Khẩu hiệu cho cuộc hành hương là “Để họ nên một”. Đức Thánh Cha đã công bố rằng điểm chính trong cuộc hành hương của ngài là sẽ gặp Thượng Phụ Chính Thống Hy Lạp Batôlômêô của Constantinốp và những vị đứng đầu của các Giáo Hội tại Giê-ru-sa-lem. Đây là dịp kỷ niệm và làm mới lại sự cam kết hiệp nhất được diễn tả bởi Đức Phao-lô VI và Thượng Phụ Atanagora của Constantinốp 50 năm trước tại Giê-ru-sa-lem.
Điều này diễn tả ước mong của Chúa Giê-su tại Bữa Tiệc Ly: “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như, lạy Cha, Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con. Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một: Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con. (Ga 17,20-23)
Logo cũng diễn tả sự mong ước nên một này, mô tả cử chỉ ôm hôn của Thánh Phê-rô và thánh An-rê, hai môn đệ đầu tiên được Chúa Giê-su kêu gọi tại Ga-li-lê. Thánh Phê-rô là vị đứng đầu của Giáo Hội Roma, còn thánh An-rê là vị đứng đầu của Giáo Hội Constantinốp. Tại Giê-ru-sa-lem, tại Giáo Hội Mẹ, họ đã hôn chào nhau. Hai tông đồ đang trên một chiếc thuyền tượng trưng cho Giáo Hội, và cột buồm là Thánh Giá của Chúa. Cánh buồm đang căng gió, là Thánh Thần, Đấng dẫn dắt chiếc thuyền băng qua những con nước của thế giới này.
Sự hiệp nhất các Ki-tô hữu là một sứ điệp hiệp nhất cho toàn thể nhân loại, mời gọi vượt qua những chia rẽ của quá khứ để cùng nhau hướng tới một tương lai công bằng, bình an, hòa giải, thứ tha và tình yêu huynh đệ.
Hà Thanh Bình
(Nguồn: News.va)