Lập Trường Về Tôn Giáo Của Rudolf Carnap

carnapRudolf Carnap (1891 – 1970)

  • Dẫn nhập
  • Nguyên tắc kiểm chứng
  • Lập trường về tôn giáo của Rudolf Carnap
  • Nhận định cá nhân về lập trường tôn giáo của Rudolf Carnap
  • Kết Luận

Rudolf Carnap (1891-1970) là một triết gia người Đức và là một trong những nhân vật lãnh đạo nhóm Vienna Circle[1]. Carnap đã có những đóng góp quan trọng cho ngữ nghĩa học, triết học về khoa học, lý thuyết xác suất và logic quy nạp[2]. Lập trường về tôn giáo của Carnap được xây dựng trên nguyên tắc kiểm chứng của chủ nghĩa thực chứng logic. Để hiểu rõ lập trường của Carnap về tôn giáo và đưa ra một vài nhận định về lập trường ấy, trước tiên chúng ta không thể không tìm hiểu vài nét căn bản về nguyên tắc kiểm chứng.

1. Nguyên tắc kiểm chứng[3]

Các nhà thực chứng logic đã xây dựng nguyên tắc kiểm chứng để làm tiêu chuẩn cơ bản đánh giá ý nghĩa của một khái niệm hay một mệnh đề. Nếu một khái niệm hay mệnh đề đáp ứng các tiêu chuẩn này, nó được coi là có nghĩa. Ngược lại, nó sẽ được xem là vô nghĩa.

Cụ thể, đối với các khái niệm, người ta áp dụng tiêu chuẩn thường nghiệm[4]. Các khái niệm phải quy chiếu đến một thực tại có thể kinh nghiệm được mới được coi như có nghĩa. Còn đối với các mệnh đề, người ta phân biệt ba loại mệnh đề: phân tích, tổng hợp và “ảo”. Trong mệnh đề phân tích, chủ ngữ đã chứa hay bao hàm vị ngữ. Chúng không nói gì về thực thể như các công thức của luận lý học và toán học. Tính đúng hay sai của mệnh đề phân tích được kiểm chứng dựa trên việc phân tích cú pháp luận lý. Mệnh đề tổng hợp là những mệnh đề thuộc kinh nghiệm như các mệnh đề trong khoa học thường nghiệm. Tiêu chuẩn để kiểm chứng chúng là đúng hay sai được dựa trên kinh nghiệm giác quan. Còn những mệnh đề nào không thể được kiểm chứng bằng phân tích luận lý hay kinh nghiệm giác quan là mệnh đề “ảo”. Các mệnh đề “ảo” thì không có nghĩa nhận thức tức tính đúng sai; chúng chỉ có nghĩa cảm xúc.

2. Lập trường về tôn giáo của Carnap

a. Đức tin và trực giác tôn giáo không phải là tri thức

Carnap nhận xét rằng có hiện tượng đức tin và hiện tượng trực giác tôn giáo. Đức tin và trực giác tôn giáo không phải là tri thức (có tính đúng/sai) nhưng chỉ diễn tả một thái độ nhất định nào đó. Carnap lập luận rằng: theo nguyên tắc kiểm chứng, tri thức chỉ có thể hiện diện khi một nội dung được diễn tả hay được thông truyền bằng lời nói hay bằng những dấu hiệu khác. Vì tin không nhằm một điều gì diễn tả được bằng khái niệm, mà nhằm chỉ một thái độ bên trong của con người. Kết quả của thái độ đó không thể được gọi là tri thức. Người ta không thể nói đến vấn đề và giải đáp khi còn ở trong lãnh vực của cái không thể nói thành lời. Đối với thị kiến huyền nhiệm, không có tri thức nào xác nhận hay phủ nhận nội dung của nó và nó cũng không liên hệ đến tri thức nào đã được định nghĩa trước đó. Đối với Carnap, tri thức đích thực là tri thức khoa học. Do đó trực giác tôn giáo và đức tin tôn giáo không thể gọi là tri thức[5].

b. Thần học không có ý nghĩa

Theo nguyên tắc kiểm chứng, chỉ có những mệnh đề có ý nghĩa mới được phân chia ra thành những mệnh đề hữu ích hay vô ích, đúng hoặc sai về mặt lý thuyết. Các mệnh đề siêu hình xuất hiện có vẻ như thể chúng là những mệnh đề. Nhưng qua phân tích luận lý, chúng lộ ra là những mệnh đề vô nghĩa hay những mệnh đề ảo[6]. Thần học cũng chịu chung số phận với siêu hình học và trở thành vô nghĩa.

Carnap cho thấy từ “Thiên Chúa” trong tôn giáo không có ý nghĩa. Theo ý nghĩa huyền thoại, từ “Thiên Chúa” có ý nghĩa rõ ràng vì ám chỉ những hữu thể thể lý hoặc tâm linh xuất hiện cách nào đó trong các sự vật hay các diễn tiến của thế giới hữu hình và do đó có thể được ghi nhận bằng kinh nghiệm. Theo ý nghĩa siêu hình thì ngược lại, từ “Thiên Chúa” nhằm một điều gì đó vượt quá kinh nghiệm. Từ “Thiên Chúa” đã bị tước mất ý nghĩa về một hữu thể thể lý hay về một hữu thể tâm linh tiềm ẩn trong cái thể lý. Bởi vì không thể được kiểm chứng, nó trở thành vô nghĩa. Giữa ý nghĩa huyền thoại và ý nghĩa siêu hình là ý nghĩa thần học của từ “Thiên Chúa”. Nơi đây không có một ý nghĩa riêng biệt nào cả mà người ta nghiêng ngả giữa hai lối sử dụng nói trên. Do đó, từ “Thiên Chúa” hoặc là vô nghĩa[7], hoặc nếu có nghĩa thì chỉ ám chỉ đến những hữu thể tầm thường mà thôi.

c. Tôn giáo chỉ là lối diễn tả cảm xúc một cách nghèo nàn

Tôn giáo thực sự hàm chứa một điều gì đó nhưng không phải là một nội dung có tính chất lý thuyết. Các mệnh đề (ảo) trong tôn giáo không có tác dụng là trình bày sự vật, bất kể là sự vật hiện hữu (mệnh đề thật) hay là các sự vật phi hiện hữu (mệnh đề sai). Tác dụng của tôn giáo là diễn tả cảm giác sự sống. Còn các nhà thần học gia là những nhạc sỹ không có khiếu nhạc. Họ có nhu cầu diễn tả nghệ thuật nhưng lại thích làm việc trong môi trường tri thức. Họ lẫn lộn giữa hai lãnh vực nghệ thuật và khoa học. Họ tạo ra một sản phẩm đối với tri thức thì thật sự là vô giá trị mà đối với cảm xúc thì thật là nghèo nàn[8].

3. Nhận định cá nhân về lập trường tôn giáo của Carnap

a. Những điểm hạn chế

Lập trường về tôn giáo của Carnap được đặt nền trên nguyên tắc kiểm chứng. Những khiếm khuyết nơi nguyên tắc kiểm chứng tất yếu dẫn đến những hạn chế trong quan điểm về tôn giáo của ông. Khuyết điểm đầu tiên nơi nguyên tắc kiểm chứng nằm ở sự bất tương hợp giữa kinh nghiệm nội tại và thế giới[9]. Khiếm khuyết thứ hai nảy sinh khi việc kiểm chứng các định luật khoa học không hề dễ dàng.[10] Hơn nữa, khiếm khuyết lớn nhất hệ nơi sự tự bác bỏ chính mình của nguyên tắc kiểm chứng[11]. Khi dùng nguyên tắc kiểm chứng để xem xét tính đúng đắn của chính nguyên tắc kiểm chứng xét như một mệnh đề, người ta không thể kiểm chứng được ý nghĩa của nó. Xét theo nguyên tắc, nguyên tắc kiểm chứng cũng “vô nghĩa”. Do đó, có thể nói rằng, những lập luận về tôn giáo của Carnap khá hàm hồ vì không dựa trên cơ sở lý luận vững chắc.

Carnap đã hơi chủ quan khi xem ngôn ngữ khoa học như mẫu mực của ngôn ngữ. Ông đã gom các dạng ngôn ngữ khác như chỉ mang tính khơi gợi cảm xúc. Ông đã không nhận ra sự phức tạp và phong phú của ngôn ngữ.[12]

Hạn chế khác nơi Carnap là chối bỏ những giá trị lớn lao nơi tôn giáo và siêu hình học khi khẳng định tính hiệu quả toàn năng của khoa học. Trong khi đó, nhiều người nhìn nhận rằng những hệ thống siêu hình học trong quá khứ đã chứa đựng những cái nhìn quan trọng về thế giới và đã chứng minh được tầm ảnh hưởng của chúng. Friedrich Waismann nói rằng “nói siêu hình học vô nghĩa là một câu nói vô nghĩa”.[13] “Kinh nghiệm của con người không chỉ bị dừng lại ở những nhận thức giác tính và thực nghiệm; nó [có thể] đi đến một chân trời rộng lớn hơn của những [thực tại] phi vật chất và [thực tại] tinh thần”[14].

b. Những điểm tích cực

Carnap đã nhấn mạnh sự khác biệt giữa đức tin và tri thức thông thường dù ông chỉ xem đức tin mang nghĩa cảm xúc. Công Đồng Vatican I khẳng định rằng không thể dùng ánh sáng của lý trí tự nhiên để nhận biết Thiên Chúa một cách chắc chắn. Tuy nhiên, người ta rất có khả năng xóa nhòa khác biệt giữa “đức tin”, “tri thức” và “bằng chứng” khi người ta cố gắng thiết lập đức tin trên một cơ sở tối đa vững chắc. Thần học căn bản truyền thống đã tỏ ra quá dễ dãi với cái gọi là bằng chứng về Thiên Chúa. Người ta đã quên rằng những bằng chứng về Thiên Chúa bó buộc lý trí là một điều không có và không thể có bao giờ. Trong vấn đề Thiên Chúa, con người được đặt trong một thế tự do quyết định theo lương tâm.[15]

Qua việc tập trung phân tích logic ngôn ngữ, Carnap lưu ý những thần học gia trong việc sử dụng ngôn ngữ tôn giáo của họ. Sự tập trung vào ngôn ngữ tôn giáo không nhất thiết ám chỉ sự giảm khinh niềm tin tôn giáo. Việc đề cập đến những vấn đề “siêu việt” không đồng nghĩa với việc sử dụng những thuật ngữ hàm hồ hay những mệnh đề lủng củng. Người ta không thể thảo luận hữu hiệu về sự hiện hữu của Thiên Chúa trừ phi họ khá rõ họ đang nói về điều gì.[16]

Tuy không xem tôn giáo mang nghĩa nhận thức, Carnap vẫn nhìn nhận tâm tình tôn giáo. Ông không bài bác đả kích tôn giáo. Đối với ông, tôn giáo như một dạng nghệ thuật vốn diễn tả tâm trạng và thái độ ở một mức độ nào đó.

Kết luận

Bằng nguyên lý kiểm chứng của chủ nghĩa thực chứng logic, Carnap cho rằng tôn giáo là vô nghĩa hay cùng lắm thì chỉ mang tính gợi cảm xúc một cách nghèo nàn. Tuy nhiên, ông phê bình cách lối diễn tả tôn giáo hơn là tấn công đả kích tôn giáo. Carnap dường như đã mang quan điểm bất khả tri về sự hiện hữu của Thiên Chúa khi xem khoa học thực nghiệm là hình thức duy nhất của tri thức. Ông giải quyết vấn đề về sự hiện hữu của Thiên Chúa trong một sự từ chối tuyệt đối: không chỉ loại bỏ sự nhận thức thực thụ về Thiên Chúa mà còn từ chối mọi hình thức của tính có thể được nhận biết của Thiên Chúa.[17]

 

FX. Nguyễn Quang Tuấn

Học Viên Triết I

Học Viện Thánh Giuse – Dòng Tên Việt Nam

 

 

Tài liệu tham khảo

Baggini, Julian and Jeremy Stangroom, Great Thinkers A-Z, Continuum, London, 2005

Copleston, Frederick, A History of Philosophy: Logical Positivism and Existentialism, Continuum, 2003

Hill, Daniel J. and Randal Rauser, Christian Philosophy A-Z, Edinburg University Express, Edinburg, 2006

NGUYỄN Ngọc Hải, CsSr, Tổng Quát về Vô Thần

Stumpf, Samuel Enoch, Lịch sử Triết Học và các Luận Đề, NXB Lao Động, 2004

Taliaferro, Charles and Elsa J. Marty, A Dictionary of Philosophy of Religion, Continuum, London, 2010

WEGER, K.H., Religionskritik, Verlag Styria, Graz, Wien, Köln, 1991. Bản Việt ngữ: Phê bình tôn giáo qua các tác giả, tài liệu nội bộ

[1] Nhóm này được xem như đã khai sinh ra chủ nghĩa thực chứng logic (logical positivism). Có sự phân biệt giữa các nhà thực chứng logic với những nhà thực chứng theo Comte. Thật vậy, các nhà thực chứng logic phối hợp các kỹ thuật của khoa logic mới với thái độ thực nghiệm của Hume.

[2] Julian Baggini and Jeremy Stangroom, Great Thinkers A-Z, Continuum, London, 2005, tr. 57

[3] Samuel E. Stumpf, Lịch sử Triết Học và các Luận Đề, NXB Lao Động, 2004, tr.361-362

[4] K.H. Weger, Religionskritik, Verlag Styria, Graz, Wien, Köln, 1991. Bản Việt ngữ: Phê bình tôn giáo qua các tác giả, tài liệu nội bộ, tr. 237

[5] Ibid, tr. 238-239

[6] Ibid, tr. 240-241

[7] Ibid, tr. 241-242. Tuyên ngôn của nhóm Vienna Circle như sau: Nếu ai đó khẳng định rằng “có Thiên Chúa”, thì chúng ta không nói “những gì anh nói là sai”. Đúng hơn, chúng ta hỏi anh ta: “Anh có ý gì với phát biểu của anh”. Vì khẳng định này không thuộc loại phân tích (đúng bằng định nghĩa) và cũng không thể được kiểm tra bằng kinh nghiệm, nên nó vô nghĩa (xem Julian Baggini and Jeremy Stangroom, Great Thinkers A-Z, Continuum, London, 2005, tr. 57).

[8] Ibid, tr. 244

[9] Sự kiểm chứng được tạo bởi điều gì? Nếu trả lời là kinh nghiệm giác quan lại nảy sinh câu hỏi “kinh nghiệm của ai?” Có thể nào chuyển dịch kinh nghiệm nội tại của một người thành một phát biểu về một vật thể vật lý, hay ngược lại không? Kinh nghiệm mỗi người không ai giống ai, và mọi kinh nghiệm của họ đều khác với thế giới hiện thực khách quan. Nếu là như vậy, nguyên tắc kiểm chứng có giá trị gì không? (Xem Stumpf, op.cit., tr. 363)

[10] Nhận thức khoa học thường được diễn tả dưới dạng các định luật phổ quát. Làm sao có thể kiểm chứng một phát biểu tiên đoán? Kinh nghiệm hiện tại của tôi có thể nói cho tôi biết điều gì về tương lai không? Phát biểu “có một cây quýt trong vườn này” khác với phát biểu “khi một vật đang chuyển động mà không bị một lực bên ngoài tác động trên nó thì hướng chuyển động của nó sẽ không đổi” (Xem Ibid, tr. 363-364)

[11] Ibid, tr. 364. Tham khảo thêm Daniel J. Hill and Randal Rauser, Christian Philosophy A-Z, Edinburg University Express, Edinburg, 2006, tr. 149; hoặc Charles Taliaferro and Elsa J. Marty, A Dictionary of Philosophy of Religion, Continuum, London, 2010, tr. xv

[12] Xem thêm Lý thuyết về trò chơi ngôn ngữ của Wittgenstein. Theo Wittgenstein, có nhiều trò chơi khác nhau và không có trò chơi nào là đặc quyền ngoại trừ cho một mục đích cụ thể. Ví dụ chơi đá banh để tập thể dục, còn chơi cờ để giải trí. Một cách tương tự, chức năng mô tả không phải là ứng dụng duy nhất của ngôn ngữ. Ngôn ngữ khoa học quan trọng nhưng không làm nên khuôn mẫu ngoại trừ mục đích cụ thể trong đó nó đã được phát triển. Nếu chúng ta muốn biết ý nghĩa của từ “Thiên Chúa”, chúng ta phải suy xét về ứng dụng của nó trong ngôn ngữ tôn giáo. Nói rằng nó vô nghĩa bởi vì nó không phải là một thuật ngữ của khoa học thường nghiệm là giới hạn sự phong phú của trò chơi ngôn ngữ. Ý nghĩa là việc sử dụng. Ý nghĩa được quyết định bởi một chức năng của thuật ngữ trong trò chơi ngôn ngữ tương ứng (Xem Copleston, op.cit., tr. 7-8)

[13] Ibid, tr. 15

[14] Nguyễn Ngọc Hải, CsSr, Tổng Quát về Vô Thần, tr. 34

[15] Weger, op.cit., tr. 17

[16] Copleston, op.cit., tr. 20

[17] Nguyễn Ngọc Hải, op.cit., tr.33

Kiểm tra tương tự

Đất nước duy lý trước cơn đói khát thiêng liêng

Nhìn về một kiểu đa dạng khác cho Giáo hội hiệp hành và thần học …

Đạo làm người

Tác giả: Hoàng Sỹ Quý, SJ.   Ý thức luân lý Con vật chỉ phản …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *