Đã có lúc tôi tự hỏi: Tại sao con người phải chịu đau khổ?
Và đâu là giới hạn về mức độ khổ đau mà một người phải chịu trong đời?
Những câu hỏi ấy đã đến trong tôi khi chứng kiến những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt mệt mỏi của cụ ông, cụ bà, của cả người trung niên, và những em bé trước nỗi đau thể xác, tinh thần họ đã, đang gặp trong đời.
Liệu những điều ấy có thể khiến tôi tin như Heidegger: “Con người là hữu thể bị quăng ném” chăng? Hay đi đến chỗ ủng hộ một phát biểu thật buồn của triết lý nhà Phật “Đời là bể khổ”?
Niềm tin Công Giáo được lãnh nhận từ tấm bé khi được chịu phép Rửa Tội liệu có đang lớn lên trong tôi để rồi, ngày qua ngày, bất chấp dòng đời đưa đẩy với bao điều khó đoán, khó lường, khó chịu xảy ra… tôi vẫn tin rằng đời sống nói chung, và đời tôi nói riêng là một quà tặng, và việc làm người tự nó là một mầu nhiệm cao quý đáng trân trọng?
Đến thăm những người đau bệnh, mà ngày dài cuộc đời trôi qua nhiều lúc đã làm cho không chỉ tấm thân họ mỏi mòn, mà ngay cả ý chí và niềm tin vào Chúa cũng bao phen khắc khoải, đã khiến tôi càng lúc càng thấm thía tính mong manh của phận người.
Lời nguyện cầu xen lẫn tiếng thở than nghe sao não lòng!
Có bi quan chăng nếu nói rằng ở trên đời, không có con người không đau khổ? Nếu vậy, thì đau khổ là một phần làm nên đời sống con người. Nó chân thật và gần gũi đến nỗi, dù không muốn, và ngay cả lúc không thể hiểu, tôi cũng phải chấp nhận nó như nó là.
Mầu nhiệm con người, mầu nhiệm đau khổ, thử hỏi, có thể tìm đâu ra ánh sáng và ý nghĩa?
“Chỉ trong mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể mà mầu nhiệm về con người mới tìm thấy ánh sáng đích thực”.
(Gaudium et Spes, n. 22)
Lạy Chúa, xin cho con thêm lòng tin vào Chúa,
để con can đảm bước đi trong mầu nhiệm.
Hoàng Sơn, SJ