);

 

Ngày thứ mười một khi cho Lazaro sống lại (LT 1616);

 

Và ngày thứ mười hai có một mầu nhiệm về ngày Lễ Lá (LT 1617).

 

Kết luận: Từ những dữ kiện trên, chúng ta được phép đem ra những kết luận như sau:

 

– Những bài suy gẫm trong Tuần Một, cho thao viên cảm nhận tình trạng tội lỗi không chỉ gây ra sự phân rẽ nơi chính con người, mà còn có nguy cơ đánh mất tương quan với Thiên Chúa: ba đề tài suy gẫm một ngày.

 

– Những bài chiêm niệm thời thơ ấu trong Tuần Hai cho họ nghiệm ra sự ngăn cách giữa phẩm giá làm người và làm con Thiên Chúa sau khi được giải thoát khỏi tội lỗi: mỗi ngày chiêm niệm hai mầu nhiệm.

 

– Những bài chiêm niệm thời công khai trong Tuần Hai cho thao viên cảm nghiệm một tiến trình hội nhất: từ ngày thứ năm đến ngày thứ mười hai chỉ có một mầu nhiệm chiêm niệm cho mỗi ngày; tuy nhiên mỗi mầu nhiệm trong ba ngày đầu đều phân đôi với phân từ “và”, còn năm ngày sau cùng không có hiện tượng phân đôi nữa. Đây chính là sự hội nhất của ơn đi theo làm môn đệ Đức Giêsu với tư cách là con Thiên Chúa.

 

Nói cách khác, những bài chiêm niệm qua giác quan, Đức Giêsu dần dà đi vào và hội nhất trong ý thức và trôi dần vào vô thức của thao viên để họ được nên con người mới thay thế cho con người cũ. Đó chính là khoa sư phạm thay thế của Linh Thao ngang qua kinh nghiệm đào luyện của thánh I-nhã.

 

Ad Majorem Dei Gloriam.

 

Lm. Giuse Lê Quang Chủng, SJ.

Kiểm tra tương tự

Thay Đổi Nhãn Quan Về Kinh Doanh – Một gợi hứng từ Thông Điệp Laudato Si’

  Quan điểm phổ biến cho rằng doanh nghiệp chủ yếu được thúc đẩy bởi …

Lễ Sinh Nhật Đức Maria

Cũng giống như nhiều người trong chúng ta rất xem trọng ngày sinh nhật của …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *