Lời Thiên Chúa – Phần IV (tt)

7. NHỮNG CÔNG CỤ GIẢI THÍCH KINH THÁNH

Để giải thích Kinh Thánh, các học giả dùng nhiều kỹ thuật nhằm giúp họ khám phá ý nghĩa của nó. Ở đây, chúng ta sẽ tóm tắt sơ lược một vài phương pháp này:

a. Phân tích văn chương (hoặc phê bình). Kinh Thánh bao gồm nhiều “thể loại văn chương.” Những thể loại này bao gồm lịch sử tôn giáo, thần thoại, thơ ca, các tin mừng, thánh thư, v.v. Để hiểu những gì chúng ta đang đọc, chúng ta nhất thiết cần phải hiểu hình thức văn chương của nó. Ví dụ, sách Gióp trong Cựu Ước nói về việc Thiên Chúa giáng những đau đớn không thể tin được trên Gióp để thử lòng tin của ông. Đây là một câu chuyên hư cấu tuyệt vời nhằm truyền đạt sứ điệp mang ý nghĩa tôn giáo về những đau khổ và ý muốn của Thiên Chúa. Nếu đọc câu chuyện này như là một biến cố thực sự diễn ra sẽ là một sai lầm, và chúng ta hầu chắc sẽ không bắt được ý chính của câu chuyện. Tương tự như thế, mười một chương đầu của sách Sáng Thế đôi khi bị xem là “thần thoại.” Đây là một thể loại văn chương rất đặc biệt. Thần thoại không có nghĩa là “không đúng sự thật,” dù đôi khi được sử dụng như thế. Thần thoại là một thể loại văn chương tìm cách suy tư về những mầu nhiệm của cuộc sống ngang qua việc sử dụng những câu chuyện. A-đam và E-và, Ca-in và A-ben và Nô-ê không phải là những nhân vật lịch sử, và chúng ta có thể giải thích sai câu chuyện nếu chúng ta nghĩ rằng họ là những nhân vật lịch sử.

b. Phân tích lịch sử. Đây là một thuật ngữ khái quát để mô tả việc nghiên cứu về thời gian, văn hóa, các quốc gia xung quanh, và những ảnh hưởng trên tác giả Kinh Thánh. Việc nghiên cứu này đặc biệt quan trọng vì chúng ta tin rằng Thiên Chúa hoạt động trong và ngang qua lịch sử, chứ không phải trong một khoảng không vô định. Vì thế, nỗ lực hiểu và giải thích các sách lịch sử và ngôn sứ trong Cựu Ước, cũng như nhiều sách của Tân Ước (xem bên dưới) là điều đặc biệt hữu ích. Ngày nay các học giả có cơ hội tiếp cận được nhiều thông tin lịch sử hơn các thế hệ trước vì những phát hiện to lớn trong ngành khảo cổ học của thế kỷ hai mươi.

c. Phê bình biên tập. Người biên soạn là một người biên tập và trong trường hợp này là tác giả Kinh Thánh. Kỹ thuật phê bình biên tập cố gắng tập trung vào ý hướng của tác giả. Kỹ thuật này cho rằng tác giả sẽ xây dựng tác phẩm của ông ta theo những bận tâm của mình. Ví dụ, bốn tin mừng trong Tân Ước phản ánh những hình ảnh khác biệt (cũng như tương tự) của Đức Giêsu và những hình ảnh này thường được hình thành do các quan tâm của người viết.

d. Nghiên cứu ngôn ngữ Kinh Thánh. Cựu Ước nguyên thủy được viết bằng tiếng Do Thái. Tân Ước được viết bằng tiếng Hy Lạp. Các học giả thường qui về ngôn ngữ gốc của bản văn Kinh Thánh và nhờ đó có thể hiểu được nghĩa gốc của các từ ngữ tốt hơn.

 8. KINH THÁNH CỰU ƯỚC

Kinh Thánh của Công Giáo có bốn mươi sáu quyển trong phần Kinh Thánh Cựu Ước (cũng được gọi là Kinh Thánh Do Thái). Kinh Thánh Công Giáo có bảy quyển không có trong Kinh Thánh Do Thái và Tin Lành. Những quyển này thuộc Bản dịch bảy mươi (bản dịch tiếng Hy Lạp của Kinh Thánh Do Thái) và được chấp nhận bởi Hội Thánh Công Giáo như những quyển sách được linh ứng, nhưng sau này bị loại bỏ bởi truyền thống Do Thái và bởi anh em Tin Lành. Truyền thống Do Thái chia bộ sách Kinh Thánh thành ba loại: Luật, các ngôn sứ và tác phẩm thánh. Kinh Thánh của Kitô giáo chia làm bốn loại và gọi là:

  1. Ngũ Thư (tiếng Hy Lạp có nghĩa là năm quyển sách) hoặc Torah
  2. Những sách lịch sử
  3. Những sách ngôn sứ
  4. Văn chương khôn ngoan

Cựu Ước là câu chuyện của một dân tộc đi vào tương quan giao ước với Thiên Chúa. Họ là một “dân được tuyển chọn” không phải vì họ trổi vượt hơn những dân tộc khác, nhưng vì họ đã được Thiên Chúa chọn để trở nên ánh sáng cho các dân tộc khác, và là dấu chỉ cho Thiên Chúa vĩ đại của họ.

Ngũ Thư trình bày nguồn gốc ban đầu của dân tộc này. Bộ sách này bắt đầu với một “tiền lịch sử” trong Sáng Thế 1-11 trình bày việc sáng tạo thế giới, sự hài hòa giữa Thiên Chúa và tạo thành của Ngài bị phá hủy, và nói về các Tổ Phụ, Ápraham, Isaác và Giacóp. Sách Xuất Hành trình bày những biến cố trung tâm của lịch sử dân tộc Do Thái: thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập, giao ước được thiết lập với Môsê trên núi Sinai (1250 BC), và cuộc hành trình đi vào đất hứa. Nó cũng bao gồm những cốt lõi của luật. Luật này hướng dẫn dân Ítraen đi theo đường lối của Thiên Chúa.

Các Sách sử trình bày phần lớn lịch sử của Ítraen. Sau khi xuất hành ra khỏi Ai Cập, họ đi lang thang trong sa mạc bốn mươi năm trước khi đi vào đất hứa dưới sự lãnh đạo của Giô-suê. Mười hai chi tộc Ítraen từng là những đồng minh không mấy khăng khít và từng bước phát triển thành đất nước Ítraen thống nhất. Dưới thời vua Đavít và Salômôn (1020-930 BCE), Ítraen đạt đến cực thịnh trong lịch sử dân tộc của mình. Giai đoạn cực thịnh này kéo dài trong một thời gian ngắn cho đến khi cuộc nội chiến chia dân tộc thành hai vương quốc phía bắc Ítraen và phía nam Giu-đa. Vương quốc phái bắc chỉ kéo dài trong khoảng hai trăm năm trước khi bị tiêu diệt bởi người Assyria hùng mạnh. Giu-đa tiếp tục tồn tại nhưng phải thuần phục Assyria. Khi Babylon đánh bại Assyria, các vua của Giu-đa chống lại sự thống trị của Babylon, bị Babylon trừng phạt và bị lưu đày, đây là cuộc lưu đày Babylon (khoảng năm 586 BC). Cuộc lưu đày kéo dài khoảng gần năm mươi năm trước khi vua Batư là Xirô chiến thắng người Babylon và cho phép người Do Thái hồi hương. Sau khi trở về, người Do Thái vẫn chịu sự cai quản của người Batư. Ết-ra và Nê-hê-mia dẫn đầu một cuộc cải cách tôn giáo. Cuộc cải cách này đã đưa đến những thực hành vẫn còn ảnh hưởng trên Do Thái giáo hiện đại. Năm 332 BCE, Alexander đại đế đã chinh phục vùng Trung Đông và tích cực truyền bá văn hóa Hy Lạp giữa người Do Thái. Năm 175 BCE, nhà Macabê đã nổi dậy và dành được độc lập trong một khoảng thời gian ngắn. Giai đoạn độc lập kết thúc vào năm 63 BCE khi người Rôma chiếm đóng Palestine. Cuối cùng người Rôma cho Hêrôđê cả, một người Do Thái điều hành đất nước Ítraen thay cho họ. Ông này là vua vào thời gian Đức Giêsu sinh ra. (Các Sách Sử không ghi lại lịch sử thống trị của người Rôma, nhưng chỉ ghi chép những sự kiện cho tới cuộc khởi nghĩa của anh em nhà Macabê).

Các sách ngôn sứ thường được chia thành các ngôn sứ lớn và các ngôn sứ nhỏ. Việc phân chia này chính yếu dựa trên chiều dài của quyển sách, mặc dầu cũng nhờ một vài yếu tố khác. Các ngôn sứ là những phát ngôn viên vĩ đại của Thiên Chúa, những người kêu gọi Dân Chúa trở về trung thành với Thiên Chúa và với giao ước.

Văn chương khôn ngoan không giống như những quyển sách khác trong Cựu Ước vì nhiều lý do. Trong các sách khôn ngoan, những chủ đề lớn về giao ước và lịch sử cứu độ ít được quan tâm. Thay vào đó, chúng quan tâm nhiều hơn vào những vấn đề tôn giáo có ảnh hưởng đến tất cả mọi dân tộc. Các sách khôn ngoan tiếp cận những vấn đề trên theo phương pháp đậm tính chiêm niệm và triết lý.

9. TÂN ƯỚC

 Với cuộc đời, cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu, người Kitô hữu tin rằng Thiên Chúa đã ký kết một giao ước mới với dân của ngài. Tân Ước là tập hợp những tác phẩm thánh vào thời Giáo Hội sơ khai và phản ánh niềm tin của Hội Thánh vào Đức Giêsu. Những tác phẩm thánh này được Giáo Hội tuyển chọn và trở thành Kinh Thánh của Giáo Hội. (Những quyển sách chính thức thuộc về Kinh Thánh được gọi là “qui điển.”)  Trong Tân Ước có hai mươi bảy quyển và thuộc bốn thể loại văn chương khác nhau:

  1. Bốn Tin Mừng
  2. Hai mươi mốt thư
  3. Một sách lịch sử tôn giáo
  4. Một sách thuộc “văn chương khải huyền”

 Các Tin Mừng. Bốn Tin Mừng (Mát-thêu, Mác-cô, Lu-ca, Gio-an) có một vị trí quan trọng đặc biệt trong Tân Ước. Trong Tin Mừng, chúng ta có thể tìm thấy những giáo huấn và lời rao giảng của Hội Thánh sơ khai về Đức Giêsu trong hình thức văn viết. Thuật ngữ “Phúc âm” có nghĩa là tin mừng. Tin mừng này trải qua ba giai đoạn phát triển:

  1. Thứ nhất, là chính giáo huấn và đời sống của Đức Giêsu. Ngài gọi sứ điệp của Ngài là phúc âm, là tin mừng về tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa.
  2. Thứ hai, là giáo huấn và lời rao giảng của Giáo Hội sơ khai, được gọi là truyền thống truyền khẩu. Những câu chuyện được Đức Giêsu kể và kể về Đức Giêsu được truyền khẩu từ cộng đoàn này sang cộng đoàn khác.
  3. Thứ ba, là các phúc âm được viết ra. Một cách chung, các học giả chấp nhận rằng tin mừng theo thánh Mác-cô được viết trước tiên, và sau đó Mát-thêu và Lu-ca đã dùng tin mừng của Mác-cô để hình thành nên tin mừng của riêng mình (ba tin mừng này có cùng một cấu trúc và được gọi là “tin mừng nhất lãm”). Gio-an là tin mừng cuối cùng, và đã sử dụng nhiều truyền thống khác nhau. Tin mừng của ngài rất khác với ba tin mừng còn lại. Quả thật cả bốn tin mừng đều đưa ra một cái nhìn độc đáo về con người và sứ điệp của Đức Giêsu. (Chúng ta sẽ xem xét điều này kỹ hơn trong chương bàn về Đức Giêsu.)

 Có lẽ sự sai lầm lớn nhất là cho rằng các tin mừng như những quyển tiểu sử. Chúng không phải là những quyển tiểu sử. Chúng được viết ra nhằm giúp các Kitô hữu tiên khởi hiểu biết ý nghĩa về Đức Giêsu và các giáo huấn của ngài. Chúng không quan tâm nhiều đến các chi tiết lịch sử cụ thể. Tuy nhiên, các sách tin mừng cung cấp cho chúng ta những sự kiện lịch sử về đời sống, giáo huấn và cái chết của Đức Giêsu.

 Tông Đồ Công Vụ là một quyển sách trong Tân Ước và có thể được xem như một quyển “lịch sử tôn giáo.” Sách này được thánh sử Lu-ca viết và là tác phẩm thứ hai của ngài. Sách kể về câu chuyện của Hội Thánh tiên khởi, tập trung trước hết vào cộng đoàn Giêrusalem và sau đó vào các hành trình truyền giáo của Phaolô. Sách này không phải là sách lịch sử cũng như sách Tin Mừng không phải là những quyển tiểu sử vì chúng được viết dưới quan điểm của đức tin. Lu-ca muốn cho thấy kỷ nguyên mới của lịch sử đã bắt đầu: đó là kỷ nguyên của Thánh Thần. Công Vụ Tông Đồ trình bày quyền năng của Thánh Thần trong hành trình Hội Thánh phát triển từ một giáo phái nhỏ ở Giêrusalem và sau đó lan rộng khắp vùng Trung Đông. Quyển sách của ngài kết thúc với việc Phaolô đến ở Rôma, với ngụ ý cho thấy sứ điệp của Đức Kitô đã được loan đi tới trung tâm của thế giới.

 Các Thư. Các thư là “những quyển sách” chiếm số lượng lớn nhất trong Tân Ước. Tuy nhiên, chúng không được viết như những quyển sách. Chúng là những lá thư được viết cho các cộng đoàn khác nhau của Hội Thánh sơ khai. Các thư này có thể được phân chia thành các thư của Phaolô và các thư “Công Giáo.” Những thư Phaolô khẳng định Phaolô là tác giả. Phaolô là nhà truyền giáo và thần học gia vĩ đại của Giáo Hội sơ khai. Ngài viết thư cho nhiều cộng đoàn ngài đã viếng thăm. Trong các lá thư này, chúng ta có thể có được cái nhìn đầy đủ về đức tin, cũng như những bận tâm của các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi. Nhiều học giả đặt vấn đề liệu rằng Phaolô đã thật sự viết tất cả các lá thứ được gán cho ngài hay không. Các thư “Công Giáo” không có ý nói đến Hội Thánh Công Giáo. “Công Giáo” ở đây có nghĩa là phổ quát. Chúng nhắm đến các cộng đoàn Kitô hữu nói chung chứ không nhắm đến một cộng đoàn cụ thể nào. Thư gửi tín hữu Do Thái không thực sự thuộc vào cả hai nhóm này, nhưng vì được xem là thư của Phaolô, nên chúng ta sẽ liệt kê nó vào nhóm thư Phaolô.

 Sách khải huyền là một quyển sách ưa thích của các nhà đạo diễn Hollywood. Từ sách Khải Huyền họ lấy ra những biểu tượng cho nhiều phim như “Điềm Báo,” (The Omen) “Dấu Chỉ Thứ Bảy,” (The Seventh Sign) và nhiều phim khác. Đọc quyển sách này vào thế kỷ hai mươi là một việc rất khó khăn và gây bối rối. Nó thuộc hình thức “văn chương khải huyền.” Loại văn chương này mang tính biểu tượng cao và thường được viết vào những thời gian khủng hoảng (giống như sách Đanien trong Cựu Ước). Sách Khải Huyền được viết khi Hội Thánh bị bách hại bởi đế quốc Rôma. Nhiều biểu tượng ám chỉ đến kẻ thù nhằm tấn công người Rôma. Thật là không may, nó đã bị lạm dụng rất nhiều trong thế kỷ hai mươi này. Một số người khẳng định những biểu tượng trong sách ám chỉ các biến cố đang xảy ra ngày hôm nay. Điều này sai chệch với lý do vì sao quyển sách đã được viết ra trong thời kỳ của nó. Sách Khải Huyền khuyến khích người Kitô hữu hy vọng khi phải đối diện với các khó khăn đen tối nhất, và theo nghĩa ấy, nó có thể trở thành quyển sách cho mọi thế hệ.

(còn tiếp)

Kiểm tra tương tự

Âm nhạc: Chìa khóa nuôi dưỡng tâm hồn và nhân cách

  Shinichi Suzuki đã thay đổi cách giáo dục âm nhạc cho trẻ em. Nhờ …

Tại sao lễ Chúa Hiển Linh được coi là lễ hội ánh sáng?

  Lễ Chúa Hiển Linh tập trung cách đặc biệt vào thực tại Chúa Giêsu …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *