Bức tranh “ Người đàn bà ngoại tình” là tác phẩm tranh sơn dầu được vẽ vào năm 1653 do hoạ sĩ người Pháp tên là Nicolas Poussin sanh năm 1594 tại Normandy, nước Pháp.
Và bức tranh này hiện nay được trưng bày trong Musée du Louvre thành phố Paris, nước Pháp.
Mời bạn hãy nhìn xem bầu trời xanh biếc trong sáng với vài cụm mây trắng bao quanh ngôi Đền Thờ, đưa lòng người thật thanh thản an bình của một buổi sáng sớm là nơi Chúa Giê-su đang giảng dạy cho toàn dân. Hoà khí này bị tan biến đi vì tiếng la hét của đám đông, họ bắt được một tội nhân cần nghe lời Chúa Giê-su phán quyết.
Phía tay phải của Chúa Giê-su có năm người đàn ông là các kinh sư và người Pha-ri-sêu dẫn đến trước mặt Chúa Giê-su một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng giữa, rồi nói với Người: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình, trong sách Luật, ông Môi-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá người đàn bà đó. Còn Thầy,Thầy nghĩ sao? (Ga 8, 3-5)
Khi các kinh sư và người Pha-ri-sêu bắt gặp được người phụ nữ đang ngoại tình thì không biết người đàn ông dang díu với chị ta đang ở đâu? vì việc này chỉ xảy ra được khi có hai người, hành động của các kinh sư và Pha-ri-sêu không đủ bằng cớ để buộc tội người phụ nữ, nhưng họ nhất quyết bắt chị này đến hội đường để xem cách xét đoán của Chúa Giê-su và tìm cớ để hãm hại Ngài, vì nơi họ không chỉ đơn thuần nhằm tố cáo người phụ nữ nhưng chủ yếu là gài bẫy bắt Chúa Giê-su.
Phía sau lưng Chúa Giê-su có một người phụ nữ bồng một em bé đứng xa xa nơi nhóm người tố cáo người phụ nữ ngoại tình, có phải chăng đây là người chị, là người em của bà hay người láng giềng đang xót thương cho thân phận người phụ nữ này sẽ phải bị ném đá cho đến chết, còn đứa con nhỏ bé này có thể là con của chị thì sẽ ra sao? Chị ta vừa lo lắng sợ hãi nhưng tấm lòng chị quảng đại thương cảm cho số phận của người phụ nữ này.
Phía tay trái của Chúa Giê-su cũng có năm người đàn ông, ba người trong nhóm họ cũng đang tranh cải, họ hỏi nhau xem Chúa Giê-su viết gì trên mặt đất, vì từ khi họ đem người phụ nữ đến, Chúa vẫn lặng thinh viết trên đất những gì mà họ không hiểu, vì thế họ tranh cải càng lúc càng to tiếng hơn về lề luật của người Do Thái, chữ viết của Chúa Giê-su khiến bầu không khí trở nên hổn loạn tranh chấp và họ chỉ muốn dùng lề luật để kết án người phụ nữ này.
Chúa Giê-su mặc chiếc áo màu xanh dương trông thật điềm đạm thanh tĩnh với áo khoát màu đỏ là sắc thái của tình yêu, Ngài đứng dậy nhìn mọi người với đôi mắt tràn đầy thương cảm, tay trái Ngài chỉ vào người phụ nữ và tay phải Chúa chỉ xuống đất những dòng chữ đã viết, đôi môi Ngài mở ra và nói cùng mọi người: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi” (Ga 8,7)
Lời nói vừa rồi và thái độ bình tĩnh thinh lặng của Chúa Giê-su làm cho đám đông thức tỉnh vì không ai trong họ hay chúng ta không phạm tội, và họ không còn lên tiếng nữa trả lại bầu không khí thật im lặng và từ từ lần lượt bỏ đi hết, kẻ trước người sau bắt đầu từ những người lớn tuổi nhất. Ở hai bên bức tranh hai người đàn ông đã ở trong tư thế bỏ đi.
Cuối cùng, chỉ còn lại một mình Đức Giê-su và người phụ nữ thì đứng ở giữa. (Ga 8, 9)
Chị phụ nữ bị bắt quỳ gối trước hội đường và công chúng với mảnh áo không đủ che tấm thân, gương mặt chị diển tả một sự ăn năn hối lỗi, chị cuối gầm mặt xuống xấu hổ với tội mình đã lỗi phạm, đôi mắt như muốn nhắm chặt lại không dám nhìn lên trời cao vì chẳng còn gì để hy vọng, đôi môi mở ra lấp bấp lời van xin: hãy tha thứ cho tôi vì đã trót nghe lời ngon ngọt của ma quỷ xúi dục…xin xin xin hãy tha thứ cho tôi.
Sự thinh lặng của Chúa Giê-su là một nhịp cầu của lòng thương xót tràn đến tâm tư của người phụ nữ khiến tâm hồn chị cũng hối lỗi và đang mong chờ lời nói của Ngài cho số phận của mình. Chúa Giê-su ngẫng lên mà nói : họ đâu cả rồi ? không ai lên án chị sao? Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về nhà đi và từ nay đừng phạm tội nữa! (Ga 8,10-11)
Thôi chị cứ về nhà đi và từ nay đừng phạm tội nữa!
Lời của Chúa Giê-su đã tác động vào tấm lòng người phụ nữ lúc bấy giờ mang nhiều cảm xúc pha lẫn niềm vui, vì bà tưởng chừng mình sẽ phải bị chết đi, nhưng lại được cứu sống.
Lời Chúa nói đã chạm đến trái tim người phụ nữ khi bà rơi vào hoàn cảnh nguy khốn này.
Và ngang qua tình yêu của Đức Giê-su, bà như được trải nghiệm ơn tha thứ lòng nhân từ và thương xót của Thiên Chúa dành cho bà.
Qua câu chuyện này con nhìn lại đời sống của chính mình cũng đã bao phen nguy nan khốn khó vì tội lỗi, đã lỗi phạm đến tình yêu nhân hậu lòng thương xót của Thiên Chúa, xin Ngài tha thứ để con được sống trong ân tình của Ngài ban cho con qua lời Thánh Vịnh
“Chúa là Đấng từ bi nhân hậu,
Người chậm giận và giàu tình thương.
chẳng trách cứ luôn luôn, không oán hờn mãi mãi.
Như đông đoài cách xa ngàn dặm,
tội ta đã phạm, Chúa cũng ném thật xa ta” (Tv 103, 8-9.12).
Maria Nguyễn Thị Thương.
Ottawa ngày 28.03.2022