Lòng Thương Xót Chúa trong tâm hồn – Bài gẫm nhật ký của Thánh nữ Faustine, số 1614
Tháng 2 năm 1939, chị thánh Faustine đã viết cho cha linh hướng Sopocko trong khi chị rất đau đớn vì bệnh tật và yếu sức:
“Hôm nay, một chị đến thăm con và nói rằng: ‘Thưa chị, em cảm thấy như có cái gì đó cứ thúc giục em đến với chị và tin tưởng gửi gắm những vấn đề của em trước khi chị qua đời. Chị có thể giúp em điều chỉnh và đạt được Ân Sủng của Chúa Giê-su. Có cái gì đó cứ không ngừng nhắc em rằng chị có thể làm được điều đó.’ Con đã trả lời cách thành thật rằng: ‘Đúng vậy, em cũng cảm nhận được rằng linh hồn em sau khi chết có thể nài xin Chúa Giê-su được nhiều hơn lúc này. Em sẽ nhớ đến chị khi em được đứng trước ngai toà Chúa’.” (NK số 1614)
Suy niệm :
Đây là cuộc gặp gỡ giữa người nữ tu với chị thánh Faustine vài tháng trước khi chị thánh qua đời. Cuộc gặp gỡ ấy tạo nên một khung cảnh đầy xúc động với tình liên đới thiết tha, thánh thiện. Thánh Phao-lô đã viết trong thư gửi giáo đoàn Rô-ma rằng: “Không ai trong chúng ta sống cho chính mình cũng như không ai chết cho chính mình” (Rm 14,7). Chúng ta cũng hãy nhớ lại khung cảnh được tường thuật trong sách Công Vụ Tông Đồ. Hồi ấy, dân thành Giê-ru-sa-lem đặt các bệnh nhân của họ dọc theo những con đường mà thánh Phê-rô sẽ đi qua, vì họ hy vọng người bệnh sẽ được chữa lành nhờ bóng hình của vị Tông Đồ Cả đổ xuống trên họ. Một niềm tin thật đáng ngưỡng mộ! Nhưng thánh Phê-rô đã nghĩ gì về điều này? Mặc dù Đức Giê-su ban ngài cho chức vụ Tông Đồ Trưởng. Cùng với các Tông Đồ, Thánh Phê-rô đã được Chúa sai đi để rao giảng và chữa lành, thế nhưng trên những con đường đó, ngài vẫn không khỏi bối rối khi chứng kiến những gì Chúa đã thực hiện nơi mình và nơi dân thành Giê-ru-sa-lem.
Có thể chính chị thánh Faustine cũng đã trải qua kinh nghiệm bối rối chẳng khác gì thánh Phê-rô, khi chị được người khác đến xin mình chuyển cầu cho họ trước Ngai Toà Thiên Chúa. Và đôi lúc, chính chúng ta cũng đi vào cùng một kinh nghiệm như thế. Có khi vì vị thế của chúng ta, hay có khi vì đời sống thiêng liêng của chúng ta có sức truyền cảm hứng khiến người khác tin tưởng và xin chúng ta cầu nguyện cho họ. Và có khi trong lòng vang lên lời tự vấn: “Lạy Chúa Giê-su, nhưng con là ai mà người ta tin tưởng rằng lời cầu nguyện của con có thể chạm tới Lòng Thương Xót Chúa?”
Thực ra, đó là một cơ hội, một ân huệ Thiên Chúa ban cho chúng ta. Và khi ấy, miệng lưỡi chúng ta hãy cất lời ca tụng Chúa: “Ôi, lạy Thiên Chúa của con, con chúc tụng Ngài, bởi Ngài đã mang anh em con đến gần con và mời gọi con hãy mang vác họ trên vai.” Đức Giê-su cần sự tin tưởng của những người đến với chúng ta và cả của chúng ta nữa để Ngài hành động, để Ngài bước được vào thế giới của những tâm hồn ấy mà không cần “bẻ gãy” cánh cửa tâm hồn họ, và Ngài sẽ biến đổi tâm hồn ấy từng chút, từng một. Ngài biến đổi từng chút một, nhưng đó sẽ là biến đổi tận căn.
Chúng ta cần phải tìm thấy sức mạnh nội tâm để tin vào sự thật, tin vào điều ta sẽ nói với những người tìm đến chúng ta: “Quả thực! đừng lo lắng gì cả, Thiên Chúa sẽ hành động trong bạn. ”Và quả thực, điều này không đơn giản chút nào vì không ai xứng đáng để nói như thế. Nhưng những môn đệ của Chúa thì không thể chối từ việc khẩn nài với Thầy Chí Thánh. Và đặc biệt khi chính Chúa “là” những người bệnh đang nằm dọc đường, hồn tông đồ nơi người môn đệ không cho phép họ khước từ. Cần phải công nhận rằng chúng ta chỉ là những khí cụ trong tay Chúa, và chính Chúa mới là Đấng thực hiện hành vi cứu giúp. Như thế, Chúa muốn chúng ta thực hiện chức năng khí cụ trong tay Ngài. Ngài không muốn chúng ta băn khoăn rằng liệu chúng ta có xứng đang để thi hành sứ vụ đó hay không. Chuyển cầu, đó là chấp nhận trở nên một người “lái đò” vô danh, một thùng phiếu, nơi người ta đặt những lời cầu nguyện mà ta không cần biết rõ về họ, cũng không cần biết là Thiên Chúa có ban cho họ điều họ khấn xin hay không. Đơn giản chỉ là một thùng phiếu kín. Tuần Cửu nhật kính Lòng Thương Xót Chúa được Đức Giê-su đọc cho chị thánh Faustine vào tháng 8 năm 1937, ghi lại trong những đoạn 1209 và sau đó được phổ biến bởi cha Sopocko, gợi cho chúng ta cách thức cầu nguyện với Đức Giê-su cho những linh hồn chìm ngập và nhấn chìm trong đại dương thương xót của Chúa, mà không cần đến những bản diễn văn dài dòng:
Hãy đặt mình trong những suy niệm, hay thực tế hơn, đặt mình trước bức tranh Lòng Thương Xót và đọc một lời nguyện ngắn cách khẩn nài như lời nguyện dưới đây:
“Lạy Chúa Giê-su từ ái, xin đoái nhìn đến những linh hồn người nhờ con để được đến gần Người hơn. Này đây trên tay con những linh hồn đang run rẩy và sợ hãi khi một mình đến với Người. Con xin dâng hiến họ trong trái tim Chúa, nơi vọt lên những tia sáng của sự sống. Lạy Chúa Giê-su, xin đặt họ trong trái tim Người và nhấn chìm họ trong đại dương thương xót bao la. Và giờ đây, linh hồn đó sẽ được chìm đắm trong Lòng Thương Xót của Người, con biết điều đó, và biết rằng linh hồn ấy sẽ không còn phải sợ hãi điều gì nữa.”
Lối hành xử của các Tông đồ đã chỉ cho chúng ta thấy cách thức để xoá bỏ những đắn đo, những bất xứng của mình, để sẵn sàng chuyển cầu cho anh chị em chúng ta. Và chính Đức Giê-su đã đề nghị và mời gọi chúng ta “chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng”. Đó cũng là hình ảnh cộng đoàn tín hữu đầu tiên có thể đưa ra những lời chứng và họ cũng “được toàn dân thương mến.” (Cv 2, 42 và 47)
Bài viết được độc giả gửi đến dongten.net
______________________________________________________
Tác giả: Isabelle Kamaroudis & Pierre Sokol
Chuyển ngữ: Mai Anh
Nguồn: Bài viết từ Đền Thánh Lòng Thương Xót Chúa tại nhà thờ giáo xứ Gallardon, nước Pháp.
Hình ảnh: Internet
Hãy gửi ý cầu nguyện của bạn!
Bạn có thể gửi những ý cầu nguyện của bạn qua hộp thư điện tử: [email protected] hoặc qua bưu điện.
Chúng tôi sẽ để những ý cầu nguyện của các bạn trước bức tranh Lòng Thương Xót Chúa và trước Thánh Tích của 3 vị Thánh.
Những ý cầu nguyện này sẽ được cầu nguyện bởi cha Dominique Aubert hoặc bởi Pierre Sokol, giáo dân được thánh hiến, tông đồ của Lòng Thương Xót, sau đó sẽ được gởi mỗi tháng một lần đến Cracovie, trước mộ của Thánh Faustine bởi Pierre Sokol.
Chúng tôi sẽ cầu nguyện cho những ý cầu nguyện của các bạn với chuỗi Lòng Thương Xót Chúa vào 15h mỗi ngày.
Vào lúc 18h mỗi thứ sáu hàng tuần, chúng tôi sẽ dâng thánh lễ cầu nguyện cho những ý chỉ của các bạn.