Một bạn trẻ đã đến gặp tôi và hỏi: Thưa Cha, tại sao người Công giáo không đọc các chương và câu khi họ đọc Lời Chúa trong Thánh lễ? Sau đó cậu ta tiếp tục: Mục sư của con nói với con rằng, bởi vì người Công giáo không muốn mọi người biết Kinh thánh và biết sự thật, đó là lý do tại sao họ không đọc số chương và số câu. Tôi quay sang bạn trẻ ấy và mỉm cười. Sau đó, tôi nói với cậu ta, nếu con biết câu trả lời rồi tại sao con còn hỏi Cha? Cậu ta đáp lại rằng bởi vì câu trả lời của vị Mục sư không thuyết phục cậu ta.
Sau đó tôi nói với cậu ta: Trước tiên Cha xin đính chính lại với con một điều. Người Công giáo không phải là đọc Lời Chúa mà là công bố Lời Chúa trong Thánh lễ. Việc đọc có nghĩa là chỉ nhìn và hiểu ý nghĩa của các ký tự hoặc biểu tượng được trình bày, trong khi công bố chính là để loan báo. Những gì người Công giáo làm là công bố Lời Chúa từ Kinh Thánh. Mỗi người Công giáo đã có Lịch Phụng vụ hoặc Sách lễ có chứa tất cả các bài đọc. Do đó, nhìn chung mọi người Công giáo đều biết các bài đọc của ngày 17 tháng 3 năm 2021 sẽ đến từ đâu chứ không chỉ các bài đọc trong ngày hay ngày sau. Như vậy, lẽ ra người Công giáo phải đọc các bài đọc tại nhà trước khi đến tham dự Thánh lễ.
Khi chúng ta đến tham dự Thánh Lễ, chỉ có thừa tác viên đọc sách và Linh Mục hoặc Phó Tế mới được phép công bố Lời Chúa từ bản văn. Mỗi người phải lắng nghe người công bố Lời Chúa, không đọc Lời Chúa từ bản văn của mình bởi vì tại thời điểm đó, chúng ta không phải đang diễn tập. Vào lúc đó, chúng ta đang công bố Lời Chúa và mọi người phải lắng nghe. Đó là lý do tại sao sau khi thừa tác viên đọc sách công bố xong, họ kết thúc bằng câu ĐÓ LÀ LỜI CHÚA và sau khi Linh mục hay Phó tế công bố xong bài Phúc Âm, họ cũng kết thúc bằng câu ĐÓ LÀ LỜI CHÚA. Khi chúng ta đọc số chương và câu của Lời Chúa, chúng đang khuyến khích cộng đoàn mở sách Kinh Thánh ra để đọc theo. Việc làm này, chúng ta không phải công bố Lời Chúa nữa, mà là đọc Lời Chúa.
Trong phần Phụng vụ Lời Chúa, chúng ta công bố Tin Mừng. Giống như cách Êxơra đã làm trong sách Nêhêmi 8, 2-9 và dân chúng đã lắng nghe và thậm chí đã khóc. Vì vậy tất cả chúng ta phải lắng nghe, để LỜI CHÚA có thể in sâu vào lòng chúng ta. Sau đó, những từ ngữ trong bài Tin mừng sẽ được linh mục làm rõ hơn qua bài giảng. Bài giảng này có đặc điểm là giáo huấn, làm người nghe thích thú và cảm động. Điều này đã xảy với dân Israel trong sách Nêhêmi 8, 9. Chính qua LỜI đã đưa dân Israel đến một hành động yêu thương, sau đó Ngôi Lời đã trở nên người phàm nơi bàn tiệc Thánh Thể (Gioan 1,14) mà chúng ta được lãnh nhận qua bí tích Thánh Thể. Nơi bí tích Thánh Thể, chúng ta trở nên Lời Thiên Chúa Hằng Sống.
Sau đó tôi hỏi anh bạn trẻ, con có hiểu không? Cậu ta chỉ im lặng, không thốt nên lời.
Tác giả: Lm. Harvey Chikumbu
Nguồn: https://zambianobserver.com/why-dont-catholics-call-the-chapter-and-verses-while-reading-the-bible-at-mass-fr-harvey-chikumbu/ (12.3.2021)
Chuyển ngữ: Jos. Đăng Vũ
Kính thưa cha, con rất cảm ơn cha đã giải thích và con cũng đồng quan điểm nhưng thưa cha, khi qua Mỹ (44 năm) các nhà thờ đều có sách cho giáo dân đọc theo. Con thấy lạ vì ở Việt Nam trong nhà thờ không có sách để giáo dân đọc theo hay là theo giỏi. Vì bất cứ Quốc Gia nào đọc/ công bố Lời Chúa bằng tiếng của họ thì ai cũng hiểu. Vậy kính thưa cha. Các nhà thờ bên Mỹ đúng hay sai? Xin cha cho giải thích giúp con. Con xin cảm ơn cha rất nhiều.