“Lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao? (26.4.2020 – Chúa Nhật III Phục Sinh, năm A)

 

“Lòng chúng ta
đã chẳng bừng cháy lên sao?
(Lc 24, 13-35)

 

13 Cũng ngày hôm ấy, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Em-mau, cách Giê-ru-sa-lem chừng mười một cây số.14 Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra.

15 Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ.16 Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người.17 Người hỏi họ: “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy? ” Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu.

18 Một trong hai người tên là Cơ-lê-ô-pát trả lời: “Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giê-ru-sa-lem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay.”19 Đức Giê-su hỏi: “Chuyện gì vậy? ” Họ thưa: “Chuyện ông Giê-su Na-da-rét. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân.20 Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá.21 Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi.22 Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm,23 không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống.24 Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói; còn chính Người thì họ không thấy.”

25 Bấy giờ Đức Giê-su nói với hai ông rằng: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ!26 Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?27 Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh.

28 Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giê-su làm như còn phải đi xa hơn nữa.29 Họ nài ép Người rằng: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn.” Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ.30 Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ.

31 Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất.32 Họ mới bảo nhau: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao? “

33 Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giê-ru-sa-lem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó.34 Những người này bảo hai ông: “Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-môn.”35 Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.

(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)

 

Kinh nghiệm gặp gỡ Đức Ki-tô Phục Sinh của hai môn đệ xẩy ra trên hành trình từ Giê-ru-sa-lem đi Emmau và từ Emmau trở về Giê-ru-sa-lem. Hành trình gồm ba « chặng », xắp xếp theo cấu trúc đối xứng như sau : A (Bỏ đi hay nhóm phân tán), B (Nhận ra Đức Ki-tô phục sinh), A’ (Trở lại hay nhóm tái qui tụ).

 

(A) Bỏ đi (c. 13-27)

GIÊRUSALEM

(A’) Trở về (c. 33-35)

 

è     è

 

 

 

EMMAU
(B) Nhận ra Đức Ki-tô Phục Sinh
(c. 28-32)

 

ç     ç

 

  1. Ba chặng của hành trình

Khi cầu nguyện, hãy hình dung ra hai môn đệ trên hành trình từ Giê-ru-sa-lem đi Emmau và từ Emmau trở về Giê-ru-sa-lem, như được trình bày ở trên, dáng đi, vẻ mặt và tâm tình của hai môn đệ như thế nào khi bỏ đi, nhưng sau đó được biến đổi như thế nào lúc trở lại ; lúc đi : trời sáng lòng tối ; lúc về, trời tối, lòng sáng. Và tại sao có sự thay đối lớn lao như thế ? Kinh nghiệm nào, đã làm cho hai môn đệ được “tái sinh”?

Chính kinh nghiệm nhận ra sự hiện diện của Đức Ki-tô phục sinh (phần B), khởi từ ơn hiểu Sách Thánh và qua đó hiểu mọi sự dưới sáng của mầu nhiệm Vượt Qua và khởi từ dấu chỉ bẻ bánh, có sức mạnh thay đổi hướng đi khởi đi từ những thay đổi nội tâm sâu sa, mà chúng ta có thể gọi là ơn “tái sinh” và những biến đổi ở mọi cấp độ.

Trên đường về làng Emmau: “Họ đang trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xẩy ra” (c. 14), dáng đi nặng nề và “vẻ mặt buồn rầu” (c. 17). Tại sao vậy? Bởi vì « ngũ quan » của họ khép kín, bị ngăn chặn không mở ra với những thực tại vô hình, họ chỉ nhìn vào các biến cố một cách khách quan và cục bộ : tất cả những gì đã và vừa xẩy ra (c. 19-24) là chết rồi, là thất bại, là ngõ cụt, là thất vọng, là không khởi đi từ đâu và cũng không dẫn tới đâu. Vì thế, họ mất hướng đi và không tìm ra ý nghĩa cuộc đời. Chúng ta chắc chắn đã và đang có những kinh nghiệm tương tự như hai môn đệ Emmau: trò với nhau (hay “viết nhật kí”!) về “tất cả những sự việc mới xẩy ra”, nhưng với vẻ mặt “buồn rầu”.

Hai người trong nhóm các môn đệ, một trong hai người tên là Cơ-lê-ô-pát. Hai người này không thuộc nhóm các Tông Đồ, có thể nói là những người đi theo Đức Ki-tô “bình thường” như mỗi người chúng ta. Nhưng Đức Ki-tô Phục Sinh lại ưu ái họ đến như thế, như thể mỗi người trong họ, mỗi người trong chúng ta là “người môn đệ được Đức Giê-su thương mến”.

 

Đức Kitô Phục Sinh tiến đến gần và cùng đi với họ, cách lặng lẽ, vô danh, lên tiếng tỏ bầy sự quan tâm đến vấn đề của hai môn đệ trước khi giải thích:

Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?

Và Ngài sẽ đồng hành với họ đến tận nơi họ muốn đến, ngĩa là đến tận cùng. Đức Kitô vẫn tiếp tục làm như thế đối với chúng ta, ngang qua nhiều trung gian, nhất là những người thân yêu, những người có trách nhiệm, những người đồng hành trong đời sống cộng đoàn, trong giai đoạn huấn luyện, trong hành trình đức tin, lúc tĩnh tâm… Trong lời kể của người môn đệ tên Cơ-lê-ô-pát, có tất cả:

  • Cuộc đời của Đức Giê-su.
  • Niềm hi vọng; cuộc Thương Khó.
  • Lời chứng phục sinh.

Nhưng lại thiếu một điều quan trọng nhất, đó là kinh nghiệm gặp gỡ đích thân Đấng Phục Sinh. Người sẽ lấp đầy chỗ trống này cho hai môn đệ, trên hành trình “bỏ cuộc” về Emmau. Đó là hành trình đức tin của chúng ta, mỗi ngày và suốt đời.

 

  1. Ba thay đổi
  2. Thay đổi hướng đi. Toàn bộ câu chuyện được kể lại trong trình thuật Emmau được lồng vào trong một quá trình thay đổi hướng đi : hai môn đệ đi từ Giê-ru-sa-lem đến Emmau và từ Emmau trở về Giê-ru-sa-lem. Và trình thuật trình bày cho chúng ta những lí do sâu xa làm cho hai môn đệ thay đổi hướng đi.
  3. Thay đổi ý nghĩa cuộc đời. Nhưng, thay đồi hướng đi còn là hình ảnh diễn tả một thay đồi khác, đó là thay đổi ý nghĩa cuộc đời. Thực vậy, ban đầu, hai môn đệ không hiểu ý nghĩa của các biến cố, « mắt họ bị ngăn cản », buồn rầu, kết quả là họ muốn bỏ cuộc. Nhưng sau đó, họ hiểu được ý nghĩa của các biến cố, nhận ra Đức Ki-tô phục sinh và tìm lại được niềm vui, kết quả là họ trở lại để tiếp tục dấn thân. Cuộc đời của họ giờ đây trở nên có ý nghĩa.
  4. Thay đổi ngũ quan. Và thay đổi ý nghĩa cuộc đời còn giả định một thay đổi khác nữa, là thay đổi ngũ quan. Bởi vì, từ nay, hai môn đệ sẽ có thể nhìn, nghe, cảm, nếm và đụng mọi sự một cách mới mẻ ; nghĩa là không còn như các sự vật hay biến cố vô nghĩa, nhưng như các dấu chỉ nói về sự hiện của Đức Ki-tô phục sinh. Nhờ sự thay đổi ngũ quan, mà từ đây, họ có thể nhận ra điều vô hình trong những điều hữu hình, có thể sống thiết thân trong bình an và niềm vui với Đức Ki-tô phục sinh, không còn bằng tương quan thể lí nữa, nhưng với sự hiện diện vô hình của Ngài.

 

  1. Ba kinh nghiệm

Những thay đổi chúng ta vừa nêu đã không thể xẩy ra một cách trực tiếp, nhưng là kết quả của cả một hành trình dài, được tượng trưng bởi con đường từ Giê-ru-sa-lem đến Emmau. Và trên hành trình này, đã diễn ra ba kinh nghiệm thiêng liêng, nguồn của những thay đổi.

 

  1. Kinh nghiệm nhận ra Đức Ki-tô qua dấu chỉ « Kinh Thánh »

Trên đường Em-mau, hai môn đệ trách Đức Kit-tô là không biết (c. 18); và sau khi nghe họ kể chuyện xong, Ngài trách họ là không hiểu: “Các anh chẳng hiểu gì cả… Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao? (c. 25-26). Sau đó, “bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh”. Và sau khi họ nhận ra Ngài, lúc Ngài bẻ bánh, họ nói với nhau: “Dọc đường, khi người nói chuyện và cởi mở Kinh Thánh cho chúng ta, con tim chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao. Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giê-ru-sa-lem?” (c. 32-33).

 

 

à         à
SÁCH THÁNHCon tim bừng cháyĐỨC KI-TÔ
đã chết và phục sinh
ß        ß
Lựa chọn: đổi hướng đi
Hành trình Em-mau

 

Như thế, lời giải thích của Đức Ki-tô phục sinh về sự tương hợp giữa mầu nhiệm Vượt Qua của Ngài và Sách Thánh không chỉ đem lại cho hai môn đệ một sự hiểu biết, nhưng, qua đó, còn tạo ra nơi tâm hồn các ông một kinh nghiệm, kinh nghiệm “con tim bừng cháy”. Như thế, việc hiểu Sách Thánh được hoàn tất nơi Đức Giêsu đã phải đi ngang qua chốn sâu thẳm của tâm hồn, và làm cho sinh động mọi gốc rễ của tâm hồn, để có thể làm cho “con tim bừng cháy”. Vậy thì tại sao người nghe, là hai môn đệ và hôm nay đến lượt chúng ta, lại thấy mình có liên quan, thấy mình được đánh động bởi sự kiện Đức Ki-tô hoàn tất Sách Thánh cổ xưa?

Gương vâng phục của Đức Giêsu đối với Cha của Ngài có lẽ chưa đủ, vì chúng ta vẫn còn ở bên ngoài. Chúng ta thấy mình có liên quan, bởi vì sự vâng phục của Đức Giêsu đối với Chúa Cha được bày tỏ ra cho Ngài ngang qua con người. Kế hoạch của Chúa Cha được ghi khắc ở đâu, nếu không phải là trên con người, trên toàn thể một dân tộc có trước Ngài? Hẳn là kế hoạch này được viết trong một cuốn sách; nhưng nếu các trang sách biết nói, đó là bởi vì chúng qui về những cuộc đời cụ thể, giống như cuộc đời cụ thể của chúng ta, và Thiên Chúa đã dùng những cuộc đời cụ thể này để ghi khắc trên đó kế hoạch Ngài thiết lập cho Đức Kitô của Ngài. Và, vì dân tộc này giống như chúng ta, con tim chúng ta có thể “bừng cháy” khi chúng ta nhận ra nơi con người và cuộc đời của mình hành trình Vượt Qua của Đức Ki-tô.

Sách Thánh, và dưới ánh sáng của Sách Thánh, là chính cuộc đời chúng ta, vẫn được Đức Ki-tô giải thích và soi sáng bởi mầu nhiệm Vượt Qua của Ngài mỗi ngày trong Thánh Lễ.

 

  1. Kinh nghiệm nhận ra Đức Ki-tô qua dấu chỉ “Bẻ Bánh”

Dấu chỉ Bẻ Bánh là điểm tới của hành trình “giải thích Sách Thánh”, đó là bởi vì ơn huệ “bánh hằng ngày”, vốn hướng tới “Bánh Hằng Sống”, là điểm tới của sáng tạo và lịch sử cứu độ, được ghi lại trong Sách Thánh. Thực vậy, theo Tv 136, ơn huệ “bánh” (được dịch là “lương thực”, trong câu 25) là điểm tới của công trình sáng tạo (c. 4-9; x. St 1, 29), và của lịch sử cứu độ (c. 10-24; mục đích cuộc Xuất Hành là đi tới Đất Hứa, “nơi chảy sữa và mật ong”; x. Tv 81).

Dấu chỉ “bẻ bánh” là Bí Tích Thánh Thể. Chắc chắn rồi. Điều này cho thấy hành vi « bẻ bánh » trong cuộc đời của Đức Ki-tô và nhất là trong Bữa Tiệc Ly, gắn liền với ngôi vị của Ngài và đã ăn sâu vào tâm trí các môn đệ, đến độ, khi nhìn thấy cách thức Ngài bẻ bánh và dâng lời chúc tụng, là họ nhận ra Ngài ngay. Nhưng với khung cảnh của trình thuật Emmau, chúng ta cần mở rộng dấu chỉ này ra ngoài đời thường nữa, ra cõi hiện sinh nữa. Dấu chỉ “bẻ bánh” còn là bữa ăn hằng ngày, nơi đó chúng ta nhận ra ơn huệ Thiên Chúa ; và ơn huệ lương thực đã loan báo cho chúng ta ơn huệ Lương Thực đặc biệt là chính Đức Ki-tô.

« Bẻ bánh » còn là dấu chỉ tình thương nhưng không, tình thương hiến dâng, tình thương hi sinh ; vì thế, sự hi sinh trong đời sống gia đình, và sự dâng hiến trong đời tu là một dấu chỉ “bẻ bánh”, qua đó chúng ta làm chứng về sự hiện diện của Đức Kitô phục sinh, sự hiện diện có tầm mức sáng tạo và lịch sử cứu độ, sự hiện diện làm cho cuộc đời của chúng ta có ý nghĩa, có hướng đi, sự hiện diện cuốn hút chúng ta, đến độ chúng ta có thể hi sinh và từ bỏ để sống trọn vẹn ơn gọi của mình, ơn gọi gia đình hay ơn gọi dâng hiến.

 

  1. Kinh nghiệm nhận ra Đức Ki-tô qua dấu chỉ « Hiệp Nhất »

Bấy giờ, hai môn đệ từ Emmau trở về, thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.

Trước khi trở thành chứng nhân, chúng ta được mời gọi mở lòng ra để lắng nghe các chứng nhân. Và điều này phải làm chúng ta ngặc nhiên : kinh nghiệm này cũng phải có, ngay cả đối với các tông đồ, vốn là các chứng nhân ưu tuyển ! Thật vậy, trước khi trở thành chứng nhân, chính các tông đồ cũng đã phải trải qua kinh nghiệm lắng nghe các chứng nhân khác, vốn đã được ban ơn nhận ra Đức Ki-tô phục sinh trước. Đó là chứng từ của thánh nữ Maria Mác-đa-la (Mc 16, 11 và Ga 20, 18) ; chính vì thế bà được Truyền Thống Giáo Hội tặng ban tước hiệu « Tông đồ của các Tông Đồ » ; và đó cũng là chứng từ của hai môn đệ từ Emmau trở về.

Chúng ta hãy lắng nghe và đi vào tâm tình của các chứng nhân chia sẻ kinh nghiệm gặp gỡ Đức Ki-tô phục sinh : hai môn đệ đã chia sẻ với tất cả niềm xác tín và niềm vui như thế nào ? Và các ông đã ước ao thông truyền kinh nghiệm của mình như thế nào ? Đức tin và ơn gọi của chúng ta cũng dựa trên lời chứng của Giáo Hội và của rất nhiều người xa gần.

Trong Tin Mừng theo thánh Mác-cô (16, 9-15), Đức Ki-tô phục sinh khiển trách các tông đồ không tin và cứng lòng, vì các ông không tin lời của các chứng nhân. Như thế, Chúa rất coi trọng việc chúng ta làm chứng cho nhau : lời của của người khác dành cho chúng ta, lời chứng của chúng ta dành cho người khác. Tại sao Chúa coi trọng lời chứng như thế ? Bởi vì, chính Ngài hiện diện nơi lời chứng và lòng tin và chúng ta trao ban cho nhau, để nối kết chúng ta nên một, làm cho chúng ta được hiệp nhất. Sự hiệp nhất, từ đó phát sinh đời sống cộng đoàn và sứ mạng loan báo Tin Mừng, được dệt nên bởi việc chia sẻ những kinh nghiệm gặp gỡ với Đấng Phục Sinh ; và chính Đấng Phục Sinh hiện diện trong mối tương quan hiệp thông giữa các môn đệ của Ngài.

 

*  *  *

Và chính khi chúng ta nên một, chúng ta trở thành hình ảnh đích thực của Thiên Chúa Ba Ngôi, vì Thiên Chúa Ba Ngôi là Một, là Tình Yêu. Và đây chính là nguồn sức mạnh và là nền tảng của lời loan báo Tin Mừng.

 

Lm Giuse Nguyễn Văn  Lộc

Kiểm tra tương tự

Tông Đồ Cầu Nguyện, 18-01-2025

TÔNG ĐỒ CẦU NGUYỆN, NGÀY 18/1/2025 CÙNG CHÚA GIÊ-SU BUỔI SÁNG Trái tim đón nhận …

Mến Yêu Hằng Ngày, 18-01-2025

MẾN YÊU HẰNG NGÀY Thứ 7, 18-01-2025 (Mc 2,13-17) Đức Giê-su lại đi ra bờ …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *