Đức Thánh Cha: Không có vấn đề gì nếu hỏi “Chúa ơi, tại sao lại thế?”

Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ với một nhóm phụ huynh người Ý đang đau buồn rằng sẽ không phải là dấu hiệu của sự thiếu đức tin nếu chúng ta kêu gào lên Chúa và đòi câu trả lời từ Ngài khi con cái mình qua đời.

Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ khoảnh khắc với một thành viên của Hiệp hội “Talità Kum” Ý dành cho các bậc cha mẹ đang đau buồn trong cuộc họp tại Vatican ngày 2 tháng 3 năm 2024. (Ảnh CNS/Vatican Media)

Trong bài phát biểu dành cho các thành viên Hiệp hội “Talità Kum” đến từ Vicenza, Ý, Đức Thánh Cha nói: “Không có gì tồi tệ hơn việc bóp nghẹt nỗi đau, kìm nén sự đau khổ, gạt bỏ những tổn thương mà không dám đối diện chúng, theo cách mà thế gian thường khuyến khích chúng ta thực hiện trong sự vội vã và lạnh lùng của nó.”

Tuy Đức Thánh Cha bị viêm phế quản và cần trợ lý giúp đọc bài diễn văn vào ngày 2 tháng 3 nhưng ngài vẫn đích thân chào từng thành viên của nhóm.

Trong bài diễn văn, Đức Thánh Cha nói ngài muốn “chạm đến trái tim của anh chị em, trái tim đau khổ và bị đâm thâu giống như trái tim Chúa Giêsu trên thập giá: một trái tim đang rỉ máu, một trái tim đẫm nước mắt và bị xé nát bởi cảm giác trống rỗng nặng nề.”

Bài diễn văn có đoạn: “Mất mát con cái là một kinh nghiệm đánh đổ mọi diễn đạt lý thuyết và chối từ sự tầm thường của những lời an ủi đạo đức hay cảm tính” hoặc “những lời khích lệ vô ích.”

 

 

Nhận ra rằng những câu nói đạo đức mà các tín hữu thường dùng để an ủi những cha mẹ đang buồn sầu sẽ không giúp ích gì và thậm chí có thể khiến họ thêm đau khổ, Đức Thánh Cha khuyên rằng cách đáp lại tốt nhất là “noi theo cảm xúc và lòng xót thương của Chúa Giê-su trước nỗi đau,” không cố gắng giảm thiểu nỗi đau, nhưng cùng chia sẻ.

Giáo Hoàng Phanxicô nói với các bậc cha mẹ: “Trong khi đau khổ, đặc biệt là khi nó quá khủng khiếp và không thể giải thích được, chúng ta chỉ cần kiên trì cầu nguyện kêu lên với Chúa cả ngày lẫn đêm, lời cầu nguyện mà đôi khi không diễn tả thành lời được, không cố gắng giải quyết bi kịch nhưng ngược lại, chứa đựng những câu hỏi cứ lặp đi lặp lại: ‘Tại sao, Chúa ơi? Tại sao điều này lại xảy ra với con? Tại sao Ngài không can thiệp? Ngài đang ở đâu khi nhân loại đau khổ và trái tim con đang than khóc trước một mất mát to lớn?’”

Đức Giáo Hoàng viết rằng khi đối diện với đau khổ, “phản ứng đầu tiên của Chúa không phải là nói hay đưa ra lý thuyết, mà là bước cùng chúng ta, ở bên cạnh chúng ta. Chúa Giê-su đã để cho Ngài được đụng chạm nỗi đau của chúng ta, Ngài cùng đi và không bỏ chúng ta lại một mình trên đường, nhưng giải thoát chúng ta khỏi gánh nặng phải chịu, vác nó cho chúng ta và cùng chúng ta.”

Đức Thánh Cha viết: “Chúa muốn đến nhà của chúng ta, ngôi nhà của con tim và ngôi nhà của những gia đình đang đau khổ vì tang tóc”. “Ngài muốn đến gần chúng ta, Ngài muốn chạm vào nỗi đau của chúng ta, Ngài muốn giơ tay ra nâng đỡ chúng ta dậy.” (America Magazine, 04/03/2024)

Tác giả: Cindy Wooden

Dịch giả: Trà My

 

Kiểm tra tương tự

Giáo hội và Thuyết Tiến hóa: Câu chuyện về cuốn sách bị lên án

  Trong loạt bài về Giáo hội và Khoa học, chúng ta sẽ xem xét …

Cuộc phỏng vấn về Sứ mạng Truyền giáo

Trong bối cảnh của Năm Sứ Vụ – “Cùng Nhau Loan Báo Tin Mừng”, chúng …