Trong cuộc sống hiện đại, đặc biệt với giới trẻ thế hệ gen “Z”, khái niệm “vượt sướng” ám chỉ những thách thức mà người trẻ gặp phải khi đối diện với khó khăn, đau khổ và nghịch cảnh. Nhiều bạn trẻ lớn lên trong sự bao bọc của gia đình và xã hội, vì vậy, việc đối diện với đau khổ hoặc đòi hỏi của Tin Mừng có thể trở thành một thử thách quá lớn. Đối với các tín hữu Công giáo, đau khổ không chỉ là một thực tại phải chấp nhận, mà còn là một con đường dẫn đến trưởng thành thiêng liêng. Trong bối cảnh đó, khái niệm “kiên cường-resilience”[1] trở nên đặc biệt quan trọng, không chỉ theo nghĩa tâm lý học mà còn mang ý nghĩa sâu sắc về thần học và mục vụ. Thuật ngữ này có thể giúp các tín hữu noi gương Chúa Giêsu để vượt qua mọi thử thách và bước vào cuộc sống vinh quang với Thiên Chúa.
- Khái niệm kiên cường trong đức tin
Khái niệm kiên cường đã được Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ định nghĩa là: “quá trình và kết quả của việc thích ứng thành công với những trải nghiệm khó khăn hoặc thách thức trong cuộc sống, thông qua sự linh hoạt về tinh thần, cảm xúc và hành vi.”[2] Trong thế giới hiện đại, kiên cường không chỉ đơn thuần là khả năng chịu đựng nghịch cảnh mà còn là một quá trình phát triển bền bỉ, không ngừng vươn lên sau mỗi lần vấp ngã. Quá trình này đòi hỏi sự linh hoạt, không ngừng điều chỉnh và thích ứng với những hoàn cảnh mới, dù khắc nghiệt đến đâu. Có thể tóm gọn cách giải thích này trong một câu mà ông bà mình nhắn nhủ với con cháu: “lửa thử vàng, gian nan thử sức”.
Trong thần học Công giáo, sự kiên cường mang ý nghĩa sâu hơn. Từ này không chỉ là phẩm chất tâm lý mà còn là một nhân đức cần thiết trong hành trình đức tin. Đức Giáo Hoàng Phanxicô, trong Tông huấn Niềm Vui của Tin Mừng, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của kiên cường và niềm hy vọng trong cuộc sống Kitô hữu: “Chiến thắng của người Kitô hữu luôn luôn là một thập giá, nhưng thập giá này đồng thời là một cờ hiệu chiến thắng mà chúng ta mang với sự dịu dàng xông xáo chống lại những cuộc tấn công của sự dữ. Tinh thần xấu của thái độ chủ bại là anh em với cám dỗ muốn tách lúa ra khỏi cỏ dại trước khi đến lúc thích hợp; nó là kết quả của một sự thiếu tin tưởng đầy lo âu và vị kỷ.” (Evangelii Gaudium, 85). Kiên cường không chỉ là sự chịu đựng mà còn là một quá trình trưởng thành và phát triển đức tin, trong đó người tín hữu không ngừng cậy trông vào sự hướng dẫn và sức mạnh của Thiên Chúa. Trong quá tình này, “Ơn của Thiên Chúa luôn đủ cho ta, vì sức mạnh của Ngài được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối.” (2 Cr 12,9).
Hẳn chúng ta đều biết kiên cường trong đức tin thường được lớn mạnh qua việc rèn luyện tâm hồn, giống như các nhân đức khác trong đời sống Kitô giáo. Thánh Tôma Aquinô trong Summa Theologica đã mô tả sự kiên nhẫn và chịu đựng là các đức tính quan trọng giúp con người vượt qua những thử thách khó khăn nhất (Summa Theologica, II-II, Q.136). Kiên cường là hệ quả của đức tin mạnh mẽ, bởi vì chỉ khi tín thác vào Thiên Chúa, người tín hữu mới có thể chịu đựng và vượt qua nghịch cảnh với lòng can đảm và hy vọng.
- Kiên cường trong Kinh Thánh
Kinh Thánh chứa đựng nhiều câu chuyện minh họa về sự kiên cường trong đức tin. Có rất nhiều ví dụ, chẳng hạn tổ phụ Abraham. Ở đây tôi muốn đề cập đến ông Gióp, thánh Phaolô và đặc biệt là Chúa Giêsu chịu đau khổ.
Ông Gióp kiên cường trong bệnh tật
Không ai ốm đau cùng cực như ông Gióp. Cuộc đời của ông là một hành trình đau khổ tột cùng khi ông mất hết tài sản, gia đình và sức khỏe. Dù phải đối diện với những đau khổ không thể tả xiết, Gióp không bao giờ đánh mất niềm tin vào Thiên Chúa. Thay vì trách móc, ông kiên nhẫn và bền chí. Thú vị là dù không hiểu được lý do vì sao mình phải chịu những thử thách khắc nghiệt ấy, ông vẫn tin vào Đức Chúa. Kinh Thánh phắc học lòng tin của ông: “Tôi biết rằng Đấng bênh vực tôi vẫn sống, và sau cùng, Người sẽ đứng lên trên cõi đất. Sau khi da tôi đây bị tiêu hủy, thì với tấm thân, tôi sẽ được nhìn ngắm Thiên Chúa.” (G 19,25-26). Sau cùng, Thiên Chúa đã ban phúc lành cho Gióp, khôi phục lại tất cả những gì ông đã mất, và hơn thế nữa.
Chúa Giêsu và màu nhiệm tự hủy
Có thể nói mỗi trang Tin Mừng đều nói lên sự kiên cường của Chúa Giêsu. Ngài bày rỏ công khai ba lần về cuộc Khổ Nạn của mình. Chúa Giêsu đã chọn con đường tự hủy (kenosis) không chỉ để chia sẻ với nhân loại trong sự yếu đuối và đau khổ, mà còn để thể hiện tình yêu vô biên của Thiên Chúa dành cho con người. Ngài đã chấp nhận cái chết trên thập giá, một cái chết đầy nhục nhã, để cứu chuộc nhân loại[3]. Dù có thể tránh khỏi đau khổ, Ngài đã chọn đi con đường thập giá vì tình yêu và sự vâng phục tuyệt đối đối với Chúa Cha. “Chén đắng” mà Chúa Giêsu ống được hiểu theo đúng nghĩa đen. Đó là những thử thách, đau khổ và khổ nạn mà con người phải trải qua trong cuộc sống, đặc biệt là trong bối cảnh đức tin. “Nếu có thể, xin cho chén này qua khỏi con; nhưng không theo ý con, mà theo ý Cha” (Mt 26,39) – Chúa Giêsu nói trong Vườn Dầu. Sau đó, Chúa Giêsu chịu chết trên cây thập giá. Từ đó Thánh Giá nên biểu tượng vĩnh cửu của sự kiên cường trong đức tin, và là con đường dẫn đến ơn cứu độ. Như thế, “Nếu bạn vác thập giá mình cách vui vẻ, thập giá sẽ vác bạn.” (Thomas a Kempis)
Thánh Phaolô kiên cường trong rao giảng Tin Mừng
Trong Tân Ước, có lẽ thánh Phaolô là một hình mẫu khác về sự kiên cường trong sứ vụ. Cuộc đời Phaolô đan bằng chuỗi ngày thử thách: từ việc bị đánh đập, bỏ tù, đến sự phản bội của chính những người mà ông phục vụ. Tuy nhiên, Phaolô không bao giờ lùi bước. Ông tâm sự với các tín hữu của mình rằng: “Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết.” (Pl 4,13). Thú vị rằng sức mạnh này, lòng kiên cường này không xuất phát từ bản thân Phaolô, mà đến từ Chúa Kitô. Bởi thế có lần thánh nhân phải thốt lên rằng: “Không có gì có thể tách rời chúng ta khỏi tình yêu của Chúa Kitô” (Rm 8,35).
- Sự kiên cường trong đời sống kitô hữu hiện đại
Là người đồng hành với người trẻ lâu năm, linh mục Giuse Cao Gia An SJ chia sẻ rằng: “Giới trẻ thời nay thường buồn vu vơ, mau chán nản và ít kiên nhẫn trong công việc”[4]. Tôi cũng nghĩ thế; và thậm chí chính tôi cũng cảm thấy mình thường bị vậy! Nhiều người còn cho rằng đây là căn bệnh thời hiện đại! Vì sao?
Trong thời đại ngày nay, người Kitô hữu không ngừng đối mặt với những thử thách về kinh tế, xã hội, và thậm chí là khủng hoảng tinh thần. Tuy nhiên, qua các bài học từ Kinh Thánh và giáo huấn của Giáo hội, chúng ta được mời gọi phát triển sự kiên cường trong đời sống đức tin. Đức Giáo Hoàng Phanxicô, trong nhiều bài giảng và Tông huấn, đã khuyến khích người Kitô hữu đừng sợ hãi trước nghịch cảnh, nhưng hãy coi đó như là cơ hội để trưởng thành trong đức tin và phát triển mối tương quan sâu sắc hơn với Thiên Chúa.
Trong Evangelii Gaudium, Đức Giáo Hoàng viết: “Niềm vui của Tin Mừng là cái không ai hay điều gì có thể lấy mất được của chúng ta (Ga 16,22). Những điều xấu của thế giới—và của Hội Thánh—không thể là cái cớ để chúng ta giảm bớt sự dấn thân và nhiệt tình. Chúng ta hãy coi chúng như là những thách thức có thể giúp chúng ta lớn lên. Với con mắt đức tin, chúng ta có thể thấy ánh sáng mà Chúa Thánh Thần luôn luôn chiếu dọi giữa bóng tối, đồng thời không bao giờ quên rằng “ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5,20). Đức tin của chúng ta được thách thức để biết rằng nước có thể biến thành rượu như thế nào và lúa mì có thể mọc giữa cỏ dại ra sao.” (Evangelii Gaudium, 84). Đừng quên sự kiên cường không chỉ là một hành động cá nhân, mà còn mang tính cộng đoàn, lan tỏa. Cộng đoàn đức tin là nơi mà các tín hữu cùng nâng đỡ lẫn nhau trong những lúc khó khăn, từ đó củng cố sự kiên cường của từng cá nhân. Tương quan hai chiều này luôn có Chúa Giêsu hiện diện, Đấng luôn kiên cường trong mọi thử thách của phận người.
Theo đó, Giáo hội luôn nhấn mạnh cách thế để có sự kiên cường, cần để tâm đến ba yếu tố: cầu nguyện, đời sống bí tích và tình liên đới. Cầu nguyện là nguồn mạch của sự kiên cường, vì qua cầu nguyện, chúng ta tìm thấy sự hiện diện và sức mạnh của Thiên Chúa trong cuộc sống. Bí tích, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể và Hòa giải, cung cấp ân sủng và sự tha thứ, giúp các tín hữu phục hồi tinh thần và tiếp tục cuộc hành trình đức tin. Cuối cùng, tình liên đới với cộng đồng là yếu tố quan trọng giúp người Kitô hữu không cảm thấy cô đơn trong những thử thách.
Kết luận
Với người tín hữu, sự kiên cường trong đức tin là một đức tính cao quý. Có lẽ đây còn là nhân đức cần tập luyện. Qua các gương sáng trong Kinh Thánh như ông Gióp, thánh Phaolô và Chúa Giêsu, Giáo hội mời gọi mỗi tín hữu phát triển sự kiên cường bằng cách bám chặt vào đức tin, cậy trông vào sự hướng dẫn của Chúa. Nhất là duy trì mối quan hệ mật thiết với Ngài qua cầu nguyện và đời sống bí tích. Trong một thế giới đầy biến động, cầu nguyện có thể giúp ta vượt qua mọi nghịch cảnh, cùng với Thiên Chúa.
Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
[1] Resilience có thể được dịch sang tiếng Việt là “sự kiên cường” hoặc “khả năng phục hồi”. Định nghĩa:
Theo tâm lý học: Resilience là khả năng thích nghi và phục hồi sau khi trải qua những tình huống khó khăn, chấn thương, hoặc nghịch cảnh. Đây là quá trình mà một người phát triển khả năng vượt qua thử thách với tinh thần, cảm xúc và hành vi linh hoạt, tích cực, thay vì bị gục ngã trước khó khăn.
Theo nghĩa rộng hơn: Resilience không chỉ liên quan đến tâm lý mà còn có thể áp dụng cho nhiều lĩnh vực khác nhau như sinh học, kỹ thuật, kinh tế. Trong các lĩnh vực này, nó chỉ ra khả năng một hệ thống, cấu trúc hoặc cá nhân có thể phục hồi hoặc tiếp tục hoạt động tốt sau những cú sốc, biến cố hoặc khủng hoảng.
[2] https://www.apa.org/topics/resilience
[3] https://www.vatican.va/content/benedict-xvi/en/audiences/2009/documents/hf_ben-xvi_aud_20090408.html
[4] Xem trong clip này: https://www.youtube.com/watch?v=biVUPWPo72I&t=3082s