Lm. Aloysius Pieris, S.J.
Lề lối hành động là bước đầu tiên trong tiến trình hình thành lý thuyết của chính lề lối ấy. Tiếc thay là lý thuyết ngầm ẩn trong đường lối thần học Inhã đã không tiến hành theo một cách thức cân xứng với sức cải hóa của Linh Thao. Tôi nghi rằng như thế là vì chính Inhã cũng đã là nạn nhân chịu ảnh hưởng của giáo thuyết kinh viện vào hồi suy tàn còn được dạy tại Paris trong thời thánh nhân theo học ở đó. Theo học trường phái thần học đường hướng ấy đã gây suy nhược cho tình trạng đời sống thiêng liêng của Inhã đến độ thánh nhân đã cảm thấy cần phải dành nhiều thì giờ hơn để tĩnh dưỡng và cầu nguyện hầu lấy lại sức nội tâm. Kinh nghiệm này về sau đã giúp Inhã nghĩ ra việc quy định cho Dòng Tên một thời gian huấn luyện mà ngài gọi là “năm thứ ba” (nhà tập năm ba), hay là schola affectus (trường cảm thức). Đó là thời gian học viên Dòng Tên dùng để phục hồi lại những gì phương pháp kinh viện đã làm cho mất đi.
Chính Linh Thao cũng tích chứa nhiều yếu tố ngột ngạt, hậu quả của đường hướng thần học kinh viện nói trên. Ngay cả phần Nguyên lý và Nền tảng (Linh Thao: LT số 23) là điểm tinh túy của lối tu đức cảm thức (affective) được cổ xúy trong tất cả bốn Tuần (giai đoạn, bước) của Linh Thao, cũng bị bóp méo bởi cách trình bày kềm kẹp theo công thức kinh viện. Học thuyết độc hại về việc xử dụng tạo vật mà đi đến với Thiên Chúa (lý thuyết coi công trình tạo dựng là dụng cụ), được Nguyên lý và nền tảng chống đỡ lý thuyết đối nghịch hẳn với nhãn giới sinh thái học (ecological) trong Phật giáo cũng xuất phát từ nền thần học kinh viện thời suy tàn, và trái ngược hẳn với giáo thuyết coi công trình tạo dựng qua nhãn giới bí tích-dấu chỉ, là giáo thuyết hiện rõ trong cuộc linh thao tuyệt đỉnh mang tên: Cuộc chiêm niệm để được tình yêu (LT 230-237), cho dù văn bản viết về cuộc linh thao này có xử dụng một vài từ ngữ kinh viện. Ngay cả trong các cuộc linh thao chủ chốt của Tuần thứ nhất, người làm Linh Thao (người cấm phòng) quen sống với nề nếp cảm thức Phật giáo, cũng sẽ cảm thấy băn khoăn bối rối vì cách thức diễn tả sặc mùi tòa án của nền thần học Latinh chỉ biết nhấn mạnh đến tội lỗi với lại công chính hóa.
Các tu sĩ Dòng Tên thời đầu đã cho Linh Thao dậm chân tại chỗ, coi đó như là một thủ bản tu đức không hơn không kém, để lo đem hết sức lực khai thác thần học kinh viện đến tột mức độ trừu tượng của nó. Ngay cả những vị lỗi lạc như Bellarmino cũng đã nhúng tay vào cách hành động phân tán làm đôi đáng tiếc đó. Vì vậy, những bất đồng tương tự như nói trên đối với tu đức Phật giáo thường là do bầu khí thần học không mấy thích đáng bao quanh Linh Thao mà ra hơn là do chính bản chất của lề lối hành động theo phương thức Inhã. Ngôn ngữ thần học dùng trong Linh Thao có nhiều lúc không nói lên được những gì là cảm thức trong phương pháp tu đức Inhã.
Trong thế ảnh hưởng hỗ tương với tu đức Phật giáo, Linh Thao có thể gợi lên một phương hướng để theo đó mà đi tìm một đường lối thần học Inhã thích đáng. Dù không hoàn toàn thoát khỏi ảnh hưởng của giáo thuyết kinh viện, lối tu đức Tiểu thừa (Theravada) cũng đã giữ lại được khuôn mẫu liệu pháp (therapeutic) nguyên thủy của mình. Đức Phật là một y sĩ chẩn đoán tình cảnh nguy khốn (điều mà người kytô gọi là “tình trạng sa đọa”: fallenness) như là một chứng “khó ở” (disease) trầm trọng kinh niên: dukkha (pain/khổ đau); và nguyên nhân của nó là taneha (greed/lòng tham). đó là hai chân lý cao quý đầu tiên. Chân lý thứ ba xác quyết rằng chứng khó ở không thể chữa lành được nếu không diệt trừ nguyên nhân sinh ra nó; bởi vì chỉ có thể tìm ra được lành mạnh và hoàn hảo ở trong trạng thái không có lòng tham mà thôi! Chân lý thứ tư là liều thuốc; phái thuốc thì ai cũng rõ là con đường trung dung giải phóng khỏi khổ đau, gọi là “con đường tám lối cao quý” (the eightfold noble path); đó là tóm lược nội dung của tu đức nhà Phật; tức là cách thức để nhổ tận gốc lòng tham hay là tính quy ngã (self-centredness).
Coi khuôn mẫu liệu pháp kia như là cách thức cổ xúy cho một lối tu đức theo cá nhân chủ nghĩa, là không đúng. Ngày nay, giới tín đồ Phật giáo cũng như giới tăng ni dấn thân trong các nổ lực đấu tranh giải phóng, đều cố triệt để tận dụng giáo thuyết xã hội dễ nổ còn tiềm ẩn trong huấn giới của Đức Phật. Họ đã chẩn đoán ra rằng lòng tham đúng là nguyên nhân của tình trạng bệnh hoạn trong xã hội hiện nay, nghĩa là khuynh hướng tâm lý hư hỏng này đã được cơ cấu hóa thành ý thức hệ lồng vào giữa một hệ thống xã hội kinh tế bất nhân đến độ cố gắng của những cá nhân riêng rẽ không còn đủ sức để khử trừ khuynh hướng độc hại đó một mình được nữa. Một “cuộc phân tách và thấu hiểu các sự việc đúng với thực chất của chúng” (yathabhutane neana: để dùng câu mà Đức Phật thường nói), cho thấy là cần phải đưa ra một nổ lực chung và có tổ chức thì mới tẩy trừ được lòng tham cơ cấu hóa như thế.
Hệ thống tư tưởng làm hậu cảnh cho cách giải thích trên đây có thể tóm gọn lại như thế này: Đức tính không tham lam (alpecchata, theo nghiã từng chữ muốn nói là: chỉ tìm vừa đủ cho nhu cầu cuộc sống, không chút dư thừa) phải làm nguyên tắc đạo Đức dẫn đường cho mọi hình thức tổ chức xã hội nếu thực sự chúng ta muốn nhổ bỏ tận gốc cảnh cùng cực của hàng “đám quần chúng đang bị áp bức”, tức là dalidda (từ ngữ và ý niệm này đã được kinh thư Phật giáo đưa vào trong các ngôn ngữ của Ấn độ, có lẽ là vì các đạo hữu Phật giáo đã là những người trước tiên thấy rằng tình trạng nghèo khổ của dân chúng là một tệ trạng xã hội. [2] )
Nguyên tắc này cũng là nền tảng của các khuynh hướng thần học giải phóng đang mọc lên tại Á đông: việc thực thi khó nghèo Phúc âm (alpecchata) và nổ lực để loại bỏ nghèo khổ buộc lòng phải chịu (daridrata) có tương quan mật thiết với nhau [3] , bởi vì việc nhổ tận gốc nguyên nhân gây ra bệnh hoạn có nghiã là phải chữa cho lành bệnh hoạn đó đi. Xét cho cùng, Nước Chúa đã chẳng được các người rao giảng Phúc âm đầu tiên giới thiệu như là sứ mạng chữa lành do quyền năng của Thiên Chúa trong Đức Giêsu đó sao? Chẳng phải toàn bộ Phúc âm hằng không ngừng gióng lên sứ điệp nói tới tình trạng sung mãn của con người được đảm bảo một khi sống lại, và được nếm hưởng trước ở đây và trong giây phút này, qua via crucis (con đường Thánh giá) của tình yêu vô vị kỷ và của tinh thần chia xẻ không chút tham lam đó sao?
Đúng thế, Inhã lấy lại ngôn ngữ ấy với ý nghiã của chính từ ngữ “Linh Thao”, được hiểu như là một phương thức để giữ cho “các bắp thịt thiêng liêng” của chúng ta có đủ sức mà hành động (LT 1). Cha Iparraguirre nhận định rằng giữa các nhị thức (công thức đôi) Inhã thường dùng tới khi muốn diễn tả các ý tưởng nòng cốt của Linh Thao, từ “cứu độ” (salvation: LT 1) được ghép liền với từ salud: “sức khỏe” [4].
Vì thế , có người sẽ tọc mạch muốn tìm xem có bao giờ một loại thần học không kinh viện nhưng lại dùng thứ ngôn ngữ liệu pháp, đã đi vào trong tầm tay Inhã chưa. Xem ra lịch sử có thể giải đáp thắc mắc kia.
Cho dù không phải là một thần học gia chuyên môn, Inhã cũng đã có óc thực tiễn đủ để nhận ra rằng cả trong Linh Thao (LT 363) lẫn trong Hiến Pháp Dòng Tên [5], cần phải có một loại “thần học thực chứng” (positive theology) hầu bổ túc cho “thần học kinh viện”. Inhã sẽ giải thích nói rằng loại thần học đầu có khuynh hướng khích lệ “cảm tính”, còn loại sau thì để minh định, dẫn giải và bảo vệ các chân lý chống lại những gì không chính thống (LT 363). Tuy nhiên, các môn đồ của thánh nhân đã tỏ ra hăng say quá độ đối với loại thần học có tính cách thuần lý và biện giáo mà bỏ quên loại thần học thực chứng.
Thực ra, giống như Petau, “ông tổ của thần học thực chứng”, và hơn như Montoya đầy óc sáng tạo, các tu sĩ Dòng Tên đã cố khôi phục phương pháp thực chứng, nhưng lại nhằm vào lúc “thần học thực chứng” đang thời thoái hóa để chỉ đơn thuần giừ vai phục vụ cho phương pháp kinh viện. Cha Congar nói rằng Inhã (cùng với Juan Mair được coi như là người đầu tiên đề cập tới phương pháp song đôi như thế trong tập ông ta bình luận về cuốn Liber Sententiarum [Paris 1509]) đã đề ra cho chúng ta ý niệm sơ khởi về “thần học thực chứng” [6].
Đó là loại thần học hay là một phương pháp nghiên cứu thần học có phản ánh nếp sống tu đức thực tế nữa chứ không phải chỉ dành hết ưu tư cho việc biện giải các tín điều một cách thuần lý. Như vậy, có thể gọi thần học thực chứng là một loại thần học nhắm tới công tác thực thi việc giải phóng con người hay không? Mà thần học có bao giờ là gì khác hơn đâu?
Trong công đồng chung Trentô đã có hai tiếng kêu trong sa mạc biện hộ cho việc phục hồi loại thần học mà cùng với Inhã, chúng ta nhận là “thực chứng” và không-kinh viện. Tiếc thay là hai tiếng kêu ấy đã không phải là tiếng của hai tu sĩ Dòng Tên lúc đó đang phục vụ công đồng trong tư cách là thần học gia giáo hoàng, và đã được hoan hô như là những quán quân của khuynh hướng chủ trương status quo (nguyên trạng). Hai tiếng kêu kia chính là của hai tu sĩ Dòng Biển Đức người Ý: Chiari và Ottoni, nói lên ước mong được thấy giáo hội công giáo Roma cố tránh đừng để cuộc ly khai lúc đó đang ầm ỹ tại tây phương xảy ra, bằng cách loại bỏ đi lối diễn tả tòa án theo dạng thức: tội lỗi, hình phạt, công chính hóa, và bằng cách thu dụng phương thức Kinh Thánh và các giáo phụ dùng mà đặt các vấn đề cần nghiên cứu; chẳng hạn lấy lại mẫu thức của trường phái antiôkia đã được thánh Chrysostomo cũng dùng chính loại ngôn ngữ liệu pháp mà khai triển rộng ra. Hai tu sĩ Dòng Biển Đức [7] khuyến cáo rằng chính loại thần học dùng lối diễn đạt của ngôn ngữ tòa án Lamã đã đẻ ra toàn bộ cuộc cãi vã đáng tiếc về vấn đề Đức tin và công Đức; và không những các nhà thần học công giáo Roma mà thôi nhưng cả các nhà Cải cách nữa cũng đều bị giam hãm ở trong loại thần học đó.
Hai vị tu sĩ này đã bị các người kinh viện ngấm ngầm đả đảo! Không biết hai tu sĩ Dòng Tên có ở trong số những người đã kết án họ là theo “Thệ phản” hay không? Các môn đồ của Inhã cũng nên ngẫm nghĩ mà cân nhắc lại những gì Barry Collett thuật lại trên đây. Thần học Antiôkia được các tu sĩ Biển Đức tỉnh Casino, sống trong vùng từ Messina cho đến Provence duy trì lại, dạy rằng điều chúng ta thừa kế từ Adong thì không phải là lỗi phạm, nhưng là thân phận phải chết, và vì thế , để cho khỏi phải chết đời đời, thì ân sủng của Đức Kytô đã giải thoát chúng ta. Tuy nhiên, cách thức tiến hành trong việc chữa trị qua đó bản tính con người chúng ta đã bị trọng thương được phục hồi nguyên vẹn, sẽ tùy thuộc vào đức tin và công đức của chúng ta.
Nếu Inhã đã có mặt trong đại hội công đồng lúc đó và có đủ vốn liếng mà hiểu tiếng Latinh cho khấm khá, thì chắc chắn thánh nhân đã có thể nhận ra được ngay một loại thần học thực chứng mà phương pháp Linh Thao của ngài đang cần đến. Nếu loại thần học này đã biến mất đi trong thời hậu công đồng bấy giờ [8] , thì có phải là bởi vì Inhã đã không có mặt ở đó để nhận nó làm của mình? Dù sao đi nữa thì cả devotio moderna (lối sùng mộ tân thời: mà thánh nhân hấp thụ từ sách Gương Chúa Giêsu) lẫn lối cấu trúc trong Ejercitatorio của Cisneros (mà xem ra Inhã lấy được từ trên Montserrat) đều đã được nhồi nặn ở trong lò kinh nghiệm của bản thân Inhã để biến thái tận gốc rễ, trở thành một phương tiện mới cho công trình canh tân thiêng liêng trong giáo hội. Có thể vì chỉ liên lạc với Dòng Biển Đức vỏn vẹn có mấy ngày ngắn ngủi ở trên Montserrat thôi, nên Inhã đã kkhông có dịp tiếp xúc với “thần học thực chứng” của Tỉnh Casino mà ảnh hưởng chắc chắn đã lan đến tận đan viện nhỏ bé nằm trên chóp Montserrat. Nếu tình cờ thánh nhân đã gặp được loại thần học như thế, thì chắc hẳn ngài đã trở thành người khai sáng một trào lưu canh tân thần học hệt như ngài đã từng đóng vai trò khai sáng không ai chối cãi được trong phong trào canh tân thiêng liêng.
Cho dù là chỉ được rút ra từ kinh nghiệm Phật giáo của riêng tôi, thì nhận xét kia cũng đáng được coi như là lời phê bình theo tinh thần Inhã đối với truyền thống thần học Dòng Tên. Và bây giờ vẫn chưa phải là quá muộn để có thể phát huy Linh Thao theo chiều hướng thần học thực chứng, ít nhất là ở những nơi gặp phải thách đố khi cần đối thoại với giáo thuyết cứu độ Phật giáo.
(còn tiếp)