Khi chồng tôi bạo hành, một linh mục bảo tôi hãy chờ đợi và cầu nguyện. Điều đó không bao giờ là đủ

“Con hãy làm những gì Chúa truyền dạy. Con phải kiên nhẫn và cầu nguyện.”

 

Đó là những lời mà vị linh mục nói với nhóm phụ nữ của tôi về những hy sinh trong hôn nhân và việc làm mẹ. Ngài trình bày về những đức tính của một số vị thánh nữ Công giáo đã sống trong những cuộc hôn nhân đầy trắc trở, tất cả đều phải chịu đựng nhiều năm đau khổ và bị ngược đãi, ví dụ như Thánh Rita và Thánh Monica, họ đều phải chịu đựng bạo lực cả thể xác và tinh thần; hay Chân phước Elizabeth Canori-Mora bị chồng bỏ rơi bà và các con trong cảnh nghèo khổ; và cuối cùng là Thánh Godelieve bị chồng giam trong lồng trước khi ông ấy sắp đặt vụ giết bà.

 

Cha tạm dừng. Tôi chờ đợi một lời phủ nhận sắp tới. Chắc chắn, ngài sẽ giải thích rằng Giáo hội không bao giờ chấp nhận kiểu lạm dụng này, và Giáo hội ngày nay sẽ khuyên những người phụ nữ này rời bỏ hoàn cảnh hiện tại để tìm kiếm sự an toàn cho chính mình.

 

Nhưng lời phủ nhận đó không bao giờ đến. Chỉ có im lặng. Bụng tôi quặn lên. Tôi nhìn quanh những người phụ nữ khác trong phòng. Hầu hết đều ngồi im lặng. Một số người nhìn chằm chằm xuống sàn nhà.

 

Bài học tôi rút ra từ thông điệp của vị linh mục là gì? Đó là Chúa muốn bạn ở lại trong sự ngược đãi này. 

 

Nỗi đau của người phụ nữ bị bạo hành. Ảnh: Canva

 

 

Những vị thánh nữ mà Cha nhắc đến sáng hôm ấy, tôi đều biết rõ. Những trang sách về các vị ấy trong quyển kinh cầu nguyện của tôi đã sờn mòn. Có những ngày Chúa nhật, tôi là người cuối cùng rời khỏi nhà thờ sau thánh lễ, thầm thì những lời nguyện, đôi khi thành tiếng; nhíu mày và nghiến răng như thể tôi có thể đẩy những lời cầu nguyện lên thiên đường bằng sức mạnh thể chất. Có lẽ tôi chỉ đang chuẩn bị tinh thần cho câu trả lời mà tôi biết mình sẽ nhận được nhưng không muốn chấp nhận. Tôi bắt đầu nhận ra rằng sẽ không có phép màu khiến chồng tôi trở thành một người đàn ông dịu dàng và đầy yêu thương. Kết cục có thể xảy ra nhất là anh ấy sẽ tiếp tục hủy hoại gia đình chúng tôi, còn bọn trẻ sẽ coi đức tin Công giáo như một cách để thao túng và kiểm soát người khác.

 

Chờ đợi và cầu nguyện không mang lại kết quả. Tôi cần phải hành động. Nhưng điều này cũng vô cùng đáng sợ.

 

Trong suốt những năm hôn nhân, sự thao túng, hắt hủi và ngược đãi bắt đầu gia tăng từ từ theo từng bước nhỏ khó có thể nhận ra. Chồng tôi sử dụng tất cả các kỹ thuật cổ điển của kẻ bạo hành và bẻ cong đức tin Công giáo của chúng tôi để ủng hộ cho hành động của anh ta. Khi anh ấy tát đứa con mạnh đến nỗi để lại vết hằn, anh ấy gọi đó là nguyên tắc: “Thương cho roi cho vọt”. Khi anh ấy cô lập tôi khỏi gia đình và những người bạn tốt bụng, anh ấy giải thích rằng anh ấy đang bảo vệ tôi khỏi những “kẻ nhân văn ngu ngốc, sai lầm” đang cố gắng đánh cắp đức tin của tôi. Khi tôi đối chất với anh ấy về những ngôn từ thô bạo anh ấy dùng với bọn trẻ, anh ấy thuyết phục tôi rằng đó là lỗi của tôi vì đã chọc giận anh ấy và đó là nhiệm vụ Chúa giao cho anh ấy để đảm bảo rằng lũ trẻ học biết thế nào là vâng phục. 

 

Rồi anh ta luôn luôn, luôn luôn nhắc nhở tôi rằng anh ta có thể vượt quá giới hạn và trở nên vũ lực bất cứ lúc nào. Anh ta khiến tôi tin rằng trách nhiệm của tôi là đảm bảo điều đó không bao giờ xảy ra. Vào sáng Chúa nhật, lời hướng dẫn của vị linh mục “hãy noi gương Thánh Monica và đáp trả những lời giận dữ của chồng bằng sự dịu dàng” lại càng khiến cho chu kỳ bạo hành trở nên trầm trọng hơn. Thông qua vị linh mục này, tôi cảm thấy Giáo hội đang đưa ra những chỉ dẫn rõ ràng dành cho mình: Cầu nguyện nhiều hơn. Hãy là một người mẹ tốt hơn. Nấu ăn ngon hơn. Nếu bạn làm tất cả những điều này, Chúa sẽ biến đổi anh ấy. Và tất nhiên, hãy kiên nhẫn chờ đợi và cầu nguyện.

 

Vâng, tôi đã hành động giống như Thánh Monica trong suốt những năm tiểu học của con tôi, và giống như Thánh Rita trong những năm trung học của chúng. Và trong suốt những năm tháng đó, chúng đã chứng kiến sự ngược đãi. Chúng chứng kiến sự thao túng. Chúng bị hạ thấp, bị kiểm soát và tổn thương lòng tự trọng từng ngày, trong khi tôi chỉ đứng nhìn và không làm gì để ngăn chặn nó. Có một lần, con trai tôi gọi tôi là kẻ hèn nhát. Nó đã đúng.

 

Khi những đứa con của tôi trưởng thành, chúng chẳng còn mấy hứng thú với nhà thờ. Ai có thể trách chúng được chứ?

 

Chứng kiến sự ngược đãi, lòng tự trọng của các con bị tổn thương từng ngày. Ảnh: Canva

 

Một buổi tối, chồng tôi tát đứa con gái chỉ vì con bé có ý kiến khác về một vấn đề chính trị địa phương. Tôi yêu cầu chúng tôi đi tham vấn tâm lý, nhưng anh ấy từ chối. Ngày hôm sau, tôi tâm sự tình hình với một người bạn cũng cởi mở chia sẻ về những rắc rối trong hôn nhân của cô ấy. Cô ấy giới thiệu tôi với bác sĩ trị liệu của cô ấy và tôi bắt đầu gặp riêng bác sĩ và theo nhóm.

 

Cuối cùng, tôi cũng tìm được một nhóm hỗ trợ thế tục. Đôi khi tôi tham gia thường xuyên, nhưng cũng có lúc không. Tôi học cách chấp nhận hoàn cảnh của mình và những điều đã đưa tôi đến đây. Và dần dần, từng bước một, tôi trở nên mạnh mẽ hơn. Tôi nhìn nhận mọi thứ rõ ràng hơn. Một lần, có người trong nhóm gợi ý rằng việc rời khỏi cuộc hôn nhân này có thể là điều dịu dàng và quan tâm nhất mà tôi có thể làm, không chỉ cho bản thân mình mà còn cho anh ấy. Những người trong nhà thờ đã khiến tôi tin rằng ở lại và chịu đựng là cách duy nhất để yêu thương ai đó. Với sự giúp đỡ của những người phụ nữ mạnh mẽ và tuyệt vời trong nhóm hỗ trợ, tôi đã có thể nhìn nhận mình như một người mà Chúa muốn đưa đến nơi an toàn để tôi có thể lớn lên theo hình ảnh của Ngài. Tôi bắt đầu nhìn nhận mình là một người không hoàn hảo và có khuyết điểm, nhưng vẫn được Chúa yêu thương vô điều kiện. 

 

Tuy nhiên, tôi vẫn duy trì cuộc hôn nhân, tin rằng đó là cách thể hiện lòng trung thành với Giáo hội. Tôi đã chờ đợi và cầu nguyện, nhưng sự bạo hành ngày càng gia tăng. Cách cư xử của chồng tôi đối với những đứa lớn trở nên thất thường đến mức chúng không còn muốn ở gần chúng tôi. Khi đứa con gái út thay đổi kế hoạch đại học, anh ấy đã rất tức giận đến nỗi đuổi con bé ra khỏi nhà và từ chối nói chuyện với nó. Trong khoảnh khắc đó, tôi nhận ra rằng cuối cùng tôi phải lựa chọn giữa việc tiếp tục cuộc hôn nhân với anh  ấy hay mối tương quan với các con. Sau hơn hai thập kỷ, tôi đã tìm được sự can đảm để rời đi.

 

Tôi đã có thể nhìn nhận mình như một người mà Chúa muốn đưa đến nơi an toàn. Ảnh: Canva

 

Tôi ước gì có thể nói rằng sau khi tôi rời đi và bản chất thực sự của cuộc hôn nhân của chúng tôi được tiết lộ công khai, nhà thờ sẽ dang rộng vòng tay đón nhận tôi và đồng hành cùng tôi trong quá trình phục hồi. Nhưng buồn thay, sự việc lại không diễn ra như vậy. Chồng tôi, người vốn dĩ vô cùng hờ hững với nhà thờ, lại tìm đến họ để được hỗ trợ, và họ đã hoàn toàn chấp nhận anh ấy. Người ta nói với tôi rằng bây giờ một tuần anh ấy đi lễ nhiều lần và được linh mục của chúng tôi tư vấn thường xuyên.

 

Cuối cùng, việc chờ đợi và cầu nguyện của tôi có hiệu quả theo như mong ước không? Không. Chồng tôi không được thánh hóa bởi sự đau khổ của tôi. Anh ấy được thánh hóa bởi sự ra đi của tôi. Và giả dụ như một phần những lời cầu nguyện và sự chịu đựng của tôi đã thánh hóa anh ấy, thì cái giá phải trả là gì? Những tổn thương mà con cái tôi phải chịu thật không thể nói hết. Và trong khi tôi vẫn kiên nhẫn và cầu nguyện cho anh ấy thay đổi, thì những điều tốt đẹp khác nào đã bị bỏ lỡ? Tôi tin rằng thời gian của Chúa là hoàn hảo. Liệu các Kitô hữu có khuyến khích tôi bỏ qua thời gian của Chúa để ủng hộ cho quan điểm của họ không?

 

Bất kỳ hình thức bạo hành vợ/chồng nào đều là tội trọng, và Giáo hội không muốn bất kỳ ai trở thành nạn nhân trong một tình huống tội lỗi. Sự tôn trọng của Giáo hội đối với hôn nhân không bao giờ thay thế cho sự tôn trọng của Giáo hội đối với cuộc sống và sự an toàn của những người tham gia vào bí tích đó. Đã đến lúc Giáo hội cần lên tiếng nhiều hơn để bảo vệ những người phụ nữ bị bạo hành.

 

Và bây giờ thì sao? Lần đầu tiên trong đời, tôi khám phá ra niềm tin của mình theo một cách hoàn toàn mới. Rất hiếm khi chúng ta có được đặc ân kiểm tra niềm tin của mình thực sự mà không sợ làm ai đó thất vọng bởi kết luận của bản thân. Hoàn cảnh hiện tại đã mang đến cho tôi cơ hội phi thường này. Đôi khi, tôi gần như choáng ngợp trước đặc ân được ban tặng, nhưng nó cũng là một nghĩa vụ nặng nề. Tôi sẽ không lãng phí cơ hội này, cũng không vội vàng. Tôi đang bình yên tiến về phía trước, biết rằng mình đang được an toàn che chở.

 

Và những đứa con của tôi thì sao? Tương tự như vậy, chúng đang từng bước tìm hiểu kỹ càng  về niềm tin của mình. Tôi cảm thấy an tâm trên hành trình của chúng và hy vọng rằng chúng sẽ tìm cách trở lại nhà thờ, không phải với tư cách là những người chỉ trích hay phàn nàn về những trải nghiệm của mình, mà là những tiếng nói cho những người có thể đang mắc kẹt trong cùng một sự bối rối mà chúng từng trải qua; là những tác nhân thay đổi, giúp xây dựng một Giáo hội là nơi trú ẩn cho người yếu đuối và là nơi nương tựa cho những người dễ bị tổn thương; một Giáo hội sẽ là dòng nước yên lành cho các gia đình đang gặp khó khăn.

 

Khi bước đi cùng với các con trong hành trình của chúng, tôi sẽ cầu nguyện và chờ đợi. 

 

Tác giả: Grace Etterbeek
Người dịch: Mai Ni
Nguồn: America Magazine

Kiểm tra tương tự

Suy Tư Tin Mừng CN 6PS: “Ở lại trong tình thương của Thầy”

Các bạn thân mến!   Chúng ta hay nói Đạo Công Giáo là đạo yêu …

Câu hỏi về ơn gọi dâng hiến_Kỳ 2: Định vị lại chính mình

Giữa bối cảnh ơn gọi suy giảm ở các nước Châu Âu và Châu Mỹ …