Là người trẻ của Chúa, bạn trẻ ngày nay có nhiều sáng kiến để mang hơi ấm của Chúa đến cho những mãnh đời bất hạnh. Hai bạn trẻ nữ ở Sài Gòn vẫn thường có những chuyến đi đêm đến những ngỏ hẻm đường phố để thăm hỏi những người neo đơn không nhà không cửa. Chuyên mục bạn trẻ hôm nay xin gởi đến quý vị thính giả của đài bài cảm nghiệm sau một chuyến đi của hai bạn thăm những người già ở Cầu Ông Lãnh, Sài Gòn.
Hình ảnh bà cụ 80 tuổi bán vé số mưu sinh ở cầu Ông Lãnh viết trên facebook của em Vincente Vu Huy cứ thao thức trong tôi mãi. Tôi muốn làm điều gì đó cho cụ, hay ít nhất cũng là lời hỏi thăm, quan tâm đến cụ. Nhưng mãi đến hôm nay, tôi và em Chuột Tí mới thu xếp được thời gian để cùng nhau đi tìm cụ. 9h00 tối, hai chị em chúng tôi bắt đầu khởi hành. Đến chân cầu Ông Lãnh hai chị em chúng tôi phát hiện một cụ bà tóc bạc phơ đang ngồi dựa thành cầu, nhưng vì ngược đường nên hai chị em phải đánh một vòng để quay xe. Nhờ đánh một vòng như thế chúng tôi lại thấy một cụ ông ngồi co ro phía bên này cầu. Chúng tôi quyết định gặp cụ bà trước, khi vòng về sẽ nói chuyện với cụ ông sau. Nhưng với cụ bà chúng tôi không tiếp cận được, cụ từ chối trả lời tất cả các câu thăm hỏi của chúng tôi. Với bất cứ câu hỏi nào tôi hỏi cụ cũng đều có chung một câu trả lời “có giúp được gì thì giúp, không thì thôi đừng hỏi đau đầu lắm”. Không biết phải giúp cụ thế nào nữa, hai chị em nhìn nhau bối rối: không giúp cụ thì trong lòng áy náy không yên, nhưng nếu giúp cụ thì khác nào tiếp tay cho những kẻ đứng sau lưng lợi dụng tuổi già yếu của các cụ. Chúng tôi giúp cụ một ít rồi tiếp tục lên đường.
Chuyến vòng về này chúng tôi ghé lại thăm hỏi cụ ông. Cụ đón tôi với một nụ cười thân thiện. Sau một lúc làm quen, tôi được cụ kể nghe hoàn cảnh của mình. Cụ bảo cụ quê ở Minh Hải (tỉnh Minh Hải bây giờ không còn nữa, nhưng cụ vẫn gọi theo thói quen ngày xưa), vợ cụ mất, cụ chỉ còn một con trai. Cụ nói “con trai tôi làm nghề biển. Nó đi biển nên nhậu nhiều lắm, nhậu nhiều đến nỗi gan của nó hư luôn. Nó bệnh nên được đưa lên bệnh viện tỉnh chữa trị một thời gian, không khỏi, thế là đưa lên Sài Gòn. Sau một thời gian chữa trị rồi con trai cũng bỏ tôi mà đi”. Hỏi cụ sao không về quê. Cụ bảo vợ con không còn nữa, để chữa bệnh cho con cũng đã bán nhà, bán ghe hết rồi, nên cụ ở lại đây luôn.
Cụ cứ lang thang như thế và có lẽ vì cú sốc tinh thần quá lớn, nên tinh thần của cụ cũng không được ổn. Nói chuyện với tôi mà có lúc như cụ đang nói với chính mình. Tôi hỏi buổi tối cụ ngủ đâu, cụ bảo cụ ngủ khắp nơi, chổ nào cũng ngủ được, còn ban ngày thì cụ đi nhặt ve chai. Do muốn trở lại thăm cụ một lần nữa nên tôi cố hỏi xem cụ có chỗ ngủ cố định nào không. Lần này nghe tôi hỏi lại như vậy cụ có vẻ phiền lắm. Cụ bảo “I told you that I sleep every where”. Thế là cụ cứ nói tiếng Anh với tôi. Ngạc nhiên với vốn tiếng Anh của cụ, phát âm thật chuẩn, ngữ pháp không sai nên tôi có hỏi cụ trước kia cụ làm gì. Cụ bảo cụ là sĩ quan Hải quân. Tôi cười bảo cụ, ba con là biệt động quân. Hỏi tuổi thì tôi được biết tuổi cụ bằng tuổi với ba tôi. Tự nhiên tôi muốn mời cụ về nhà mình, tôi hỏi cụ “nếu có dịp nào đó con đưa cụ về thăm quê của con cụ có đi được không”. Cụ bảo cụ không đi đâu, cụ không có quần áo gì hết, đi ngại lắm. Rồi cụ còn nói thêm “không phải là không có, cũng có người cho nhiều lắm, nhưng bị người ta lấy hết rồi”. Cụ bảo chắc là người ta cần hơn mình nên mới lấy như thế, nên cụ cũng không giận. Tôi nghe như sống mũi mình cay cay. Có mấy ai trong chúng ta nhận ra một điều tưởng chừng như đơn giản thế. Muốn ở lại nói chuyện thêm với cụ, nhưng vì trời cũng bắt đầu về khuya rồi, nên tạm chia tay cụ. Vì không biết trước chuyến đi của mình có gặp được các cụ hay không nên hai chị em tôi không chuẩn bị quà. Tôi ngần ngại biếu cụ một ít tiền, cụ bảo “đi ngang ghé vào nói chuyện với cụ như thế là cụ vui lắm rồi, cụ không cần gì đâu”. Nghe thương thương, nhưng tôi biết cụ cần nhiều lắm sự quan tâm, cần nhiều lắm những lời thăm hỏi, chia sẻ như tối nay. Bạn của tôi ơi, một lúc nào đó bạn có đi ngang qua cầu Ông Lãnh, hãy dành một ít thời gian dừng lại thăm hỏi cụ nhé, chỉ vài câu thôi, để cụ thấy ấm lòng trong những ngày trời se lạnh vào đông!
Chia tay cụ ông, chị em tôi tiếp tục lên đường, hướng về đường Lê Quang Định, Bình Thạnh, ghé thăm cụ bà hành nghề vá xe hơn 30 năm nơi góc đường Lê Quang Định và Nguyễn Văn Đậu. Khi chúng tôi đến nơi, thấy cụ đang vá xe cho khách, nên hai chị em chạy một vòng tìm chổ mua quà biếu cụ. Khi quay lại thì cụ lại đang sửa cho một khách khác, vậy là chị em tôi chờ cụ. Xong việc, cụ đưa cho chúng tôi hai cái ghế con con để ngồi chơi với cụ. Bắt đầu câu chuyện là điều mà hai chị em tôi thắc mắc, tại sao cụ lại chọn nghề vá xe nặng nhọc như thế, một công việc không dành cho phụ nữ. Cụ bảo là nghề của chồng cụ đã 36 năm nay rồi, ban đầu cụ chỉ phụ thôi, nhưng rồi ông bệnh và mất vậy là cụ tiếp quản công việc của ông luôn. Cụ bảo ông bệnh rất lâu, phải vay mượn để trị bệnh cho ông, đến khi ông mất thì lãi mẹ đẻ lãi con cụ cũng không có khả năng trả nợ, vậy là phải bán nhà trả nợ, và giờ cụ xem góc đường nơi cụ hành nghề là nhà. Cụ bảo cũng có con đông lắm, nhưng đứa ở đây, đứa ở kia, đầu ghềnh, cuối bãi, nên cụ không ở cùng với đứa nào hết. Ở tuổi 77 của mình, cụ không chỉ làm việc lo cho thân mình mà còn phụ cô cháu ngoại nuôi cháu cố nữa. Cụ khoe cụ có đứa cháu cố 5 tuổi, lanh lợi và dễ thương lắm. Cụ bảo có bao nhiêu cụ cho nó hết vì cháu ngoại cụ phải thuê nhà mà tiền lương hàng tháng của nó thì trả hết cho tiền nhà rồi. Bỏ nó không đành, thế là cụ phải phụ lo. Một ngày làm việc của cụ bắt đầu từ 9-10h sáng và gần như không có giờ kết thúc, vì có khi khuya lơ khuya lắt có người cần vá xe thì cụ cũng sẵn lòng thức dậy làm cho người ta. Thu nhập một ngày có khi được 50 hoặc 60 nghìn, có khi cũng hổng có đồng nào cả, có hôm phải mua bánh mì thiếu của xe bánh mì kế bên hoặc bên kia đường, cụ bảo mọi người ở đây đều biết và thương cụ nên những hôm không có tiền cũng không sợ đói.
Chia tay cụ, hình ảnh một cụ bà 77 tuổi cặm cụi ngồi vá xe nơi góc đường cứ day dứt mãi trong tôi. Cụ không cần chúng tôi giúp gì cả, vì cụ tự lao động kiếm sống. Cụ vui khi có người đến nói chuyện cùng, chia sẻ cùng, và công nhận sức lao động của cụ. Vậy mà đâu đó quanh chúng ta vẫn còn tồn tại những kẻ lợi dụng tuổi già của các cụ, vẫn còn những kẻ lợi dụng trẻ con, và còn nhiều lắm những kẻ cách này hay cách khác sống bằng sức lao động của người khác….
Bài chia sẻ của bạn Nguyễn Trần Thanh Thảo
RADIO VATICANA
CHUYÊN MỤC: LỬA
PHỤ TRÁCH: Nguyễn Hiền Nhu