Khát khao của Chúa

                                                                                                  

Hôm nay, Đức Giêsu cùng các môn đệ Ngài đi lên Giêrusalem. Ngài ngồi trên lưng lừa trong sự chào đón long trọng của đám đông, và tiếng reo hò tung hô của các môn đệ: “Chúc Tụng Đức Vua, Đấng ngự đến nhân danh Chúa! Bình an trên cõi trời cao, vinh quang trên các tầng trời. Các môn đệ đã đổi cách xưng hô, gọi thầy mình là Đức Vua như thách thức triều đình La Mã. Nhưng đâu ai biết, Đức Giêsu đang cô đơn trong ý hướng của riêng Ngài. Ngài cô đơn giữa những tháp tùng đang mong chờ một cuộc chiến sống còn bằng quyền lực và vũ lực. Ngài cô đơn vì cho đến bây giờ, ngay cả những môn đệ gắn bó với mình bao  năm vẫn còn u mê chưa nhận ra lối đường mà Thầy đang dấn thân: một lối bình an!

  1. Đức Giêsu khát khao đem Hòa Bình cho nhân loại .( Lc.19:28-40)

Quả vậy,  trong tiếng Do Thái, Giêrusalem (Yerushalayim) có nghĩa là thành phố của bình an (the city of Peace). Theo William Hendriksen[1], một học giả Tân Ước người Hà Han, việc Đức Giêsu đi lên Giêrusalem hoàn tất 4 điều sau:

  • Thứ nhất: Ngài tham gia vào một cuộc biểu tình công khai
  • Thứ hai: Ngài tác động lên bàn tay của các nhà lãnh đạo Do Thái, làm cho giờ của họ phù hợp với “giờ” của Thiên Chúa.
  • Thứ ba: Ngài ứng nghiệm lời tiên tri Xa-cha-ri 9: 9 – “Vua ngươi đến… trên một con lừa.”
  • Và điều quan trọng nhất, đó là: Ngài thể hiện mình là một đấng cứu thế, người mang lại hòa bình hơn là chiến tranh.

Như vậy, ngay từ những bước chân đầu tiên đi lên Giê rusalem, Đức Giê su đã chọn cho mình một phong thái của một vị vua, đó là được cung kính đón rước. Nhưng thay vì được rước đi bằng những con ngựa quý, biểu trưng cho sự dũng mãnh xứng bậc vua chúa thời bấy giờ hay ngồi trên những chiếc xe hàng hiệu đắt đỏ, giới hạn của những vị chỉ tịch, tổng thống thời nay…Đức Giê su khiêm nhường ngồi trên lưng lừa con, như dấu chỉ cho mục đích hiện diện của Ngài: đến trong hòa bình, đến để phục vụ, và để hiến mạng sống mình. Ngài khao khát đem hòa bình đến cho dân Ngài, và giờ đã đến.

  1. Đức Giêsu khát khao hiến mình cho nhân loại (Lc.22:14-20)

Hôm nay, Đức Giê su lên Giêrusalem cùng với các môn đệ. Ngài muốn cùng những người thân yêu của Ngài ăn tiệc Vượt Qua, mừng ngày dân Do Thái được giải thoát khỏi ách thống trị của Vua-dân Ai Cập, thoát cảnh nô lệ tha hương. Đang khi mừng Lễ Vượt Qua truyền thống này, Đức Giêsu bộc lộ tâm tư cho các môn đệ của Ngài là: Ngài sẽ cử hành một Lễ Vượt Qua mới: đó là giải thoát toàn thể nhân loại khỏi nô lệ của tội lỗi qua cuộc Thương Khó của Ngài. Trong Lễ Vượt Qua mới này, Ngài chính là Con Chiên hiến tế. Máu thịt Ngài chính là của lễ đền tội muôn dân. Ngài tha thiết mời gọi các môn đệ hãy chung chia cùng Ngài trong sứ mạng cao cả này, và tưởng nhớ về Ngài bằng cách làm cho sự hiến tế này tiếp diễn mỗi ngày, nơi chính họ. Quả vậy, Ngài khao khát hiến mình không chỉ một lần, nhưng mãi mãi. Tại bữa tiệc ly, Ngài dùng hình ảnh bánh rượu để diễn tả cơn khát khao hiến mình này: “Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em. Đây là máu Thầy, máu đổ ra vì anh em…(Lc.22:19-20). Và khát khao này được thực hiện mỗi ngày nơi bàn tiệc Thánh Thể, nơi các Ki-tô hữu được mời gọi đến tham dự mỗi ngày.

  1. Đức Giê su khát khao chu toàn thánh ý Chúa Cha (Lc.22:41)

Hôm nay, Đức Giê su lên Giêrusalem cùng với các môn đệ. Ngài đi để chu toàn Thánh Ý Chúa Cha. Trên núi Ô-liu, Ngài thổn thức: “Lạy Cha, xin cho ý Cha thể hiện”. Và đang khi thi hành ý muốn của Chúa Cha, Ngài uống cạn chén Cha trao. Trong chén này,

  • có VỊ ĐẮNG CỦA CÔ ĐƠN khi một mình vượt qua cơn cám dỗ bỏ cuộc. (Lc.22:45-46)
  • có VỊ ĐẮNG CỦA PHẢN BỘI khi Giuđa trao nụ hôn bán Thầy (Lc.22:47-48)
  • có VỊ ĐẮNG CỦA CHỐI BỎ khi Phê rô không nhìn nhận tương quan (Lc.22:5-61)
  • có VỊ ĐẮNG CỦA NHẠO BÁNG, KHINH KHI khi những quân canh cùng tên gian phi thách thức quyền năng Chúa…(Lc.22: 63-64; 23:39)
  • có VỊ ĐẮNG CỦA NHỤC HÌNH treo thân trần trụi trên thập giá (Lc.22:33)

Tuy vậy, Đức Giê su chấp nhận uống cạn chén đắng với trọn tâm tình phó thác vào tay Chúa Cha. Ngài trút hơi thở là hành động của hiến mình trọn vẹn, cho Chúa Cha và toàn thể nhân loại.

Cầu Nguyện

Lạy Chúa, mỗi năm, chúng con đều cùng nhau nhìn về cơn khát của Chúa trên thập giá, để suy ngắm về tình yêu Chúa dành cho nhân loại chúng con. Chúa đã được Chúa Cha “giải khát” bằng chén đắng của CÔ ĐƠN, PHẢN BỘI, CHỐI BỎ, NHẠO BÁNG, và CÁI CHẾT Ô NHỤC trên thập giá. Nhưng trong chén đắng ấy lại có vị ngọt của ƠN CỨU ĐỘ và GIAO HÒA.

Xin cho mỗi người chúng con khi vác thập giá mình theo Chúa, luôn cảm nghiệm sự đồng hành của Chúa trong mỗi bước đi, và cả khi vấp ngã trên đường đời. Xin vì những lần vấp ngã và vực dậy đầy kiên cường của Chúa tăng thêm lòng tin, hy vọng, và sức mạnh nơi chúng con.

Xin cơn khát bình an, hiến mình, và chu toàn thánh ý Chúa Cha nơi Chúa không ngừng quấy rầy trí lòng chúng con, để chúng con cũng nhìn ra cơn khát nơi chính mình và tha nhân, giữa một thế giới đầy bất an, bất công, và thái độ sống bất chấp của con người hôm nay.

Xin cho chúng con biết khao khát xây dựng hòa bình, công bình, và vị tha như Chúa.

Và sau cùng, xin vì cuộc khổ nạn đau thương của Chúa trên thập giá mà chữa lành những thương tích trong tâm hồn chúng con. Amen.

Sr.Quỳnh Thoại, CĐM

[1] https://sermonwriter.com/biblical-commentary/new-testament-luke-1928-40/

Kiểm tra tương tự

Chúa Giêsu bị chế nhạo – Kỳ cuối: Kẻ phạm thượng và cái kết

Cái chết của Đức Giêsu không nằm ngoài ý định của Thiên Chúa và cũng …

Bức tượng cổ: giai thoại và tên gọi

Trong nhà thờ Neumünster ở thành phố Würzburg thuộc miền Bavaria, Nam Đức, có một …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *