Tết về, có nhà để mà nhớ, đã là mừng!

Mỗi lần Tết về là tôi lại “bị ốm, bị bệnh” vì “nhớ nhà, nhớ quê”. Đây đã là cái Tết thứ ba xa đất mẹ, nhưng mà lòng tôi vẫn chưa có quen. Nhắc đến Tết, là lòng người lập tức nhớ về quê hương về gia đình, mọi người như muốn trở lại cội rễ của mình…

Khi có dịp sống cái kinh nghiệm “nhớ nhà” ấy, cũng là lúc tôi có cơ hội lắng nghe, nhìn thấy, và sẻ chia với những mảnh đời rất khác. Tôi còn có nhà có quê để mà nhớ mà thương, có những người chẳng có chi để mà nhớ, thật là!

Gặp gỡ những người bạn tại trung tâm đón tiếp người tị nạn cách trung tâm Roma hơn 10km, tôi có dịp nói chuyện với họ để hiểu hơn, đồng cảm hơn những mảnh đời trong cuộc sống nơi thế giới này.

Em trai mới 18 tuổi, đến từ Bắc Phi, kể rằng: Em đến Italia một mình. Em không thích ở quê nhà vì bố mẹ đòi hỏi này nọ và luôn so sánh em với các anh em bạn bè khác, cộng thêm hoàn cảnh rối ren của đất nước… Thế là, em quyết định hòa vào dòng người hỗn loạn, vượt biển để đi tìm một cơ hội khác, một đời sống khác, bất chấp chuyện sống chết. Em không muốn trở lại quê hương gia đình. Ước mơ trong tương lai của em chẳng có chi: đơn giản là cứ sống và sẽ làm bất cứ công việc gì, còn chuyện gì đến thì đến.

Anh chàng gốc từ Afghanistan tuổi gần 30, kể về một câu chuyện dài. Anh mở smartphone chỉ cho tôi xem quê nhà Afghanistan còn đang hỗn loạn trong các cuộc chiến. Sau đó, chúng tôi xem một cảnh rất đẹp bên sườn núi, cạnh bìa rừng với con suối trong lành. Anh nói là gia đình anh từ đời ông bà, bố mẹ, sống ở đó. Nguồn nước có thể uống trực tiếp từ con suối, uống rất ngon, ngon hơn nước lọc rất nhiều. Anh cũng được sinh ra từ ngôi nhà ấy, vùng đất ấy. Thế nhưng, chẳng mấy chốc, chiến tranh ập đến, và cả ông bà bố mẹ bồng bế con cái (anh hồi ấy còn nhỏ xíu) chạy loạn sang nước Iran và sinh sống tại Iran cho đến nay. Tuy gia đình anh nhiều lần muốn trở lại quê hương Afghanistan, nhưng không được, vì tình hình chính trị Afganistan hãy còn rất khó khăn.

Không nói rõ lý do, nhưng anh cũng nói là tìm cách vào Italia chỉ vì công ăn việc làm. Anh có thể làm nghề liên quan đến các đồ gỗ gia dụng, nhưng sau hơn hai năm ở Italia, anh ngày càng cảm thấy thất vọng hơn, vì chẳng có việc chi cả! Tuy thế, anh cũng chẳng thể đi đâu được, vì giấy tờ pháp lý thì không có. Tôi hỏi: Anh có dự định gì cho tương lai? Anh cười: Chỉ mong một ngày nào đó, có giấy tờ, tôi sẽ rời Italia, để sang các nước khác kiếm việc và hy vọng có thể sống được ở đó.

Tôi trêu chọc thêm: Anh có người yêu chưa, anh định bao giờ sẽ cưới? Anh cười: Thích lắm đấy, nhưng làm gì dám nghĩ đến điều ấy! Thế rồi, anh cũng kể về tục lệ cưới hỏi của quê anh. Anh là người thuộc đạo Hồi, nhưng anh nói không thích đạo Hồi lắm, vì những người thân của anh chỉ theo đạo kiểu tục lệ thôi, chứ chẳng có ai hiểu biết gì về đạo, cũng chẳng thực hành gì những điều họ cầu nguyện. Anh lấy ví dụ, ngày nào người ta cũng cầu nguyện nhiều lần, nhưng rất máy móc, chẳng ý thức gì, và rồi vừa cầu nguyện xong, lại đánh nhau chửi nhau tiếp…

Ở quê anh, mỗi khi anh chàng nào muốn cưới vợ, thì phải có đủ 24 con bò (không biết là lớn nhỏ thế nào), để làm tiệc thiết đãi cả làng, thì mới có thể tổ chức đám cưới được. Tôi cười hỏi lại, nếu thế thì khó khăn quá, làm sao mà cưới được vợ. Có mà anh phải làm đến 10 năm à? Anh lẩm nhẩm tính: Không sao, nếu không có đủ con bò, thì đi làm lấy tiền, rồi lấy tiền mua? Rồi anh chàng bật cười: Ừ, cũng phải đến 10 năm đấy, mới có thể kiếm đủ tiền. Anh kể tiếp: Nhưng mà bây giờ còn khó khăn hơn xưa nữa, vì còn phải cần tiền để xây nhà. Anh chợt nhớ lại và kể tiếp: Đúng là trong số những người thân của tôi, nhiều anh chàng cứ nhìn các cô nàng, rồi các cô nàng nhìn lại các anh chàng, mà không biết phải làm sao, vì không đủ tiền mà cưới hỏi.

Tôi kể cho anh: Quê tôi thì dễ hơn, vì tùy vào hai bạn trẻ và gia đình hai bên. Vì họ có thể cưới nhau, rồi cùng nhau làm ăn kiếm tiền để xây nhà, để nuôi con. Ban đầu họ chưa có tiền, thì cha mẹ gia đình hai bên giúp đỡ, giúp nuôi con, họ có thể ở trong nhà của bố mẹ. Ba thế hệ vẫn có thể sống chung. Sau đó, khi có điều kiện, họ có thể tách ra ở riêng. Nghe xong, anh gật gù: Như thế thì hay thật đấy, mà quê tôi không làm thế được, vì người ta không có phong tục tốt đẹp ấy.

Cười nhẹ một cái, anh kể lể tiếp: Bây giờ, giữa chúng tôi còn khó khăn hơn nữa, khó lấy vợ hơn nữa, vì trước kia phải lao động sau nhiều năm mới đủ tiền cưới vợ. Giờ thì, mới làm ăn và yêu đương được một năm hai năm, là cô người yêu đã bỏ mình để theo anh khác, thế là mình phải bắt đầu lại từ đầu. Cứ như thế vài lần, thì chẳng biết khi nào mình mới chính thức cưới được vợ đây!

… Trở lại thực tế khá phũ phàng, nếu không làm được gì để giúp nhau, thì ít nhất người ta có thể lắng nghe nhau, thông cảm cho nhau… Và tôi tìm thấy một định nghĩa mới về quê hương: đó là nơi mà tâm hồn con người có thể trở về để gặp gỡ nhau, mặc cho biết bao khác biệt và khó khăn.

Tết Kỷ Hợi 2019
Tứ Quyết SJ

Kiểm tra tương tự

Chuyên đề: “Nuôi dưỡng và thể hiện sự tự tin”

  Bạn thân mến! Sự tự tin là một trong những phẩm chất cần thiết …

Câu hỏi về ơn gọi dâng hiến_Kỳ 1: Vấn đề cũ và mới

Trong khi số lượng ơn gọi giảm dần ở Châu Âu cũng như ở Châu …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *