Vài Tư Tưởng Về Cầu Nguyện [số 2]

Cầu Nguyện Dẫn Tới Sự Hiệp Nhất Với Thiên Chúa

 

Mục đích quan trọng nhất của cầu nguyện là kết hiệp làm một với Thiên Chúa. Việc cầu nguyện sẽ là vô nghĩa nếu không giúp bạn trở nên gần gũi hơn với Ngài. Thời gian cầu nguyện, những nỗ lực, những lời thân thưa, hay trong cõi tĩnh lặng, bạn buông mình vào sự hiện diện yêu thương của Ngài, tất cả dẫn bạn đến một mục đích quan trọng nhất của cuộc hiện hữu con người, đó là được nên một với Thiên Chúa. Ngay cả khi bạn dâng lời van xin, hành động ấy xem ra chỉ nhắm đến mục tiêu được nhận lãnh thứ gì đó từ Thiên Chúa, nhưng thực ra, nó là phương tiện giúp bạn đào sâu cảm thức lệ thuộc vào Ngài, và qua đó giúp bạn tiến gần tới sự thông hiệp mật thiết với Ngài hơn. Điều bạn đang nài xin thực sự chỉ là điều thứ yếu mà thôi.

Sự thông hiệp thánh thiêng ấy chỉ xảy ra khi Đấng Tạo Hóa trao hiến chính mình như qua tặng nhưng không Ngài dành cho tạo vật của Ngài. Cho dẫu nỗ lực bao nhiêu, trở nên hoàn thiện bao nhiêu, vốn là loài thọ tạo, người ta chẳng thể tự mình làm nên sự thông hiệp thánh thiêng như thế. Tất cả những gì được dùng trong cầu nguyện như những ngồn trợ lực, chỉ mang ý nghĩa giúp bạn hướng lòng về Thiên Chúa. Nếu bạn quá chú tâm vào một phương thức, lời lẽ, tư tưởng hay một hình ảnh đến nỗi làm mất đi cả ánh sáng của Thiên Chúa thì những trợ lực ấy đã biến thành thứ làm bạn sao nhãng, chúng cản trở bạn đến với Ngài. Thế là thay vì tìm kiếm Đấng Tạo Hóa, bạn lại tìm kiếm những tạo vật của Ngài.

Cầu Nguyện Là Kinh Nghiệm Được Chúa Yêu Thương Và Yêu Mến Ngài Là Lời Đáp Trả

Mọi sự tốt lành đều được khởi sự từ nơi Thiên Chúa và sẽ dẫn đến Ngài, bởi lẽ Ngài là khởi thủy và cùng đích của mọi sự tốt lành. Vì “Thiên Chúa là Tình Yêu,” nên mọi sự luôn hướng về Tình Yêu. (1 Ga 4:8) Kinh nghiệm về Thiên Chúa trong cầu nguyện chính là kinh nghiệm được Ngài yêu thương. Cảm nhận được Tình Yêu Thiên Chúa dành cho bạn giúp chữa lành và giải phóng bạn, để rồi từ đó, bạn trở nên tự do để yêu mến Ngài hơn. Với lòng yêu mến, bạn có thể lớn tiếng thân thưa lên Chúa Cha, bởi chính Ngài đã đi bước trước, Ngài đổ đầy Thần Khí Yêu Thương vào tâm hồn bạn. Trong Tình Yêu, Ngài trở thành Người Cha, còn bạn, bạn là con yêu dấu của Ngài. “Quả thật, phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa… Thần Khí anh em đã lãnh nhận… là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: ‘Áp-ba! Cha ơi!’” (Rm 8,14-15) Bạn không thể khởi sự một cuộc trao đổi tình yêu lạ lùng như thế. Chỉ Thiên Chúa mới làm được điều này.

Trong khi cầu nguyện, bạn trở nên thức tỉnh hơn với Thiên Chúa, Quà Tặng Tình Yêu vốn dành cho bạn. Từ đó, bạn có thể tự do dâng hiến chính mình cho Quà Tặng ấy bằng quà tặng lòng biết ơn của bạn. Nếu thời gian cầu nguyện cá nhân không là khoảnh khắc trao hiến mình cho Tình Yêu Thiên Chúa với lòng khiêm hạ thẳm sâu, thì đó là lúc bạn đánh mất Quà Tặng Quí Giá trên hết mọi thứ quà tặng. Đây là lý do tại sao Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nhắc nhớ các nữ tu rằng họ cần “hiện diện trước Thiên Chúa, để thân thưa lời của tình yêu và trên hết, buông mình cho Tình Yêu.”

Việc Cầu Nguyện Qui Hướng Về Hoạt Động Của Thiên Chúa Hơn Của Chính Bạn Là Một Hoạt Động Của Đức Tin Lơn Hơn

Trong những hoạt động cầu nguyện mà nơi đó, bạn trở nên chủ động hơn, chẳng hạn như lời cầu nguyện xin ơn hay tạ ơn, với việc hình dung hay lặp đi lặp lại những lời kinh nguyện, bạn được tham dự vào cuộc trò chuyện với Thiên Chúa. Khi ấy, bạn cảm thấy hài lòng vì biết rằng có điều gì đó đang diễn ra. Có điều gì đó đang diễn ra là vì bạn đang thực hiện một hành động nào đó. Ngay cả trong những hình thức mang tính chủ động như thế thì việc cầu nguyện vẫn không thực sự khả thi nếu không có Đức tin. Và như thế, nơi những hình thức cầu nguyện mang tính thụ động hơn, trong đó hoạt động chính yếu của bạn chỉ đơn thuần là hiện diện với Thiên Chúa và mở ra hơn với Quà Tặng Tình Yêu nhưng không của Ngài, thì thiết yếu cần một Đức tin mạnh mẽ hơn, bởi lẽ khi ấy, bạn hầu như chẳng thấy một dấu hiệu nào của một điều gì đó đang xảy ra. Việc cầu nguyện như thế đòi hỏi một Đức tin lớn hơn hầu có thể trao hiến thân mình cho Tình Yêu Thiên Chúa và hiện diện trước mặt Ngài, đặc biệt khi bạn không có hay hầu như không có một cảm nghiệm nào về sự Hiện Diện ấy. Nói chung, cầu nguyện cơ bản là một hoạt động của Đức tin và giá trị của nó không lệ thuộc nơi cảm xúc con người.

Việc cầu nguyện mang tính thụ động hơn đòi hỏi một Đức tin lớn hơn, đồng thời nó cũng cần một sự khiêm hạ lớn hơn để dám hy sinh niềm khao khát được thỏa mãn điều gì đó mà hình thức cầu nguyện mang tính chủ động hơn có thể đem lại, để chú tâm hơn tới điều Thiên Chúa đang thực hiện. Vì Thiên Chúa là Tình Yêu nên việc Ngài không ngừng mạc khải chính mình là một sự thông hiệp của Tình Yêu. Tuy nhiên, bạn chỉ có thể mở ra với sự thông hiệp ấy khi sẵn sàng hy sinh việc qui hướng về hoạt động của bạn, để trong Đức tin, bạn trở nên thức tỉnh hơn với những hoạt động của Thiên Chúa.

 [Xin mời quí độc giả theo dõi những phần tiếp theo trong những số sau!]

Tác giả: Bill Schock, SJ

Chuyển ngữ: Đaminh Phan Quỳnh, SJ

Phỏng dịch từ: Bill Schock, SJ, Prayer and Personal Growth, (Makati: St. Paul Publications, 1990), 14-16.

Kiểm tra tương tự

Khi chồng tôi bạo hành, một linh mục bảo tôi hãy chờ đợi và cầu nguyện. Điều đó không bao giờ là đủ

“Con hãy làm những gì Chúa truyền dạy. Con phải kiên nhẫn và cầu nguyện.” …

Đời tu qua đôi mắt người tu sĩ

Thật thú vị khi trong lòng Giáo hội có hàng trăm dòng tu khác nhau, …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *