Làm sao để theo Đức Giêsu?

Chắc hẳn tổ chức nào cũng có lề luật riêng. Ai bước vào tổ chức ấy đều phải chấp hành những quy định chung. Nếu đi theo một ai đó, bạn cũng cần chấp hành những yêu cầu của người ấy. Các học trò cần hiểu được những đòi hỏi của sư phụ, của người thầy. Khi đó họ mới có thể được thầy chấp nhận, hoặc tiến xa trong tương lai.

Trong bài này, dĩ nhiên tôi không đề cập đến việc đi theo một người phàm nào đó để học làm ăn kinh tế hoặc võ công. Tôi cũng chẳng đề cập đến một tổ chức trần gian để phát triển kinh tế hoặc thăng tiến bản thân. Tôi muốn nói đến một Thiên Chúa là Đức Giêsu mà bài Tin Mừng hôm nay đề cập.

Chủ đề nổi bật của đoạn tin mừng Chúa Nhật 13 thường niên[1] là từ bỏ. Từng chữ thánh sử Matthêu ghi ra trong tin mừng hôm nay cũng là chính kinh nghiệm của ngài. Là người thu thuế ở thành phố kinh tế Caphacnaum, dĩ nhiên Mátthêu có nhiều thứ. Giàu sang, địa vị và danh vọng của ông khối người mơ ước. Vậy mà sau lần Đức Giêsu gọi chọn ông làm tông đồ, ông liền đứng dậy, từ bỏ mọi thứ để theo Đức Giêsu (Mt 9,9). Nhiều người thời ấy chắc cho ông là điên khùng, nói ông bất thường và bảo ông bốc đồng. Tuy thế, ông đã thực sự từ bỏ mọi thứ để đi theo Đức Giêsu đến cùng.

Từ bỏ ràng buộc bên ngoài

Là người trong Nhóm Mười Hai, ông thấy các môn đệ kia cũng từ bỏ không kém. Người từ bỏ vợ con, người giã từ cha mẹ, người bỏ lại sự nghiệp chài lưới, người gác lại kế hoạch tương lai, v.v., để đi theo Đức Giêsu. Nhóm tông đồ này thực sự dành ưu tiên cho Đức Giêsu và kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Dĩ nhiên các ông cũng nghe được từng lời của Đức Giêsu, như là điều kiện để đi theo Thầy: “Ai yêu cha hay yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai hay con gái mình hơn Thầy, thì không xứng với Thầy.” (Mt 10,37).

Các ông đều có gia đình, người thân và bằng hữu. Khi đi theo Đức Giêsu, tự dưng các ông chẳng còn nhiều giờ dành cho họ nữa. Nào là các ông phải rày đây mai đó, từ làng này qua làng khác. Hơn nữa, các ông còn phải ở lại với Đức Giêsu để Ngài dạy dỗ, huấn luyện. Chính Đức Giêsu biết hành trình này đòi hỏi nhiều gian nan. Khó khăn đầu tiên là các ông phải tách ra khỏi cuộc sống hằng ngày, những tương quan đời thường.

Dĩ nhiên Đức Giêsu không dạy các ông (người ta) ghét cha mẹ, người thân. Ngài đòi từng người con phải hiếu thảo với ông bà cha mẹ. Đó là điều răn của Thiên Chúa. Tuy vậy, mức độ tình yêu dành cho những người này hẳn là phải nhẹ hơn so với việc yêu mến Thiên Chúa. Nếu họ yêu người thân, gia đình hơn Thiên Chúa, ai dám chắc các môn đệ sẽ đi đến cuối con đường? Thực ra khi nói câu trên, Đức Giêsu muốn các môn đệ phải ưu tiên cho việc loan báo Tin Mừng Nước Trời. Người môn đệ phải đặt tình yêu Đức Kitô lên trên mọi tương quan gia đình.  

Từ bỏ bận tâm bên trong

Từ bỏ bên ngoài đã khó, loại bỏ những gì là chính mình còn khó hơn nhiều. Đây là điều kiện Đức Giêsu nói nhiều lần với các môn đệ: “Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy.” (Mt 10,38; Mc 8,34–36; Lc 9,23–24). Thập giá không hẳn là khúc gỗ sần sùi. Đó là những gánh nặng của đời sống con người. Rất nhiều người tưởng đi theo Chúa thật dễ dàng. Họ nghĩ vào đạo là mọi gánh nặng khổ đau biến mất. Họ ảo mộng về một Thiên Chúa luôn cất đi mọi bệnh tật và nghèo đói. Không! Thiên Chúa không loan báo “Tin Mừng Thịnh Vượng”[2]. Ngược lại, Thiên Chúa đòi người ta cùng với Đức Giêsu vác thập giá của mình để theo Chúa mỗi ngày.

Vác thập giá nghĩa là họ phải chấp nhận những bài học khó khăn của Đức Giêsu. Khi bước theo Đức Giêsu, người ta không còn làm theo ý riêng mình nữa. Người ta cũng phải cắt tỉa để được sinh nhiều hoa trái. Cắt tỉa những gì là con người cũ, vốn không hợp với đường lối của Thiên Chúa. Theo bản tính tự nhiên, ai cũng chọn cho mình phần dễ dàng, thoải mái và bình yên. Gian khổ chắc người ta nhường cho người khác. Tin Mừng hôm nay Đức Giêsu đòi mỗi người làm ngược lại: chấp nhận mọi sự trong tin yêu và phó thác.

Từ bỏ mạng sống

Đức Giêsu vác thập giá lên đồi Canvê để chịu chết. Nếu ở phần trên, thập giá đòi người ta chết đi cho con người cũ, thì điều kiện tiếp theo Đức Giêsu đưa ra: “Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được.” (Mt 10,39; Ga 12,25). Có người nhận xét thật đúng: Sao đi theo Đức Giêsu khó quá, vào Đạo Công Giáo sao đòi hỏi nhiều thứ thế! Ở đây chúng ta phân biệt hai điều:

Theo Đức Giêsu cả đời này và đời sau. Nghĩa là quê hương đích thực của mỗi người là ở trên Thiên Quốc. Đây là kế hoạch yêu thương mà Thiên Chúa đã dành cho con người. Đức Giêsu muốn các môn đệ, Giáo Hội, loan truyền Tin Mừng này. Sau một đời trên dương thế, khao khát của con người chẳng phải đến một nơi hạnh phúc vĩnh hằng sao? Do đó, giả như ai có mất mạng sống vì Đức Giêsu, thì họ cũng được Thiên Chúa cứu đưa vào Thiên Quốc.

Đức Giêsu không dạy người ta ghét bỏ thân xác. Cuộc sống con người là thánh thiêng và là hình ảnh của Thiên Chúa. Chúa muốn người ta tôn trọng sự sống của chính mình và người khác. Tuy nhiên, trong những hoàn cảnh khó khăn đòi người môn đệ làm chứng cho Thiên Chúa, khi đó, họ phải ưu tiên VÌ THIÊN CHÚA. Chẳng phải Đức Giêsu đã liều mất mạng sống để chu toàn Thánh Ý Chúa Cha sao! Sau đó thân xác Ngài được phục sinh vinh hiển.

Hẳn nhiên trước khi đưa ra những điều kiện trên đây, chính Đức Giêsu đã tuân thủ chúng mỗi ngày. Khi đi rao giảng Nước Trời, Ngài rời bỏ gia đình để ưu tiên cho “công việc của Thiên Chúa”. Mẹ Maria cũng vui mừng được theo Đức Giêsu trên mọi nẻo đường. Ngài yêu thương những người thân cận, nhưng luôn đặt tình yêu với Chúa Cha lên hàng trên hết. Ngài đã từ bỏ mọi thứ để tập trung vào việc Loan Báo Tin Mừng. Từ bỏ đến nỗi ngài “không có chỗ tựa đầu” (Lc 9,57–62). Đỉnh cao của việc từ bỏ được thấy trong Cuộc Thương Khó. Ngài đã hiến tế chính mình để cứu độ con người sau biến cố phục sinh.

Thực ra với sức người, chắc chẳng ai có thể đáp ứng những điều kiện trên đây. Rất may mắn cho mỗi người là chúng ta luôn có Thiên Chúa. Với ơn của Ngài, mỗi người đi theo Chúa có thể từ bỏ mỗi ngày một chút. Càng yêu Chúa, muốn theo Chúa, họ càng dễ từ bỏ để hiến dâng. Thực tế có người vừa muốn theo Chúa vừa muốn theo thế gian. “Họ muốn làm tôi hai chủ”. Có nhiều người muốn theo Chúa gần hơn. Họ sống thanh thoát với đời sống vật chất. Họ phó dâng mọi sự trong tay Thiên Chúa; khi đó, chắc là những người này được tất cả. Càng từ bỏ, họ càng được gấp trăm. Đó là phần thưởng trên trời thật lớn lao đang chờ đón họ.

Ước gì mỗi người xin với Chúa Giêsu ban cho đủ ơn thiêng, lòng can đảm và sáng suốt để đi theo Chúa. Nếu như mọi bôn ba của con người để đi tìm hạnh phúc, thì chính Đức Giêsu đang chỉ cho người ta đến hạnh phúc bình an. Tiếc là điều kiện của Chúa dường như quá thách đố với con người mọi thời. Tuy vậy, từ bỏ lại là con đường duy nhất để bước theo Đức Giêsu, Con Một Thiên Chúa có thể cứu độ mọi người. 

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

……………….

[1] 28–06–2020: Suy niệm trong ngày Chúa Nhật 13 Mùa Tn. Mt 10,37–42.

[2] Tin Mừng Thịnh Vượng xuất phát từ hệ phái Tin Lành (Ngũ Tuần–Pentecostalism). Họ rao giảng rằng khi tin yêu theo Chúa, người ta sẽ không còn bệnh tật. Quan trọng hơn, người tin theo Chúa luôn đường giàu sang thịnh vượng.

Kiểm tra tương tự

Bố ơi, ai vậy?

Ông đang nằm nghiêng mình trên chiếc ghế sofa, vừa xem ti-vi vừa thưởng thức …

Có Chúa luôn bên ta – Lời nhắc nhở mỗi ngày

  Có cám dỗ cho rằng Thiên Chúa không ở gần ta, hoặc làm ta …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *