Phản Ứng
Với thánh I-Nhã, việc nhìn ngắm phản ứng của các nhân vật trong câu chuyện Kinh Thánh sẽ giúp ta thấy chính mình nhiều hơn. Trong câu chuyện ngày hôm nay, mời bạn nhìn ngắm phản ứng của hai nhân vật Herod và Herodia.
1. Phản ứng của Herod
Khi được nghe những lời nhắc nhở trực tiếp của Gioan Tẩy Giả, Herod cũng thích nghe, cũng có chút phân vân (c.20). Điều đó cho thấy lương tâm của ông vẫn còn đấy, vẫn đang hoạt động, vẫn đang lên tiếng. Nhưng tiếc là tiếng kêu kia nhỏ quá, thều thào quá giữa một rừng âm thanh sôi động hơn, cuốn hút hơn của ăn nhậu, của vũ trường, của nhục dục, của danh dự bị thách thức.
Vâng, Thiên Chúa vẫn luôn tìm cách khơi gợi tâm tư ta bằng những biến cố đôi khi rất đỗi bình dị trong cuộc sống: bằng một cuốn sách hay, bằng một kỷ niệm trong quá khứ, bằng một cảm giác phân vân do dự, bằng gương sáng của anh chị em xung quanh… Nhưng điều quan trọng là tâm hồn ta có đủ nhạy, đủ rộng mở, đủ trầm lắng để tiếp tục đón nhận, đào sâu và nghiệm rút ý nghĩa cho đời mình không? Hay tâm hồn ta cứ cho những gợi nhắc đơn sơ ấy là chuyện nhỏ, rồi để lạc trôi tất cả cách ơ hờ?
2. Phản ứng của Herodia
Khác với Herod, Herodia cảm thấy tức tối, căm thù Gioan Tẩy Giả vì những lời cảnh tỉnh đầy sự thật của ông (c.19). Từ đó, mối bận tâm của bà là muốn giết Gioan Tẩy Giả (c.19). Chắc là thù ấy lớn, bận tâm ấy lâu nên câu trả lời của bà cho cô bé Salome mới mau chóng, quyết đoán và gọn lỏn: “Đầu của Gioan Tẩy Giả” (c.24). Người ta nói: “Thù là nỗi oán giận ghim trong lòng đối với người đã hại mình”.[1] Vậy việc giúp ta nhận ra sự thật về chính ta cũng là làm hại ta sao? Người hại ta hay ta hại người?
Sự Thật chỉ có đất sống nếu trong lòng ta biết nuôi dưỡng nó. Để sự Thật và sự Thiện lớn lên, thay vì thù hận, ta cũng nên xét mình xem: Cái gì đang bận vương trong tâm ta? Nó đã nằm đó bao lâu rồi? Và liệu ta có dành đủ lực để giải gỡ điều bận vương ấy cho trái tim ta thêm thanh thản hơn chưa?
Thế đấy, cùng một biến cố, Herod thì hời hợt, Herodia thì ghim gút cách lệch lạc. Còn tôi, tôi chọn cho tôi cách phản ứng nào?
Bảo Ân, S.J.
[1] Lê Văn Đức chủ biên, Việt Nam Tự Điển (quyển hạ), SaiGon: Nxb Khai Trí, 1970, p.1601: “Thù là nỗi oán giận ghim trong lòng chờ ngày làm cho lại gan đối với người đã hại mình, hay người thân của mình”.