Tôi đi tìm giới hạn

Theo nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học, con người chỉ sử dụng 10% não bộ, tức 1/10 trí thông minh. Điều này khiến nhiều người ngộ nhận, nếu não bộ được sử dụng hết công suất,  họ sẽ nên vô hạn. Thật ra, giả như con người có dùng hết 100% não bộ đi nữa, họ sẽ chẳng bao giờ trở nên vô hạn. Điểm khác biệt chỉ là 2 con số giữa giới hạn thiểu số (10%) và giới hạn tối đa (100%) mà thôi. Dù 10% hay 100%, đó vẫn là giới hạn. Năng lực não bộ là thế, và trọn vẹn con người cũng thế. Nói được, giới hạn là đặc tính của con người, để rồi cả cuộc đời là một hành trình đi tìm giới hạn của riêng mình.

Tôi đi tìm giới hạn của riêng tôi. Để làm điều đó, trước hết tôi phải thừa nhận mình giới hạn. Có thứ giới hạn của lý trí. Tôi không biết mọi sự, không thể hiểu và giải quyết mọi vấn đề. Thậm chí tôi còn không biết mình biết gì! Có thứ giới hạn của con tim. Tôi không thể yêu hết mọi người. Tôi chẳng thể khiến người khác yêu tôi. Thậm chí tôi bất lực nhìn con tim lạc lối! Có thứ giới hạn sau hết mang tên cái chết. Sinh – bệnh – lão – tử, không một ai thoát khỏi vòng định mệnh này. Vậy mà nhân loại vẫn thường ảo tưởng mình vô hạn. Những slogan quảng cáo dịch vụ không giới hạn, tác dụng vô thời hạn, vượt qua mọi giới hạn chỉ để “chém gió”. Chúng chỉ khiến loài người bị ru ngủ và quên mất sự giới hạn của mình. Nếu không nhận ra và đi tìm giới hạn, tôi sẽ không biết mình đi đâu và về đâu. Tốt nghiệp, công việc, gia đình… và hạnh phúc, những đích nhắm ấy há chẳng phải là những giới hạn lớn nhỏ trong đời đó sao? Thật ra, khi nhận biết giới hạn và lên đường đi tìm, tôi đã có được khởi điểm của hạnh phúc.

Sau khi tìm thấy mình trong những giới hạn, tôi cần học chấp nhận chúng. Chấp nhận giới hạn và sự khiêm tốn rất gần nhau. Khiêm tốn đúng nghĩa không phải là nhún nhường hay yếm thế, nhưng là chấp nhận giới hạn của bản thân. Đó là việc đặt mình đúng nơi đúng chỗ. Trái lại, không chấp nhận giới hạn chỉ khiến người ta chuốc lấy khổ đau. Đã không ít lần tôi quay quắt vì một cuộc tình vỡ, vì những quyết định lệch lạc, hay những vấp ngã lỗi lầm. Tôi than thân trách phận và không chịu tha thứ cho bản thân. Chợt nhận ra tôi chưa chấp nhận mình giới hạn. Tôi tự giam mình trong căn phòng tối của cái tôi trương phình. Một khi cái tôi quá lớn, con người còn muốn thống trị thiên nhiên. Họ đòi vượt qua giới hạn. Họ đòi trở nên vô hạn. Họ khao khát trở thành Chúa. Chỉ khi chấp nhận giới hạn, hạnh phúc mới có thể lớn lên.

Cuối cùng, để có được hạnh phúc bền vững, tôi cần hoàn thành giới hạn của chính mình. Nhận biết và chấp nhận giới hạn không hề đồng nghĩa với thái độ “an phận thủ thường” hay buông bỏ cho số phận đẩy đưa. Không! Biết và chấp nhận giới hạn là để tôi đảm nhận lấy đời mình với hết trách nhiệm phải có, bằng cách hoàn thành từng giới hạn lớn nhỏ. Suy nghĩ và chọn lựa thật chín chắn; yêu thương và quan tâm thật trọn vẹn. Tôi không đòi mình phải có một kết quả hoàn hảo, vì điều đó vượt quá giới hạn của tôi. Đúng hơn, tôi đòi nơi mình thái độ và hành động hoàn hảo ngay trong sự giới hạn của mình. Và đến thời chung cuộc, tôi đảm nhận cuộc ra đi cuối cùng một cách trọn vẹn nhất có thể có. Hạnh phúc không hệ tại ở kết quả. Không hề, hạnh phúc nằm ở thái độ và chọn lựa.

Có một nghịch lý thú vị: Khi đảm nhận trọn vẹn giới hạn của mình, tôi có cơ may dự phần vào vô hạn. Sự giới hạn của tôi mở ra một chân trời, ngưỡng vọng về vô hạn. Dĩ nhiên, tự sức mình trong sự giới hạn tôi không thể đạt đáo sự vô hạn. Thay vào đó, tôi chờ Đấng Vô Hạn ngỏ lời và mở vòng tay, đưa tôi về miền vô hạn của Người. Và chỉ khi đó hạnh phúc mới trở thành miên viễn.

Jos. Nguyễn Minh Vương, S.J.

 

Kiểm tra tương tự

Suy Tư Tin Mừng CN4PS: Cách Mục Tử Giêsu Chăm Sóc Con Người

Yêu thương ai đó, chúng ta sẽ biết cách chăm sóc người ấy với nhiều …

Suy Tư Tin Mừng CN3PS: Ôm Lấy Đấng Phục Sinh

Tin Mừng Chúa Nhật 3 Phục Sinh hôm nay tiếp nối những lần hiện ra …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *