[Linh Đạo I-nhã] Linh Đạo của Con Tim

Trong bài thao luyện Tiếng Gọi Vua Đời Tạm Giúp Chiêm Ngắm Cuộc Đời Vua Hằng Sống, thánh I-nhã nói rằng có hai kiểu đáp trả trước tiếng gọi của Thiên Chúa. Một kiểu đáp trả đến từ con người lý trí. Kiểu thứ hai đến từ con người quảng đại và hào hiệp. Chúng ta có thể gọi kiểu đáp trả đó là sự đáp trả của con tim.

Thánh I-nhã mở đầu Linh Thao của ngài với 20 ghi chú nhằm giải thích mục đích của những bài thao luyện cũng như đưa ra vài lời khuyên và chỉ dẫn cho người hướng dẫn tĩnh tâm. Chính những chỉ dẫn đầu tiên này đã giải thích điều thánh nhân muốn nói ngang qua những bài tập thiêng liêng. Tập thể dục giúp điều hòa thân thể và tăng cường sức khỏe. Và theo thánh I-nhã, Linh Thao hữu ích trong việc “giúp tăng cường và nâng đỡ chúng ta trong nỗ lực đáp trả ngày càng trung tín hơn với Tình Yêu Thiên Chúa.

Hãy để ý điều mà thánh I-nhã không nói đến. Ngài không nói Linh Thao được biên soạn để đào sâu sự hiểu biết của chúng ta hoặc để gia tăng ý muốn của chúng ta. Ngài không giải thích những mầu nhiệm thiêng liêng cho chúng ta hay khai sáng tư tưởng của chúng ta. Chúng ta dễ thấy có những bài tập đặt nặng về trí hiểu, nhưng đây không phải là mục đích. Mục đích của những bài thao luyện là một sự đáp trả vững tâm. Thánh I-nhã theo đuổi sự đáp trả của con tim.

“Con tim” không có nghĩa là cảm xúc (mặc dù từ ngữ này bao gồm ý nghĩa cảm xúc). Từ ngữ này ám chỉ tới định hướng bên trong tâm hồn chúng ta. “Con tim” này là điều mà Chúa Giêsu nhắc đến khi Ngài dạy bảo chúng ta hãy tích trữ kho tàng trên trời thay vì tích trữ của cải trần thế: “Vì kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó.” (Mt 6, 21) Đây là “tấm lòng” mà Chúa Giêsu đã trăn trở khi ngài nói: “vì tự lòng phát xuất những ý định gian tà, những tội giết người, ngoại tình, tà dâm, trộm cắp, làm chứng gian và vu khống.” Chúa Giêsu nhận thấy rằng tấm lòng (con tim) của chúng ta có thể dần xa rời hành động của chúng ta: “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta.” (Mt 15, 8) Trong cảm thức này, con tim – lời đáp trả toàn diện – mới thực sự là mối bận tâm của Linh Thao.

Trên đây là ý nghĩa cổ xưa của từ ngữ “con tim” theo truyền thống Kinh Thánh, nhưng thực tế chúng ta còn lưu lại những vết tích của ý nghĩa này trong tiếng Anh đương đại. Khi chúng ta nói với ai đó: “trái tim tôi dành cho bạn,” chúng ta muốn nói lên một điều gì đó vượt lên trên cảm nghĩ bận tâm hay lo lắng. Chân thành mà nói, câu nói này thông truyền ý nghĩa về sự gắn kết hết lòng với ai đó. Nó mang ý nghĩa xa hơn câu nói “tôi hiểu bạn” (về mặt trí năng). Nó cũng mang ý nghĩa xa hơn câu nói “tôi thông cảm với bạn” (về mặt cảm xúc). Nó có ý nghĩa đại loại như câu “tôi ở đây, tôi ở bên bạn.” Đó là cách diễn tả một chọn lựa căn bản.

Ngày nay, chúng ta thường nói về một người tỏ ra thiếu hăng say trong một dự án: “Hắn ta làm việc thật vô tâm.” Chúng ta cũng thường nói điều này khi cung cách hành xử của người ấy không xứng hợp với ước muốn thâm sâu nhất của chính anh ta. Chúng ta cũng nói như thế với chính mình mỗi khi vô tình làm tổn thương những người thân yêu hoặc làm những điều mà chúng ta biết là mâu thuẫn với bản chất của chúng ta. “Cái tâm” ở đây là điều mà thánh I-nhã bận tâm. Chúng ta có thể nghĩ về linh đạo I-nhã như một cách xếp đặt con tim cho đúng.

Thánh I-nhã hiểu được điều này vì đó là điều đã xảy ra cho ngài. Ngài đã trải qua một cuộc hoán cải sâu xa trong lúc hồi phục vết thương, nhưng đó không phải là một sự biến đổi về trí hiểu hay ước muốn. Trước cuộc hoán cải – và về sau – ngài luôn là một Kitô hữu “chính truyền” luôn tuân theo những thực hành tôn giáo được mong đợi nơi ngài. Chuyện đó không hề thay đổi. Cuộc hoán cải của ngài bao gồm những khao khát và dấn thân sâu xa nhất, mà điểm quy chiếu cốt yếu của chúng là phẩm tính của con người trước mặt Thiên Chúa. Qua thời gian, hiểu biết về tôn giáo trên lý thuyết lẫn thực hành của thánh nhân hiển nhiên được đào sâu, nhưng quan trọng nhất là chính con tim của ngài được biến đổi.

Qua bao năm cầu nguyện sốt sắng và được người khác linh hướng, thánh I-nhã đã khai triển nhiều cách thức để lắng nghe ngôn ngữ con tim. Đây chính là loại ngôn ngữ bày tỏ những ý định của Thiên Chúa và thôi thúc chúng ta quảng đại đáp trả. Điều chúng ta tin và điều chúng ta làm thì quan trọng thật đấy, nhưng thánh I-nhã còn quan tâm hơn nữa đến tình trạng tâm hồn của mỗi người chúng ta.

Tuy nhiên, hầu hết chúng ta vẫn gặp phải một cám dỗ dai dẳng là muốn biến Linh Thao hay bất kỳ một cuộc canh tân thiêng liêng nào đó trở thành vấn đề của việc thay đổi tư duy. Thực vậy, nguy cơ này nảy sinh ngay cả trong một cuốn sách kiểu như cuốn Linh Thao – một cuốn sách đề ra những ý tưởng, quan niệm và nguyên tắc giúp mở rộng tầm hiểu biết của chúng ta về linh đạo I-nhã. Thật là quan trọng để ý thức ngay rằng hiểu biết không phải là mục tiêu cuối cùng của chúng ta trong Linh Thao. Chúng ta có thể biết rất nhiều thứ, nhưng có thể điều này chẳng ảnh hưởng gì đến cách chúng ta sống. Mục tiêu của Linh Thao là sự đáp trả của con tim – điều thật sự làm thay đổi trọn cả con người chúng ta.

Thiên Chúa đã huấn luyện con tim thánh I-nhã ngang qua nhiều thị kiến thần bí mà thánh nhân nhận được ngay từ khi bắt đầu hành trình thiêng liêng. Một thị kiến kiểu như thế đến với thánh nhân vào lúc ngài đang băn khoăn xem có nên đọc ba hay bốn lời cầu nguyện với Chúa Ba Ngôi chăng – mỗi lời cầu nguyện hướng đến một ngôi riêng rẽ – Cha, Con và Thánh Thần – và lời nguyện thứ tư hướng đến Một Thiên Chúa Duy Nhất. Một lần, khi đang thong dong cầu nguyện ngoài trời ở trên bậc tam cấp của một tu viện, thánh nhân bất chợt nghe tiếng Ba Ngôi Chí Thánh như tiếng nhạc của ba phím đàn đang hòa thanh (ba nốt nhạc cấu thành một hợp âm). Khi khác, thánh nhân nhận được một thị kiến về cách thức Thiên Chúa sáng tạo thế giới, làm như thánh nhân thấy “một vật thể trắng sáng phát ra những tia sáng” và “Thiên Chúa làm thành ánh sáng.” “Kẻ ấy không biết giải thích những điều này thế nào,” thánh nhân viết về mình trong ngôi thứ ba số ít (“kẻ ấy”). Dẫu sao, thánh I-nhã đã đáp trả bằng con tim của ngài: “Nước mắt trào ra, kẻ ấy thổn thức không sao kìm hãm được.

Sự đáp trả của con tim là nền tảng của Linh Thao. Công cuộc sáng tạo là một dòng chảy những quà tặng của Thiên Chúa, và sự đáp trả của con người là tiếp điểm để dòng chảy ấy trở về với nguồn mạch là chính Thiên Chúa. Sự đáp trả của con người là sự lựa chọn tự do để cho cuộc sáng tạo của Chúa diễn ra. Cuộc sáng tạo ấy giúp chúng ta hiểu biết, yêu mến Thiên Chúa và muốn sống với Ngài mãi mãi.

Ngay từ đầu Linh Thao, thánh I-nhã đề nghị thao viên cầu nguyện trước Chúa Giêsu Kitô trên thập giá. Thánh nhân chân nhận Chúa Kitô là Đấng Tạo Hóa, là Thiên Chúa của Nguyên Lý Và Nền Tảng. Dường như Thánh I-nhã muốn nói: “Hãy trò chuyện với Chúa về cách thức Ngài sáng tạo thế giới vì tình yêu.” Không có gì khó hiểu hay trừu tượng về một Thiên Chúa của lý trí, nhưng về một Thiên Chúa của Tình Yêu được chiêm ngắm trong khuôn mặt Đức Giêsu Kitô. Đó là Chúa Kitô theo Thánh Phao-lô trong thư gửi cho các tín hữu ở Cô-lô-xê và Ê-phê-xô. Đó là Chúa Kitô trong lời tựa Tin Mừng theo thánh Gio-an: “Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành.” Đây là Con Thiên Chúa, là Alpha và Omega (Khởi Nguyên và Cùng Đích) trong sách Khải Huyền của tác giả Gio-an.

Hành trình thiêng liêng của chúng ta là một nỗ lực để trả lời câu hỏi: “Cả cuộc sống này có ý nghĩa gì?” Đây là câu trả lời của thánh I-nhã: một hình ảnh về Thiên Chúa trong con tim của chúng ta, chứ không phải trong trí hiểu. Hình ảnh đó là họa thuật về Đấng Tạo Hóa như một Đấng ban tặng dư dả. Ngài không ngừng trao ban những món quà và mời gọi chúng ta đáp trả – một chọn lựa tự do để chúng ta có thể quay trở lại với Ngài trong niềm tri ân cảm mến. Đó là một hình ảnh mà chỉ con tim có mới thể đáp lời.

Truyền Thông SJVN

Kiểm tra tương tự

3 vị thánh cộng tác với Dòng Tên – Những chứng nhân Đức Tin tại Bắc Mỹ

  Trong sứ vụ truyền giáo tại Bắc Mỹ thế kỷ XVII, các nhà truyền …

Tin vui từ Vatican: Công nhận Cuộc Tử đạo của Cha Trương Bửu Diệp

Ngày 25 tháng 11 năm 2024, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cho phép Bộ Phong …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *