Đau khổ. Nhìn về thân phận mỏng dòn của con người, tôi nhớ đến hai bệnh nhân tôi gặp ở bệnh viện.
Chú…
Từ sau khi vợ mất vì tai nạn giao thông, chú nhập viện do thuyên tắc tĩnh mạch chi dưới. Gia đình chú rơi vào khủng hoảng và phải sống nhờ vào người em gái. Đôi chân của chú đã không còn nữa sau nhiều lần phẫu thuật qua từng năm tháng, bây giờ gần như mất toàn bộ. Khuôn mặt gầy gò, hốc hác và trông vẻ bất cần đời, có lẽ do chú đã chai lì cảm xúc vì “quá nhiều đau khổ”.
Tôi hỏi: “Mỗi lần chú rước Mình Thánh Chúa có thấy bình an hơn không?
Chú đáp: “Ừ thì cũng bình an!”
“Ừ thì cũng…”, tôi cảm thấy sự chán nản và trì trệ nơi câu trả lời ấy.
Chị…
Chị nhập viện vì viêm ruột thừa, phải mổ cấp cứu trong đêm. Thân hình chị mệt mỏi rã rời sau ca mổ. Chị kể về quá khứ đời mình, về những khó khăn chị đã vượt qua, nhất là nỗi khổ sở khi bác sĩ yêu cầu chị phá thai vì lý do sức khỏe, không đảm bảo cho việc mang thai lần hai. Chị đã không phá thai bởi là người Công Giáo. May mắn sao, lần ấy chị mang thai dù có khó khăn nhưng vẫn mẹ tròn con vuông. Từ ngày sinh bé ra, bao nhiêu là thử thách đến với chị. Hết mẹ, đến con đi bệnh viện thường xuyên. Chị nói với tôi: “Chúa luôn yêu thương chị dù đời sống của chị gặp nhiều khó khăn”.
Bận tâm…
Có khập khiễng quá không nếu so sánh hai thái độ của hai con người khác nhau trong cùng hoàn cảnh nhập viện? Chú bị cụt chân, phải chăng khổ cực hơn chị và đứa con bé bỏng? Hay dù gì chú cũng đã già, sớm muộn gì rồi cũng chết, trong khi người mẹ và đứa con còn có một tương lai đang chờ đợi phía trước nên âu người mẹ ấy khổ hơn?
Kasl Jasper viết rằng: “Trong sự đau khổ, yếu đuối, bất lực, ta sẽ thất vọng. Khi qua cơn thất vọng, ta lại quên mình và trượt chân vào trong chủ nghĩa khoái lạc. Người ta nhờ những kinh nghiệm như thế mà hiểu đời.” Gặp những đau khổ, con người mới thấy sự bất lực và giới hạn. Thế nhưng, những éo le từng trải, lại dễ dàng bị quên lãng trước những niềm vui của thế gian. Những thăng trầm trong cảm xúc của đời người ngắn ngủi sẽ trở nên những kinh nghiệm để có thể “hiểu đời” hơn. Đau khổ giúp con người thức tỉnh về mình!
Cảm nghiệm những đau khổ của hai bệnh nhân, tôi thấy mình hiểu thêm về cuộc đời. Trong đau khổ, người ta có thể bị đè bẹp. Đau khổ làm cho con người phải chán nản, ưu sầu nhưng cũng có thể làm cho con người sống có chiều sâu.
Tôi nhớ mối phúc trong Kinh Thánh: “Phúc cho ai đau khổ vì sẽ được Thiên Chúa ủi an”. Đau khổ sẽ là mối phúc vì được chính Đấng nhân lành ủi an. Tôi không biết Thiên Chúa sẽ ủi an hai người bệnh nhân mà tôi gặp thế nào. Đó là kinh nghiệm riêng của mỗi người. Lời của chị “Chúa luôn yêu thương…” khiến cho tôi hiểu được: càng trong đau khổ, càng kiên cường trong đức tin, càng nhận ra được chiều sâu tâm hồn của bản thân và càng nhận được ơn cứu rỗi.
Trong hoàn cảnh bi thương, những điểm tựa người ta thường đặt vào: công việc, sức khỏe, địa vị, các thú vui, các quan hệ trong xã hội, bộc lộ ra thành những ảo tưởng và hư vô, khơi gợi con người đến một cùng đích lâu dài và vĩnh cửu thật sự. Lạy Chúa, xin ủi an con.
Đức Thiện, SJ