Không còn phải là sự hi sinh

 

Tôi được sinh ra và lớn lên ở một vùng quê phía Bắc Trung Việt Nam. Sống trong một gia đình có truyền thống Công giáo, tôi luôn được dạy phải biết hi sinh, vì hi sinh sẽ làm cho tôi trở nên một môn đệ đích thực của Chúa. Làng quê tôi ngày ấy nghèo lắm, gia đình nào cũng đông con và chúng tôi sống nhờ những ngày bố mẹ dầm mưa dãi nắng trên cánh đồng sớm hôm. Nhưng tôi luôn cảm thấy biết ơn, vì ít ra, chúng tôi có chỗ để ngủ, có nơi để chơi, có gạo để ăn dù không đủ và còn được đến trường. Cái nghèo len lỏi khiến chúng tôi lúc nào cũng lo ngày mai sẽ ăn gì, lấy đâu ra tiền để đóng học, lấy gì sưởi ấm nếu trời trở lạnh. Tôi đã có một tuổi thơ như vậy, và cũng chính vì vậy mà tôi biết cuộc sống này ý nghĩa biết bao nếu tôi biết yêu thương và hi sinh càng nhiều càng tốt.

Uớc mơ thoát nghèo và giúp người ấp ủ trong tôi. Tôi đã cố gắng học thật tốt để có một tương lai tốt đẹp và để phụng dưỡng bố mẹ tôi khi họ về già.

Nhưng rồi một ngày trời trong xanh, gió nhẹ thoang thoảng mùi lúa chín, tâm hồn tôi bồi hồi khó tả. Tôi nghe thấy tiếng gọi “tình yêu” và “ra đi”. Tôi đã phải đấu tranh rất nhiều để chắc rằng trái tim tôi thực sự thuộc về nơi ấy, nơi Ngài gọi tôi trở thành người mang “tình yêu” và “sự hiện diện chữa lành của Ngài” đến với mọi người đau khổ.

Sau khi tốt nghiệp trường Y ngành điều dưỡng đa khoa, tôi đã chọn lựa hi sinh ra đi để chăm sóc cánh đồng của Ngài. Tôi nghĩ, hi sinh là điều quan trọng nhất đối với một nhà truyền giáo, nó khiến tôi dễ dàng từ bỏ hơn.

Tôi rời gia đình, quê hương, rời xa đất nước Việt Nam thân yêu để theo đuổi con đường tình yêu.  Đó là hành trình tìm kiếm, trải nghiệm và đáp trả. Sống ở một đất nước khác, tôi thấy mình đã hi sinh nhiều để có thể bỏ lại nhiều thứ, tới một nơi mà ngôn ngữ tôi không hề biết, sống với những con người tôi không quen. Tôi cho đó là sự hi sinh tôi nên làm, nhưng tôi chẳng hề biết là nó đang bó buộc và ép tôi phải làm như vậy, nếu không thì…

Sau gần bốn năm trong chương trình đào tạo. Tôi thấy tôi được triển nở trong ơn gọi, và tôi thấy ý nghĩa của đời sống phục vụ còn hơn những gì tôi cho là mình đã hi sinh. Nhưng cái vòng luẩn quẩn vẫn trong tôi, để lúc nào tôi vẫn phải thốt lên hai từ “hi sinh”.

Cho đến một ngày, ngày tôi vỡ oà và rơi xuống giọt nước mắt hạnh phúc. Hiện tại tôi là tập sinh năm hai của nhà dòng quốc tế. Năm tôi sẽ trải nghiệm đời sống thực sự của một người môn đệ và cũng để chuẩn bị hành trang cho tôi tiến đến lời khấn hứa. Tôi được cử sang một đất nước khác trong ba tháng để có thể cảm nghiệm sâu sắc sự đa dạng của công việc mục vụ. Một hành trình mới, nơi mà mọi thứ rất khác biệt và mới mẻ. Tôi dặn lòng, tôi phải hi sinh dù bất kì nơi đâu. Nơi đây, một vùng đất mới, con người mới, văn hoá mới… Có những ngày buồn bụng do thức ăn lạ hay những đêm không ngủ được vì đói bụng. Tôi sẽ như thế nào, có lẽ sự hi sinh sẽ giúp tôi vượt qua.

Rồi tôi bắt gặp em, nụ cười hồn nhiên của những đứa trẻ ở vùng quê nghèo, nơi thiếu vắng sự yêu thương của xã hội, nơi mà tận cùng của những nỗi đau không tên. Cái nghèo tôi chưa từng biết đến và rồi tôi chột dạ nhận ra, nước mắt tôi tuôn rơi. Chẳng còn phải là tôi đã hi sinh những gì và như thế nào, mà là tôi đã YÊU nhiều được bao nhiêu. Vì YÊU thì tự nguyện, không điều kiện, YÊU thì không thể đếm hay có thể liệt kê.

YÊU là ngọn lửa bừng cháy từ sâu thẳm trái tim…

 

Mary Liên

(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)

Kiểm tra tương tự

Cuộc đời Thánh Anê dạy chúng ta biết coi trọng con trẻ

  Là người lớn, chúng ta luôn có những điều cần phải học hỏi từ …

Năm mới, tâm hồn mới: Cảm hứng từ Giáo lý Hội thánh Công giáo

Ký ức là một phần không thể thiếu đối với bản sắc con người. Sách …