Khao khát công bình: phản tỉnh của một đại biểu về sứ mạng phục vụ những người bị gạt ra bên lề

Cha L. Yesumarian là đại biểu của CP71 thuộc tỉnh dòng Chennai ở Ấn Độ. Là một luật sư thương mại, trong nhiều thập niên qua, cha đã đấu tranh chống lại bất công xảy ra đối với các cộng đồng người Dalit và các bộ tộc ở Ấn Độ, bằng cách đòi lại đất đai bị chiếm đoạt và làm việc để khôi phục các quyền cơ bản cho những người “đẳng cấp thấp hơn”. Cha đã bị bỏ tù và bị tra tấn đến 4 lần khác nhau, vì đã lên tiếng về việc bóc lột những người thuộc đẳng cấp thấp trong lúc Ấn Độ áp dụng các đạo luật chung chống khủng bố.

Cha L. Yesumarian, S.J.

Cha L. Yesumarian, SJ nói:

  • Tôi đã làm gì cho Đức Kitô?
  • Tôi đang làm gì cho Đức Kitô?
  • Tôi phải làm gì cho Đức Kitô?

Ba câu hỏi này hình thành nền tảng của Lời tâm sự, một trong những lời cầu nguyện trước nhất mà một Giêsu hữu học cần học lấy. Ý nghĩa của lời cầu nguyện này thay đổi khi một Giêsu hữu lớn lên ngang qua đời sống và sứ vụ. Khi lặng lẽ cầu nguyện tại Thánh đường Loyola ở Tây Ban Nha trong kỳ Đại Hội Đại Biểu này, tôi không thể không nghe những câu hỏi ấy vang vọng trong tâm trí mình khi chúng ta nhìn về tương lai, ngang qua việc trân trọng quá khứ của mình.

Và quá khứ của tôi có nhiều điều để nói.

Từ nhiều năm nay, tôi đã phục vụ cho những người nghèo không có đất đai ở Ấn Độ, những người Dalits và các bộ tộc bị tước đoạt đất đai ở một đất nước mà 10% dân số kiểm soát 80% tài sản. Một phong trào xã hội của những thường dân đã làm việc không mệt mỏi để khôi phục phẩm giá và đất đai đã bị chiếm đoạt. Đó là một sứ vụ mà hầu như cả nước không ai ngó tới – không chỉ vì nó liên quan đến việc trả lại một số vùng đất bị đánh cắp, mà còn vì nó buộc chúng ta phải thừa nhận một phần đáng xấu hổ trong lịch sử của mình.

Vì việc ấy mà tôi đã nhiều lần bị chính quyền bắt giữ và cầm tù. Có một lần, tôi bị lôi vào đồn cảnh sát, bị lột trần, làm nhục và đánh đập liên tục trong 14 giờ. Đó là một nỗ lực nhằm đe dọa tôi ngừng sứ vụ của mình – để quay lưng lại với những người nghèo vốn đã phải chịu sự tra tấn y như vậy, và tệ hơn, trong nhiều thế hệ. Khi nằm trần truồng và một mình trên sàn nhà lạnh và ẩm ướt, trong một khoảnh khắc tôi nghĩ: “Thế này đã đủ chưa?” […]

Đó là những gì tôi nghĩ đến khi ngồi giữa các anh em Giêsu hữu của tôi từ khắp nơi trên thế giới. Nghe những câu chuyện của họ, tôi biết rằng tất cả chúng tôi đã cho đi rất nhiều. Tất cả chúng tôi đang làm rất nhiều. Nhưng ngay cả như vậy, chúng tôi ở đây vì chúng tôi biết rằng bất kể câu trả lời cho hai câu hỏi đầu tiên là gì, thì luôn có điều gì đó khác mà chúng tôi được mời gọi để làm. Và giờ đây, chúng tôi được mời gọi để cầu nguyện và đưa ra những đường hướng cho việc quản trị.

Trong thời điểm này, đây là cách chúng tôi được mời gọi để phục vụ. Chúng tôi nhìn vào những gì chúng tôi đã làm. Chúng tôi cầu nguyện cho những gì chúng tôi đang làm. Chúng tôi xin cho đi nhiều hơn không phải vì Chúa Kitô đòi hỏi, mà vì CHÚNG TÔI đòi hỏi điều đó để đáp lại lời kêu gọi của Chúa Kitô.

  • Tôi đã làm gì cho Đức Kitô?
  • Tôi đang làm gì cho Đức Kitô?
  • Tôi phải làm gì cho Đức Kitô?

Những câu hỏi định nghĩa tôi là ai trong tư cách là một Giêsu hữu. Chúng thúc đẩy tôi, làm cho tôi tiến lên và khiến cho tôi khao khát một thế giới công bình hơn. Chính niềm khao khát ấy mang tôi đến Đại Hội này.

 

Nguồn: https://www.jesuits.global/2023/05/16/hunger-for-justice-a-delegate-s-reflection-on-ministry-to-the-marginalized/

Chuyển ngữ:  Bảo Lộc, S.J.

Kiểm tra tương tự

Chúa ơi, bây giờ con phải làm gì ?

  “Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?” (Lc3,10-18)   Trong đoạn Tin Mừng …

Món Quà Giáng Sinh – Suy tư Tin Mừng CN 4 Mùa Vọng năm C

  Giáng sinh là khoảng thời gian tuyệt vời nhất trong năm đối với phần …