Thánh Inhaxiô Loyola (1491-1556) – Lễ kính 31 tháng 7
Thay đổi đôi khi là điều đáng sợ. Ngay cả khi bạn biết tốt nhất là nên thay đổi thì nó vẫn có thể đáng sợ. Ví dụ, bạn biết rằng phải có cách nào đó sử dụng thời gian của mình tốt hơn thay vì ngồi trước tivi hoặc chơi điện tử. Bạn biết rằng Thiên Chúa đã tạo ra bạn cho nhiều điều hơn thế. Nhưng chỉ nghĩ đến việc thay đổi thôi cũng đã đáng sợ. Bạn chỉ quen với việc ngồi phịch xuống ghế và đừng nghĩ ngợi.
Hãy nghĩ xem, nếu bạn thực sự cố gắng bắt đầu sống theo ý Chúa thay vì theo thế gian, bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra. Bạn có thể không thể làm được. Bạn có thể không còn là chính mình nữa. Con người vui vẻ, tò mò, năng động mà bạn nghĩ là chính bạn có thể trở nên nhàm chán. Không sao cả nếu bạn có những lo lắng này. Những câu chuyện về hạnh các thánh cho chúng ta thấy rằng chúng ta không nên lo lắng về sự thay đổi. Hãy nhìn vào thánh I-Nhã thành Loyola.
Thánh I-Nhã sống ở Tây Ban Nha vào thế kỷ 16. Đó là thời đại của các vương quốc và chiến trận, của những binh đoàn và chiến binh. Từ thuở niên thiếu, thánh I-Nhã đã là một quân nhân. Cuộc đời của ngài đầy phiêu lưu và nhiệt huyết. Ngài dành nhiều thời gian trong cung điện của các công tước và hoàng tử. Ngài khỏe mạnh và tràn đầy sức sống. Thánh I-Nhã tin vào Thiên Chúa, nhưng ngài không sống đạo tích cực cho lắm khi không làm gì hơn ngoài việc đi lễ và cầu nguyện. Ngài dành thời gian rảnh rỗi để làm những việc không đáng ngưỡng mộ mấy. Ngài đầu từ thời gian và tài năng của mình cho không việc gì khác ngoài vinh quang và thú vui của bản thân.
Thánh I-Nhã đã sống theo cách này trong một thời gian dài cho đến một ngày vào mùa xuân nọ, khi ngài thấy mình rơi vào tình thế đáng sợ. Thánh nhân đang chiến đấu cùng một đội quân là các chiến hữu Tây Ban Nha, và họ đang trong trận chiến với quân Pháp. Quân Pháp đã chiếm hết đất xung quanh quân Tây Ban Nha ngoại trừ một vị trí nhỏ. I-Nhã và một người lính khác bám trụ ở mảnh đất đó, nằm trên đồi cao, trong một pháo đài. Mọi người còn lại đều muốn đầu hàng vì thực sự không thể có cơ hội chiến thắng.
I-Nhã đứng trước quân lính. Ngài kêu gọi các đồng chí của mình bằng giọng nói to và mạch lạc. Họ không thể đầu hàng! Họ có sự bảo vệ của pháo đài và họ có vũ khí. Tại sao họ phải bỏ cuộc? Vì vậy, quân lính đã nghe theo I-Nhã và tiếp tục chiến đấu chống lại quân Pháp. Nó đã không hiệu nghiệm. Họ thua trận và I-Nhã bị trúng đạn.
Vào thời đó, súng không bắn những viên đạn nhỏ, thứ vốn đã đủ tồi tệ. Những khẩu súng này bắn ra những viên đạn chì lớn, tròn, đôi khi có kích thước bằng những viên đá nhỏ, gần giống như đạn đại bác nhỏ. Đó là thứ đã xuyên qua hông của I-Nhã và ghim thẳng xuống chân của ngài đến đầu gối bên kia. Đây là một vết thương rất nghiêm trọng.
Tuy nhiên, như mọi khi, I-Nhã rất dũng cảm. Ngài ấy mạnh mẽ trên hành trình đầy đau đớn trở về nhà, ngay cả khi được cõng trên những con đường gập ghềnh, cái chân gãy thì va đập mạnh trong mỗi bước đi. Ngài tỏ ra kiên cường khi các bác sĩ phát hiện ra rằng chân của ngài đã được nắn chỉnh không đúng cách và nói với ngài rằng trừ khi chân được bẻ và nắn chỉnh lại, ngài sẽ không bao giờ đi lại được.
Khi chân của thánh Inhaxiô cuối cùng bắt đầu lành lại, ngài phát hiện ra hai điều. Một trong những khúc xương vẫn nhô ra, tạo thành một cục u khó coi dưới đầu gối. Và chân bị gãy giờ đã ngắn hơn chân kia. Vì vậy, I-Nhã quyết định rằng sẽ cường tráng trở lại. Ngài yêu cầu các bác sĩ cưa bỏ cục u khó coi dưới đầu gối đó. Ngài xích một quả đạn pháo vào chân ngắn của mình và dành hàng giờ mỗi ngày để buông thõng nó, hy vọng quả tạ sẽ kéo dài chân trở lại kích thước bình thường. Thời đó, không có nhiều cách để giảm đau. Nên liệu pháp “điều trị” mà I-Nhã tự đặt ra cho mình có lẽ cực kì đau đớn và mệt mỏi. Nhưng I-Nhã là một người đàn ông mạnh mẽ.
Vì phải nằm trên giường bệnh nhiều tháng, I-Nhã cảm thấy buồn chán. Ngài muốn có thứ gì đó để đọc. Ngài muốn đọc những cuốn sách phiêu lưu, những câu chuyện phổ biến thời bấy giờ: những hiệp sĩ chiến đấu giành lấy đôi tay của những người phụ nữ xinh đẹp, phiêu lưu đến những vùng đất xa xôi và chiến đấu với những sinh vật kỳ lạ. Nhưng vì một lý do nào đó, hai cuốn sách hoàn toàn khác đã được mang đến cho I-Nhã. Một quyển kể về cuộc đời của Chúa Giêsu, quyển còn lại là tập hợp những câu chuyện về hạnh các thánh. I-Nhã đọc những cuốn sách này. Ngài suy ngẫm về chúng. Bị ấn tượng bởi những hy sinh to lớn mà các thánh đã thực hiện vì Chúa, ngài đã choáng ngợp trước tình yêu của họ dành cho Chúa Giêsu. Và I-Nhã nghĩ: “Tại sao mình chỉ sống vì bản thân? Những con người này đã làm được rất nhiều điều tốt đẹp trong thời gian họ sống trên đời. Tại sao mình không thể?”
I-Nhã quyết định sẽ sử dụng những tài năng mà Chúa đã ban cho mình – sức mạnh, khả năng lãnh đạo, lòng dũng cảm và trí thông minh – để phục vụ Chúa và dân của Người. Trong khi tiếp tục hồi phục, I-Nhã bắt đầu cầu nguyện một cách nghiêm túc. Bình an của Chúa ngự trị trong lòng ngài và đảm bảo rằng ngài đang đi đúng hướng.
Khi I-Nhã đã bình phục hoàn toàn và sẵn sàng đi lại, ngài rời bỏ quê hương để chuẩn bị cho cuộc đời mới. Điều này không dễ dàng. Khi ấy I-Nhã đã 30 tuổi, được coi là già vào thời đó, và muộn cho việc bắt đầu học để trở thành linh mục. Thời đó thánh lễ chỉ được cử hành bằng tiếng Latinh, và tiếng Latinh là ngôn ngữ mà tất cả những người có học sử dụng để giao tiếp với nhau. Thánh I-Nhã không biết gì về tiếng Latinh. Vì vậy, trong những bài học tiếng Latinh đầu tiên, một I-Nhã to lớn, xù xì phải học chung lớp với một nhóm các cậu bé 10 tuổi cũng đang học tiếng Latinh lần đầu tiên!
Điều đó đòi hỏi một loại sức mạnh khác, đúng chứ? I-Nhã tiếp tục đi lên đường. Ngài tập hợp chín người bạn đồng chí hướng với mình và họ cùng nhau tuyên hứa với Chúa. Họ là những người sáng lập ra Dòng Tên, còn được gọi là các Giêsu hữu.
Những gì bắt đầu với I-Nhã và chín người bạn của ngài chỉ sau vài năm đã phát triển thành một nhóm các linh mục và tu sĩ có hơn một nghìn thành viên. Họ sử dụng tài năng của mình để giảng dạy và rao giảng về Chúa Giêsu trên khắp thế giới.
Và nghĩ mà xem, tất cả chỉ bắt đầu vì một người – thánh I-Nhã thành Loyola – đủ mạnh mẽ và dũng cảm để thay đổi!
Trích từ sách Loyola Kids Books Of Saints (Tủ sách Loyola)
Chuyển ngữ: Lê Minh