Linh Thao-có lẽ đối với tôi và cả nhiều người nữa là một hạn từ, đã nghe qua nhưng chưa một lần đặt tâm suy nghĩ, để rồi khi bước chân trên chính cuộc hành trình đấy mới ngộ ra nhiều điều.
Trời sầu khổ với những hạt mưa nặng trĩu cũng là lúc người thanh niên ấy bước đi tìm về Đất Mẹ. Muốn gửi gắm một điều gì đó vào mưa mà không nói thành lời, chỉ biết nhìn nó rồi ngậm ngùi. Phải chăng trước một chuyến đi lòng con người ta lại có những dòng cảm xúc như thế. Chuyến xe đưa tôi về với Đại Chủng Viện Vinh Thanh- nơi mà tôi chưa một lần đặt chân đến. Chút hương vị lạ ấy thôi thúc tôi, không ngần ngại, tôi rảo bước một vòng. Mưa vẫn đang rơi. Lòng thổn thức.
“Từ khao khát đến tìm gặp” tôi bắt gặp ánh mắt của Ngài trong một tiếng thở dài. Một Giê-su hiền từ đang “ngước nhìn” tôi. Tôi chợt thấy mình nhỏ bé. Nhỏ bé và tội lỗi hơn cả Gia-kêu năm ấy. Cũng chính cái nhỏ bé và tội lỗi ấy đẩy nhanh suy nghĩ của tôi vào một lối không hề dứt: “Tại sao giữa bao người trên trần thế Ngài lại chọn lấy con làm con của Ngài?” Thiết nghĩ đó quả là Một hồng ân mà không mĩ từ nào có thể diễn tả. Cũng chính giây phút ấy tôi mở lòng ra để nghe Chúa nhiều hơn, để học theo Mẹ thưa hai tiếng “Xin Vâng” và cũng học đòi con Mẹ nói tiếng “Vâng phục”. Nhưng vâng phục như Giê-su lại là điều không thể. Trong bầu khí Linh thiêng của ngôi nhà nguyện, hình bóng tôi trở nên u mạc trước hình ảnh Chúa Hài Đồng. Cái thổn thức và suy tư không để cho tâm trí tôi ngủ yên. Nhìn Hài nhi trong máng cỏ tim tôi như thắt lại. Một vị Vua trong máng cỏ đơn hèn giữa mùa đông buốt giá. Cũng vì mặc lấy hai từ “Vâng phục” Ngài dang thân mình trên Thập Giá. Vì tôi và vì bạn. Một chiều Canve buồn. Buồn đến sầu khổ. Con Thiên Chúa chịu chết vì cái “tôi” tội lỗi của tôi. Chọn yêu một người đã khó, chết cho họ là điều không tưởng. Vậy mà Vua vũ trụ lại làm điều đó cho tôi và bạn. Tôi tự hỏi: “Tôi có xứng đáng?” Câu hỏi chỉ là sự bịa đặt và che dấu bởi lẽ câu trả lời đã quá rõ ràng. Luôn và mãi mãi cho đến lúc chết cũng không xứng. Nhưng Ngài là một Giê-su. Một Giê-su yêu cho đến chết cũng không một lời than trách: “Xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”
——————-Tội lỗi và Cây Thập Giá———————————
Cây Thập Tự có từ ngàn đời trước
Vẫn dang rộng cho đến buổi hôm nay
Tội lỗi vô vàn nhưng Thập Tử chỉ một
Trong ánh oai hùng Thập Tự vẫn ngất cao.
Chết trong vinh quang, sống trong nhục nhã
Giữa sống và chết bạn phải chọn lấy một
Sống thì dễ hơn chết, bởi chết là vinh quang
Sống thì dễ hơn chết, bởi sống là thỏa mãn
Sống trong tội lỗi, chết trong tình yêu
Bạn sẽ chọn cái nào?
Sống vì cái tôi, chết vì tha nhân
Bạn sẽ chọn cái nào?
Chọn sống thì đơn giản nhưng chọn chết là thách đố
Thập Giá và tội lỗi, bạn sẽ chọn cái nào?
————————————————
Tôi tự hỏi mình phải làm gì ngay lúc ấy và cả về sau nữa, ơn Ngài đã xuống mà con người ta chỉ biết đón nhận thì quả thực bất xứng. Nhưng đọc được tên Giê-su trong những nghịch cảnh, dưới hình dáng những người khốn cùng là một thách đố can đảm. Tôi liệu có dám giết đi cái tôi của mình để hành động vì tha nhân. Tôi không dám chắc bởi trong trận chiến mà kẻ chiến đấu cũng là chính mình thì lưỡi gươm chinh phạt không dám thẳng tay chém xuống. Nhưng thiết nghĩ trong sự quan phòng của Thiên Chúa mọi thứ đều có thể. Xin dâng con tim này lên cho Ngài. Xin cho con vác cùng Thánh Giá với Ngài. Tôi ngộ ra rằng: “Dấu của kẻ được chọn là thương tích của đinh chứ không phải đinh, là thương tích của Thập Giá chứ không phải Thập Giá.”
Đến đây tôi xin dùng lại lời của Nguyễn Tầm Thường để viết lên hồi kết: Trong sách tội nhân, tại sao Evà không khóc? Adam không khóc? Cain không khóc? Dường như “khóc” không phải là điều dễ. Nước mắt rất thường nhưng nhiều khi cũng rất hiếm.” Cũng có nhiều thao viên đã khóc trong đó có tôi, ước gì nước mắt ấy vẫn chạy mãi trong tim, là mạch thổn thức, là tiếng đánh động để sau tiếng khóc ấy là những nụ cười toại nguyện.
Ôi! Một mùa linh thao tuyệt vời! Con xin cảm ơn quý cha, quý thầy đồng hành, quý xơ và cảm ơn những người đã tạo điều kiện cho con có được những ngày tôi luyện bản thân để qua đó con được đón lấy một quả tim mới và cũng qua đó con thoát mình khỏi ý nghĩ khép kín về ơn gọi.
Vậy nên:
-Ngài gọi thì con đáp, chỉ cần đẹp ý Ngài-
Thân chào!
Pet. Vương