Nét đẹp đời tu huynh

Thánh Anphongso Rodriguez – Bổn mạng tu huyn Dòng Tên (1531-1617)

“Ai trung tín trong việc rất nhỏ,

thì cũng trung tín trong việc lớn” (Lc 16,10).

 

Ngày mới chập chững bước chân vào tìm hiểu Dòng, tôi được biết Dòng mà mình đang tìm hiểu có hai bậc sống: Linh mục và Tu huynh. Linh mục thì tôi biết vì đã từng có cơ hội được tiếp xúc nhiều. Còn Tu huynh, họ là ai? Lần mò từng bước một, dần dà tôi đã hiểu được đó là bậc sống tu sĩ trọn đời không nhận chức thánh, nói nôm na là làm một ông thầy trọn đời chứ không nhận tác vụ Linh mục. Như thế là đã rõ.

 

Nhưng Linh mục và Tu huynh khác nhau chỗ nào? Thú thật bản thân tôi vẫn hay có cám dỗ là nhìn ơn gọi dâng hiến theo góc cạnh tâm lý bình thường của một con người. Vì vậy, khó tránh khỏi việc nhìn về bậc sống Tu huynh và những ai sống trong bậc sống ấy mang một dáng dấp gì đó buồn bã và tiêu cực. Ngay cả bố mẹ tôi khi nghe tôi tâm sự về đời sống Tu huynh, họ cũng hỏi rằng: “Tu mà không làm linh mục thì tu làm gì trời?” Đúng rồi, ai cũng thắc mắc mà không dám hỏi. Bởi lẽ trong cái nhìn bình thường thì đi tu để làm linh mục, để dâng Thánh Lễ, để ban các Bí Tích, để thi hành nhiều tác vụ mà người giáo dân bình thường không làm được. Còn thuần sống chỉ để làm một tu sĩ trọn đời thì thôi thà sống như một giáo dân còn hơn. Thực tế suy nghĩ của người ta là thế! Chỉ là họ không dám bày tỏ trực tiếp mà thôi.

 

Tuy nhiên, từng ngày sống trong Dòng, tôi được tiếp xúc với nhiều Tu huynh trong Dòng, quan điểm bình thường ấy của tôi đã đổi khác, tích cực hơn và lạc quan hơn rất nhiều. Chính các Tu huynh là những người đã cảm hóa tôi rất nhiều. Những cuộc chuyện trò với các vị vẫn cho tôi cảm giác bình an đến lạ thường, cái bình an toát ra nơi những con người ít khi màng tới danh vọng, mà chỉ chú tâm sống trọn vẹn đời sống tu sĩ của mình qua đời sống phục vụ và dấn thân trong Dòng và Giáo Hội mà thôi. Giờ đây, tôi có thể đưa ra những ý nghĩa của đời Tu huynh mà tôi cảm nghiệm được:

 

Thứ nhất, các vị là nhân chứng sống động cho thấy đời tu là nỗ lực sửa mình liên lỉ. Điều cần sửa lớn nhất nơi những người đi tu là chính ý hướng. Ngay từ suy xét của nhiều người như kể trên đã cho thấy ý hướng thông thường của một người, dù họ có là tu sĩ hay không, nghĩ thế nào về đời tu. Chính vì thế, chọn lựa một bậc sống suốt đời là một tu sĩ giữ các lời khấn và không nhận chức thánh phải là những quyết định trong tự do và hạnh phúc. Các tu huynh trong Dòng mà tôi từng tiếp xúc là những con người dám đối diện với những ý hướng tiêu cực, dám đứng lên nói cho mọi người nghe về niềm hạnh phúc trong bậc sống của họ. Sau những phân định trong cầu nguyện liên lỉ, họ dám cam đoan rằng việc chọn làm linh mục không là điều Chúa muốn nơi họ, xác tín rằng Chúa muốn họ là một “anh nuôi” cho anh em trong Dòng, là người đồng hành với anh em và tha nhân theo cách rất riêng của mình, là người sẵn sàng xông pha ra mọi chiến tuyến với anh em để hỗ trợ anh em hết mình. Như thế, phương tiện hỗ trợ cho sự nỗ lực sửa mình nơi họ chính là lòng quảng đại, hy sinh và cho đi mà không tính toán.

 

Thứ hai, các vị là những con người yêu thích đời sống âm thầm. Rất nhiều lần tôi đã thấy các thầy Tu huynh âm thầm phục vụ những việc lặt vặt cho cộng đoàn. Tôi cũng tận mắt chứng kiến các thầy dấn thân cách triển nở trong lĩnh vực tri thức, truyền thông, truyền giáo, y tế, xây dựng, kiến trúc. Đàng sau những kết quả tốt đẹp mà bao nhiêu người nhìn thấy là những thành quả từ sự góp công của các thầy. Họ chỉ muốn đứng lặng thầm sau mọi thành quả để tạ ơn Chúa vì đã giúp mình, vốn là những con người tài hèn sức mọn, có thể hoàn tất sứ mạng được giao phó. Sau mọi ồn ào và náo nhiệt, các thầy lại trở lại là những con người trung thành phục vụ. Các thầy muốn nói với mọi người biết rằng: “Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn” (Lc 16,10), như Chúa Giê-su có lần nói: “Khá lắm, hỡi người đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!” (Mt 25,21). Còn niềm hạnh phúc nào cho bằng một người đầy tớ có được lòng tin của chủ đặt nơi mình, đồng thời cũng nhận được niềm tin của anh em cùng lý tưởng với mình nữa.

 

Thứ ba, như một vườn hoa có nhiều sắc hoa và hương hoa khác nhau, các Tu huynh đã góp phần tỏa sắc và hương rất đặc biệt. Sắc hương ấy không tỏa lan theo kiểu cố tình tạo điểm nhấn để làm nổi bật chính mình, nhưng là “hữu xạ tự nhiên hương” vì hương sắc ấy khởi phát đi từ tấm lòng chân thành và quảng đại. Khi hiểu hơn về bậc sống Tu huynh, tôi càng yêu mến những người ông, người chú, người anh em trong Dòng đã chọn bậc sống ấy. Họ không xem thường hương sắc mà Thiên Chúa trao ban theo kiểu lánh xa thế gian, nhưng lại cực kỳ quý trọng hương sắc ấy bằng lối sống hết mình và đằm mình cuộc sống thực tại, để sống chan hòa với hết mọi người, để đưa nhiều linh hồn về với Chúa. Hương và sắc qua những cảm nhận giác quan chỉ là những điều thoảng qua, nhưng cái cố hữu vĩnh viễn là chính Ân Sủng và Tình Yêu mà Thiên Chúa trao bao. Ý thức được điều ấy, các thầy càng sống hết mình hơn nữa.

 

Có một lời kinh mà bất kể thành viên nào trong Dòng cũng thuộc và cũng đọc, nhưng có lẽ các Tu huynh sẽ cảm nghiệm lời kinh ấy theo một kinh nghiệm đặc biệt nào đó:

“Lạy Chúa, xin nhận lấy

trọn cả tự do, trí nhớ, trí hiểu

và trọn cả ý muốn của con.

Mọi sự ấy Chúa đã ban cho con.

Lạy Chúa,

Con xin dâng lại Chúa hết thảy.

Tất cả là của Chúa.

Chỉ xin ban cho con

lòng mến Chúa và ân sủng Chúa,

Vì được như thế là đủ cho con. Amen”

 

Đọc qua tiểu sử các Thánh và các Chân phước trong Dòng, tôi quý trọng mẫu gương của các vị Tu huynh đã âm thầm đóng góp cho Dòng, cho Giáo Hội và Xã Hội những gì rất nhỏ bé của mình. Ngẫm về hiện tại, tôi càng trân quý các Tu huynh mà tôi đang sống cùng hơn nữa. Xin chúc các Tu huynh luôn mãi sống triển nở, bình an trong ơn gọi đặc biệt này. Nguyện xin Chúa luôn đồng hành cùng các thầy trong mọi ngày sống.

 

Silicat

Kiểm tra tương tự

Chúa Giêsu bị chế nhạo – Kỳ cuối: Kẻ phạm thượng và cái kết

Cái chết của Đức Giêsu không nằm ngoài ý định của Thiên Chúa và cũng …

Bức tượng cổ: giai thoại và tên gọi

Trong nhà thờ Neumünster ở thành phố Würzburg thuộc miền Bavaria, Nam Đức, có một …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *