Liệu Kant có thể phá đổ Siêu hình học?

Trong khi Heidegger có cái nhìn mới[1] về lịch sử triết học và siêu hình học, và với cái nhìn đó những nỗ lực của các nhà siêu hình đều được nhận ra, thì Kant lại triệt hạ toàn bộ công trình siêu hình trước ông bằng cách nói rằng công trình ấy vô ích vì không có nền móng. Vậy liệu Kant có thể xây dựng nền móng cho siêu hình học? Nền móng mà Kant sẽ xây dựng là gì và tòa nhà siêu hình của ông có đủ lớn để chất chứa những tìm kiếm, những khắc khoải của con người không? Nếu Kant đưa ra được một tòa nhà có nền móng vững chắc và nơi ngôi nhà ấy con người tìm được câu trả lời cho những khắc khoải của mình, lúc ấy ông thực sự là người phá đổ siêu hình học. Còn ngược lại, ông không xứng đáng là người phá đổ, vì người phá đổ phải là người sau khi phá đổ phải xây được cái gì tương xứng hơn, nếu không chỉ là người phá hoại. Nếu Kant không thể phá đổ siêu hình học, đây là một bằng chứng nữa cho thấy tính bất khả phá đổ của siêu hình học.

Kant và việc phá đổ siêu hình học

Lý do của việc phá đổ

Không phải Kant là người duy nhất muốn phá đổ siêu hình học, chắc chắn cũng có nhiều người như ông, chỉ có điều người ta không đủ trình độ để phá đổ. Điều này cho thấy siêu hình học phải chứa đựng những yếu tố nào đó để rồi có nhiều người muốn tẩy chay như thế.

Trước hết, siêu hình học có nhiều lạm dụng. Tại sao siêu hình học có nhiều lạm dụng? Siêu hình học là việc truy tìm, gặp gỡ và diễn tả những thực tại tối hậu. Công việc này không chỉ vận dụng lý trí nhưng chính yếu vận dụng khả năng siêu việt của con người. Khả năng siêu việt là khả năng vượt lên giới hạn phân tích và nắm bắt của lý trí để mở ra và chung chia với thực tại cũng như để cho thực tại nắm lấy mình. Nhờ khả năng siêu việt, con người có kinh nghiệm đặc biệt. Kinh nghiệm này là kinh nghiệm căn bản hay kinh nghiệm chính mình được cất nhắc lên, cất nhắc lên khỏi những gì tầm thường, khỏi giới hạn của chính mình, để đến với thế giới sự vật ở một trình độ khác, một trình độ thâm sâu, trình độ của cái hữu, chứ không ở mức hời hợt. Việc diễn tả kinh nghiệm này rất khó, khó đến độ người ta nói rằng diễn tả kinh nghiệm này là diễn tả điều không thể diễn tả. Vì thế ngôn ngữ thi ca, một ngôn ngữ gợi hứng và giàu hình ảnh, thường được vận dụng. Vấn đề lạm dụng của siêu hình học ở chỗ đời sau chỉ thừa hưởng cái cố gắng diễn tả của người trước trong khi chính mình không có kinh nghiệm về hữu thể, hay không nỗ lực vươn lên và để cho mình được chung chia vào kinh nghiệm đó. Việc viết lại một kinh nghiệm sâu vừa có lợi vừa có hại là như thế. Có lợi vì hướng dẫn người khác; có hại vì người sau chỉ bám vào ngôn ngữ của điều có uy tín và được nhiều người ca tụng, để rồi quên hay miễn cho mình cái công việc có kinh nghiệm chìm đắm trong hữu thể, miễn cho mình cái kinh nghiệm bị dày vò bởi nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương. Những điều cao siêu ngày xưa giờ đây được sử dụng cho những gì bề ngoài, cho sự khoe khoang hay sự cao ngạo về kiến thức.

Yếu tố thứ hai khiến người ta tẩy chay siêu hình học là nó chứa đựng những yếu tố vượt mọi khả năng nắm bắt, khả năng kiểm chứng, khả năng cân đo đong đếm và lý luận thông thường của con người. Từ khi chủ nghĩa khoa học lên ngôi nhờ vào những đóng góp cụ thể của nó, người ta muốn mọi thứ phải có chuẩn mực rõ ràng như khoa học thực nghiệm. Khi đó, những diễn giải chính đáng của siêu hình học chịu chung số phận với những lạm dụng của nó khi bị đưa ra tòa án với luật duy nhất là tiêu chuẩn khoa học. Đây là một sự bất công chẳng khác gì người ta xét xử những người làm công tác nghệ thuật – như nhà thơ, nhà văn và họa sĩ, những người làm ra sản phẩm tinh thần – dựa trên tiêu chuẩn sản xuất ra của cải vật chất.

Việc đòi hỏi siêu hình học có đặc tính của khoa học thực ra là vấn đề không thể và là đòi hỏi trái khoáy. Đây là tham vọng vô lý vì muốn biết cái ngọn nguồn theo phương pháp thực nghiệm. Có hai điều cần phân biệt: cái cụ thể thì không sâu, cái sâu thì không cụ thể theo cách thế thông thường, theo trình độ thông thường. Vì thế, chủ thuyết nào vừa tự hào cho rằng mình có cái rõ ràng của khoa học và cái ngọn nguồn sâu xa của siêu hình học thì đó là chủ thuyết hão huyền và đầy tính lừa bịp. Như thế, ngôn ngữ của bộ môn siêu hình phải được hiểu là ngôn ngữ khác với ngôn ngữ khoa học. Thực vậy, ngôn ngữ của bộ môn siêu hình học là ngôn ngữ thi ca, một ngôn ngữ bắt nguồn từ thực tại và sự vật cụ thể nhưng có sức nâng con người vươn lên khỏi tính chật hẹp của cái cụ thể để nhìn ngắm và lắng nghe được điều ngọn nguồn hơn.

 Cuộc phá đổ của Kant

Những lý do trên có thể giúp hiểu những ưu tư của Kant về siêu hình học. Trước hết không nên quy gán cho ông danh hiệu người phá đổ siêu hình học một cách quá vội vã, vì vấn đề thực sự phức tạp hơn nhiều. Quả vậy, Kant là người yêu mến hay ít nhất là người tha thiết với siêu hình học. Bằng chứng thứ nhất dựa vào những tác phẩm ông viết và về danh xưng siêu hình học ông dùng. Bằng chứng hai là việc ông đau lòng khi thấy một đàng siêu hình học bị người ta khinh bỉ, mỉa mai, chà đạp, đàng khác khoa học lại được người ta trọng vọng và ca ngợi. Ông khám phá ra nguyên do của việc siêu hình học bị khinh chê là vì nó chưa có một cái nền vững chắc. Thế nên, ông muốn cho siêu hình học thoát khỏi nỗi khổ này bằng cách xây dựng cho nó một nền móng thật vững chắc.

Ông tiến hành việc xây nền cho siêu hình học như thế nào? Trước hết phải thừa nhận rằng ông viết rất nhiều sách liên quan đến vấn đề này trong khi bản thân người viết chưa đọc qua một cách đáng kể những gì ông viết. Tuy nhiên, khi dựa vào những tác giả khác viết về ông, có thể nói được rằng ông xây nền cho siêu hình học dựa theo nền của khoa học. Để làm công việc này ông khám phá xem nền của khoa học là gì bằng cách khảo sát khả năng của lý trí, đặc biệt là lý trí thuần túy.

Qua khảo sát khả năng của lý trí thuần túy ông thấy điều gì? Ông thấy rằng lý trí thuần túy không dừng lại ở cấp độ kinh nghiệm như trường phái duy nghiệm chủ trương, mà còn có những nguyên lý và phạm trù tiên thiên. Nguyên lý và phạm trù tiên thiên là cái phải đặt ra, phải giả thiết và phải được chấp nhận vì chúng làm nền cho kinh nghiệm và phán đoán. Chính các nguyên lý và phạm trù tiên thiên làm nền cho khoa học. Như thế khoa học theo Kant đó là cái có hệ thống và quy gom về cùng một nguyên lý, vì Kant cho rằng nhận thức sít sao nhất là nhận thức rút ra từ nguyên lý. Những nhận thức thực nghiệm, cho dầu có lập lại cũng là hình thức quy nạp mà thôi; còn việc cứ từng bước rút ra từ nguyên lý thì sít sao và chặt chẽ, và đây là mẫu mực của toán học và vật lý. Như vậy Kant là người xây dựng nền cho khoa học qua việc chứng minh tính khả thi của lý trí trong lãnh vực khoa học.

Đối với siêu hình học Kant chỉ muốn trả lời cho một câu hỏi duy nhất là làm sao siêu hình học khả thi, làm sao có thể suy tư siêu hình học. Suy tư siêu hình học có là khoa học được không, tức có tính hệ thống và dựa trên nguyên lý không?

Công việc xây dựng nền móng cho siêu hình học của Kant phải nói là một công trình dở dang. Trước hết ông xây nền bằng cách chối bỏ những khẳng quyết của siêu hình học ông cho là quá đáng so với khả năng của lý trí mà ông khảo sát[2]. Ông cho rằng lý trí thuần túy không chạy theo kinh nghiệm nhưng lý giải kinh nghiệm bằng những phạm trù tiên thiên (vì thế mới có khoa học, nghĩa là những tri thức tất yếu và phổ quát). Thế nhưng điều này chỉ liên quan đến kinh nghiệm, tức những đối tượng của trí năng, còn khoa học về hữu thể là điều không thể, vì hữu thể vượt quá giới hạn của trí năng là cái vốn chỉ dừng lại ở hiện tượng chứ không đạt tới hữu thể.[3]

Vậy siêu hình học khả thi, theo Kant, là nỗ lực thống kê cách trật tự và có hệ thống tất cả những gì mà con người sở hữu nhờ lý trí thuần túy.[4] Nói cách khác, siêu hình học nếu muốn đạt tới cương vị khoa học trước hết phải từ bỏ con đường hữu thể luận quá tham vọng của truyền thống và chấp nhận một danh xưng khiêm tốn hơn: phân tích siêu nghiệm, nghĩa là nỗ lực phân tích, nghiên cứu chính hoạt động tiên thiên của lý trí thuần túy, tìm ra tất cả các phạm trù của lý trí trong việc tiếp nhận cũng như lý giải thực tại.[5] Nói cách khác, siêu hình học là điều có thể trong mức độ liên quan đến khả năng lập luật của lý trí[6].

Nếu quả thật như vậy, điều khẳng quyết này kéo theo một hệ quả rất nghiêm trọng. Thật vậy, Kant nhắc đến khái niệm có tính siêu nghiệm về hữu thể, nhưng ông cho rằng điều này chẳng dẫn đến đâu vì các thuộc tính đó không là thuộc tính của sự vật nhưng là đòi hỏi luận lý và tiêu chuẩn của mọi tri thức sự vật nói chung.[7] Nói cách khác, những ý niệm phổ quát về sự vật thật ra không phải chính sự vật mà là của con người. Có khoảng cách bất khả vượt giữa sự vật tự thân và hiện tượng. Theo ông, con người chỉ có tri thức về “đối tượng tổng quát” của trí năng chứ không có tri thức về chính hữu thể, và con người chỉ có thể chắc chắn ở những gì tùy thuộc mình mà thôi.[8]

Như vậy có thể hiểu được rằng nền móng mà Kant xây dựng cho siêu hình học là khả năng siêu nghiệm của lý trí thuần túy. Với cái nền này, con người chỉ dừng lại ở hiện tượng chứ không đạt tới sự vật tự thân hay hữu thể. Con người như đóng kín nơi chính mình. Như thế việc Kant phá đổ siêu hình học chính yếu ở chỗ ông khẳng quyết con người không đạt đến sự vật tự thân hay cái hữu, mà những điều này là vấn đề chính yếu của siêu hình học.

Thực chất của vấn đề siêu hình

Trình độ siêu vượt của siêu hình học

Siêu hình học ở một trình độ cao hơn trình độ của khoa học. Quả thế, Heidegger là người giải cấu siêu hình học, nhờ ông người ta có cái nhìn khác về lịch sử siêu hình học, một cái nhìn đầy tính phê bình nhưng cũng là một nỗ lực khám phá rất nhiều những giá trị của những người đi trước. Theo đó, cho dầu các tư tưởng xưa có trái ngược nhau thì vẫn có một sợi chỉ xuyên suốt nối kết tất cả: sợi dây siêu hình học, vốn là một thúc đẩy tự bản thân con người. Sợi dây này được đan bện bởi hai sợi dây nhỏ vốn là hai điều căn bản trong siêu hình học đó là làm sao để đi đến điều tưởng như không thể đi đến và diễn tả điều tưởng như không thể diễn tả. Điều tưởng chừng như không thể đi đến và không thể diễn tả là chính nguồn cội của con người và thế giới. Hai điều này một cách nào đó được thực hiện từ thời Parménide, Platon, rồi Aristote và các thế hệ tiếp theo. Tuy được nhiều người diễn tả, nhưng có thể nói kinh nghiệm cội nguồn là cái người ta không thể học qua sách vở, những gì học được chỉ là những soi sáng cách nào đó. Người ta không nắm bắt được hữu thể như thể là học một khóa nấu ăn.

Chính vì trình độ cao của siêu hình học mà nảy sinh nhiều lập trường khác nhau. Có người đã chọn giải pháp là không diễn tả để bảo vệ tính nguyên tuyền của kinh nghiệm hữu thể. Thiết tưởng đây là điều không tốt. Dẫu cho ‘bập bẹ’ cũng cần phải diễn tả, những điều ‘bập bẹ’ đó có thể soi sáng cho những người đi sau. Có người chọn giải pháp diễn tả theo hệ thống và có tính quy gom như thể kinh nghiệm siêu hình đồng cấp trật với kiến thức thông thường. Điều này cũng không tốt vì dễ đi vào tình trạng đóng khung hữu thể, điều vốn không thể bị đóng khung vì là điều làm nền hiện hữu cho chính chủ thể muốn đóng khung. Có người lại thích học và giải thích thế giới theo một công thức rõ ràng. Người trước diễn tả, người sau hiểu không tới nhưng cũng rất thích hệ thống hóa và thâu gom mọi sự. Sâu xa hơn, con người có cám dỗ dập tắt nỗi khắc khoải, nỗi ưu tư, nỗi nhớ nhà trong mình bằng cách tìm một hệ thống lý giải cho tất cả. Đây có lẽ là một thiệt hại lớn cho con người. Vì thế ngay cả những điều hay cũng có thể biến thành những liều thuốc độc làm con người bị mù lòa, bị điếc và bị tê liệt trước sự hiện diện của hữu thể, nếu như con người quá hồ hởi ôm ấp lấy những diễn tả đó mà không chuẩn bị bản thân để đi đến hay để được cất nhắc lên những điều mà những lời đó diễn tả.

Những chọn lựa khác nhau của các nhà triết học

Đứng trước bối cảnh như vậy con người có những lựa chọn khác nhau. Descartes chọn cái tôi suy tư (cogito) làm nền cho tri thức của mình. Cái tôi suy tư ấy chắc thật nhưng quá chật chội. Ông gặp khó khăn khi vươn mình ra với những thực tại khác. Cuối cùng ông cũng phải dựa vào Thiên Chúa như là nguồn đảm bảo cho tính chắc chắn của những thực tại bên ngoài. Như thế con người dù muốn dù không cũng phải bỏ xu hướng ưa cầm nắm, ưa chắc chắn để có chỗ cho và để mở mình ra với siêu việt, với hữu thể. Trong khi đó, Kant xây nền móng bằng cách giới hạn siêu hình học ở mức phân tích siêu nghiệm và ông chỉ đồng ý một siêu hình học có tính khoa học. Heidegger đưa con người trở về với những ưu tư, với sự ý thức bản thân được ném vào vũ trụ. Ông muốn chính con người có kinh nghiệm về hữu thể hay kinh nghiệm căn bản. Ông muốn con người biết để cho chính mình bị tra vấn và được cất nhắc lên. Ông không muốn con người nắm bắt nhưng muốn con người chuẩn bị bản thân để được nắm bắt. Ông muốn đưa con người về sự ngạc nhiên thuở ban đầu, thời của Parménide và Platon. Heidegger là người thanh lọc siêu hình học bằng cách phá bỏ những cái cản trở, hướng con người vào kinh nghiệm và thúc đẩy con người nỗ lực trong việc diễn tả kinh nghiệm đích thực. Nói cách khác, bằng nỗ lực của mình, Heidegger mang lại nội dung cho những ngôn từ siêu hình học mà con người tưởng chừng là sáo rỗng. Có người lại chọn con đường duy nghiệm, chấp nhận dừng lại ở những kinh nghiệm thông thường, đơn giản vì chúng có thể được kiểm chứng. Có người lại dừng ở bình diện duy lý, thỏa mãn với những gì lý trí nắm bắt, phân tích và tổng hợp một cách sáng rõ. Thế còn siêu hình học theo nghĩa giúp con người kinh nghiệm và diễn tả về hữu thể thì duy cái gì? Siêu hình học ấy chẳng duy cái gì, nhưng là một nỗ lực gặp gỡ và diễn tả cái cội nguồn hơn. Siêu hình học không chối bỏ lý trí lẫn kinh nghiệm, nhưng là sự vươn lên từ chúng, vươn lên chứ không tách lìa, vì làm sao có thể tách lìa cái chứa đựng cái nền hiện hữu cho tất cả sự vật. Thế mà người ta đã hiểu sai Parménide và Platon. Hễ nhắc đến họ, người ta nghĩ ngay đến một cái hữu đơn sơ thô kệch và một thế giới linh tượng lơ lửng trên không.

Siêu hình học không thể bị phá đổ

Siêu hình học là ơn gọi cơ bản của con người

Bất kể con người là ai, ngoài những chuyện bon chen làm ăn, những lo toan hằng ngày, không thể nào không đặt vấn đề về Thiên Chúa, linh hồn, và ý nghĩa cuộc đời. Những vấn đề đó đeo bám con người, cho dầu họ có giải quyết hay không giải quyết. Chiều kích siêu hình luôn gắn với con người. Nếu bỏ mọi siêu hình học thì còn siêu hình học tự nhiên[9], vì lý trí luôn thắc mắc về câu hỏi tại sao, tại sao của cái tại sao, và điều kiện của điều kiện. Người ta không bao giờ thỏa mãn nếu người ta không gặp một cái tận điểm, cái không cần hỏi tại sao. Người ta không hài lòng với những gì có thể hỏi tại sao, cái còn nhận chịu sự chi phối. Vậy lý trí con người luôn mang chiều kích siêu hình mặc cho có những lúc bị che mờ bởi những thú vui của đời sống thiếu sự phản tỉnh.

Siêu hình học không chỉ là một vấn đề nào đó của triết học, nhưng là vấn đề của “con người xét như là con người”[10]. Con người buộc phải đặt những vấn đề siêu hình nếu muốn đạt tới ý nghĩa tối hậu của cuộc sống. Kant nhận định rằng “siêu hình học vẫn là năng hướng tự nhiên, vì khi suy tư con người không thể không đi đến những vấn đề mà con người không thể dửng dưng, vì nó đụng chạm đến toàn bộ ý nghĩa cuộc sống, và không một lý lẽ hay nguyên lý nào thuộc bình diện thực nghiệm giải đáp được”.[11]

Đó là những gì đã diễn ra suốt lịch sử siêu hình. Bất chấp những xây dựng hay phá đổ, tất cả đều xoay quanh vấn đề ưu tư về cái cội nguồn. Nói theo ngôn ngữ của thánh Augustin: tâm hồn con sẽ khắc khoải mãi không thôi cho tới khi được nghỉ yên trong Chúa. Ngày nào con người chưa đạt đến cội nguồn ngày ấy con người vẫn còn khắc khoải cho dẫu con người cố trấn an mình bằng tiện nghi vật chất hay những thú vui ồn ào. Cho dẫu con người làm ồn ào chính mình bằng những công việc, cho dù là công việc hữu ích, thì tiếng mời gọi của hữu thể vẫn không ngừng vang lên. Có lẽ ngay nơi những nhà duy nghiệm hay duy thực, tiếng gọi của hữu thể vẫn không ngừng vang lên. Chủ thuyết họ chọn chẳng qua là một điều gì đó rõ ràng để có thể nói chuyện với nhau, để có thể kiểm chứng và lý luận. Trong lòng họ vẫn còn đó những điều không thể kiểm chứng và lý luận. Điều này cho thấy họ vẫn chia sẻ nỗi khắc khoải tìm kiếm cội nguồn của con người.

Siêu hình gắn liền với mọi sự truy tìm nghiêm túc của con người

Con người hướng đến những vấn đề siêu hình như là đòi hỏi sâu xa của bản tính. Theo Kant, có ba điều cuối cùng phải đặt ra: linh hồn, tự do và Thiên Chúa: con người cần một nền tảng tối hậu cho tư tưởng là linh hồn, một nguyên lý vô điều kiện cho hành động là tự do, và một nguyên lý cho tất cả thực tại là Thiên Chúa[12].

Khi con người truy tìm cách nghiêm túc, siêu hình học cũng được đặt ra một cách nghiêm túc. Điều này thấy rõ nơi Kant vì, tuy được mệnh danh là người phá đổ siêu hình học, ông là người thiết tha với siêu hình học nhất. Ông không thể nào dập tắt tiếng gọi của hữu thể mời gọi con người hướng về linh hồn, tự do và thượng đế, những vấn đề mà ông không thể khuôn vào khoa học.

Như thế bất cứ sự truy tìm nào cũng đều đụng đến siêu hình học. Có điều người ta có dám mạo hiểm với nó hay không, hay chỉ dừng lại ở những cái sáng rõ, cái có thể trình bày, lý luận, thậm chí cái có thể được hùng biện. Hữu thể không ưa ngôn ngữ hùng biện hay lý luận, nó ưa ngôn ngữ thi ca, vì hữu thể là sự tỏ lộ, là sự thông ban, là sự chung chia, là tiếng gọi mời của tình yêu. Hữu thể êm đềm và sâu lắng. Nó có khả năng ban cho con người sự bình an, sức mạnh và sức sống, vì nó là nền cho sự hiện hữu của con người.

Kant và việc đóng góp cho vấn đề siêu hình

Đối với điều không thể phá đổ, mọi nỗ lực phá đổ cũng trở thành sự tôn vinh nào đó. Việc Kant phân tích lý trí con người là một đóng góp lớn và có giá trị trong một lãnh vực nhất định. Ông cũng xác định giới hạn của lý trí, giới hạn của những kiến thức mà con người có thể trình bày và lý luận. Với giới hạn này, muốn đi vào cấp độ hữu thể, con người cần thụ động, cần mở ra và sẵn sàng. Nói cách khác, con người cần bớt tự hào và huênh hoang nhưng biết khiêm tốn, biết mở lòng, biết cùng hiện diện, biết chiêm ngắm, biết để cho mình được nâng lên, được bay bổng không phải bằng sức của mình, nhưng bằng sức của hữu thể. Thật tệ hại khi con người hiện diện trước sự vật với ham muốn phân tích, mổ sẻ, tổng hợp và đánh giá cách quá mức, như thể mình là quan tòa hay là đấng hóa công. Con người cần có sự hiện diện, chiêm ngắm, thông cảm và chung chia với sự vật. Nhờ Kant, người ta hiểu ra rằng kinh nghiệm về hữu thể vượt xa kinh nghiệm khoa học. Người ta cũng hiểu ra rằng tuy khoa học luôn có vai trò của nó và rất cần thiết trong lãnh vực đời sống, nhưng kinh nghiệm về hữu thể cao siêu hơn nhiều, cớ chi siêu hình học phải khoác chiếc áo hệ thống và nguyên lý của khoa học để có được sự vững chãi cho mình. Kant như muốn nói với những người khinh miệt siêu hình học rằng nếu các anh khinh miệt siêu hình học truyền thống, thì đây một siêu hình học, có nền móng và có thể phân tích, dành cho các anh. Có thể siêu hình học mới của Kant không bị người ta khinh miệt vì nó không có khuyết điểm, nhưng nó cũng chẳng có ích gì, có chăng là cho khoa học. Với siêu hình học mà Kant đề nghị, vấn đề con người vẫn còn đó, tiếng gào thét của hữu thể vẫn còn đó.

Kant không muốn chôn vùi siêu hình học để mà chôn vùi. Ông muốn tìm cho siêu hình học một cái nền chắc chắn hơn. Nhưng chính khi ông xây cho siêu hình học một cái nền chắc chắn theo tiêu chuẩn của lý trí, ông đã đào mồ chôn siêu hình học vốn là điều không chịu sự kìm tỏa của lý trí. Thực ra, siêu hình học không thể bị phá đổ và hạ cấp. Trái lại, siêu hình học là ơn gọi tự nhiên hướng về hữu thể là cái nền hiện hữu của tất cả. Mọi sự phá đổ hay chống đối, dù vô tình hay cố ý, rốt cuộc, đều gián tiếp tôn vinh siêu hình học, đều làm nổi rõ việc siêu hình học thuộc một cấp trật siêu việt và ngọn nguồn hơn. Có điều con người có dám kiên nhẫn, có dám để mình bị tra vấn, có dám sống với những khắc khoải trong lòng của mình, có dám trở nên thụ động để có thể là bạn, để có thể thông chia và chìm đắm trong hữu thể không? Sau hết, con người có dám nghiêm túc, kính ẩn, khiêm tốn trong việc truy tìm hữu thể cũng như trong việc diễn tả kinh nghiệm mà mình có không?

Vũ Uyên Thi S.J.

Sách tham khảo

  • Jean Grondin, Introduction à la  métaphysique, Université de Montréal, 2004, (bản lược dịch).

Đậu Văn Hồng, Dẫn Vào Hữu Thể Luận, Tra Vấn Chức Năng Meta, tài liệu lưu hành nội bộ, 2002


[1] Heidegger có cái nhìn có tính phê bình về siêu hình học nhưng phê bình của ông nhằm giải gỡ hay giải cấu siêu hình học (deconstruction), theo đó những nỗ lực suy tư có tính siêu học học của các triết gia khác được nhận ra và trở thành những chất liệu để xây dựng tòa nhà siêu hình học ngày càng vũng chắc hơn.

[2] Jean Grondin, Introduction à la métaphysique, Université de Montréal, 2004, (bản lược dịch), tr.150.

[3] Ibid., tr. 150.

[4] Ibid., tr. 151.

[5] Ibid., tr. 153.

[6] Ibid., tr. 153.

[7] Ibid., tr. 152.

[8] Ibid., tr. 152.

[9] Ibid., tr. 154.

[10] Ibid., tr 148.

[11]Đậu Văn Hồng, Dẫn Vào Hữu Thể Luận, Tra Vấn Chức Năng Meta, tài liệu lưu hành nội bộ, 2002, tr. 147.

[12]Jean Grondin, Introduction à la Métaphysique, Université de Montréal, 2004, (bản lược dịch), tr. 149.

Kiểm tra tương tự

Nguồn gốc tên gọi Vương cung thánh đường thánh Gioan Lateranô

Vương cung thánh đường Lateranô có nhiều tên gọi, ám chỉ thánh Gioan Tẩy Giả, …

Cuốn sách cảm động về một người tị nạn được giới thiệu bởi Đức Giáo hoàng Phanxicô

‘Little Brother: A Refugee’s Odyssey’ – ‘Người em bé nhỏ: Cuộc phiêu lưu của người …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *