Lửa 9: Mang Lời Chúa vượt qua những biên cương

Vậy, tại sao bạn trẻ chúng ta lại không dám xin Chúa sử dụng chúng ta như Ngài đã sử dụng thánh Phan-xi-cô? 

Nghe Bài: Mang Tin Mừng Vượt Qua Mọi Biên Cương

Quý vị và các bạn thân mến,

Ngày 03 tháng 12 tới đây, Hội Thánh mừng kính một vị thánh đã hiến trọn con người mình để mang Tin Mừng của Chúa vượt qua những biên cương nguy hiểm nhất, và nhờ đó, vùng đất Á Châu nhận được hạt giống Tin Mừng, vị thánh đó chính là Phan-xi-cô Xavie.

Phan-xi-cô Xavie là một trong những người bạn đường đầu tiên của thánh Inhaxio Loyola đồng sáng lập nên Dòng Tên. Phan-xi-cô đến Đại Học Paris với ước muốn thăng tiến sự nghiệp, công danh. Tại đây, ngài được gặp thánh I-nhã và đã làm linh thao với vị thánh này. Tiếng nói của Chúa đã cất lên trong lòng thánh nhân “được lời lãi cả thế gian mà lỗ mất linh hồn thì được ích lợi gì?” Ngang qua thánh Inhaxio, Phanxico đã tìm thấy tiếng Chúa gọi và quảng đại dấn thân để tìm vinh quang lớn hơn cho Chúa. Nếu như xưa kia thánh Phao-lô được xem là vị tông đồ của dân ngoại khi mang Tin Mừng ra khỏi nước Do Thái để đến với Roma, trung tâm thế giới thời của ngài, thì đối với Châu Á, Phan-xi-cô đã vượt qua mọi biên cương để làm cho Tin Mừng hiện diện nơi đây và trổ sinh hoa trái dồi dào.

Thánh nhân cùng với những người bạn của I-nhã khấn thanh bần và làm việc tông đồ vào năm ngài được 28 tuổi. Tới năm 31 tuổi, ngài được thụ phong linh mục. Theo lệnh của Đức Thánh Cha Phao-lô III, thánh nhân xuống tàu đi truyền giáo tại Ấn-độ, nơi được xem là nguy hiểm nhất thời bấy giờ. Thánh nhân đã khởi hành trong niềm hạnh phúc được sai đi. Việc truyền giáo, ngài không chỉ dừng lại ở Ấn Độ, nhưng ngài mở rộng tầm hoạt động đến Malaysia, Indonesia, Nhật Bản…

Chúng ta cùng nghe lại đoạn thư ngài viết từ Nam Á gởi cho nhóm bạn đường ở Roma:

“Biết bao lâu tôi đã muốn đi đến các đại học ở Châu Âu, và nhất là đến Đại học Paris[1] để lớn tiếng kêu to, như một người đã mất trí, với những người vốn giàu kiến thức hơn là có lòng ước ao rút tỉa ích lợi từ  kho kiến thức ấy; và nếu họ đem cũng chừng ấy lòng nhiệt thành dành cho việc nghiên cứu để suy nghĩ về khoản nợ mà Thiên Chúa sẽ đòi họ phải trả về việc nghiên cứu này, cũng như những nén vàng nén bạc đã ban cho họ, thì ắt sẽ có khá đông người xúc động về điếu ấy, họ ắt sẽ sử dụng những phương tiện  và những việc thiêng liêng thích hợp để làm cho mình nhận biết và đi sâu vào thánh Ý Chúa, bày tỏ trong tâm hồn họ và ắt họ sẽ quy phục ý Chúa hơn là sở thích riêng mình mà nói rằng: Lạy Chúa, này con đây, Chúa muốn con làm gì?

Nhưng tôi e rằng có nhiều người đang sôi kinh nấu sử trong các đại học, cốt chỉ là để dành cho được một chỗ đứng thuận lợi, có lương bổng cao và chức tước. Họ đã chọn bậc sống mình như thế đấy, buông thả theo những tình cảm lệch lạc của mình.

Tôi đã súy viết cho đại học Paris để nói cho họ biết rằng có hàng ngàn và hàng triệu người ngoại lẽ ra đã trở thành Ki-tô hữu nếu đã có thêm thợ gặt. Có cả một đám đông như thế trở lại với đức tin của Chúa Ki-tô trong xứ mà tôi đang sống đây, biết bao lần tay tôi mỏi mệt vì ban phép Rửa, và không còn hơi sức để nói vì đã đọc đi đọc lại quá nhiều lần kinh Tin Kính và Mười điều răn bằng thổ ngữ của họ, cũng như những kinh nguyện khác và một huấn dụ trong đó tôi cắt nghĩa cho họ hiểu thế nào là một Ki-tô hữu.”

Có thể nói, qua thánh Phanxico, Dòng Tên vươn mình đến Châu Á, và đạt đến đỉnh cao của sứ mạng loan báo Tin Mừng. Trong 10 năm truyền giáo, ngài vượt chừng 100 ngàn cây số đường biển, trên những con tàu buồm mong manh, để đến Ấn Độ, Malaysia, Inđônêxia, Nhật Bản, và qua đời trên đảo Thượng Xuyên, đang khi mơ ước vào Trung Hoa.

Tại Ấn Độ, ngài tập trung nỗ lực quanh mũi Comorin, hồi sinh cả một giáo đoàn 20 ngàn tín hữu, và chỉ trong một tháng rửa tội đến 10 ngàn tân tòng. Tại Malaysia, ngài kiên nhẫn giải tội cho từng hối nhân, rửa tội cho từng tân tòng, nay một người, mai một người. Như một mục tử đi tìm chiên lạc, ngài đến các đảo xa lắc xa lơ của Inđônêxia để củng cố đức tin những người thổ dân sống rải rác trên rừng núi, đã được rửa tội nhưng không ai giúp đỡ. Tại Nhật Bản, ngài khởi đầu một cách khó khăn công cuộc rao giảng và gây dựng Hội Thánh. Nghĩ rằng nếu Trung Hoa gia nhập Hội Thánh, cả vùng Đông Á sẽ noi gương, ngài tìm đủ mọi cách để vào vùng đất này.

Thánh Phanxicô Xavier được xem là một vị tông đồ táo bạo, nếu không muốn nói là liều lĩnh. Thật vậy, đường biển thời ấy luôn bị đe dọa vì bệnh dịch, bão tố và hải tặc, nhưng ngài tin tưởng nếu Chúa không cho phép, không có gì làm hại được ngài. Ở Ấn Độ, ngài phải đương đầu với thời tiết nóng như nung và những đoàn quân Badaga hung dữ; ở Malaysia, ngài phải ê chề với thái độ ngoan cố và trịch thượng của người đại diện chính quyền thực dân Bồ Đào Nha; ở Nhật Bản, ngài phải chịu đựng bão tuyết và con mắt nghi ngờ của các sứ quân. Đặc biệt lúc ấy hoàng đế Trung Hoa ra lệnh xử tử bất cứ người châu Âu nào đặt chân đến, nhưng bất chấp mọi sự, ngài khao khát làm sao để gặp được hoàng đế Trung Hoa. Lòng nhiệt thành với các linh hồn và lòng phó thác tuyệt đối nới Chúa đã giúp ngài làm được những điều không ai dám nghĩ tới.

Chỗ dựa hữu hình của ngài là Dòng Tên. Ngài luôn cảm tạ Chúa vì đã cho ngài có những người anh em cùng chung lí tưởng, luôn xin anh em cầu nguyện và gửi thêm nhân sự đến tăng cường và tiếp tục công việc ngài đã khởi sự. Ngài gọi Dòng Tên là “Dòng yêu thương”, và luôn mong ước được gặp lại anh em, hoặc ở dưới đất hoặc ở trên trời.

Mặc dầu rửa tội được chừng 100 ngàn người, củng cố được hàng trăm cộng đoàn tín hữu, ngài vẫn cảm thấy bị thiêu đốt vì đòi hỏi gay gắt của nhu cầu truyền giáo.  Ngài qua đời trên đảo Thượng Xuyên, ngoài khơi tỉnh Quảng Đông, ngày 03 tháng 12 năm 1552. Ngài được Đức Thánh Cha Grêgôriô XV tuyên thánh, cùng với thánh I-nhã, năm 1622, và được Hội Thánh đặt làm bổn mạng các xử truyền giáo.

Đọc lại gương của thánh Phan-xi-cô, bạn trẻ chúng ta ước muốn đóng góp phần sức lực nhỏ bé của mình cho vinh quang của Chúa. Thánh Phan-xi-cô cũng đã từng là một sinh viên như một số bạn trẻ chúng ta, ngài cũng đã từng là một cậu thanh niên bình thường trong một ngôi làng nhỏ chẳng mấy nổi tiếng gì, thế mà một khi Chúa đã chọn cùng với lòng quảng đại của mình, thánh Phan-xi-cô đã làm cho Giáo Hội hiện diện trên một mãnh đất rộng lớn, Châu Á.

Vậy, tại sao bạn trẻ chúng ta lại không dám xin Chúa sử dụng chúng ta như Ngài đã sử dụng thánh Phan-xi-cô? Sao chúng ta không giám xin Chúa ơn để chúng ta can đảm vượt qua biên cương sợ hãi nơi chính trong lòng chúng ta, để sức sống của Chúa nơi chúng ta được bùng lên vững mạnh?

RADIO VATICAN

CHUYÊN MỤC: LỬA

PHỤ TRÁCH: Nguyễn Hiền Nhu

Kiểm tra tương tự

Sinh Nhật Chúa Giêsu và câu chuyện Giáng Sinh

  Tại sao Sinh Nhật của Chúa Giêsu được gọi là Giáng Sinh?   Thuật …

Hiện tượng luận về việc chọn lựa: Gieo hành động – gặt nhân cách

Tính nghịch lý của sự phức tạp Mặc dù chúng ta ngày càng có nhiều …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *