Lời Thiên Chúa – Phần IV (tt)

10. KINH THÁNH NƠI CỘNG ĐOÀN KITÔ HỮU

 Gần hai ngàn năm qua Kinh Thánh liên tục nói với những ai tìm kiếm lắng nghe Lời Thiên Chúa. Kinh Thánh là một quyển sách liên tục nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng của người Kitô hữu cũng như của người Do Thái. Nó là kho tàng tri thức và khôn ngoan trong tương quan của chúng ta với Thiên Chúa. Nếu Kinh Thánh là lời sống động cho chúng ta, thì chúng ta phải học cách sử dụng để cầu nguyện và chiêm niệm. Một học giả Kinh Thánh dù biết chi tiết về Kinh Thánh nhưng không biết những ý nghĩa thâm thúy nhất của nó, thì quả thật người ấy biết rất ít về Kinh Thánh.

 Phản tỉnh cá nhân và thảo luận:

 Bạn có đặc biệt thích “câu nói” nào trong Kinh Thánh không? Đó là câu nào? Nó có ý nghĩa gì đối với bạn?

 11. PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

 Lời Chúa trong phụng vụ thánh lễ hàng tuần bao gồm những đoạn trích từ Kinh Thánh. Thường thì các bài đọc bao gồm:

 Một đoạn Cựu Ước

– Một Thánh vịnh (đọc theo hình thức đối đáp)

– Một đoạn thánh thư từ Tân Ước

– Một đoạn trích từ một trong các Tin Mừng

 Trong suốt một năm, các bài đọc giống nhau đều được đọc mọi nơi trong Giáo Hội Công Giáo trên khắp thế giới. Giáo Hội dùng “chu kỳ” ba năm của các bài đọc và được ghi trong một quyển sách được gọi là sách các bài đọc. Năm A (các năm 1993, 1996, 1999, v.v.), Tin Mừng theo thánh Mat-thêu được đọc vào Chúa nhật. Năm B (1994, 1997, v.v.), Tin Mừng theo thánh Mác-cô được đọc. Năm C (1992, 1995, v.v.), Tin Mừng theo thánh Lu-ca được đọc. Ngoài ra, hàng năm Tin Mừng theo thánh Gio-an được đọc trong suốt mùa Phục sinh (bảy tuần từ Phục sinh cho đến lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống).

Các bài đọc Cựu Ước và thánh vịnh được chọn sao cho phù hợp với chủ đề của đoạn Tin Mừng (ví dụ: tha thứ, đức tin, tình yêu của Thiên Chúa, v.v.). Thánh thư có thể không liên quan với chủ đề này. Chúng ta lần lượt đọc các lá thư và không cần phải quan tâm liệu chúng có phù hợp với chủ đề của bài Tin Mừng hay không.

Linh mục hoặc phó tế có vai trò giảng giải về ý nghĩa của các bài đọc được áp dụng cho thời đại của chúng ta hôm nay như thế nào. Các bài đọc được sử dụng suốt năm là cách thức tuyệt vời để phát triển tương quan của chúng ta với Thiên Chúa.

 Phản tỉnh cá nhân và thảo luận

 Bạn đang sống trong năm phụng vụ nào? Các bài đọc cho Chúa nhật tới là những bài nào (hãy tìm trong sách các bài đọc, hoặc tìm trong Kinh Thánh, hoặc tra cứu trong lịch Công Giáo)? Đâu là chủ đề chính của bài Tin Mừng? Bài đọc Cựu Ước liên hệ với bài Tin Mừng như thế nào?

 12. KINH THÁNH VÀ CẦU NGUYỆN

 Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng hầu hết người trưởng thành và thanh thiếu niên cầu nguyện theo một vài kiểu mẫu nào đấy. Nhưng cầu nguyện là gì? Cách đơn giản, cầu nguyện là gặp gỡ Thiên Chúa. Một phần của sự gặp gỡ này là nói cho Thiên Chúa biết điều gì đang diễn ra trong tâm trí của chúng ta. Nhưng một phần của cuộc gặp gỡ này cũng là lắng nghe: cố gắng “lắng nghe” điều Thiên Chúa đang nói với chúng ta. Một cách để có thể lắng nghe là suy gẫm Lời Chúa. Đây là một vài đề nghị có tính thực hành cho việc phát triển đời sống cầu nguyện với Kinh Thánh:

 Lập kế hoạch cho các bài đọc bạn sẽ đọc. Mở Kinh Thánh và đọc bất cứ đoạn nào gặp được thì thật không khôn ngoan chút nào.

  1. Tìm một nơi yên tĩnh sao cho bạn có thể tự do thoát khỏi sự chia trí.
  2. Thư giãn. Cố gắng thả lỏng chính mình. Nhắm mắt lại, hít vào thật sâu và chậm rãi trong khoảng hai hoặc ba phút.
  3. Đọc đoạn Kinh Thánh bạn đã chọn.
  4. Tự hỏi các điểm sau: Đoạn Kinh Thánh này cố nói với tôi điều gì? Nó có thể áp dụng cho cuộc sống của tôi vào lúc này như thế nào? Đừng tạo áp lực cho mình bằng cách cố gắng tìm hiểu đoạn Kinh Thánh này sẽ thay đổi bạn ra sao. Hãy kiên nhẫn. Hãy hỏi: hôm nay tôi có thể đáp lại lời mời gọi của đoạn Kinh Thánh này như thế nào? (Bạn có thể tham khảo một tập san suy tư ngắn gọn về các bài đọc)
  5. Kết thúc với việc tâm sự bằng con tim, xin Chúa giúp sức để thực thi Lời Ngài.
  6. Đừng luôn mong sẽ có những cảm xúc dạt dào. Đôi khi chúng ta có thể cảm thấy Thiên Chúa rất gần gũi hoặc Ngài rất xa vời. Nên nhớ cầu nguyện là một sự dấn thấn và là một tương quan.
  7. Đừng từ bỏ. Nếu bạn ngừng cầu nguyện vì một lý do nào đó, thì đừng sợ quay lại với việc cầu nguyện. Có lẽ bạn cần sự ngắt quãng đó. Hãy nhớ rằng Thiên Chúa thích bạn trở lại hơn là bạn vắng mặt.
CÁC  SÁCH TRONG KINH THÁNH

 Cựu Ước (Các sách được in nghiêng được tìm thấy trong Kinh Thánh Công Giáo nhưng không thấy trong Kinh Thánh của Do Thái hoặc Tin Lành)

 Ngũ Thư (Luật):                      

Sáng thế, Xuất hành, Lêvi, Đệ nhị luật, Dân số

 Các Sách Lịch Sử:                    

Giô-suê, Giu-đa, 1 và 2 Sa-mu-en, 1 và 2 Các Vua, 1 và 2 Sử biên niên, Ét- ra, Nơ-khe-mi-a, Rút, Ét-te, Ai-ca, Giu-đi- tha, Tô-bi-a, Ba-rúc, 1 và 2 Ma-ca-bê,

Văn Chương Khôn Ngoan:  

Gióp, Thánh Vịnh, Châm ngôn, Giảng viên, Diễm ca, Huấn ca, Khôn ngoan của Sa-lô-môn

Các Ngôn Sứ –  Lớn:                

I-sai-a, Giê-rê-mi-a, Ê-dê-ki-en, Đa-ni-en

Các Ngôn Sứ – Nhỏ:               

Hô-sê, A-mốt, Ô-va-đi- a, Giô-na, Mi-kha, Na-khum, Kha-ba-cúc, Xô-phô-ni-a, Khác-gai, Da-ca-ri-a, Ma-la-khi

Tân Ước

Tin Mừng:                                

 Mát-thêu, Mác-cô, Lu-ca, Gio-an

Lịch sử tôn giáo:                      

 Tông đồ công vụ

Các thư –Phao-lô:                 

Rô-ma, 1 và 2 Cô-rin-tô, Ga-lát, Ê-phê-xô, Phi-lip-phê, Cô-lô-xê, 1 và 2 Thê-xa-lô-ni-ca, 1 và 2 Ti-mô-thê, Ti-tô, Phi-lê-môn, Do-thái

Các Thư –Công Giáo:             

Gia-cô- bê, 1 và 2 Phê-rô, 1, 2 và 3 Gio-an, Giu-đa

Văn chương khải huyền:         

Sách khải huyền

 

  Câu hỏi ôn tập

  1. Định nghĩa mặc khải
  2. Thiên Chúa truyền thông với tạo vật của Ngài như thế nào?
  3. Người Kitô hữu tin sự tròn đầy của mặc khải của Thiên Chúa là gì?
  4. Định nghĩa Truyền Thống
  5. Đâu là sự khác biệt giữa chú giải theo chủ nghĩa duy văn tự và chú giải theo bối cảnh?
  6. Đâu là ý nghĩa của việc phân tích văn chương, lịch sử và biên tập của Kinh Thánh?
  7. Cựu Ước được chia làm bốn phần, đó là những phần nào?
  8. Đâu là biến cố then chốt hình thành nên Ítraen như là Dân Thiên Chúa?
  9. Một ngôn sứ là gì?
  10. Trong Cựu Ước, thể văn khôn ngoan khác biệt với các sách khác như thế nào?
  11. “Qui điển” của Kinh Thánh là gì?
  12. Đâu là bốn thể loại văn chương có thể tìm thấy trong Tân Ước?
  13. Mô tả ba giai đoạn phát triển của bốn Tin Mừng.
  14. Đâu là chủ đề chính của sách Công Vụ Tông Đồ?
  15. Một lá thư là gì? Đâu là sự khác biệt giữa một thư Phaolô và một thư Công Giáo?
  16. Văn chương khải huyền là gì? Đâu là điểm chính của sách Khải huyền?
  17. Bốn bài đọc trong thánh lễ thường được lấy từ đâu? 

Kiểm tra tương tự

Giáo hội và Thuyết Tiến hóa: Câu chuyện về cuốn sách bị lên án

  Trong loạt bài về Giáo hội và Khoa học, chúng ta sẽ xem xét …

Âm nhạc: Chìa khóa nuôi dưỡng tâm hồn và nhân cách

  Shinichi Suzuki đã thay đổi cách giáo dục âm nhạc cho trẻ em. Nhờ …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *