Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót con!

ductin_1

Lời cầu nguyện này thường xuyên vang lên trong lòng, khi tôi chung sống với hơn một trăm anh em bị bệnh tâm thần trong vòng một tháng.

Nhóm chúng tôi ba người, đến với nhà thương tâm thần. Cảm nhận đầu tiên là “sợ một chút” vì anh em trong nhà thương này hầu hết là các thanh niên mạnh khỏe, đầu trọc, xăm mình khắp người. Chẳng mấy chốc, tôi hòa nhập được với các anh em, khi mọi người cùng đọc kinh, khi mọi người chào nhau, khi ăn cơm, khi lao động, khi đi ngủ.

Một em đi tới. “Con chào thầy, thầy thầy con có ngoan không?” – “Ừ! Chúc ngày mới vui nha!” Khi khác, tôi đi ngang qua chính em đó, em chỉ tay vào mặt tôi: “Thằng này, sao mày làm ngứa mắt tao…” Biết là em sắp lên cơn, tôi nói nhẹ và dẫn em vào khu phòng, khóa cửa lại, nói với em là chịu khó ở trong này chơi một lát, rồi thầy sẽ mở cửa. Em chấp nhận. Hết cơn, em lại vui vẻ chào hỏi nói chuyện với tôi như không có chuyện gì.

Tôi chào hỏi: “Chào anh, sao anh lại ở đây?” – “À, ở nhà không ai chịu nổi” – “Anh có bị bệnh gì khi ở nhà không?” – “Không, tôi không bị gì cả thầy ạ, tôi chỉ bị mất ngủ”. Đúng thế, hầu hết anh em ở đây đều “không thể ngủ”. Dù có thuốc an thần hỗ trợ, mà giờ ngủ trưa và giờ ngủ đêm, anh em vẫn nhộn nhịp ca hát như ban ngày, làm chúng tôi cũng “mất ngủ” theo.

Người khác: “Thầy ơi, con muốn đánh răng cho sạch” – “Tốt lắm, thầy cho con một cái bàn chải này!” Em nhận lấy, cất vào túi áo trong. Chỉ mấy phút sau, em quay lại: “Con mất bàn chải.” – “Sao mà mất!” – “Thằng kia ném đi rồi”.

Ở một góc, có mấy anh em cùng nhau xem tivi. Lát sau, họ cãi nhau, tranh nhau chuyển kênh. Có người xử lý đột ngột: một hòn gạch bay tới tivi. Bộp! Tivi vụt tắt, bốc khói. Có những giây phút căng thẳng như thế! Lúc ấy, các anh em khỏe nhất và “đang tỉnh” sẽ là sứ giả hòa bình.

Ngày nọ, tôi cùng một trong những anh chàng “tỉnh nhất” lắp ráp máy giặt cùng với các đường ống thoát nước. Vì có nhiều máy, nên làm cả buổi sáng mà chưa xong. Tôi nói: “Chiều em và anh làm tiếp cho xong nha!” – “Em không làm đâu thầy.” – “Có chuyện gì à?” – “Dạ, không có chuyện gì.” – “Anh bận à?” – “Không.” – Tôi vui vẻ kiên nhẫn: “Vậy là sao?” Anh giải thích với tôi: “Thưa thầy, em chỉ lên kế hoạch cho nửa ngày thôi. Chưa bao giờ em có kế hoạch làm cả ngày. Ngày trước, em sửa xe máy cũng thế. Sửa nửa ngày thôi.” – “Nếu chưa xong thì sao?” – “Không sao ạ.” Bắt được nhịp suy nghĩ của anh, tôi cười nhẹ: “À, thế bây giờ em với anh lên kế hoạch cho nửa ngày chiều nay nha!” – “Đồng ý, thưa thầy.” – “Tốt lắm, anh cứ ngủ trưa. Tới giờ em sẽ gọi”. Đầu giờ chiều, tôi gọi anh dậy, anh hỏi lại: “Có chuyện gì thầy?” – “À, chuyện lắp máy giặt ấy mà?” – “Có chuyện đó hả thầy?” – “Ừ, anh và em sáng nay lên kế hoạch rồi đó!” – Anh vui vẻ: “Ừ, đúng rồi, thầy nhắc em mới nhớ.” Thế là anh em cùng nhau đi làm.

Một em nhỏ mười mấy tuổi, có cái tật là hỏi nhiều, nhiều tới mức làm cho người nói chuyện “không chịu nổi”. Mỗi lần em hỏi, em lại đòi người nghe buộc phải trả lời. Em suốt ngày lẽo đẽo đi theo và hỏi. Khi “không chịu nổi”, chúng tôi đành “nhốt em” vào một căn phòng, để chúng tôi “rảnh rang” đôi chút mà quét dọn, chuẩn bị bữa ăn, chăm sóc sức khỏe cho người bị ghẻ, bị ốm bệnh…

Này cậu, cậu lười lắm, không chịu lao động cùng anh em. Hôm nay thầy phạt cậu ở trong nhà kho. Thế là anh chàng bị nhốt vào nhà kho, cửa khóa lại. Bữa sau, tôi hỏi: “Hôm qua bị phạt trong nhà kho thấy thế nào?” – “Thích lắm thầy. Em ngủ ngon lắm!” Tôi ngạc nhiên tròn mắt. Đúng là phạt không thành công.

Ngày lại ngày trôi qua, vất vả thật. Đêm về, ngủ giữa anh em, mỗi lần đứng lên đi “tuần tra” một vòng vì có những anh em không chịu ngủ mà đi đi lại lại, hút thuốc lá trộm; khi trở lại chỗ ngủ của mình, là tôi đã thấy anh em nào đó đang ngon giấc trên chỗ ngủ của mình rồi. Vui có, bực có, mệt có, và cảm nhận là lạ cũng có.  

Có một điều anh em bị thiệt thòi, là người ta không còn tin vào anh em nữa. Vì không phân biệt được lúc nào anh em tỉnh, lúc nào anh em “lên cơn”, nên người ta chọn giải pháp an toàn là không còn tin nữa.

Đi mua vật dụng cùng một anh. Đến cửa hàng mà anh quen thuộc, anh rất vui giới thiệu: “Chị ơi, tụi em có thầy ở Sài gòn về!” Chị làm ngơ như không có chuyện gì, mà đây là gia đình có đạo. Có lẽ chị không tin. Tôi cũng cảm nhận, mình “đồng số phận” với anh em khi đi cùng anh em. Đúng là, người ta thường đối xử với nhau qua vẻ bề ngoài thôi.

Khi khác, một chú bị bệnh cần đi bệnh viện, tôi đi chăm sóc chú. Bác sĩ hỏi tên chú, chú trả lời, nhưng bác sĩ và người ta không tin. Tôi biết, chú nói đúng tên mình, nhưng tôi cũng chẳng đôi co làm gì, chỉ thấy tội nghiệp chú. Vì mặc định do chú bị tâm thần, mà người ta không tin vào ngay cả việc chú nói tên của chính mình. Cảm nhận đầu tiên, khi nhận phòng bệnh, là một sự “xa lánh” nào đó của người xung quanh, với ngôn từ khá “gắt gỏng” của các nhân viên y tế. Hôm sau, biết tôi là “thiện nguyện viên”, người ta đổi thái độ sang thân thiện, vui tươi và cởi mở. Thế mới thấy, người ta vẫn muốn tin nhau, chỉ có điều là thiếu người khơi dậy lòng tin.

Nhà thương tâm thần, những người bị bỏ rơi… có lẽ là những khung trời mà con người muốn lãng quên, có lẽ là khung trời mà bình thường dù có muốn đón nhận thì không phải ai cũng có đủ sức mạnh và tình yêu. Thế nhưng, có lẽ những khung trời ấy lại nói lên nhiều sự thật về cuộc đời và về lòng người hơn là các khung trời mà người ta thường ngụy tạo nên.


Tình thương Chúa phủ khắp trời xanh.
Lòng thương xót của Ngài vượt ngàn mây thẳm.
Lạy Thầy Giêsu! Xin thương xót chúng con.

Vinhsơn Vũ Tứ Quyết, S.J.

Kiểm tra tương tự

Sứ điệp Hòa Bình 2025: Ba lời kêu gọi cụ thể của Đức Thánh Cha

  Theo truyền thống, Đức Thánh Cha đã ban sứ điệp cho ngày Hòa bình …

Gia đình trong Năm Thánh 2025 | Suy tư Tin Mừng Lễ Thánh Gia Thất

    Thánh sử Luca hôm nay (Lc 2,41-52) kể lại một sự kiện đặc …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *