Lễ Đức Mẹ Lên Trời

 LỄ ĐỨC MẸ LÊN TRỜI

Trong Thánh Lễ Trọng hôm nay, chúng ta được mời gọi ra khỏi mình, ra khỏi những bận tâm, đôi khi rất nặng nề của cuộc sống, để chiêm ngưỡng và ca mừng Đức Maria, Mẹ của chúng ta, được Thiên Chúa ban đặc ân Hồn Xác Lên Trời.

Thật ra, chúng ta vẫn ca mừng Đức Mẹ, khi đọc kinh Kính Mừng. “Kính Mừng” có nghĩa là chúng ta ca mừng Đức Mẹ một cách kính cẩn: “Kinh Mừng Maria, đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng bà, bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giê-su con lòng bà gồm phúc lạ”. Trong kinh Kính Mừng, chúng ta ca mừng Đức Mẹ trước, rồi sau đó mới xin ơn: “Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con…”. Chính thái độ ca mừng Đức Mẹ sẽ chuẩn bị cho chúng ta đón nhận những ơn huệ mà Mẹ sẽ chia sẻ cho chúng ta, và cũng chính thái độ ca mừng này sẽ giải thoát chúng ta khỏi thái độ ngược lại là ghen tị gây chết chóc, đó là không vui khi thấy người khác may mắn hơn mình, được hưởng nhiều ơn hơn mình.

Chúng ta cùng cầu nguyện đặc biệt cho mọi người mang tên thánh là Maria, nhất là những người nhận lễ Đức Mẹ Lên Trời làm ngày lễ Bổn Mạng.

Thánh Lễ Vọng

14/8/2011

Bn 15, 3-4.15-16; 16, 1-2; 1Cr 15, 54b-57;
Lc 11, 27-28

1. « Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm »

– Như chúng ta vừa nghe trong bài Tin Mừng, khi Đức Giê-su đang giảng dạy, thì giữa đám đông có một người phụ nữ lên tiếng thưa với Người : « Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm ». Trong cuộc sống, chúng ta vẫn thường nghe được những lời khen tặng bố mẹ tương tự, khi thấy một người con vừa ngoan vừa giỏi. Tất cả chúng ta đều sinh ra từ bố mẹ, ước gì cách sống của chúng ta khiến người khác phải khen tặng bố mẹ của chúng ta. Và cách sống tốt nhất là cách sống phát xuất từ lòng biết ơn, giống như cách sống của chính ĐGS: cả cuộc đời của Ngài là lời tạ ơn Chúa Cha; vì thế bí tích Thánh Thể mà Ngài đã thiết lập và chúng ta cử hành mỗi ngày, còn được gọi là bí tích Tạ Ơn.

– Lời khen tặng rất đỗi đời thường của người phụ nữ, nhưng lại chất chứa cả một mầu nhiệm lớn lao. Đó là qua ơn huệ được cưu mang ĐGS và cho Ngài bú mớm, Đức Mẹ sẽ mãi mãi gắn bó với ĐGS, cả ở dưới đất lẫn ở trên trời. Giáo Hội xác tín rằng, nếu ĐGS đã phục sinh và lên trời, thì Đức Maria cũng lên trời cùng với ĐGS, con của Mẹ.

– Sự hiệp thông ân sủng giữa Mẹ và Con, và giữa Con và Mẹ, làm cho chúng ta được an ủi và hi vọng rất nhiều. Chúng ta hãy nhớ lại trong TM có trường hợp, vì thương người Mẹ mà Chúa cứu người con; và hôm nay khi Chúa cho Đức Maria hồn xác lên trời, chúng ta cũng xác tín rằng, vì thương người con, Chúa cũng sẽ cứu người mẹ. Như thế, Chúa cũng yêu thương, những người chúng ta thương yêu. Chính vì vậy mà chúng ta được mời gọi luôn cầu nguyện cho nhau, cho những người còn sống, cũng như cho những người đã qua đời. Và, vì tất cả chúng ta đều có Đức Maria là Mẹ, chúng ta xác tín rằng, Mẹ Maria thương và chia sẻ ân phúc của Mẹ cho chúng ta. Và quả thực, như kinh nghiệm đức tin cho thấy, Mẹ vẫn luôn gần gũi và chia sẻ ân huệ cho chúng ta.

2. Tín Điều Đức Mẹ Hồn Xác lên trời

– Và chính sự hiệp thông ân sủng giữa ĐGS và Mẹ Maria đã làm cho GH nhận biết và tuyên xưng ơn huệ hồn xác lên trời của Đức Mẹ. Thật vậy, vào năm 1950, được cổ vũ bởi rất nhiều thỉnh nguyện, Đức GH Piô XII tuyên bố trong tông hiến Thiên Chúa Vô Cùng Đại Lượng (Munificentissimus Deus) rằng: “Kết thúc cuộc đời dương thế, Mẹ Thiên Chúa Vô Nhiễm Nguyên Tội, là Đức Maria Đồng Trinh, đã được nâng lên hưởng vinh quang thiên quốc cả hồn lẫn xác.”

– Để đi đến một kết luận long trọng như vậy, Đức Piô XII đã dựa vào truyền thống cổ xưa của Giáo Hội, có ít nhất từ thế kỷ V, về ngày lễ “An Giấc” (Dormitio) hoặc “Được Nâng Lên” (Assumptio) của Đức Mẹ. Cũng theo Tông Hiến của Đức Piô XII, tất cả những suy tư của các Giáo Phụ về niềm tin “Đức Mẹ An Giấc” hoặc “Đức Mẹ Được Nâng Lên” đều lấy ngôi vị của Đức Giê-su, Con TC làm nền tảng. Chúng ta hãy nghe lại câu nói này của Đức GH Pi-ô XII: Mẹ hết sức gắn bó với Con mình, người con mang thần tính, và Mẹ luôn thông phần vào vận mệnh của Con Người Ấy.”

– Qua Tông Hiến của Đức Piô XII, chúng ta có thể nhận ra rằng toàn bộ hành trình của Đức Mẹ, và đặc biệt là hành trình “Lên Trời” mà chúng ta cử hành trọng thể hôm nay, đều đặt nền tảng tối hậu trên sự kết hợp với hành trình của Đức Giêsu-Kitô (x. 1Cr 15, 20-26). Thực vậy, thân xác đã cưu mang Đức Kitô thì không thể bị bỏ mặc cho bị hư nát; và Đấng đã liên kết rất mật thiết với Đức Kitô không thể bị lìa xa khỏi Ngài trong chiến thắng sau cùng. Có một kết luận rất quan trọng cho chúng ta, đó là, sự kết hợp huyền nhiệm và bất khả phân của Đức Mẹ với Đức Giêsu-Kitô cũng phải là tiêu chuẩn cho lòng sùng kính của chúng ta đối với Đức Mẹ.

 

3. “Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời TC”

– « Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm ». Nhưng khi nghe mối phúc này, ĐGS đáp lại: “Đúng hơn phải nói rằng: “Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời TC”. Nhưng người lắng nghe và tuân giữ lời TC một cách hoàn hảo, lại cũng chính là Đức Maria, Mẹ của chúng ta. Như vậy, Mẹ Maria có tới hai mối phúc: Phúc, vì Mẹ đã cưu mang ĐGS; và phúc, vì Mẹ đã luôn lắng nghe và tuân giữ Lời TC.

– Nếu mối phúc thứ nhất Mẹ là người duy nhất được hưởng, và Mẹ không thể chia sẻ cho chúng ta, Mẹ chỉ chia sẻ hoa trái là ĐKT, “Con lòng Mẹ được chúc phúc”, thì mối phúc thứ hai của Mẹ, đó là phúc cho những ai lắng nghe và tuân giữ lời TC, Mẹ có thể chia sẻ cho chúng ta cách trọn vẹn. Quả thực, nếu chúng ta cũng lắng nghe và tuân giữa Lời TC, chúng ta sẽ trở thành người thân của ĐGS, người con của Mẹ, và do đó, chúng ta trở thành người thân của nhau không phân biệt gia đình hay dân tộc, như chính ĐGS đã nói: “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 8, 21)

Thánh Lễ Chính Ngày

15/08/2011

 

Lc 1, 39-56

Đức Maria, trong lời tán tụng TC « Magnificat » bất hủ, mà GH mời gọi chúng ta nhận làm của mình mỗi ngày trong Giờ Kinh Chiều, đã tuyên xưng: “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả”. Trong năm Phụng Vụ, chúng ta mừng kính nhiều “điều cao cả” mà Thiên Chúa đã thực hiện cho Đức Mẹ, và chắc chắn ơn huệ“Lên Trời”, mà chúng ta tôn vinh trong ngày lễ hôm nay, là điều cao cả nhất và cũng là điều nhiệm mầu nhất, mà TC đã ban cho Đức Mẹ.

Tuy nhiên, bài TM của ngày lễ hôm nay lại mời gọi chúng ta chiêm ngắm ơn huệ cao cả Lên Trời của Mẹ, Mẹ của chúng ta, như là một cuộc hành trình về với TC, ngang qua con đường đi đến với người khác. Nếu cách thức Mẹ đi đến với TC, ngang qua ơn huệ Lên Trời là duy nhất, thì con đường Mẹ đã đi qua và được kể lại trong bài TM thì thật là nhân tính, thật là gần gũi với chúng ta.

Chúng ta hãy xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa, đồng hành và dạy dỗ chúng ta, để chúng ta:

  • Biết đón nhận Lời Chúa vào cung lòng và vào cuộc đời chúng ta; và đem Lời Chúa đến, không phải cho ai xa xôi, nhưng đến với người chị em của mình.
  • Biết chào hỏi và gặp gỡ người chị em, theo cách của Mẹ, nghĩa là làm cho người chị em vui mừng và thốt lên lời ca tụng Chúa, như bàElizabeth.
  • Và sau cùng, xin cho chúng ta có cùng một kinh nghiệm sâu đậm về TC như Đức Mẹ, như mẹ tuyên xưng trong lời ca tụng bất hủ Magnificat:

Đấng toàn năng đã làm cho tôi
Biết bao điều cao cả
Danh Người thật chí thánh chí tôn

1. Nhìn ngắm Mẹ Elizabet và Mẹ Maria, diện đối diện (c. 39-45)

Kinh nghiệm sống của chúng ta, sẽ giúp chúng ta hình dung khung cảnh của cuộc gặp gỡ giữa hai chị em. Nghe biết chịElizabeth, vừa hiếm muộn vừa đã có tuổi, nhưng lại có thai, Đức Maria liền vội vã lên đường đi thăm hỏi và giúp đỡ bà chị của mình. Em đi giúp chị sắp sinh con là điều vẫn còn xẩy ra trong đời thường của chúng ta, nhất là với những cuộc sinh ra đặc biệt. Và chính trong sự việc rất nhỏ bé của đời thường này mà Ân Huệ và Lòng Thương Xót của Thiên Chúa được nhìn nhận và tuyên xưng.

Tư thế diện đối diện, có thể làm chúng ta nghĩ đến cách sắp xếp vị trí của các đan sĩ khi hát kinh, đó chính là trung tâm mà từ đó lời ca tụng được khai sinh. Hay như chính nhóm tĩnh tâm của chúng ta. Bởi lẽ, lời ca tụng là một sự hiệp thông. Chúng ta không thể ca tụng Chúa, nếu không hiệp thông với nhau.

Cuộc gặp gỡ có nhiều người hơn chúng ta tưởng (lời của bàElizabethsẽ nói rõ cho chúng ta trong cuộc gặp này thực sự có bao nhiêu người), vì Bà Elizabeth vừa nghe Đức Maria chào hỏi, đứa con trong bụng bà nhảy lên ! Như thế, cùng với mẹ, em bé cũng đã nghe được (điều này y học ngày nay đã chứng thực), nhưng nghe được tiếng của ai ? Tiếng chào của « Dì Maria ». Nhưng với ơn gọi đang chờ đợi mình là « Người đi trước mặt Chúa » (1, 17), em bé Gioan như đã nghe được tiếng của em bé Giêsu (nói theo tương quan họ hàng là em Giêsu của mình) ngang qua tiếng của « Dì Maria ». Vì khi còn trong bụng mẹ, một cách nào đó, tiếng của mẹ là tiếng của con. Và đó chính là trường hợp của bé Gioan : em đã nhảy lên trong bụng mẹ, chắc chắc là vì Mẹ của em cũng đã rạo rực trong lòng khi nghe tiếng chào của Mẹ Maria. Bằng chứng là, Mẹ Elizabeth được tràn đầy Thánh Thần và kêu lớn tiếng.

Như thế, ở bên trong cuộc gặp gỡ giữa hai người mẹ, ẩn dấu một cuộc gặp gỡ khác nhiệm mầu và vô hình, nhưng rất hiện thực và sống động (vì Gioan hẳn đã làm mẹ nhói đau, nhưng là cái đau của hạnh phúc !) giữa hai người con ; và cả hai đều là ơn huệ tuyệt đối của Thiên Chúa. Sau này, theo các Tin Mừng kể lại, họ sẽ gặp nhau công khai tại sông Giođan, nhưng họ đã gặp nhau từ trước rất lâu qua cuộc gặp gỡ rất đỗi bình thường của hai người mẹ.

Trong cuộc sống, những cuộc gặp gỡ của chúng ta với người khác ban đầu tưởng chừng như tình cờ hay vô nghĩa, nhưng lại ẩn chứa một hay thậm chí nhiều cuộc gặp gỡ « nhiệm mầu » khác, và mang lại những hoa trái làm nên cuộc đời chúng ta, mà sau này chúng ta mới biết. Khi « về quê », nhất là vào những dịp đặc biệt, chúng ta sẽ nhớ lại một cách tự nhiên những kỉ niệm xưa, những « cố nhân », những cuộc gặp gỡ làm nên con người chúng ta hôm nay. Vì thế, chúng ta có thể tin rằng những cuộc gặp gỡ đang chờ chúng ta ở phía trước cũng sẽ chất chứa biết bao hoa trái trong kế hoạch nhiệm mầu của Thiên Chúa, mà chúng ta không sao lường được.

2. Lắng nghe Mẹ Elizabeth

Lời của Mẹ Elizabeth mở đầu và kết thúc đều bằng lời tuyên xưng ân phúc của Mẹ Maria : phúc được Thiên Chúa ban nhưng không cho cả hai Mẹ Con ; phúc vì Mẹ Maria đáp lại bằng lòng tin vào Lời Thiên Chúa. Lời này làm chúng ta nhớ lại biến cố Truyền Tin, ở đó chúng ta nhận ra rằng lòng tin của Mẹ Maria thật là tuyệt đối, bởi vì Thiên Chúa đã thực hiện nơi Mẹ một hành động tuyệt đối ; lòng tin của Mẹ là tuyệt đối, còn là vì Mẹ đã đón nhận trước cách triệt để cả một hành trình dài đằng đẵng và đầy bất trắc phía trước.

Ở giữa câu nói, Mẹ Elizabeth nói về mình : « Bởi đâu tôi được… ; này tai tôi… », nhưng hoàn toàn như người đón nhận : đón nhận với sự khiêm tốn cuộc viếng thăm của « em Maria », đón nhận với tất cả « tấm lòng » lời chào hẳn là rất đỗi bình thường và đơn sơ của cô em, và sau cùng là đón nhận hiệu quả của lời chào (vì mẹ đâu có làm chủ được chuyện con nó giẫy trong bụng). Chúng ta có thể tự hỏi, làm sao lời chào của Mẹ Maria mang lại hiệu quả kì diệu như thế, lại « đánh động » người nghe sâu xa như thế ? Hằng ngày và nhất là trong dịp lễ lớn, chúng ta cũng sẽ chào hỏi rất nhiều và cũng nhận được rất nhiều lời chào hỏi. Làm sao để lời chào của chúng ta đánh động người nghe, như lời chào của Đức Mẹ ?

Như thế, lời của Mẹ Elizabeth hoàn toàn hướng về em của mình và Ân Huệ Chúa ban nhưng không cho em. Tương tự như chính Mẹ Maria, Mẹ đã hoàn toàn hướng về chịElizabethtrong cuộc hành trình « thăm viếng » (thực tế là hơn cả thăm viếng !). Ra khỏi mình để nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban cho người khác, đó chính là hiệp thông và ca tụng , vốn là ơn gọi của con người. Thái độ ngược lại là đóng kín và ghen tị.

Lời của Mẹ Elizabeth thật là đẹp, đẹp cả về hình thức lẫn nội dung, chính vì thế mà lời này trở thành một phần lời « Kính Mừng » vang lên liên lỉ và bất tận của chúng ta ; và nhất là với « Sự Vui Thứ Hai », chúng ta được mời gọi thực hiện cùng một hành trình của Đức Mẹ, đó là ra khỏi mình để hướng về Ân Huệ tuyệt đỉnh Thiên Chúa ban cho Mẹ cách nhưng không, hướng về ân huệ Thiên Chúa ban cho anh chị em, bà con của mình. Cảm nhận như thế khi đọc lời kinh « Kính Mừng », chính là cách tốt nhất để chuẩn bị mình đón nhận sự chia sẻ cùng một Ân Huệ của Mẹ, Ân Huệ Giêsu Kitô.

 3. Thiên Chúa Đấng Cứu Độ Tôi

Mẹ Elizabet ca tụng Mẹ Maria bằng lời chúc mừng: Phúc cho người phụ nữ đã tin! (Lc 1, 45) Đức Maria dâng lời tạ ơn và ca tụng cùng với tất cả những người sẽ thụ hưởng điều Mẹ đã lãnh nhận. Trong trình thuật này của Luca, chúng ta chứng kiến biến cố khai sinh của bài ca tán tụng bất hủ Magnificat. Bài ca diễn tả cả một kinh nghiệm vừa sâu vừa rộng về Thiên Chúa của Đức Mẹ. Và mỗi khi chúng ta đặt mình vào chủ thể « Tôi » của bài ca, chúng ta được mời gọi thực hiện cùng một kinh nghiệm về Thiên Chúa như Mẹ.

Kinh nghiệm Thiên Chúa của Đức Mẹ, trước hết, đó là kinh nghiệm : Thiên Chúa là Đấng cứu độ, và tiên vàn không phải Thiên Chúa, Đấng cứu độ loài người, nhưng là Thiên Chúa, « Đấng cứu độ của tôi ». Kinh nghiệm này làm cho con tim của Đức Mẹ thực sự « bừng cháy » và thốt lên lời ngợi khen Thiên Chúa, là Đức Chúa của mình.

Tĩnh từ sở hữu « của tôi », hay « của con » thật nhỏ bé và đơn sơ nhưng dấu ẩn cả một bí mật, một tương quan rất thiết thân. « Của tôi », « của con », « của bố », « của mẹ », « của anh », « của chị », « của em »… Khi nghe hay nói những từ này, lòng chúng ta hẳn đã xao động, bởi vì đó là ngôn ngữ của tình yêu. Thánh Inhã, trong các bản văn, khi nói tới Đức Kitô hay Thiên Chúa, ngài luôn thêm tĩnh từ sở hữu « của chúng ta » (x. Linh Thao 23 ; 158).

Ngoài ra, tĩnh từ sở hữu « của con » còn mang một vẻ nổi bật đặc biệt trong bối cảnh Kinh Thánh, bởi vì nó thuộc về ngôn ngữ của giao ước: Ta sẽ là Thiên Chúa của các ngươi và các ngươi sẽ là dân của ta. Qua lời giao ước, hai bên cam kết sẽ thuộc về nhau mãi mãi. Và tương quan thuộc về này của giao ước hoàn toàn không xa lạ với chúng ta. Thực vậy, qua phép rửa, « Thiên Chúa trở thành Thiên Chúa của con ; và con, con trở thành con của Thiên Chúa ». Tương quan giao ước này là nền tảng cho mọi tương quan giao ước khác, được diễn tả qua lời cam kết hôn nhân, lời cam kết chức thánh, lời tuyên khấn, lời tuyên hứa…

« Thiên Chúa là Đấng cứu độ », lời tuyên xưng này, đối với chúng ta trong thực tế, có thể đã trở thành một chân lí khách quan, thậm chí một công thức, vì thế không thực sự liên quan đến cuộc đời cụ thể và như nó là của mỗi người chúng ta, không diễn tả một kinh nghiệm thiết thân, không mang lại niềm vui ca tụng ; « Thiên Chúa là Đấng cứu độ », nhưng Ngài chưa thực sự là « Đấng cứu độ của con ». Kinh nghiệm của Đức Mẹ về những gì Thiên Chúa đã làm cho mình, sẽ giúp chúng ta vượt qua khó khăn này để đi vào tương quan « thuộc về nhau » với Thiên Chúa.

 4. “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi…” (c. 48-49)

Trong tương quan thiết thân với Thiên Chúa, Mẹ Maria tự nhận mình là « nữ tì hèn mọn », và chắc chắn Mẹ luôn nhận mình là như thế, bởi lẽ trước đó trong biến cố Truyền Tin, Mẹ đã nói về mình : « Tôi đây là nữ tì của Đức Chúa » (Lc 1, 38). Vì thế, chúng ta nên từ bỏ não trạng thời Trung Cổ là thích gom góp mọi thứ tước hiệu mô tả sự vĩ đại và vẻ đẹp của Mẹ. Chúng ta hãy tôn trọng tước hiệu mà Mẹ tự nhận cho mình. Như thế, không còn là những đặc ân « ngoại thường » lôi kéo sự chú ý của chúng ta nữa, nhưng là Đức Trinh Nữ của Israel, « nữ tì hèn mọn của Đức Chúa », đại diện cho những người nghèo của Đức Chúa, đã sống một cuộc đời bình thường và đã tự xóa mình đi trước sứ mạng của Con Mình, để rồi lại xuất hiện trong giờ thử thách của Thập Giá. Chúng ta được mời gọi dõi theo một Đức Maria như thế.

Khởi từ thân phận « nữ tì hèn mọn », Đức Maria tuyên xưng : « Đấng toàn năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả ». Mẹ hèn mọn nhưng lại được Chúa làm những điều lớn lao. Như thế, sự lớn lao của Mẹ hoàn toàn đến từ Thiên Chúa. Lời tuyên xưng này là tâm điểm của bài ca Magnificat, bởi vì những gì Mẹ nói ở đầu chính là để dẫn đến kinh nghiệm thiết thân này, và từ kinh nghiệm thiết thân này, Mẹ nhận ra hành động của Thiên Chúa nơi nhân loại và nơi dân tộc của Mẹ.

Những gì Thiên Chúa đã làm cho Mẹ, không trừu tượng chút nào, vì « Lời Chúa » đụng chạm đến thân xác, tâm hồn và cả cuộc đời của Mẹ. « Lời Chúa » chạm đến con người của Mẹ, hình thành nơi cung lòng của Mẹ, sinh ra và lớn lên trong cuộc đời của Mẹ, đồng hành với Mẹ cho đến tận cùng, và cuối cùng mãi mãi trở nên một với Mẹ. Nơi Mẹ, « Lời Chúa là hạt giống nhỏ, hứa hẹn cả mùa gặt bao la »[1] ; nơi Mẹ, Lời Chúa trở nên hiện hữu ở mức độ cô đọng nhất, nghĩa là ở mức độ « Ngôi Lời Thiên Chúa ».

Ngay lúc này Đức Mẹ đã cảm nhận được lời chúc khen của mọi thế hệ dành cho Mẹ, trong đó có lời chúc khen của thế hệ chúng ta hôm nay. Về phần Mẹ, luôn với cung cách của một « nữ tì », Mẹ chúc khen Thiên Chúa : « Danh Người thật chí thánh chí tôn », bởi vì tất cả tất cả những gì Thiên Chúa làm cho Mẹ là do lòng đoái thương hoàn toàn nhưng không.

 5. “Chúa hằng thương xót” (c. 50-56)

Khởi đi từ kinh nghiệm bản thân, về những gì Thiên Chúa làm cho mình, Đức Mẹ trong bài ca Magnificat khám phá ra cách hoạt động của Thiên Chúa trong lịch sử con người và nhất là trong dân tộc mình : như Thiên Chúa đã đoái nhìn đến phận nữ tì của Mẹ, Thiên Chúa cũng bày tỏ lòng thương xót với

  • những ai kính sợ Người,
  • những người khiêm nhường,
  • những người đói nghèo.

Và Đức Mẹ cảm nhận Thiên Chúa tỏ bày lòng thương xót một cách duy nhất và đặc biệt với Israel, tôi tớ đau khổ của Thiên Chúa, không phải vì Israel « đạo đức thánh thiện » nên Chúa trả công, nhưng bởi vì Ngài nhớ lại lời hứa thủy chung đến muôn đời của Ngài ngay từ buổi khởi đầu. Tuy nhiên, lời của Mẹ cũng thật mạnh mẽ, nếu không muốn nói là dữ dội, khi diễn tả cung cách của Thiên Chúa đối với

  • phường lòng trí kiêu căng,
  • những ai quyền thế,
  • những người giàu có.

Vì đó là những lựa chọn ngẫu tượng, nghĩa là lựa chọn hư vô : ngẫu tượng dang vọng, ngẫu tượng quyền bính, ngẫu tượng vật chất. Những Lời này của Mẹ hôm nay, một ngày kia sẽ trở thành lời của chính Đức Giêsu, Con của Mẹ, trở thành chính cung cách hành xử của Ngài ngang qua Thập Giá, để giải phóng con người khỏi mọi thứ ngẫu tượng bằng cách bắt chúng phải lộ diện, và đồng thời bày tỏ khuôn mặt đích thật của Thiên Chúa cho con người.

*  *  *

Mỗi khi đọc hay hát bài ca Magnificat của Mẹ Maria, chúng ta được mời gọi nhận lời của Mẹ làm của mình, nếu không lời của chúng sẽ chỉ là giả tạo. Nhận lời của Mẹ làm của mình, điều này có nghĩa là kinh nghiệm Thiên Chúa thực sự là « Đấng cứu độ của tôi », bằng cách nhận ra những gì Thiên Chúa đã làm cho mình. Đúng là chúng ta không được ban những ơn cao cả như Đức Mẹ, nhưng chúng ta được thụ hưởng, được chia sẻ những gì Mẹ đã lãnh nhận từ Thiên Chúa. Và chỉ khởi đi từ kinh nghiệm thiết thân về Thiên Chúa, mà chúng ta mới có thể nhận ra lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho người khác, trong cộng đoàn, gia đình, lối xóm, giáo xứ, công sở, … và dân tộc Việt Nam.

Cuối cùng, chính khi chúng ta có cùng một kinh nghiệm về Thiên Chúa, cả cuộc đời của chúng ta sẽ trở thành bài ca Magnificat, tán tụng Thiên Chúa, như cuộc đời của Mẹ Maria, « Nữ Tì Hèn Mọn » của Đức Chúa.

Giuse Nguyễn Văn Lộc


[1] Bài hát về Lời Chúa  “Comme un souffle fragile” (Như Hơi Thở Mong Manh), của Pierre Jacob.

Kiểm tra tương tự

Đại kết và hòa giải dân tộc

    Trong sắc lệnh mới nhất về Năm Thánh 2025, Hy vọng không làm …

Đức Thánh Cha Phanxicô: Hy vọng là biết vui cười

“Hy vọng” – Cuốn tự truyện dày 400 trang của Đức Thánh Cha Phanxicô, được …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *