Khiêm tốn có còn đất sống? (01)

GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ.

Trong thế giới của truyền thông, của tiêu thụ, con người dù muốn hay không vẫn bị lôi vào trong dòng chảy thật mạnh của cạnh tranh, của hưởng thụ, của khuynh hướng tự tôn mình lên và đánh bóng cái tôi của mình qua facebook, qua youtube và biết bao nhiêu phương tiện khác.

Trong dòng chảy này, hình như những ai sống bình lặng và khiêm tốn đều bị mất hút và không còn được mọi người chú ý đến. Hơn nữa, lăng kính cuộc đời hôm nay còn nhìn sự khiêm tốn thật tiêu cực, đến nỗi người khiêm tốn bị coi là người ngây ngô, ngớ ngẩn và dễ dàng bị xỏ mũi, bị lợi dụng mà không biết.

Vì thế, không biết khiêm tốn có còn đất sống?

Giá trị của người khiêm tốn có còn chăng?

Dù lòng người có nói ngả nói nghiêng cách tiêu cực về khiêm tốn, là những người con của Đấng Hiền Lành và Khiêm Nhường trong lòng, chúng ta vẫn vững vàng với kiềng ba chân, để tiếp tục sống trong cuộc đời này với tinh thần căn bản và nền tảng mà chính Chúa Giê-su đã mời gọi và cũng chính Người là mẫu gương tuyệt vời sống tinh thần này. Đó là khiêm tốn trong lòng.

Khiêm tốn là nền tảng của mọi nhân đức.

Trong kinh Cải Tội Bảy Mối khiêm tốn được đặt lên hàng đầu, như là nhân đức quan trọng nhất để giúp con người cải đổi và khắc phục chính thói xấu hiểm nguy nhất của cuộc sống: tính kiêu ngạo. Trong Hai Mươi Mầu Nhiệm Kinh Mân Côi, nhân đức khiêm tốn, khiêm nhường được nhắc đến ngay trong Mầu Nhiệm Thứ Nhất của Mùa Vui. Giáo hội dạy chúng ta xin cho được ở khiêm nhường, như Mẹ Maria khiêm cung mở lòng đón nhận sứ điệp truyền tin của Thiên Thần trao.

Với thánh Augustino, “Khiêm tốn là nền tảng của tất cả các nhân đức khác”. Tương hợp với lời trên, thánh Gioan Vianey cũng nói: “Khiêm tốn là các đức hạnh như sợi dây của tràng chuỗi: bỏ khiêm tốn đi thì các đức tính khác sẽ biến mất”. Lời của hai thánh nhân cho chúng ta nhận ra được tầm mức quan trọng của khiêm tốn.

Nếu nhìn đến nhân đức khiêm tốn trong nhãn quan của ba nhân đức đối thần, chúng ta sẽ nhận ra rằng:

– Người khiêm tốn là người sẵn lòng tin tưởng vào Thiên Chúa, lòng của họ mềm mại với chân lý và giáo huấn của Chúa trong Tin Mừng cũng như các giáo huấn của Hội Thánh. Đức Tin trong “mảnh đất tốt tươi” của người khiêm tốn sẽ triển nở và sinh hoa kết trái thật phong phú.

– Người khiêm tốn tránh được sự tự kiêu tự mãn, nghĩa là họ không bao giờ cho phép mình chỉ dựa vào sức mình mà thôi. Ngược lại, người khiêm tốn luôn trông cậy vào Thiên Chúa, Đấng là khởi đầu, là nguồn sống và là đích đến của cuộc đời.

– Người khiêm tốn luôn mang trong lòng một trái tim mềm mại và quảng đại, nghĩa là họ luôn mở rộng trái tim cho yêu thương. Yêu Chúa và yêu người sẽ tìm được hoa thơm và trái ngọt trên cây của người khiêm tốn.

Ngoài ra, cũng dễ nhận ra rằng: Ai khiêm tốn thì người đó luôn ý thức sống kính sợ Thiên Chúa và vâng theo thánh ý của Chúa. Người khiêm tốn luôn ý thức về chính thân phận của mình mỏng dòn và dễ vỡ. Như thế, người khiêm tốn luôn bước đi trên con đường của sự thật. Trên con đường của sự thật, người khiêm tốn tìm được bình an. Nhưng bình an của người khiêm tốn không đóng khung trong “cái bình sành ích kỷ”, mà mở ra để nhìn đến anh chị em với lòng quảng đại. Cuối cùng, người khiêm tốn sẽ trở nên giống Chúa Giê-su, Đấng là khuôn mẫu của khiêm tốn.

Khiêm tốn là con đường đưa tới khôn ngoan, tinh thần kính sợ Thiên Chúa.

 

Trong Tu Luật của thánh Biển Đức, thánh nhân dành chọn chương thứ bảy để nói về Đức Khiêm Tốn, Khiêm Nhường. Thánh nhân đã đưa ra 12 bậc khiêm tốn. Bước thứ nhất hướng về tinh thần khôn ngoan nhất. Đó là đời sống kính sợ và thờ lạy Thiên Chúa. Thánh nhân viết: “Vậy bậc khiêm nhường thứ nhất là luôn đặt trước mắt lòng kính sợ Chúa, chẳng bao giờ dám quên, và hằng nhớ mọi điều Chúa truyền, không ngừng tâm niệm rằng những kẻ khinh thị Chúa sẽ bị phạt vì tội trong hoả ngục làm sao, còn kẻ kính sợ Chúa sẽ được phúc trường sinh Chúa sắm cho thế nào. Trong mọi giây phút lo giữ mình khỏi tội lỗi và các nết hư do tư tưởng, miệng lưỡi, tay chân và ý riêng, cả đến những thèm muốn xác thịt. Mỗi người hãy nhớ rằng từ trời cao Chúa luôn nhìn xem mình, và dù mình ở đâu, lúc nào và làm gì, Chúa đều nhìn thấy hết, lại có các thiên thần không ngừng tường trình lên Chúa. Để chứng minh điều đó, vị ngôn sứ cho ta hay lúc nào Thiên Chúa cũng hiện diện trong tư tưởng ta. Ngài nói: “Chúa dò thấu lòng dạ ta”. Lại rằng: “Chúa biết rõ tư tưởng con người”. Ngôn sứ lại nói: “Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa”. Và “Tư tưởng phàm nhân sẽ phơi bày trước mắt Chúa”.

Như thế, thánh Biển Đức mời gọi chúng ta bước vào con đường của người trộm lành biết khiêm tốn kính sợ Thiên Chúa và kêu xin Chúa Giê-su đang cùng bị đóng đinh trên Thánh Giá. Đó cũng là con đường của người Ki-tô hữu chúng ta. Dấu Thánh Giá người Ki-tô hữu đón nhận trong bí tích Rửa Tội luôn đồng hành với họ và sẽ tiến bước cùng họ cho đến cuối chặng đường đời. Mỗi lần bước vào nhà thờ, nhúng tay vào nước phép và đưa tay lên trán làm Dấu Thánh Giá “Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần”, rồi cúi mình sâu hay bái quỳ để thờ lạy Chúa đang hiện diện, là người Ki-tô hữu khiêm tốn đặt Thiên Chúa là trung tâm điểm của đời mình, là người Ki-tô hữu đang sống đúng tinh thần của giới răn đầu tiên: “Thứ nhất thờ phượng Một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự”.

Mỗi lần đưa tay lên trán làm Dấu Thánh Giá, người Ki-tô hữu đang làm cho lời kinh Lạy Cha được sống động, nghĩa là người Ki-tô hữu ý thức “khoét rỗng cái tôi” của mình, để trên hết là hướng về Cha trên trời, chứ không hướng về cái tôi của mình, với ba lời nguyện xin đầu tiên: “Chúng con nguyện Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến và Ý Cha được thể hiện”. Sau đó, người Ki-tô hữu khiêm tốn cầu xin Cha trên trời nhìn đến thân phận mỏng dòn của mình, để ban cho mình bốn điều rất cần thiết và gần gũi với cuộc sống: “Xin tha cho chúng con như chúng con cũng tha cho người có lỗi với chúng con, xin cho chúng con lương thực hằng ngày, xin đừng để chúng con sa vào trong cám dỗ, và xin cứu chúng con ra khỏi sự dữ”.

Thật vậy, với Dấu Thánh Giá trên thân mình, trên tâm hồn, trong linh hồn và trong cuộc sống, người Ki-tô hữu khiêm tốn và ý thức lời của Chúa Giê-su đã mắng Sa-tan, và cũng xin Chúa giúp cho mình biết ý thức chỉ chọn Chúa mà thôi, ý thức luôn đặt Chúa là trung tâm điểm của cuộc sống, để luôn mãi thờ phượng Thiên Chúa duy nhất mà thôi: “Sa-tan kia, xéo đi! Vì đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi”  (Mt 4,10).

Hơn nữa, mỗi lần đưa tay lên trán làm Dấu Thánh Giá, người Ki-tô hữu khôn ngoan và khiêm tốn trong phân định, biết “gạn đục khơi trong” để trở về với điều tiên quyết, với điều nền tảng mà Chúa Giê-su mời gọi trong bài giảng Trên Núi: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33). Trong đời sống tâm linh và trong đời sống của mỗi Cộng Đoàn, dù là cộng đoàn tu trì hay giáo xứ, người ta có thể nhận ra được năng động phát triển và thăng tiến đời sống tâm linh và Đức Tin qua chính nền tảng này.

“Anh em đang đi tìm gì vậy?”. Câu hỏi của Chúa Giê-su với các môn đệ bước theo Chúa luôn là câu hỏi quan trọng để mỗi người, mỗi cộng đoàn chất vấn và nhìn xem lại chính đời sống của mình và của cộng đoàn mình. Khi Thiên Chúa, nước Thiên Chúa và sự công chính của Chúa được đặt là ưu tiên trên hết mọi sự, thì hoa trái của bình an, của tình yêu và của khiêm tốn sẽ được toả lan.

Sơ Aubin, trong tác phẩm “Bảy căn bệnh thiêng liêng” đã viết: “Bắt đầu bằng phương thuốc khiêm tốn là nói với Chúa, Chúa là đầu tiên, là tiên khởi, là bắt đầu mọi sự. Chính Chúa là khiêm tốn. Vì thương yêu, Ngài hạ mình khiêm nhường. Khiêm nhường không những chỉ mở ra với Chúa mà còn mặc vào mình Chúa Ki-tô, Chúa của khiêm nhường. Một cách nào đó, khiêm tốn là ngôn ngữ của Chúa Ba Ngôi. Người kiêu ngạo nói: “Tôi, tôi, tôi!”; Thiên Chúa nói: “Con, con, con!”

Khiêm tốn là con đường đưa tới khôn ngoan, tinh thần kính sợ Thiên Chúa, và “kính sợ Thiên Chúa là đầu mối của mọi sự khôn ngoan” (Kn 9,10). Đó là con đường của sự thật mà thánh Bê-na-đô đã nói tới, khi suy tư về nhân đức khiêm tốn: “Khiêm tốn là con đường của sự thật”.

Sự thật và chân lý trên hết của đời người được lộ rõ nơi tâm hồn của người khiêm tốn. Đó là quỳ xuống phục lạy thật sâu trước Đấng Tối Cao. Thái độ sống khiêm tốn này đã được thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu nhắc tới: “Khiêm tốn là đời sống được sống trong sự thật”. Nói khác đi, người ta khôn ngoan khi người ta khiêm tốn, và người ta khiêm tốn khi người ta khôn ngoan hạ mình trước Chúa.

Biết hạ mình xuống trước Chúa là tiến đến gần sự thật. Khi sống trong sự thật, người khiêm tốn luôn ý thức thờ lạy và kính sợ Thiên Chúa, cũng như luôn vâng phục Người và thánh ý của Người. Đó cũng là bậc thứ hai và thứ ba của khiêm tốn mà thánh Biển Đức nhắc đến trong Tu Luật của ngài.

Ngoài ra, đi đôi với tinh thần tòng phục thờ lạy Thiên Chúa, người khiêm tốn luôn ý thức về chính thân phận mỏng dòn của bản thân. Đó cũng là điều mà Pascal nhắc tới: “Nếu chỉ biết Chúa mà không biết sự hèn mạt của con người thì sẽ đâm ra kiêu ngạo; nhưng nếu chỉ biết sự hèn mạt của con người mà không biết Chúa thì sẽ đâm ra tuyệt vọng” (Pascal).

Khiêm tốn có nghĩa là ý thức và nhận biết sự thật về chính mình.

Trong hành trình phục vụ, không ít lần đã gặp gỡ những “cái tôi thật lớn”. “Cái tôi thật lớn” này luôn dành chỗ ở hàng đầu, và luôn dành lấy tiếng nói đầu tiên để mở lời cũng như tiếng nói cuối cùng để quyết định. Mọi sự đều phải quay xung quanh “cái tôi thật lớn” này. Ý của “cái tôi thật lớn” này là ý lớn nhất. Ý Chúa sao? Không biết! Ý người khác à? Có gì để mà nhắc đến!

“Cái tôi thật lớn” này là kiểu người điều khiển, thống trị người khác, cũng có nghĩa là “cái tôi thật lớn” là kiểu người biết hết mọi thứ, tự cho mình có quyền nói cho mọi người khác cái gì họ cần phải làm. “Cái tôi thật lớn” này luôn tự cho rằng, mình là người nắm bắt mọi sự trong tay và là người làm chủ mình nhất, và cũng có thể làm chủ người khác. Nhưng tiếc thay, tác giả Aubin đã lên tiếng: “Khi con người tưởng mình làm chủ mình thì con người làm biến dạng mình. Ngược lại, khi con người nhận biết mình là sinh vật được tạo ra từ đất thì nó không làm gì phi thường, nhưng nó nói sự thật và sự thật này trở thành liều thuốc giải độc cho căn bệnh kiêu căng”.

Trở về với “cái tôi thật lớn”, sẽ dễ dàng nhận ra thái độ giận dữ, khi “cái tôi thật lớn” cảm thấy không được chú ý tới, cũng như khi thấy ý muốn của mình không được đón nhận và thực thi. Tiếp đến là những phản ứng tiêu cực xảy ra sau đó. Một trong các biểu hiện hiển nhiên nhất của “cái tôi thật lớn” là biểu hiện không vâng lời trong kiêu ngạo.

Nghịch lý thay, không vâng lời và nổi loạn được xã hội phương Tây hiện đại ca tụng là các đức tính tốt. Sự sa ngã của Sa-tan là do tính kiêu ngạo của nó: Tôi sẽ không phục vụ, Non serviam. Đó chính là thái độ không quỳ xuống của Sa-tan trước Thiên Chúa. Đó là thái độ kiêu hãnh trước Thiên Chúa của con người.

Về thái độ kiêu hãnh này, Pascal đã nói: “cái tôi là bất chính khi tôi là tâm điểm của mọi sự: mỗi cái tôi là kẻ thù và cũng là tên bạo chúa đối với tất cả các người khác”.

Để tránh được thái độ kiêu hãnh này, chúng ta cùng hướng đến một tinh thần và thái độ sống nền tảng. Đó là việc nhận biết mình và sự thật về mình. Thái độ và tinh thần này chắc chắn sẽ đưa lại an bình và sức sống tích cực cho bản thân và cho mọi người.  Cha thánh Gioan thành Ars xác quyết: “Ai có thể chiêm ngưỡng sự vô cùng của Chúa mà không hạ mình xuống trong thân phận cát bụi chỉ với ý nghĩ Ngài đã tạo ra bầu trời từ hư vô? Và Ngài sẽ chỉ phán một lời, trời và đất lại trở thành hư vô? Thiên Chúa thật vĩ đại; sức mạnh của Ngài là vô hạn. Ngài hoàn hảo và vĩnh cửu vô cùng vô tận. Công lý và sự quan phòng của Ngài thật cao cả. Ngài khôn ngoan cai quản mọi sự và Ngài quan tâm chăm sóc đến muôn loài muôn vật. Trước mặt Ngài, chúng ta không là gì!”

Vâng, chúng ta không là gì. Trước Chúa, chúng ta chỉ là cát bụi. Đó là sự thật của con người. Đến từ cát bụi và trở về với bụi cát. Đó là hành trình của mọi con người. Khi ý thức điều nền tảng này, người ta sẽ bước vào con đường khiêm tốn đích thực, con đường của thái độ quỳ xuống trước Chúa là Đấng Tối Cao. Mẹ Têrêsa Cancutta nói rằng: “Nhận biết mình sẽ làm cho chúng ta quỳ gối xuống, một tư thế cần thiết cho tình yêu. Vì nhận biết Thiên Chúa nảy sinh ra tình yêu, và nhận biết mình nảy sinh ra lòng khiêm tốn”.

Như thế, nhận biết mình và sự thật về mình sẽ giúp mình vượt qua khu vực ảo tưởng cho mình là lớn, để đi tới bản chất đích thực của mình, con người thật của mình. Thánh Phanxicô Assisi nói: “Con người trước mặt Thiên Chúa như thế nào, thì thực sự là thế ấy, không hơn”. Khi ý thức về mình và sự thật về mình, thì sẽ tránh được kiểu “tự lừa gạt chính mình”, như thánh Phao-lô nói: “Ai tưởng mình là gì, mà kỳ thực không là gì hết, thì là lừa gạt chính mình” (Gl 6,3).

Ý thức nhận biết mình và sự thật về mình, là không chỉ không tự lừa gạt mình, mà còn tích cực không bao giờ đặt mình là trung tâm, là cái rốn của vũ trụ, là người giỏi nhất hành tinh này. Vì thế, thật đẹp, khi chúng ta nhận ra và ý thức rằng: cho dù tôi tài năng đến đâu thì sẽ luôn có người giỏi hơn tôi ở một khía cạnh hay phương diện nào đó. Nhìn vào những người giỏi hơn và xem xét lại bản thân, nhìn kỹ tiềm năng để phát triển bản thân trong khiêm tốn. Đó là con đường đúng đắn. Thật vậy, không có ai là giỏi nhất, siêu nhất, dù bất kể xét ở mặt nào. Vâng, cho dù tôi có tự cho mình là “giỏi nhất” thế giới về việc nào đó, luôn luôn có những việc khác mà tôi không thể làm và có lẽ không bao giờ có thể làm. Vì vậy, ý thức nhìn nhận mình và sự thật về mình với những những hạn chế của mình, sẽ làm người khôn ngoan hơn và khiêm tốn hơn.

Như thế, trong ý thức “tôi không phải là người hoàn hảo, không là siêu nhân, và không có thể tự mình giải quyết tất cả mọi việc”, thì cuộc sống của tôi rất thật, và “đôi chân của tôi đang đứng thật vững trên mảnh đất này”.

Tác giả Aubin đã suy tư như sau: “Vấn đề không phải xem đây là đánh giá thấp hay không thấp các giá trị của chúng ta, nhưng là học để đặt mình vào đúng chỗ của mình dưới cái nhìn của Đấng đã cứu và đã soi sáng chúng ta. Đó chỉ là phần chúng ta với tất cả giá trị và ơn đã được ban cho chúng ta. Ở trong sự thật khiêm tốn này sẽ dạy, để chúng ta không đi vào con đường phù phiếm, danh vọng hảo, nịnh hót, ảo tưởng, nghĩ mình ở trên cao hay dưới thấp. Người khiêm tốn biết mình có khả năng tốt cũng như xấu. Đó là lý do vì sao chung chung đức khiêm tốn giúp con người nhận biết các giới hạn, các yếu kém, sự bất lực và thiếu hiểu biết của mình. Đây là một trong các định nghĩa cơ bản của các giáo phụ: Một người biết được điểm yếu của mình là họ đã chạm đến sự toàn hảo của đức khiêm tốn.”

Thật vậy, chúng ta chỉ mang một thân phận mỏng dòn và yếu đuối được tạo dựng từ đất, như con người đầu tiên là Adam. Nhưng tên Adam có nghĩa là gì?  Adam được Chúa tạo ra từ “adamah”, có nghĩa là “đất” trong tiếng Do Thái (x.St 2,7). Như thế, con người đầu tiên mang tên là “Adam – Đất”.

Tương hợp với điều này, Cantalamessa đã đưa ra ý nghĩa của từ “khiêm tốn” và từ “con người” trong tiếng La-tinh liên hệ đến từ ngữ đất như sau: “Những từ La tinh để chỉ về con người (homo) và khiêm tốn (humilitas) phát xuất từ một gốc có nghĩa là đất (humus). Con người được tạo dựng bởi đất, phải biết hạ mình xuống đất. Phải biết khiêm tốn”. Anselm Grün cũng cùng một quan điểm với Cantalamessa: “Đất (trong tiếng Latinh là humus) là biểu tượng cho sự khiêm tốn (humilitas). Khiêm tốn là sự can đảm, để nhìn ra bản chất ‘đất’ thực sự của phận người, qua đó có thể đi vào trong chiều sâu đích thực của con người”.

Là đất, là tro bụi trước mặt Thiên Chúa, nên chúng ta ý thức mọi sự đều là hồng ân và qua đó sống khiêm tốn với lòng biết ơn sâu xa về tất cả mọi ơn lành Chúa ban.

(còn tiếp).

Kiểm tra tương tự

Tin mừng, phúc âm hay tin lành?

Chúng ta đồng ý với nhau rằng Kinh Thánh là quốn sách chứa đựng 73 …

Làm thế nào để giúp con cái chúng ta tìm thấy ơn gọi của chúng

Ngày Thế giới cầu nguyện cho ơn gọi là cơ hội tuyệt vời để các …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *