Lên Đồi với Chúa 8: MARIA – MẪU GƯƠNG THEO CHÚA ĐẾN CÙNG

Me MariaChiều hôm ấy, một buổi chiều tang tóc thê lương, dưới chân cây thập giá, có một người phụ nữ đứng lặng im nguyện cầu. Người đang bị treo trên thập giá kia, với thân hình rách nát vì đòn roi tàn bạo, chính là Đấng mà Mẹ kính yêu trên hết mọi sự và cũng là người con mà Mẹ dứt ruột sinh ra. Hẳn là chẳng thể nào Mẹ có thể ngờ được con mình sẽ kết thúc cuộc đời theo cách thức đó và chính mình lại phải chịu một nỗi đau kinh khiếp như thế này. Đức Giêsu và Mẹ có một mối tương quan vô cùng gắn bó. Tương quan ấy vừa là Tạo Hóa với thụ tạo, vừa là đứa con trai ngoan với mẹ hiền yêu dấu. Mẹ chính là người sinh Đức Giêsu vào trần đời. Mẹ là người đã cho Giêsu một thân xác. Nhưng Mẹ cũng ý thức rằng người con này của Mẹ mang một thân phận trỗi vượt hơn Mẹ. Bởi thế, dù là mẹ, nhưng Maria luôn nhìn về Giêsu như một mẫu mực để noi theo. Mẹ luôn ở bên Giêsu, cận kề với Giêsu, hiểu Giêsu và bước theo Giêsu trên tất cả mọi nẻo đường Người bước.

Nhớ lại ngày truyền tin, viễn cảnh mà Thiên Sứ vạch ra cho mẹ về người con mà Mẹ sẽ thụ thai thật uy phong lẫm liệt. Đó là Đấng mà muôn dân trông chờ cả bao thế hệ nay. Đấng ấy vượt trên tất cả mọi thụ tạo hữu hình và lẫn vô hình, vì đó là Đấng Thánh, là Con Thiên Chúa Tối Cao. Đấng ấy sẽ cai trị muôn dân, sẽ giải phóng dân Thiên Chúa thoát khỏi ách nô lệ. Là Mẹ của một người cao vượt như thế, tâm trạng của Mẹ như lẫn lộn tất cả mọi cảm xúc buồn vui. Biết bao nhiêu câu hỏi chợt bừng dậy trong đầu. Mẹ hạnh phúc vì được Chúa chọn để cộng tác vào công trình cứu độ. Mẹ vui vì giờ cứu rỗi đã gần đến. Mẹ là người đầu tiên được mặc khải cho biết về giờ thi ân của Thiên Chúa. Đấng mà muôn loài ngóng trông, Đấng mà cả vũ hoàn vẫn luôn chờ đợi, Đấng mà cả triều thần Thiên Quốc cũng phải quỳ xuống tôn thờ, giờ đây đang dần dần nhập thể trong cung lòng Mẹ. Thật tuyệt vời xiết bao!

Nhưng dường như tất cả những gì xảy đến với Mẹ đều không “huy hoàng” tráng lệ như lời tiên báo. Chúa của Mẹ là một Thiên Chúa tự hạ, nên Mẹ cũng chia sẻ cùng một sự khiêm nhường ấy. Một Đấng Cứu Thế sẽ lãnh đạo dân tiến về vùng đất hứa mà lại chấp nhận làm con của một đôi vợ chồng nghèo, muốn sinh ra trong một hang bò lừa nhỏ bé hôi tanh sao? Chúa đã muốn thế và Mẹ cũng noi gương Chúa. Mẹ lúc nào cũng cảm thấy an vui dù đời sống có khi gặp phải biết bao thiếu thốn hay buồn phiền. Mẹ hiểu rằng đó là con đường mà Chúa muốn đi, con đường trút bỏ tất cả, nên Mẹ cũng xin vâng để cùng con mình đi xuống cái cùng tận nhất của một kiếp lưu vong, bị bỏ rơi, bị khinh thường, bị đuổi giết. Rồi cả một khoảng thời gian dài hơn ba mươi năm âm thầm nơi ngôi làng Nazaret. Ở lứa tuổi này, người ta đã thành gia lập thất, có cuộc sống ổn định, còn Giêsu của Mẹ vẫn là một anh chàng thợ mộc nối nghiệp cha. Đâu rồi kế hoạch giải phóng dân tộc? Đâu rồi những sách lược, những mưu kế điều binh khiển tướng? Hơn ba mươi năm, đây đâu phải là một khoảng thời gian ngắn! Nhìn tới nhìn lui, Mẹ chẳng thấy Giêsu có gì nổi trội hay khác thường so với những thanh niên khác. Nhưng Mẹ chẳng giục giã Giêsu, Mẹ không nhắc nhở Giêsu về bổn phận giải phóng dân tộc của Người. Mẹ chỉ biết im lặng, chiêm ngắm Giêsu và vâng nghe theo những gì Chúa thực hiện cách nhiệm mầu nơi con trai của mình.

Rồi giờ đây, trên đồi vắng cô đơn, mẹ thấm thía thế nào là tư cách một người môn đệ, một tớ nữ đích thực của Chúa. Ruột gan mẹ như muốn xé toạt làm nhiều mảnh, nước mắt Mẹ chảy tràn như muốn cạn khô. Một Quân Vương ư? Một Đấng Thánh ư? Có vinh quang gì đâu! Trước mặt Mẹ là hình ảnh một người thanh niên không còn hình thù nguyên vẹn bị người ta xâu xé. Mẹ chẳng hiểu tại sao việc Giêsu chịu chết kinh khủng như thế này lại là cách để cứu độ nhân trần. Chính ngay tại đây, Mẹ trở thành người giáo dân đầu tiên dự thánh lễ đầu tiên và vĩ đại nhất của lịch sử. Vị chủ tế là chính Đức Giêsu và của lễ dâng lên Chúa Cha cũng chính là Đức Giêsu. Mẹ thông phần vào của lễ ấy bằng tất cả nỗi đau đớn, sự vâng phục và niềm tin yêu của một người tớ nữ. Cũng chính tại nơi này, lại một lần nữa Mẹ cất lên bài ca “xin vâng” với trọn vẹn thể xác và linh hồn mình. Trước nỗi đau đớn khôn cùng khi nhìn thấy người con yêu vô tội của mình bị hành hình mà Mẹ không thế làm gì được, Mẹ không oán trách đời, không quyền rủa thế gian, không gáo thét lên đổ lỗi cho số phận. Trái lại, như bao lần khác, Mẹ tin vào ý định của Chúa, tin vào chọn lựa của Giêsu, tin vào con đường mà con Mẹ đang bước đi, để rồi Mẹ cũng hân hoan bước theo đến tận cùng của con đường thập giá ấy.

Có mấy ai trong chúng ta sống được tinh thần người môn đệ của Chúa như Mẹ? Có bao nhiêu người trong chúng ta luôn sẵn sàng thưa tiếng “xin vâng” như Mẹ? Khi Chúa ban cho ta điều này điều kia tốt đẹp, ta không ngớt lời ca ngợi Chúa, tán dương Chúa, tung hô Chúa và tuyên bố là mình yêu Chúa thật nhiều. Còn khi Ngài mời gọi ta vác cây thập giá đi lên đồi cùng với Ngài, ta chần chừ, ngập ngừng, và có ý thoái lui, không dám bước tới. Bởi thế, ta chỉ có thể là một người môn đệ “nửa vời”, theo Chúa “từ đàng xa”, chứ không bao giờ kết hiệp trọn vẹn với Chúa trong từng thập giá mà Chúa gửi đến cho mình. Chiêm ngắm Mẹ trên đồi Canvê, chúng ta được mời gọi hãy noi gương Mẹ, bước đi theo Chúa và bước theo đến cùng, đến tận điểm cuối của chặng đường thương khó, vì nơi ấy chính là cửa ngõ dẫn ta đi vào chốn ngập tràn hạnh phúc thiên thu. Phải, ngay tại tâm điểm của thương đau là cánh cổng của Thiên Đàng. Nếu bạn muốn vào Thiên Đàng, hãy cùng Giêsu, cùng Mẹ tiến vào tâm điểm ấy.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Kiểm tra tương tự

Sống mùa Vọng cùng “cậu bé trong Tám Mối Phúc”

Sách đề cập trong bài: Một phần tiểu sử và lòng mộ đạo giúp ta …

Đổi mới giáo dục Công giáo tại Học viện Thánh Augustinô

  Khi Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ đầu tiên của Ngài trong Tin …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *