Kỷ niệm cá nhân về Đức Thánh Cha Benedict XVI

Nhớ về Ngài với niềm vui, sự kính trọng, lòng biết ơn, vì tôi được diễm phúc có nhiều điều kết nối vô cùng ý nghĩa với Ngài.

  1. Tôi còn nhớ rất rõ, năm ấy, 2005, khi Ngài được bầu chọn làm giáo hoàng, thì tôi đang học lớp 11A1 của trường THPT Xuân Trường B (Nam Định), nơi lớp học phần đông là không có đạo, nhưng mọi người cũng biết. Trên sân cát tập thể dục và lao động, có bạn nữ quê xứ Kiên Lao còn nói: các anh trong xứ nói là Đức Giáo Hoàng mới này già quá (khi đó Ngài 78 tuổi). Có bạn nam bên lương hỏi tôi đọc thử một Kinh cho bạn ấy nghe. Tôi đã chọn Kinh Lạy Cha. Bạn ấy muốn tôi đọc nhanh hết tốc độ. Tôi đã đọc một hơi không cần ngưng nghỉ. Về đến giáo xứ Phú Nhai, trong thánh lễ, cha xứ ngoài việc thông báo về Đức Tân Giáo Hoàng, cha còn giảng thêm một bài giải thích: Đức Giáo Hoàng là người tốt lành, thánh thiện, học thức, chứ không phải là “cỗ xe tăng” như người ta đồn thổi.
  2. Thời đại học, khi đó tôi đã có ý định tìm hiểu đi tu, có rất nhiều cuốn sách đạo mà tôi tìm đọc và thích đọc. Tuy nhiên, các cuốn sách Đức Giêsu Thành Nazareth của Đức Benedict có sức hút đặc biệt. Đặc biệt đến nỗi, bằng mọi cách tôi có thể có, có thể đọc. Nhưng rồi, sự hụt hẫng đã đến quá mạnh. Có đọc mà hiểu quá ít. Sau nhiều lần cố gắng, tôi đành tạm gác lại ước mơ.
  3. Tưởng chừng mọi sự tạm đi vào quên lãng. Thế mà, sau khi tốt nghiệp đại học, năm 2010 tạm biệt Hà Nội, vào Nhà Tập Dòng Tên tại Sài Gòn năm 2011, sau kỳ đại Linh Thao, tôi sực nhớ đến các cuốn sách trước kia mình yêu thích. Đương nhiên, ở trong Tập Viện có sẵn, tôi đọc lại những cuốn sách ấy: Đức Giêsu Thành Nazareth của Đức Benedict. Ôi, thật là sung sướng vỡ òa. Đọc đến đâu hiểu đến đó. Vô cùng hạnh phúc! Cảm giác vô cùng đã. Thế là từ đó, bộ ba cuốn sách ấy, tôi đọc đi đọc lại rất nhiều lần. Có lần đọc để nghiền ngẫm, có lần đọc để cầu nguyện, có lần đọc để đối thoại, có lần đọc để thấy nhiều khác biệt, nhiều gợi mở, nhiều góc nhìn còn chưa nhắc tới…
  4. Năm 2013, khi nghe tin Ngài tuyên bố từ nhiệm vai trò giáo hoàng, vai trò của Thánh Phêrô, mà tôi cũng không thực sự hình dung ra cụ thể là thế nào. Trong thời kỳ thử thách (Tập Viện năm 2), có việc lao động ở bên ngoài. Khi đó, tôi đang trong tháng làm phụ hồ ở khu vực Đồng Nai, khi đang lao động, lại nghe tin đã có Đức Giáo Hoàng mới, và Ngài là người Dòng Tên. Người dân trong xứ đó reo hò lắm. Chúng tôi cũng vui mừng, nhưng chẳng biết diễn tả sao nữa. Vì chúng tôi đang đi lao động như các bạn công nhân trẻ, nên người ta cũng chẳng tin chúng tôi là các thầy tu của Dòng Tên. Đương nhiên, chúng tôi cũng chưa phải là thầy tu đúng nghĩa, mà còn đang là các tập sinh. Tôi tự nhủ: Bây giờ hai Đức Giáo Hoàng sẽ làm gì đây? Tôi không biết.
  5. Thế rồi, dòng thời gian và sự kiện cứ thế trôi theo với Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Thời gian triết học cũng qua, năm 2016 tôi được cử đi làm việc tông đồ tại Radio Vatican ở Roma. Nhiệm vụ là tập việc, nhưng thực tế là công việc thực thụ. Lúc đó, Đức Thánh Cha Benedict XVI đã nghỉ hưu trong tu viện ở nội thành Vatican. Trên đường đi từ nhà sang văn phòng làm việc, rất gần, chỉ mấy phút đi bộ, tôi thường xuyên nói chuyện với cha Federico Lombardi, lúc đó cha còn đang đương nhiệm 3 chức vụ: phát ngôn viên của Đức Giáo Hoàng, giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh, lãnh đạo đài phát thanh và truyền hình Vatican. Có lần, tôi phát sinh ý nghĩ, và nói với cha ấy rằng: “Thưa cha, việc đi vào nội thành Vatican vì công việc hoặc đi thăm quan, đối với con rất dễ, và con đã làm nhiều lần, vì con có thẻ nhân viên. Con cũng nhiều lần đi qua tu viện mà Đức Benedict đang ở, mà không ghé vào. Cho con hỏi: việc vào thăm có thuận tiện không, có nên không?” Cha Lombardi nói: “Không nên, vì người ra vào nhiều quá sẽ rất bất tiện và vất vả, lại thêm rắc rối khi người ta cứ đưa tin này nọ bên báo chí. Nếu Đức Benedict đã muốn nghỉ ngơi, thì hãy để Ngài nghỉ ngơi.” Và thế là, tôi bỏ ý định xin vào thăm Ngài. Thỉnh thoảng, tôi lại hỏi thăm cha Lombardi về tình hình sức khỏe của Đức Benedict.
  6. Sau thời gian làm việc về truyền thông, tôi tiếp tục với việc học thần học. Khi học, gặp lại Đức Benedict trong nhiều cuốn sách, và một số môn học. Thế là, ý tưởng mới lại phát sinh: mình rất thích Kinh Thánh, mình cũng rất thích sách về Chúa Giêsu mà Đức Benedict viết, mình cũng khá quan tâm triết học, vậy tại sao mình lại không học tiếng Đức để có thể đọc sách ở bản gốc? Thế là dự án về tiếng Đức được bắt đầu. Tự học từng chút từng chút. Sau đó, hè năm 2019 với 1 tháng tự học tại nhà, và 1 tháng học toàn thời gian tại thành phố Munic, miền nam của Đức. Tiếc là sau đó với Covid, nên không thể trở lại Đức để học thêm được nhiều hơn. Trình độ chưa thể đọc sách, nhưng chỗ nào cần hiểu, thì có thể hiểu được. Câu chuyện tiếng Đức có lẽ chưa có hồi kết.
  7. Ngay trong thời gian cuối đời, khi Ngài đã muốn nghỉ ngơi, thế mà người ta vẫn còn kiện cáo này nọ. Có những lần Ngài đã viết thư hồi âm, trả lời cách đơn sơ, rõ ràng, mạch lạc, khiêm tốn, vững chắc. Về những lá thư trả lời được công bố, có những giáo sư thần học đánh giá: Tại sao Đức Benedict XVI lại viết như thế? Viết những lời lẽ đơn sơ như một học viên, sinh viên? Ngài có thể lặng thinh, hoặc có thể viết một cách xác đáng, mạnh mẽ, và có uy hơn! Riêng tôi, tôi nhớ lại điều ngài từng viết trong cuốn sách về Đức Giêsu rằng: “Tôi viết những điều này, không phải với tư cách vị giáo hoàng, mà…” Như thế, tôi hiểu được những hồi âm mà Đức Benedict viết cũng trong một cách thế ấy: hoàn toàn trong tâm tình đối thoại chân thành, chứ không áp đặt thẩm quyền, và như thế càng bộc lộ sự tốt lành trong sáng của một người trí thức lỗi lạc.

Tạ ơn Chúa vì đã ban cho Dân Chúa một người mục tử như thế! Chúng con xin cầu nguyện cho Ngài, và xin Ngài cũng chuyển cầu cho chúng con. Giờ đây, Ngài có thể diện đối diện mặt giáp mặt với Đấng mà Ngài hằng chờ mong.

Tứ Quyết SJ

Kiểm tra tương tự

Hãy tìm hiểu nhau như một vị thánh

Phần lớn các bạn trẻ Công giáo cảm thấy được mời gọi bước vào đời …

Bố ơi, ai vậy?

Ông đang nằm nghiêng mình trên chiếc ghế sofa, vừa xem ti-vi vừa thưởng thức …